Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Người dân Cần Thơ hoảng hốt chạy sạt lở trong đêm

Kim Loan: Thứ ba 09/05/2023, 16:07 (GMT+7)

3h sáng 8/5, khi nhà nhà chìm vào giấc ngủ say thì tai họa ập tới khu dân cư ven sông Cần Thơ đoạn qua ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Đất sụp, nhà sạt, tài sản mất gần hết, người dân nháo nhào bỏ chạy trong đêm.

Điều đáng thương là khu vực sạt lở nằm trong dự án kè sông Cần Thơ, hộ dân đang chờ tái định cư để di dời, thế nhưng vẫn không “chạy” kịp với thiên tai.

“Rắc rắc” là âm thanh mở màn cho trận “cuồng phong” cuốn toàn bộ 7 căn nhà của người dân xuống sông, nằm ngoài sự tưởng tượng của các hộ dân. Gia đình của bà Đỗ Thị Hồng là hộ đầu tiên phát hiện dấu hiệu bất thường trong đêm khuya. Đất không rung, nhà không động, nhưng các thành viên nghe âm thanh lạ, chỉ trong vòng 30 phút, khi 03 người kịp khăn gói ít tài sản ra ngoài thì căn nhà đã bị sụp xuống sông.

Bà Đỗ Thị Hồng, sống tại ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh cho biết: "Tôi mất một cái máy giặt với đồ đạc, phía sau chỗ nấu cơm ăn toàn bộ xuống sông hết. Tôi nghe rắc rắc là chạy ra, ra dọn được mớ đồ thôi còn nhiêu là không dám vô nữa, mấy người đi trực ở ngoài lộ người ta thấy vậy người ta vô dọn tiếp mình ra sân."

Hiện trường vụ sạt lở

Hiện trường vụ sạt lở

Tiếng kêu cứu của gia đình bà Hồng đánh thức giấc ngủ say của gia đình ông Tô Kim Hải. Lúc này, cả nhà ông Hải chỉ kịp thoát thân, còn tài sản thì mất mát khá nhiều. Ông Tô Kim Hải cho biết: "Tôi biết nguy hiểm, chắc sạt lở rồi, vừa chạy ra thì bên kia làm rầm rầm xuống. Đồ đạc, vật tư nông nghiệp… thất thoát cũng khoảng 20 triệu."

Vụ sạt lở có chiều dài 50m, nằm cặp tỉnh lộ 923 ( Lộ Vòng Cung) làm 7 căn nhà bị cuốn trôi hoàn toàn xuống sông, ước thiệt hại gần 10 tỉ đồng. Khu vực bị sạt lở nằm trong dự án kè sông Cần Thơ đã thực hiện xong công tác bồi thường và dự kiến 10 ngày nữa các hộ dân sẽ bốc nền tái định cư. Thiên tai quá bất ngờ, địa phương đang nỗ lực hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng và hỗ trợ di dời cho các hộ nằm trong vùng nguy cơ.

Ông Nguyễn Trường Ca – Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh cho biết: "Đối với chính quyền địa phương chúng tôi cương quyết vận động người dân di chuyển toàn bộ tài sản ra khỏi vị trí này, đến thời điểm này cơ bản các hộ dân đã di chuyển tài sản ra khỏi vị trí sạt lở và sau đây chúng tôi sẽ phong tỏa và vận động người dân không ở khu vực nguy hiểm."

Thành phố Cần Thơ có hệ thống kênh rạch chằng chịt và phương tiện giao thông thủy dày đặc. Từ năm 2013 đến nay, đường tỉnh 923 đoạn qua phường An Bình ( quận Ninh Kiều) và xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) là điểm xung yếu xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng. Điểm chung của các vụ sạt lở tại đây đều bắt đầu từ những vết nứt và tài sản của hộ dân bị ảnh hưởng gần như mất hết.

Sông cần Thơ đoạn qua Phường An Bình ( Ninh Kiều) và xã Mỹ Khánh (Phong Điền) từ năm 2013 đến nay đã xảy ra nhiều vụ sạt lở, người dân mất tài sản nhà cửa

Sông cần Thơ đoạn qua Phường An Bình ( Ninh Kiều) và xã Mỹ Khánh (Phong Điền) từ năm 2013 đến nay đã xảy ra nhiều vụ sạt lở, người dân mất tài sản nhà cửa

Can thiệp bằng các giải pháp phi công trình, từ năm 2016, Cần Thơ đã triển khai dự án xây dựng Kè bờ sông Cần Thơ dài 5.000m với tổng kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng. Công trình sẽ bảo vệ bờ phải từ cầu Cái Sơn (phường An Bình, quận Ninh Kiều) khu vực chợ Mỹ Khánh. Bảo vệ bờ trái từ gầm cầu Cái Răng đến rạch Ba Láng (phường Lê Bình, quận Cái Răng) sau đó tiến về huyện Phong Điền.

Tuy nhiên, dự án “thế kỷ” này kéo dài do thi công chậm, đoạn này thi công chưa xong thì đoạn tiếp theo đã sạt lở trong lúc “chờ” tới lượt khởi công.

Đánh giá về nguyên sâu xa dẫn đến sạt lở trên sông Cần Thơ thời gian qua, ông Nguyễn Quí Ninh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết:

"Thường sạt lở thường xảy ra ở những đoạn bờ song cong, ở phần bụng của đoạn cong đó là bị sạt lỡ. Nhìn lên trên thì thấy người dân xây nhà lấn chiếm lòng sông và ghe tàu qua lại nơi đó nhiều. Ngoài ra còn nói đến vận tốc dòng chảy tác động vào bờ và nền địa chất gốc của vùng châu thổ chúng ta nữa".

Lực lượng dân quân địa phương đang hỗ trợ người dân di dời tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm

Lực lượng dân quân địa phương đang hỗ trợ người dân di dời tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm

Công trình phòng chống sạt lở là biện pháp thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu. Bên cạnh sự bức tốc, nỗ lực của địa phương trong việc bố trí nguồn vốn để triển khai các dự án phòng chống thiên tai thì trong sâu xa, ngay từ bây giờ, ý thức của các hộ dân cũng phải được nâng lên.

Cân nhắc xây dựng nhà lấn chiếm lòng sông vì hiện nay thiên tai diễn biến đã không còn tuân theo quy luật nữa.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn