Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Nhìn lại mối liên kết “3 nhà” sau nhiều vụ nông dân bị nợ tiền mua lúa

Thanh Phê - Trần Hiếu: Thứ ba 04/06/2024, 09:20 (GMT+7)

Vụ lúa vừa qua, người nông ĐBSCL tiếp tục có lời khi giá lúa gạo ở mức cao. Thế nhưng, nhiều nông dân tại Cà Mau, An Giang lại kém vui khi thương lái, doanh nghiệp đã “nhận lúa” nhưng không trả tiền, khiến người dân bất an...

Vụ lúa vừa qua, người nông ĐBSCL tiếp tục có lời khi giá lúa gạo ở mức cao. Thế nhưng, nhiều nông dân tại Cà Mau, An Giang lại kém vui khi thương lái, doanh nghiệp đã “nhận lúa” nhưng không trả tiền, khiến người dân bất an. Những sự việc liên tiếp xảy ra cho thấy mối liên kết “3 nhà” rất dễ bị đứt gãy, cần phải có giải pháp chặt chẽ để đảm bảo lợi ích của các bên...

Gia đình anh Nguyễn Phương Tính ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau thuê 10 công ruộng làm. Vào tháng 7/2023, anh thu hoạch vụ lúa Hè – Thu được hơn 7 tấn. Anh bán lúa cho thương lái ở tại địa phương tên Hồ Minh Hoàng được hơn 53 triệu đồng. Đến nay thương lái chưa trả tiền cho gia đình anh.

Hơn 20 triệu đồng chi phí vụ mùa đó anh Nguyễn Phương Tính phải đi làm thuê làm mướn lấy tiền trả cho đại lý nhưng đến nay vẫn chưa trả hết: Ông Hoàng lại mua lúa xong, ông nói cho ghe đi đi, rồi ổng rút tiền về đưa. Tới nay chưa trả đồng nào luôn. Tôi vẫn còn nợ tiền phân, tiền thuốc, tiền cầy,… giờ đi làm thuê kiếm tiền trả cho người ta chứ biết làm sao đâu.

Vụ lúa Hè - Thu năm 2023 có nhiều hộ dân ở xã Khánh Bình Tây Bắc bán lúa cho thương lái Hồ Minh Hoàng. Hộ ít thì vài chục triệu, hộ nhiều hơn 100 triệu. Có những hộ không được trả đồng nào như anh Tính, cũng có những hộ được trả 1 phần tiền. Ông Nguyễn Văn Sử, người bán 152 triệu đồng tiền lúa nhưng mới lấy được hơn 1/3 số tiền, cho biết: Tôi cắt 2 miếng đất, thương lái nói để cắt miếng đất sau thanh toán luôn. Rồi sau đó, lần trả được vài triệu, lần nhiều được 15 triệu. Tổng mới trả được 60 triệu, đến nay không trả đồng nào nữa, đi đâu mất tiêu luôn.

Theo chia sẻ của những người dân bán lúa, thương lái Hồ Minh Hoàng là người địa phương, mọi người đều quen biết nên mới tin tưởng bán lúa. Ban đầu ông Hoàng hứa bán lúa xong sẽ trả tiền, nhưng sau đó khất lần, khất lượt. Đến nay, người này đã đi đâu không ai biết và không liên lạc được. Ông Dương Văn Phục ở xã Khánh Bình Tây Bắc, chia sẻ: Bán lúa cho nó tính ra là hơn 100 triệu, nó trả được 30 triệu rồi đi đâu mất tích luôn. Điện thoại cũng không liên lạc được. Tôi đâu có tiền trả tiền phân thuốc cho người ta, phải đi vay mượn trả cho đại lý.

Không chỉ những hộ dân nêu trên mà còn nhiều người dân khác tại xã Khánh Bình Tây Bắc bán lúa không được trả tiền. Nông dân trồng lúa chỉ bám víu vào nguồn thu này để trả chi phí vụ mùa và trang trải cuộc sống gia đình nên bà con đang gặp rất nhiều khó khăn; có những hộ đã trình báo đến Công an địa phương để được giải quyết.

Không chỉ người dân gặp khó mà những doanh nghiệp lớn, có tiếng trong lĩnh vực lúa gạo cũng đối mặt những khó khăn nhất định. Mới đây, ngày 21/5, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đã phản hồi về việc nợ tiền mua lúa của bà con nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau sự cố dòng tiền và tái cấu trúc tài chính. Tập đoàn Lộc Trời cho hay, từ đầu vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, đơn vị đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất lúa với tổng diện tích hơn 50.000 ha tại khu vực ĐBSCL. Đến giữa tháng 4, đơn vị đã mua trên 300.000 tấn lúa, tổng giá trị gần 2.500 tỷ đồng, tổng số tiền đã trả cho bà con nông dân trên 2.000 tỷ đồng.

Lý giải về việc nợ thanh toán tiền lúa cho nông dân một số địa phương trong vùng, Tập đoàn Lộc Trời cho rằng do một số biến động khách quan từ các khách mua gạo và ngân hàng. Ngày 20/5, Lộc Trời đã phối hợp với ngân hàng thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu với bà con nông dân. Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cũng đã gửi lời xin lỗi đến bà con nông dân vì sự cố vừa qua.

Liên kết sản xuất lớn chính giải pháp phát triển bền vững nhất không chỉ cho ngành lúa gạo mà cho nhiều ngành sản xuất khác. Tuy nhiên, hiện số doanh nghiệp liên kết được chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Bởi chính là bài toán cân đối kinh phí để duy trì bộ máy khi liên kết. Với một doanh nghiệp xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn gạo mỗi năm thì diện tích liên kết tương đương tới hàng trăm nghìn héc ta, đội ngũ lao động đi theo chuỗi cũng rất đông. Thêm vào đó, vấn đề bao tiêu đòi hỏi doanh nghiệp phải có lượng lớn tiền mặt khi vào mùa vụ. Điều này đòi hỏi phải có chính sách tài chính đặc thù cho doanh nghiệp lúa gạo.

Ở góc độ doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo, bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát cho rằng: Người cung ứng, xuất khẩu gặp rất là khó về tình trạng hợp đồng với khách nước ngoài, có hợp đồng thì mới có cơ sở để giải ngân. Cho nên phần này nếu được có tiếng nói mời lại ngân hàng, doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp xuất khẩu để ngồi lại trau đổi một cái cách làm mới, ngồi lại với nhau được ông nhà nước tài trợ nữa, được người có tiếng nói vô nữa làm mới có cuộc sống an toàn, an toàn cho doanh nghiệp, cũng an toàn cho ngân hàng và cho người dân nữa.

Theo các chuyên gia, khó khăn nhất của nông nghiệp nước ta hiện tại là đầu ra. Không có đầu ra ổn định, người nông dân luôn luôn bị bấp bênh. Một vấn đề nữa là giữa người nông dân và doanh nghiệp không có gắn kết với nhau chặt chẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mỗi khi vào vụ thu hoạch.

Liên kết sản xuất là giải pháp phát triển bền vững cho ngành lúa gạo. (Thanh Phê/Mekong FM)

Liên kết sản xuất là giải pháp phát triển bền vững cho ngành lúa gạo. (Thanh Phê/Mekong FM)

Liên kết chặt chẽ trên cơ sở chia sẻ lợi nhuận và rủi ro sẽ mang lại sự ổn định cả về sản lượng và chất lượng, tạo nền tảng cho xuất khẩu gạo đi vào bền vững và giá trị cao. Tuy nhiên, với những gì diễn ra thời gian qua cho thấy, mối liên kết giữa các nhà còn thiếu bền chặt, rủi ro cho các bên là rất lớn.

Có một thực tế là dù xuất khẩu gạo tăng kỷ lục, giá cao nhưng đời sống của người trồng lúa vẫn còn nhiều khó khăn, còn doanh nghiệp xuất khẩu thì không ít công ty rời thị trường hoặc rơi vào vòng xoáy thua lỗ. Nguyên nhân được các chuyên gia lý giải do ngành gạo chưa chủ động được nguồn vật tư đầu vào, giá cả chưa được kiểm soát chặt chẽ, luôn ở mức cao, chuỗi liên kết sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, thiếu tính bền vững; chưa đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Ngoài ra, liên kết 3 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp và Nhà nước) thời gian qua khó thực hiện, vẫn còn xảy ra tình trạng “bẻ kèo” giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác nên hiệu quả liên kết sản xuất- tiêu thụ nông sản chưa đạt được như kỳ vọng.

Khó khăn là vậy, nhưng ở góc độ nào đó thì liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tình thế hiện nay. Điều quan trọng hơn là trong chuỗi sản xuất lúa gạo không chỉ nông dân có lời mà doanh nghiệp cũng phải có lãi. Muốn làm được, nông dân cần tăng quy mô nông hộ, tập trung, tích tụ đất lúa, liên kết hợp tác sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn và hình thành các hợp tác xã.

