Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Ngập ở TP.HCM: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi...

Trọng Nghĩa: Thứ sáu 23/05/2025, 14:54 (GMT+7)

Những ngày qua, các trận mưa lớn trút xuống TP.HCM một lần nữa khiến nhiều tuyến đường và khu dân cư chìm trong biển nước. Tình trạng ngập úng nghiêm trọng không chỉ gây ách tắc giao thông kéo dài mà còn làm đảo lộn đời sống sinh hoạt của hàng ngàn người dân.

Đây là một vấn nạn dai dẳng, được người dân và truyền thông liên tục phản ánh suốt nhiều năm qua, nhưng tình hình dường như ngày một trầm trọng hơn thay vì có những cải thiện rõ rệt. Vậy chính quyền địa phương sẽ có những phản hồi thế nào về tình trạng ngập úng khu vực? Đối với những công trình chống ngập vẫn còn vướng mắc khi nào thì tháo gỡ? Giải pháp nào cho việc chống ngập tại TP.HCM? 

Ghi nhận tại khu vực chợ Thủ Đức (TP. Thủ Đức), một trong những điểm nóng kinh niên về ngập úng, cơn mưa lớn vào rạng sáng ngày 10-5 đã khiến nước dâng nhanh, đen ngòm, tràn vào các sạp hàng, các lối đi trong chợ. Tiểu thương người thì hối hả kê cao hàng hóa, người thì bất lực nhìn những thùng xốp, vật dụng nổi lềnh bềnh. Việc mua bán gần như đình trệ, người mua kẻ bán đều phải bì bõm lội nước trong sự ngao ngán.

Không chỉ riêng chợ Thủ Đức, nhiều tuyến đường vốn được mệnh danh là "rốn ngập" của thành phố cũng nhanh chóng tê liệt. Tại tuyến đường Trần Xuân Soạn (Quận 7), hay Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), hình ảnh dòng xe cộ nối đuôi nhau chết máy, người dân dắt bộ trong dòng nước ngập đến đầu gối, đã trở thành một ám ảnh thường trực mỗi khi triều cường dâng cao. Nước tràn cả vào nhà dân hai bên đường, đẩy cuộc sống của họ vào tình thế khốn đốn.

Sau mỗi trận mưa, nhiều tuyến đường TpHCM ngập sâu trong nước

Sau mỗi trận mưa, nhiều tuyến đường TpHCM ngập sâu trong nước

Những người đã quá quen với việc "sống chung với ngập" không giấu được nỗi bức xúc và cả sự bất lực:

“Do không móc cống nên mưa nước không chảy thoát được nên mưa khoảng chừng 15 đến 20 phút là nước dâng lên tràn hết con đường này luôn.”

“Mưa xuống nước trên kia đổ về mà cống nhỏ quá nên đâu thoát nước được. Thành ra là việc ngập nước ảnh hưởng rất nhiều”

“Hôm qua mưa cũng đâu có lớn đâu mà đường phố ngập rất là nhiều. Rất mong thành phố sửa sang lại đường xá cho tươm tất, để mọi người di chuyển an toàn”

Những tiếng thở dài, những chia sẻ đầy lo lắng ấy đã trở thành "điệp khúc" quen thuộc mỗi khi mùa mưa về tại TP.HCM. Trước tình hình này, chính quyền các cấp đang tích cực triển khai các giải pháp chống ngập. Tại TP. Thủ Đức, khu vực thường xuyên bị ngập nặng, chính quyền đã có những kế hoạch dài hạn cụ thể.

Theo ông Nguyễn Quang Chi, Phó phòng Giao thông Công chính UBND TP. Thủ Đức, để giải quyết triệt để tình trạng ngập tại khu vực chợ Thủ Đức, hai dự án trọng điểm đã được đề xuất đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030: “Về lâu dài, nhằm giải quyết căn cơ ngập úng tại khu vực chợ Thủ Đức, UBND TP. Thủ Đức đã lập báo cáo đề xuất chủ trương trình UBND TP.HCM xem xét, đưa vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026–2030 với 2 dự án: Dự án xây dựng hệ thống thoát nước theo mương Ngọc Thủy, phường Trường Thọ với tổng kinh phí dự kiến khoảng 85,7 tỷ đồng; Dự án xây dựng kè, cải tạo – nạo vét rạch Thủ Đức, kết hợp trạm bơm công suất 120.000 m³/giờ (đoạn từ cầu Ngang đến sông Sài Gòn), tổng kinh phí khoảng hơn 5 nghìn tỷ đồng.”

Không chỉ TP. Thủ Đức, nhiều địa phương khác trên địa bàn TP.HCM cũng đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó tạm thời. Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1 cho biết về sự chung tay của cộng đồng trong việc đối phó với tình trạng ngập úng tại khu vực: “Hiện nay khi có những lần mưa lớn hoặc triều cường dâng cao thì người dân cùng với chính quyền địa phương sẽ tập trung khai thông những cống thoát nước để không bị ngập.”

Ngoài trời mưa thì triều cường dâng cao cũng làm nhiều tuyến phố ngập sâu.

Ngoài trời mưa thì triều cường dâng cao cũng làm nhiều tuyến phố ngập sâu.

Tuy nhiên, những giải pháp đang triển khai và các dự án cấp bách dường như vẫn chưa thể xua tan đi nỗi lo của người dân, nhất là khi nhìn vào thực trạng của các công trình chống ngập quy mô lớn đã được đầu tư nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Một trong những ví dụ điển hình gây nhiều trăn trở là siêu dự án giải quyết ngập do triều cường với tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng.

Dù được kỳ vọng sẽ là ‘lá chắn’ vững chắc cho thành phố, nhưng công trình này đã thi công dang dở và gần như 'đắp chiếu' suốt một thời gian dài.

Đề cập sâu hơn về tính hiệu quả và những vướng mắc trong các dự án chống ngập, PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM, không ngần ngại chỉ ra những vấn đề cốt lõi, đặc biệt là với các dự án lớn như công trình ngăn triều 10 nghìn tỷ đồng vừa đề cập:

“Dự án chống ngập do triều khoảng 10 nghìn tỷ nhưng tới nay vẫn chưa hoàn tất được, có nghĩa là TP.HCM vẫn chưa kiểm soát triều được một cách chủ động trong đó do cơ chế chiếm phần lớn. Thay vì tập trung công trình lớn thì chúng ta có thể làm phân tán theo không gian với quy mô nhỏ và vừa, tích hợp vào từng dự án, từng chủ đầu tư, mình sẽ cô lập nguy cơ tại chỗ tức là vấn đề vùng nào giải quyết theo vùng đó chứ không chuyển đi nơi khác. Thứ 2 là chúng ta sẽ phân tán theo thời gian tức là chúng ta sẽ đầu tư từng bước theo mức độ ưu tiên, chỗ nào đang thiệt hại nhiều thì chúng ta có thể đầu tư trước.”

Bên cạnh những phân tích về chiến lược và cơ chế đầu tư, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc tìm kiếm và áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp để tăng cường khả năng thoát nước và điều tiết là vô cùng cấp thiết. Về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, đề xuất một số hướng tiếp cận: 

“Theo tôi giải pháp hồ điều hòa, trong đó hồ điều hòa không nhất thiết phải là hồ to mà hồ nhỏ cũng được. Tiếp theo là chúng ta xem cuối nguồn cảu dòng chảy sẽ đi đến đâu, chúng ta sẽ tiến hành nạo vét chỗ nhận nước đó. Vấn đề thoát nước đô thị không ai nói giỏi được đâu. Nhưng chúng ta phải cố gắng giải quyết vấn đề đó một cách êm đẹp”.

