Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Nhiều mô hình xử lý rác thải sinh hoạt được triển khai tại Hậu Giang

Thanh Phê: Thứ tư 21/08/2024, 19:49 (GMT+7)

Trước bài toán về rác thải phát sinh nhiều nhưng khâu xử lý còn nhiều hạn chế, việc không xả rác bừa bãi, phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế việc sử dụng túi ni lông, trồng cây xanh...là những hành động tuy nhỏ nhưng lại có tác động rất lớn, góp phần chung tay bảo vệ môi trường.

“Đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm”; “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”, “Đổi rác thải nhựa lấy quà”, … là ba trong số rất nhiều mô hình đã và đang được triển khai tại Hậu Giang. Khi có mô hình, bà Dương Thị Thùy Trang ở huyện Phụng Hiệp rất phấn khởi:

"Đổi rác thải nhựa thành cây xanh thì các chị sẽ gom rác thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày, như chai nước suối hoặc là vỏ của các loại khác. Định kỳ trong 1 tháng có 1 buổi nào đó các chị em sẽ gom lại để đổi cây xanh, đem về trồng để tạo cảnh quan."

Đoàn thanh niên Công an tỉnh Hậu Giang trao quà cho người lao động nghèo đến đổi rác lấy gạo.

Đoàn thanh niên Công an tỉnh Hậu Giang trao quà cho người lao động nghèo đến đổi rác lấy gạo.

Không dừng lại ở đó, thời gian qua, nhiều thùng rác đã được trao tặng đến tay các hộ gia đình tạo thói quen và nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân trong việc tái tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra, rác hữu cơ được người dân phân loại riêng và ủ làm phân bón cho cây trồng.

Bên cạnh đó, trồng thêm một cây xanh, giảm sử dụng túi nilông, đồ nhựa dùng một lần, tận dụng, tái sử dụng, tái chế vật liệu đều có thể làm cho môi trường và trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta thêm xanh và sạch hơn.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: "Cùng với tuyên truyền thì Hội liên hiệp phụ nữ thành lập các mô hình thí điểm cũng như vận động người dân tham gia vào các mô hình điểm đó để cùng với các cấp hội, hội viên để vận động người dân trong khu phố, ấp, khu vực, nơi sinh sống cùng thực hiện với chị em, bảo vệ môi trường cùng với địa phương."

Các mô hình phân loại rác, tái chế rác dù phát huy hiệu quả nhưng chỉ giải quyết được một phần lượng rác thải ra mỗi ngày, vì thế, rất cần một giải pháp mang tính ổn định và lâu dài. Nắm bắt điều này, Dự án Nhà máy Điện rác Hậu Giang đã được triển khai thực hiện trên diện tích 23ha, với kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ góp phần lớn trong việc xử lý rác hiện nay.

Ông Lại Như Ý, thành viên HĐQT, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang, cho biết: "Tổng công suất khi đi vào hoạt động là 600 tấn rác hỗn hợp/ngày, đảm bảo thiết kế xử lý toàn bộ lượng rác sinh hoạt ở tỉnh phát sinh ra từ nay đến năm 2050. Công suất phát điện, lắp đặt nhà máy 2 tổ máy mỗi tổ máy là 7,5MW. Tổng công suất 15MW, phát điện lên lưới là 6MW, tổng 2 tổ máy là 12MW."

Rác thải được đánh giá là nguồn tài nguyên và sẽ tái tuần hoàn, thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý. Cùng với việc kêu gọi, đầu tư các nhà máy với công nghệ hiện đại thì theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi là cần tập trung tuyên truyền một cách sâu rộng chương trình phân loại rác tại nguồn một cách đồng bộ, quá trình xử lý đạt hiệu quả. Có như vậy mới giải quyết triệt để bài toán xử lý rác thải sinh hoạt ở ĐBSCL.

Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn