Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Muốn bền vững phải tạo sự đồng thuận

Trọng Điển - Minh Thùy - Trúc Thủy: Thứ sáu 31/03/2023, 15:23 (GMT+7)

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang thu hút nhiều sự quan tâm của chuyên gia và người lao động. Nhiều ý kiến cho rằng, các đề xuất cần giải quyết được những vấn đề bất cập trong đời sống hiện nay.  Có như vậy, mới đáp ứng được nguyện vọng của người dân và mang tính “bền vững”. 

Nội dung đề xuất sửa đổi Luật BHXH đáng chú ý lần này là giảm số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 để hưởng lương hưu và siết chặt điều kiện hưởng chế độ rút BHXH một lần với 2 phương án, trong đó phương án 2 không được rút quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Bên cạnh ý kiến đồng thuận, vẫn còn không ít băn khoăn về cách tính lương hưu, tuổi nghỉ hưu, các chế độ đi kèm có đủ hấp dẫn người dân không rút BHXH:

"Người lao động, nhất là những người lao động trong ngành dệt may, da giày, điện tử thì thấy gần như 40 tuổi nguy cơ phải bị chấm dứt hợp đồng lao động, khó đủ kiên trì để thực hiện đóng BHXH. Đó là một trong những lí do mà họ rút".

"Cũng không nghĩ tới sau này, hiện đang kẹt, cần tiền thì rút".

"Đã về hưu rồi thì hệ số tính lương tối thiểu phải đảm bảo được cuộc sống của một người vì chi phí bây giờ rất cao".

Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Theo ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, trong 2 tháng đầu năm nay đã có hơn 14.000 lao động nhận hưởng BHXH một lần, trong đó số người đã đóng bảo hiểm xã hội từ 10 năm trở lên chiếm 22%: "Người lao động nhận BHXH 1 lần chủ yếu là lao động trẻ, làm trong các ngành nghề dệt may, da giày... Họ có thời gian đóng tương đối thấp, khoảng vài năm. Thống kê từ năm 2014 đến 2020, theo độ tuổi thì đang trẻ hóa. Nếu 2014 sấp xỉ 40 tuổi thì năm 2020 độ tuổi nhận bình quân 35 tuổi".

Theo PGS - TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng viện Nghiên cứu Đời sống xã hội, người lao động có thói quen rút BHXH một lần sau đó đóng lại. Đồng thời, đặc thù lao động đa phần làm trong lĩnh vực chuyên môn không cao, rủi ro nghề nghiệp và không đủ sức làm việc cường độ cao trong một số ngành nghề, mức hướng lương hưu thấp khó đảm bảo cuộc sống.

Cho nên việc thảo luận rút ngắn hay kéo dài thời gian đóng là câu chuyện khó cho cả đôi bên. Sắp tới đây, Luật BHXH sửa đổi phải xây dựng chính sách căn cơ hơn, tránh câu chuyện thất bại như lần sửa đổi vào năm 2014, cũng như các năm về sau.

“Luật BHXH sửa đổi chỉ bổ sung thêm cho hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn những điều khoản mà trong tương lai phải tiếp tục sửa nữa thì nên chăng chúng ta sẽ sửa một cách căn cơ cho những người tham gia BHXH từ đây trở đi.

Chúng ta nên xử lý theo 2 giai đoạn. Những trường hợp tham gia BHXH ở giai đoạn trước có thể áp dụng những quy tắc thực hành cũ. Còn những người tham gia BHXH mới thì chúng ta tính toán một cách bền vững hơn - Nghĩa là số năm đóng bảo hiểm thực tế khi mà NLĐ nghỉ việc thì mức hưởng BHXH sẽ cao. Như vậy mới đáp ứng được giai đoạn trong tương lai, NLĐ sẽ an tâm hơn và tin tưởng hơn vào BHXH”, PGS - TS. Nguyễn Đức Lộc nói.

Cũng theo PGS - TS. Nguyễn Đức Lộc, khi chính sách đã phù hợp, nhà nước cần tuyên truyền để người dân hiểu được những lợi ích của việc tham gia BHXH. Tránh tình trạng đối lập như hiện nay, phía cơ quan BHXH thì cố giữ chân người lao động, còn người lao động lại muốn rút để bảo lưu số tiền đã đóng.

Xung quanh nội dung đề xuất, Luật sư Phạm Hoài Nam - Đoàn luật sư TPHCM cũng cho rằng, khó có phương án tối ưu tuyệt đối, thay vì mang tính áp đặt nên để người dân được quyền lựa chọn phương án phù hợp:  “Ban soạn thảo Luật cần đưa ra 2 phương án để người lao động được quyết định - tức là họ có quyền rút 1 lần hoặc 50% BHXH. Như vậy thì mới dung hòa được quyền lợi của cơ quan BHXH cũng như người lao động khi họ nghỉ việc họ có quyền lựa chọn để đảm bảo về vấn đề an sinh”.

Luật sư Phạm Hoài Nam cho biết thêm, các đề xuất nhằm bảo lưu thời gian đóng BHXH và tạo cơ hội cho những người tham gia muộn từ trên 45 tuổi được hưởng lương hưu. Thế nhưng, thực tế lao động trực tiếp ngoài 40 khó duy trì công việc do sức khỏe giảm. Dù pháp luật có quy định khuyến khích sử dụng lao động lớn tuổi. Song tuyển dụng tại nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước hiện chủ yếu là lao động trẻ. Do đó, Luật BHXH sửa đổi cần đồng bộ với các quy định pháp luật khác để đảm bảo quyền lợi người lao động, đặc biệt lao động lớn tuổi.

"Trường hợp lớn tuổi mà doanh nghiệp không sử dụng, đặc biệt là người lao động làm ngoài khu vực doanh nghiệp nhà nước có khó khăn khi tìm việc làm mới. Thì Luật Lao động cũng khuyến khích các doanh nghiệp tạo điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động cao tuổi.

Trong trường hợp này cũng cần bổ sung các quy định để khuyến khích, tạo điều kiện cho người lớn tuổi đã tham gia BHXH mà bị mất việc làm được tiếp tục làm việc và tiếp tục tham gia BHXH", Luật sư Phạm Hoài Nam  nói.

Một vấn đề khác, theo các chuyên gia, để tạo niềm tin cho người lao động trong hệ thống an sinh xã hội, Luật BHXH sửa đổi cũng cần quy định chặt chẽ hơn việc trốn đóng, nợ đóng BHXH của doanh nghiệp hiện nay.

Ban soạn thảo cần tạo hành lang pháp lý để cơ quan BHXH cấp địa phương có thẩm quyền nhất định trong kiểm tra giám sát việc đóng BHXH của các doanh nghiệp, cũng như các công cụ, cơ chế công khai để người dân cùng giám sát.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang thu hút nhiều sự quan tâm của chuyên gia và người lao động - Ảnh minh họa

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang thu hút nhiều sự quan tâm của chuyên gia và người lao động - Ảnh minh họa

Việc sửa đổi Luật BHXH là vấn đề hệ trọng, tác động trực tiếp đến đời sống anh sinh của người dân. Vì vậy, các chính sách cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng một cách khách quan, toàn diện và có tầm nhìn, để thu hút người lao động gắn bó lâu dài.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi: Muốn bền vững phải tạo sự đồng thuận”.

Trước những bất cập, hạn chế bộc lộ thời gian qua, hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này gồm 5 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn với những điểm mới như công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. 

Về rút BHXH một lần, có phương án cho phép người lao động hưởng BHXH một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu vv. Đây là những điểm mới, nếu đưa vào áp dụng và thực thi trong cuộc sống sẽ góp phần giúp cho lưới an sinh xã hội có khả năng bao quát và hỗ trợ tốt cho người tham gia lúc hết tuổi lao động cũng như khi về hưu.

Luật sửa đổi cũng hướng đến mục tiêu phủ bảo hiểm xã hội đến toàn dân. Theo đó, đến năm 2030 sẽ có 60% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội ở cả hình thức bắt buộc và tự nguyện. Đây là đích đến nhằm giải quyết bài toán an sinh xã hội mang tính cấp thiết và lâu dài, khi dân số Việt Nam vào các năm này đang già hóa nghiêm trọng. Số người hết tuổi lao động, cần trợ cấp xã hội, đảm bảo cuộc sống lúc về già tăng lên; người trong độ tuổi lao động giảm đi rõ rệt.

Bài toán gánh nặng về chi phí, sinh hoạt để duy trì đời sống của nhiều người già sẽ phụ thuộc phần lớn vào tiền hưu trí, hoặc trợ cấp xã hội mà quá trình tham gia bảo hiểm xã hội trước đây giờ họ được hưởng. Tuy nhiên hiện nay, thách thức rất lớn đặt ra cho vấn đề đóng bảo hiểm xã hội ở nước ta là tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần diễn ra ngày càng nhiều. Có thời điểm số người rút còn nhiều hơn số người đóng.

Nguyên nhân là nhiều lao động, sau 2 năm đại dịch covid, do mất công ăn việc làm, thu nhập giảm sút nên để trang trải cuộc sống khó khăn đã không ngần ngại đến trụ sở bảo hiểm xã hội để rút số tiền tích cóp nhiều năm về chi xài trước mắt. Họ không thể nghĩ được về tương lai dài hơn. Đó là khi hết tuổi lao động, lúc đau yếu, nguy cơ không được hiểm bảo hiểm chi trả hay các chế độ an sinh khác mà mình đã từng được tham gia; trong đó có cả chế độ mai táng của bản thân và tử tuất cho thân nhân. Đây là điều rất đáng lo ngại cho mỗi lao động khi hết tuổi làm việc.         

Hiện nay, Luật BHXH sửa đổi đang tiếp tục được lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp đóng góp ở nhiều cấp, nhiều ngành. Vấn đề còn lại là khâu tiếp thu và chỉnh lý, bổ sung sao cho phù hợp để không chỉ giải quyết bài toán làn sóng người lao động rút bảo hiểm một lần đang diễn ra mà còn có tính ổn định, lâu dài; khuyến khích người trong độ tuổi lao động đều tham gia bảo hiểm xã hội và duy trì đến khi về hưu.         

Rõ ràng, Luật BHXH sửa đổi lần này muốn bền vững rất cần sự đồng thuận cao của nhân dân. Việc phổ biến để các thành phần trong xã hội đóng góp ý kiến cho đợt sửa đổi lần này vì thế cần tiếp tục được tổ chức nhiều hơn, rộng rãi và chuyên sâu hơn.

Đây cũng chính là dịp truyền thông để người lao động hiểu rõ thêm về quyền lợi lâu dài mà bảo hiểm xã hội mang lại. Đó là cuộc sống khi về già không bị quá nhiều rủi ro, bất trắc nếu có tham gia bảo hiểm xã hội ngay từ bây giờ.

Trọng Điển - Minh Thùy - Trúc Thủy/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Bắt tín hiệu thị trường cho xuất khẩu gạo năm  2024

Bắt tín hiệu thị trường cho xuất khẩu gạo năm 2024

Dù tình hình thế giới được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm. Do vậy, các doanh nghiệp cần nắm bắt tốt các tín hiệu thị trường để duy trì hiệu quả xuất khẩu.

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Hạn mặn là vấn đề được dự báo trước, thế nhưng các địa phương vẫn loay hoay trong công tác ứng phó, chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho dân sinh. Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải có một kế hoạch lớn, dài hạn để thích ứng với tình trạng hạn hán hàng năm, không để người dân thiếu nước.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu từ vùng đỉnh 7 tháng

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu từ vùng đỉnh 7 tháng

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch 16/4, trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới, có đến 22 trên tổng số 31 mặt hàng đồng loạt giảm giá, kéo chỉ số MXV-Index sụt giảm ngày thứ hai liên tiếp từ vùng đỉnh 7 tháng, với mức giảm 0,67% xuống 2.308 điểm.