Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Một thời chợ chuột xứ U Minh Thượng

Trọng Nhân: Thứ tư 20/11/2024, 20:55 (GMT+7)

Đối với người nông dân, bắt chuột đồng được xem là một thú vui giúp gia tăng thêm thu nhập lúc nông nhàn, vừa giảm bớt rủi ro chuột quấy phá mùa màng. Cứ thế, dần dà con chuột đồng trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người dân Nam Bộ và có mặt trên khắp các khu chợ ở miền quê.

Ở huyện U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang, có một khu chợ xưa kia được hình thành và duy trì cho đến nay từ việc người dân đem chuột bắt được ở đồng ra để buôn bán. Người dân thường gọi với cái tên gần gủi là chợ chuột xứ U Minh.

Chợ chuột xứ U Minh ngày nay còn được biết đến với cái tên khác là chợ Minh Thuận – cái tên mới này được sử dụng thay cho tên chợ chuột, đánh dấu một cột mốc quan trọng khi ngôi chợ này được xây dựng nhà lồng và công nhận là một ngôi chợ truyền thống.

Chợ chuột xứ U Minh ngày nay còn được biết đến với cái tên khác là chợ Minh Thuận

Chợ chuột xứ U Minh ngày nay còn được biết đến với cái tên khác là chợ Minh Thuận

Bà Nguyễn Thị Út, một tiểu thương buôn bán lâu năm tại chợ Minh Thuận cho biết, đến nay chợ được hình thành trên 30 năm. Khi xưa chợ chuột hình thành theo kiểu tự phát, người dân bày bán dọc trên bờ kênh, nay là tỉnh lộ 965. Ngày ấy đa phần diện tích của huyện U Minh Thượng được người dân sử dụng để canh tác lúa, vì thế chuột nhiều vô kể.

Thời điểm đó, đời sống của người dân xứ U Minh còn nhiều khó khăn, vậy nên, chuột trở thành một món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm của người dân nơi này. Chuột nhiều đến độ ăn không hết, người dân lại đem ra các đập ngăn nước để bán, từ đó dần dà trở thành thói quen và chợ chuột cũng ra đời từ đó:

“Hồi đó chợ ngoài kia sau này mới di dời vào đây. Lâu rồi đến nay chắc được khoảng 30-40 năm. Vang tiếng chợ chuột chứ chuột ngày nay đâu còn nhiều như trước. Ngày xưa dân ở đây nghèo khổ nên thường bắt chuột để ăn, còn dư thì người ta đem đến mấy cống đập để bán. Vậy nên nổi tiếng chợ chuột đến nay, giờ mà nói chợ chuột là người ta biết chứ nói chợ này với tên mới là nhiều người không biết đâu.”

Đến nay chợ đã được hình thành trên 30 năm

Đến nay chợ đã được hình thành trên 30 năm

Ông Nguyễn Hoàng Giang, một người chuyên bắt và bán chuột tại chợ Minh Thuận cho biết, khoảng 10-20 năm trước, một ngày ông Giang có thể bắt được vài trăm kg chuột để bán, đem về nguồn thu nhập kha khá cho gia đình. Còn bây giờ, chuột đồng trở nên hiếm khi vụ lúa mới bắt đầu và càng ít người bán, kén người ăn do một phần người nông dân áp dụng nhiều biện pháp, đặc biệt là sử dụng thuốc để tiêu diệt loài vật này. Hiện đang trong thời điểm ít chuột nên giá sẽ rất cao, dao động từ 100-120 ngàn/kg đối với loại chuột làm sẵn và 60 ngàn/kg đối với chuột nguyên con.

“Đi bắt chuột rất vui lại còn kiếm được tiền. Chuột hiện giờ không bằng mấy năm trước, tại vì giờ người ta sử dụng điện xiệt chuột nên đâu gài bắt được với người ta sử dụng thuốc chuột nữa. Lúc khoảng hơn 10 năm trước thì không có nên chuột lúc đó nhiều lắm, bắt một lần 100-300 kg là cũng có.”

Ông Trần Văn Dương – nhân viên quản lý chợ cho biết, đến nay đã được 9 năm từ khi khu vực chợ nhà lồng được xây dựng để tiểu thương ổn định nơi buôn bán và đổi tên thành chợ Minh Thuận. Đời sống của người dân xóm chợ ngày một phát triển hơn. Dù con chuột đồng trong chợ Minh Thuận có lúc nhiều, lúc ít nhưng được mùa nào thì chợ lại rộn ràng thức ấy:

 “Thay đổi nhiều lắm, lúc trước khu vực này chỉ toàn là ruộng đất rồi nhà nước mới quy hoạch xây dựng chợ. Từ đó quanh khu vực chợ thu hút nhiều người đến sống hơn, nhà cửa xây dựng khang trang hơn.”

Hiện giờ, chuột đồng trở nên hiếm khi vụ lúa mới bắt đầu và càng ít người bán, kén người ăn

Hiện giờ, chuột đồng trở nên hiếm khi vụ lúa mới bắt đầu và càng ít người bán, kén người ăn

Ông Dương cho biết thêm, chợ Minh Thuận buôn bán kéo dài từ sáng sớm cho đến khi trời tối đen với không khí từ tốn, không quá tấp nập và chẳng vội vàng. Người bán người mua hầu hết là những người quen biết với nhau trong vùng, thế nên những cuộc giao dịch diễn ra rất thân mật và gần gũi. Vào những dịp lễ, tết chợ sẽ đông đúc hơn với không khí giao thương náo nhiệt.

“Như nãy giờ thấy là lượng khách vãng lai đi tối ngày luôn. Nói chung là chợ này lúc nào cũng có người mua lai rai hoài. Chợ đông nhất là dịp lễ, tết. Lúc đó ban quản lý chợ cấm xe chạy vào là xe đậu ngoài chợ nghẹt đường. Dịp tết chợ này buôn bán rất là đông.”

Chợ chuột ngày xưa giờ đây đã khoác lên mình một “màu áo” mới – nơi có những tiểu thương buôn bán thật thà và hào phóng. Dù ngày nay cái tên chợ chuột được thay đổi và mặt hàng chuột cũng ngày một vơi đi, nhưng lại đọng trong ký ức của người dân xứ U Minh thì vẫn còn đó cái tên cũ, cùng hình ảnh giao thương như thuở ban đầu.

Trọng Nhân/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn