Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Lợi ích nhóm nhìn từ các bãi trông giữ xe tạm thời

Chu Đức, Hải Bằng: Chủ nhật 25/12/2022, 07:23 (GMT+7)

Những lợi ích từ việc khai thác điểm đỗ trên vỉa hè, dưới lòng đường, khoảng hở trong các quy định nằm ở đâu? Ai là người hưởng lợi ích lớn nhất?

Theo Nghị quyết 06 năm 2020 của HĐND TP Hà Nội, mức phí cho thuê tạm thời một phần lòng đường, hè phố ở các quận nằm trong vành đai 3 để làm dịch vụ trông giữ xe có thu tiền là từ 60.000 đến 240.000/m2/tháng.

Như vậy, với một bãi xe có quy mô cấp phép trung bình từ 50m2 đến 100m2, nếu áp dụng mức giá “kịch khung”, cũng chỉ phải trả mức phí từ 5-10 triệu đồng/tháng.

Ngoài việc trả phí thuê vỉa hè, lòng đường, tổ chức, cá nhân được cấp phép còn phải nộp thuế theo mức thu nhập hàng năm.

Tuy nhiên, rất khó để cơ quan thuế tính đúng hạn mức thuế áp theo mức thu nhập từ các bãi xe. Bởi một thực trạng phổ biến: Người dân chưa có thói quen yêu cầu xuất vé khi gửi xe, còn nhân viên trông xe cũng không đưa vé, hợp đồng cho khách. Hầu hết hoạt động này dựa trên giao kết bằng miệng và dùng tiền mặt.

Trên địa bàn Hà Nội hiện các bãi trông giữ xe tận dụng một phần diện tích lòng đường, vỉa hè hoạt động theo mô hình giao khoán

Trên địa bàn Hà Nội hiện các bãi trông giữ xe tận dụng một phần diện tích lòng đường, vỉa hè hoạt động theo mô hình giao khoán

Ông Nguyễn Tiến Huy, cư dân sinh sống trên phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng nêu thắc mắc: “Không biết đơn vị nào ra đơn vị nào. Đến đỗ thì tôi thấy cứ trả tiền, mà trả tiền thì không có vé. Thế cái tiền đấy đi đâu? Không có vé thì nhà nước thất thu”.

Số tiền ngoài vé, ngoài hợp đồng đó chảy vào túi ai? Để trả lời câu hỏi này, phóng viên đã hỏi trực tiếp một nhân viên trông giữ xe trên phố Trần Bình Trọng (quận Hoàn Kiếm): “Bây giờ công ty giao khoán cho mình rồi, nên không có hợp đồng. Bây giờ hợp đồng phải 2,5 triệu/tháng, phải mua hóa đơn đỏ. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Bây giờ em cứ ra em gửi ngày, anh sẽ lấy rẻ cho em 1 ngày 120 nghìn, bao giờ hết tháng, thì em ra đây”.

Như vậy, thành phố Hà Nội cho các công ty chuyên nghiệp được thuê phần vỉa hè, lòng đường để cáng đáng việc giải quyết tạm thời nhu cầu đỗ xe của người dân. Tuy nhiên, các công ty này lại giao khoán diện tích ấy cho các nhân viên hợp đồng của mình.

Tức là, về mặt lý thuyết, mỗi tháng cá nhân nhân viên phải nộp về cho công ty một số tiền nhất định. Sau đó, lãi hay lỗ là do sự nỗ lực lao động của anh ta. Không ít trường hợp vì lợi nhuận đã bất chấp các quy định thu quá giá quy định, thu không vé hợp đồng, tổ chức trông xe quá diện tích.

Và khi sai phạm xảy ra, các lực lượng chức năng chỉ xử lý vi phạm hành chính, nhắc nhở các doanh nghiệp, đề nghị doanh nghiệp xử lý nặng nhân viên trông xe dưới hình thức sa thải. Với cách này, trách nhiệm trông giữ xe và chế tài khi sai phạm xảy ra đã được các doanh nghiệp khéo léo “đá quả bóng” trách nhiệm sang cá nhân đơn lẻ.

Nhẩm tính của phóng viên VOV Giao thông, thu nhập của một bãi xe một tháng với diện tích khoảng 50m2 có thể gấp từ 5-10 lần so với số tiền bị xử phạt.

Nhẩm tính của phóng viên VOV Giao thông, thu nhập của một bãi xe một tháng với diện tích khoảng 50m2 có thể gấp từ 5-10 lần so với số tiền bị xử phạt.

Điều đó phần nào được thể hiện thông qua cách ông Tạ Ngọc Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ với VOV Giao thông về những vi phạm phổ biến tại các bãi gửi xe trên địa bàn:

“Các công ty được kinh doanh về việc trông giữ xe đều chấp hành rất tốt về diện tích, không thu quá giá. Nhưng một số cá nhân của công ty đó, vì mục đích cá nhân, họ có hành vi là trông thu quá giá quy định, kể cả trông quá diện tích.

UBND phường thường xuyên có cán bộ đi kiểm tra, khi phát hiện sẽ lập biên bản, xử lý phạt theo quy định, răn đe, yêu cầu công ty chấm dứt hợp đồng với cá nhân vi phạm, làm ảnh hưởng tới công ty, ảnh hưởng tới quản lý giao thông tĩnh trên địa bàn”.

Trên địa bàn phường Tràng Tiền cũng xuất hiện một hiện tượng không quá hiếm gặp: Các bãi xe thật-giả trộn lẫn vào nhau, nhằm tận dụng và kéo dài diện tích trông xe hơn so với diện tích được cấp phép.

Khi bị kiểm tra, những đối tượng trông giữ xe tự phát sẽ chịu trách nhiệm nộp phạt từ 2,5 triệu đồng đến 12 triệu đồng cho các hành vi vi phạm. Dư luận được quyền hoài nghi về sự liên quan mật thiết giữa đơn vị được cấp phép có móc nối với đối tượng bên ngoài hay không, giữa liên minh này với cơ quan quản lý địa bàn hay không.

Nhẩm tính của phóng viên VOV Giao thông, thu nhập của một bãi xe một tháng với diện tích khoảng 50m2 có thể gấp từ 5-10 lần so với số tiền bị xử phạt.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, chênh lệch giữa phí thuê diện tích công sản rất thấp với tiềm năng sinh lời vô cùng lớn đã tạo ra một đặc quyền, lợi ích mà nhiều thực thể, tổ chức, cá nhân muốn tranh giành. Và các trường hợp vi phạm có thể bất chấp bị xử phạt để vi phạm.

“Cơ chế tài chính đến nay vẫn chưa thực sự rõ. Ai thu, thu bao nhiêu, thu về đâu. Phân bổ sử dụng kinh phí ra sao. Trách nhiệm của người quản lý như thế nào cũng không rõ. Đây là bài toán rất phức tạp, vì nó chồng chéo, đan xen rất nhiều lợi ích”, ông Nguyễn Minh Phong nói.

Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức cho rằng, lợi ích nhóm đã hình thành ngay từ bức tranh nền dịch vụ trong giữ xe tập trung vào một nhóm các doanh nghiệp thân thiết với chính quyền đô thị. Và ngay từ quy trình cấp phép theo kiểu nộp hồ sơ – xét duyệt đầy cảm tính hiện nay với các vị trí có thể khai thác điểm đỗ xe.

“Chuyện bãi đỗ xe như một giải pháp tạm thời thôi, về lâu dài tôi không ủng hộ cứ chỗ nào rộng rộng là ra kẻ vạch tìm chỗ đỗ xe. Trong khi đó, có nhiều mối liên kết, gật gù, lợi ích riêng. Giờ chúng ta công khai hóa ra, phải để cho cộng đồng dân cư được biết, người ta ra người ta đấu thầu”

Được biết, nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội cũng lên tiếng thúc đẩy vấn đề công khai, minh bạch hóa việc cấp phép, đưa phí thuê lòng đường, vỉa hè và giá trông giữ xe tiệm cận với giá thị trường. Tuy nhiên, đến nay, những nỗ lực để xóa điểm mờ, điều kiện cho lợi ích nhóm nảy nở ấy vẫn chưa đem lại hiệu quả thực chất.

21-1807

 

Bãi xe này là của đồng chí nào?

Theo khảo sát của nhóm phóng viên VOV Giao thông, trung bình một năm, ngân sách một quận vùng lõi của Hà Nội thu được khoảng 10 tỷ đồng từ việc khai thác các bãi đỗ xe trên vỉa hè. Đó là chưa kể thống kê từ các bãi gửi xe dưới lòng đường.

Dĩ nhiên, con số này không phản ánh tiềm năng rất lớn của các nguồn lợi từ việc khai thác lòng đường, hè phố. Nếu tách hẳn các hoạt động khác trong cụm từ vốn được dùng khá nhiều nhưng không chuẩn xác lắm là “nền kinh tế vỉa hè”, chỉ tính riêng dịch vụ trông giữ xe, một nhóm các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, một quận có thể thu được từ 3.000-5.000 tỷ đồng/năm nếu quản lý được, thu đúng giá các dịch vụ đáp ứng nhu cầu đỗ xe trong quận đó.         

Vậy con số không chảy vào ngân sách ấy chảy đi đâu? Câu trả lời nằm ở chỗ 90% phương tiện vẫn đang phụ thuộc vào các bãi đỗ xe tạm thời, gồm cả có phép và không phép.         

Những bãi xe này hình thành như thế nào và tồn tại bằng cách gì, trước hàng nghìn tai mắt nhân dân và hệ thống kiểm soát kín kẽ từ cấp phường?         

Câu trả lời dễ hiểu nhất là từ quan hệ.         

Nhóm phóng viên đã tìm hiểu kỹ quy trình cấp phép cho các bãi đỗ xe tạm thời. Nó vẫn mang nặng tính xin-cho. Có rất nhiều khoảng trống đầy cảm tính từ người cấp phép. Họ là người quyết định ai là người được nộp hồ sơ xin cấp phép đỗ xe, hồ sơ ấy có căn cứ hợp lệ hay không, và nếu hợp lệ, căn cứ nào để xét duyệt?         

Trong số các doanh nghiệp được cấp phép ở các vị trí đắc địa, tiềm năng kinh doanh rất béo bở ở trung tâm Thủ đô, có thể chia ra làm vài nhóm: Nhóm thứ nhất là doanh nghiệp có bóng dáng của Nhà nước (công ty thuộc doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần do Nhà nước chi phối); Nhóm thứ hai là doanh nghiệp “thân hữu”, có mối liên hệ, gắn bó lâu năm với chính quyền sở tại; Nhóm thứ ba là các doanh nghiệp không thuộc hai nhóm vừa nêu.         

Tiêu biểu cho nhóm thứ ba chính là các đơn vị đứng sau các ứng dụng đỗ xe thông minh vốn đã “chết yểu” sau khi không nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cơ chế, chính sách và các lực lượng nắm địa bàn.         

Hai nhóm còn lại nhận được sự ưu ái rõ ràng từ chính quyền đô thị. Thể hiện qua một loạt vi phạm xảy ra như trông quá giá, quá diện tích, không xuất vé, hợp đồng, nhưng chủ yếu bị xử phạt hành chính, phạt cho tồn tại. Ít trường hợp bị tước giấy phép, mà hình thức xử lý nghiêm nhất chỉ là sa thải cá nhân nhân viên trông xe.         

Không phải ngẫu nhiên, một vị nguyên là thị trưởng Hà Nội từng nói rõ trước công luận rằng, ông biết có tình trạng lãnh đạo địa phương đứng sau các bãi giữ xe. Nếu không chấn chỉnh, ông sẽ tiết lộ đích danh bãi xe nào của ông bí thư hay chủ tịch quận nào.         

Đến nay, đó vẫn là câu phát ngôn kinh điển cho thấy rõ lợi ích nhóm bền chặt và dai dẳng ra sao đang đeo bám, ký sinh vào các diện tích công sản như vỉa hè, lòng đường.         

Giải pháp thì các chuyên gia đã chia sẻ nhiều: Đó là minh bạch hóa các nguồn thu từ công sản, công khai đấu giá quyền sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe, quy trách nhiệm tới từng lãnh đạo, cán bộ phụ trách vấn đề trật tự đô thị, có chế tài nếu để xảy ra sai phạm trên địa bàn.

Tuy nhiên, rất khó để thay đổi cách nhìn nhận của chính quyền đô thị về sự phụ thuộc vào các bãi đỗ xe tạm thời. Khi mà sự phá sản các bãi đỗ xe theo quy hoạch đã dẫn tới một tư duy tạm bợ, vụn vặt.     

Nó cũng khó tương đương với việc xé bỏ định kiến của người dân: Khi họ đề cập một bãi đỗ xe nào đó đang ngang nhiên vi phạm các quy định, họ vẫn phải tặc lưỡi cảm thán “Bãi đỗ xe này là của đồng chí nào!?”

Chu Đức, Hải Bằng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Nhiều tháng qua do ảnh hưởng của gió mùa nên thời tết khu vực miền Trung luôn trong tình trạng mưa kéo dài triền miên, khiến cho công tác thi công nền đường tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiến độ bị đe dọa.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Ấm lòng “hầm” chứa nước giữa mùa hạn

Ấm lòng “hầm” chứa nước giữa mùa hạn

Ấp Gò Xoài, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang có hơn 400 hộ dân; 2/3 bà con không có nước sạch để dùng. "Hầm" chứa nước mới đào chứa được khoảng 45m3 nước, nhưng cứ cuối ngày là hết, may sao có các đoàn từ thiện từ TPHCM, Long An... về liên tục trong 2 tuần qua.

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Hạn mặn là vấn đề được dự báo trước, thế nhưng các địa phương vẫn loay hoay trong công tác ứng phó, chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho dân sinh. Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải có một kế hoạch lớn, dài hạn để thích ứng với tình trạng hạn hán hàng năm, không để người dân thiếu nước.