Rõ ràng, lời giải căn cơ cho bài toán chống ngập tại TP.HCM dường như vẫn còn bỏ ngỏ, và nỗi trăn trở của người dân vẫn hiện hữu sau mỗi trận mưa. Những dự án dang dở, những công trình "đắp chiếu" kéo dài không chỉ gây lãng phí ngân sách, làm chậm tiến trình phát triển đô thị, mà quan trọng hơn, còn bào mòn niềm tin của người dân vào các giải pháp đã và đang được công bố.

Người dân thành phố vẫn ngày ngày mong chờ những chuyển biến tích cực, những hành động quyết liệt và hiệu quả hơn, để mỗi khi mùa mưa đến, nỗi ám ảnh ngập lụt không còn là gánh nặng thường trực, đè nặng lên cuộc sống của họ.

Không chỉ là chuyện của trời!

Tháng Năm, những cơn mưa đầu mùa lại trút xuống TpHCM, điều này cũng đồng nghĩa với một "đặc sản" không mong muốn: ngập. Và dường như, "đặc sản" buồn này ngày càng trở nên đậm vị, dai dẳng và khó nuốt hơn qua mỗi năm.

Điệp khúc "đường biến thành sông, nhà hóa thành ao" không còn là chuyện lạ. Từ các "rốn ngập" kinh niên như đường Nguyễn Hữu Cảnh, Võ Văn Ngân, khu vực chợ Thủ Đức, Thảo Điền, cho đến những tuyến đường mới sau này cũng nhanh chóng chung số phận. Hình ảnh người dân bì bõm lội nước, xe cộ chết máy la liệt, tiểu thương tất tả kê dọn hàng hóa đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực. Điều đáng nói, không chỉ mức độ ngập có vẻ sâu hơn, thời gian nước rút lâu hơn, mà dường như không gian ngập cũng ngày một lan rộng.

Tình trạng ngập úng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại sinh hoạt của người dân

Tình trạng ngập úng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại sinh hoạt của người dân

Người dân có quyền đặt câu hỏi: Tại sao sau bao nhiêu năm, với vô số hội thảo, đề án, dự án được triển khai, thậm chí cả những "siêu dự án" chống ngập hàng ngàn, chục ngàn tỷ đồng được khởi động, tình trạng ngập úng không những không thuyên giảm mà còn có chiều hướng trầm trọng hơn? Phải chăng chúng ta đang bất lực trước thiên nhiên, hay có những vấn đề cốt lõi trong cách tiếp cận và giải quyết bài toán này chưa được chạm tới?

Không thể phủ nhận các yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, lượng mưa lớn bất thường, triều cường dâng cao. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không nhìn thẳng vào những yếu tố chủ quan. Tốc độ đô thị hóa chóng mặt đã và đang "bê tông hóa" phần lớn bề mặt thành phố, xóa sổ những không gian xanh, ao hồ tự nhiên có khả năng trữ nước, thấm hút. Hệ thống thoát nước, dù được cải tạo, nâng cấp ở nhiều nơi, vẫn như "chiếc áo quá chật" so với sự phát triển của một siêu đô thị hơn 10 triệu dân. Tình trạng sụt lún nền đất ở một số khu vực càng làm cho vấn đề thêm phức tạp.

Trong khi đó những dự án chống ngập quy mô lớn, được kỳ vọng là "cứu cánh", lại không ít lần đối mặt với tình trạng chậm tiến độ, "đắp chiếu" kéo dài, đội vốn... gây lãng phí nguồn lực và làm xói mòn niềm tin của người dân. Có lẽ, vấn đề không chỉ nằm ở giải pháp kỹ thuật, mà còn ở "cơ chế", ở sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, và quan trọng hơn cả là một tầm nhìn quy hoạch dài hạn, bền vững.