Đồng thời cũng cần liên kết hợp tác với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị, bao gồm liên kết ngang giữa các nông dân, hợp tác xã và liên kết dọc giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp. Trong đó doanh nghiệp đặt hàng cho các hợp tác xã để sản xuất theo yêu cầu xuất khẩu, đồng thời giữa doanh nghiệp và người nông dân cần có tiếng nói chung, để giữ uy tín với nhau. Đặc biệt trong quá trình làm phải có sự chia sẻ lợi nhuận, tạo chữ tín, phát triển bền vững.

Mặc khác, trong quá trình liên kết cần có sự ràng buộc bằng tính pháp lý. Nhà nước giữa vai trò thúc đẩy mối liên kết này trên cơ sở chỉ đạo, phối hợp và tổ chức thực hiện đồng bộ. Trách nhiệm, uy tín và hiệu quả của việc liên kết được tạo dựng nhờ những thay đổi cần thiết thông qua tuyên truyền vận động trong toàn hệ thống, công khai minh bạch và đưa yếu tố pháp lý vào mối liên kết. Ngoài ra, các bên liên quan cần ngồi lại để giải bài toán về cơ chế vốn, tín dụng cho doanh nghiệp chính là khơi thông điểm nghẽn cho vấn đề liên kết trong thời gian tới.

Riêng các cơ quan chức năng cần có giải pháp xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gạo để nâng cao giá trị gạo Việt trên thị trường quốc tế. Quan trọng hơn, cần sắp xếp tỷ lệ cung ứng gạo cho thị trường trong nước và xuất khẩu, để tránh nguy cơ các doanh nghiệp tranh mua, tranh bán.

 

Thanh Phê - Trần Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Lái xe chỉ được lái 48 tiếng/tuần, doanh nghiệp sẵn sàng đến đâu?

Lái xe chỉ được lái 48 tiếng/tuần, doanh nghiệp sẵn sàng đến đâu?

Từ ngày 1/1/2025, theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông, lái xe chỉ được phép làm việc không quá 10 tiếng/ngày và tổng thời gian làm việc không quá 48 tiếng/tuần. Nếu không tuân thủ, cả lái xe và doanh nghiệp vận tải sẽ bị xử lý vi phạm theo Nghị định 168.

Sửa đổi quy định về đèn xanh, đèn vàng từ 2025

Sửa đổi quy định về đèn xanh, đèn vàng từ 2025

Khoản 4 Điều 11 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về tín hiệu đèn giao thông từ 1/1/2025.

Chuyện cái biển tên

Chuyện cái biển tên

Không phải chỉ ở ngoài đường người ta mới hay hỏi nhau: “Có biết tôi là ai không?” mà trong nhiều công sở thay vì để hỏi câu đó, người ta làm những cải biển tên. Đó là một câu chuyện về sự chống lãng phí mà tác giả Phạm Quang Vinh chia sẻ.

Cục CSGT giải thích về ý kiến 'Nghị định 168 xây dựng sai thủ tục'

Cục CSGT giải thích về ý kiến "Nghị định 168 xây dựng sai thủ tục"

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng "Nghị định 168/2024/NĐ-CP xây dựng sai thủ tục bởi từ ngày được ký ban hành tới khi có hiệu lực chưa đủ 45 ngày", đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng đây là thông tin không chính xác.

Đào Nhật Tân, quất Tứ Liên sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Đào Nhật Tân, quất Tứ Liên sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Khoảng 15 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời điểm này các nhà vườn tại làng đào Nhật Tân và làng quất Tứ Liên, quận Tây Hồ (Hà Nội) đang tất bật vận chuyển đào, quất phục vụ thị trường tết.

Đột quỵ khi đang lái xe: Nguy cơ không thể xem nhẹ

Đột quỵ khi đang lái xe: Nguy cơ không thể xem nhẹ

Trong năm qua, liên tiếp xảy ra tình trạng tài xế bị đột quỵ khi đang điều khiển phương tiện giao thông. Đây là tình trạng rất đáng lo ngại, bởi nếu là tài xế xe khách hoặc chở hàng cồng kềnh mà bị đột quỵ giữa hành trình sẽ gây nguy hiểm đến tín mạng nhiều người khác khi cùng tham gia giao thông.

TP.HCM: Người dân nói gì về về việc tăng mức phạt vi phạm giao thông?

TP.HCM: Người dân nói gì về về việc tăng mức phạt vi phạm giao thông?

Nghị định 168 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, với nhiều lỗi giao thông bị xử phạt nghiêm.