Chống ngập không thể chỉ là câu chuyện của những chiếc máy bơm công suất lớn, những tuyến cống được mở rộng hay những con đê bao kiên cố. Đó phải là một giải pháp tổng thể, tích hợp, bao gồm cả việc rà soát lại quy hoạch đô thị, dành quỹ đất cho không gian trữ nước tự nhiên như hồ điều tiết, công viên cây xanh; khuyến khích các giải pháp xây dựng bền vững, tăng khả năng thấm hút. Cần có những giải pháp phân tán, linh hoạt, "may đo" cho từng khu vực thay vì chỉ trông chờ vào các công trình khổng lồ.

TP.HCM không thể cứ mãi "oằn mình" sau mỗi cơn mưa. Đã đến lúc cần một sự quyết liệt hơn nữa từ các cấp lãnh đạo, một tư duy đột phá trong cách tiếp cận, và sự chung tay thực chất của toàn xã hội. Câu hỏi "bao giờ TP.HCM hết ngập?" vẫn còn đó, day dứt và đòi hỏi một câu trả lời không chỉ bằng lời hứa, mà bằng những chuyển biến thực sự, bền vững. Và bởi vì, suy cho cùng, ngập ở TP.HCM – đâu chỉ là 'chuyện của trời'!"

Trọng Nghĩa/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Bí ẩn lớn nhất vụ thâu tóm đất ở Thanh Trì: Sự “biến mất” kỳ lạ của 234 bộ hồ sơ gốc

Bí ẩn lớn nhất vụ thâu tóm đất ở Thanh Trì: Sự “biến mất” kỳ lạ của 234 bộ hồ sơ gốc

Nối tiếp đề tài “Màn thâu tóm kinh điển 5ha đất nông nghiệp ở Thanh Trì”, nhiều thính giả trên nền tảng số VOV Giao thông cho rằng: Muốn làm rõ sự việc, chỉ cần đối chiếu hồ sơ gốc để xác minh chữ ký, phát hiện điểm bất thường trong trình tự, thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp.

Giá xăng giảm

Giá xăng giảm

Trong kỳ điều chỉnh ngày 22/5, giá xăng quay đầu giảm.

Phạt nguội, ngàn lẻ một tình huống oái oăm

Phạt nguội, ngàn lẻ một tình huống oái oăm

Hàng loạt phương tiện bị từ chối đăng kiểm vì lỗi phạt nguội từ nhiều năm trước, từ khi xe còn thuộc chủ cũ, hoặc đột nhiên báo lỗi cũ dù đã qua nhiều lần đăng kiểm thành công…

Chính sách đặc thù gỡ nút thắt cho Dự án đường Tam Trinh (Hà Nội)

Chính sách đặc thù gỡ nút thắt cho Dự án đường Tam Trinh (Hà Nội)

Sau thời gian dài gặp khó khăn do vướng mắc về chính sách bồi thường, hỗ trợ trong GPMB, dự án xây dựng đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực.

Ban VOV Giao thông Quốc gia ký hợp tác truyền thông với Binh chủng Đặc công

Ban VOV Giao thông Quốc gia ký hợp tác truyền thông với Binh chủng Đặc công

Ngày 21/5/2025, Ban VOV Giao thông Quốc gia (Đài Tiếng nói Việt Nam) và Binh chủng Đặc công đã ký kết thỏa thuận hợp tác truyền thông.

100 lãnh đạo, phóng viên báo chí lên đường hướng về Trường Sa

100 lãnh đạo, phóng viên báo chí lên đường hướng về Trường Sa

Ngày 23/5/2025, Đoàn công tác thăm Trường Sa của 100 lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí, hội nhà báo trong cả nước nhân kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, đã chính thức lên tàu KN-290 ở cảng Cát Lái.

Xử lý vi phạm giao thông, cần tính đến sự cân bằng

Xử lý vi phạm giao thông, cần tính đến sự cân bằng

Ai trong chúng ta cũng từng chứng kiến hoặc nghe kể về những tình huống bi hài khi cảnh sát giao thông dừng phương tiện để xử phạt, nhất là khi chế tài ngày càng nghiêm khắc.