Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Ai đứng sau ngành dịch vụ trông xe trên vỉa hè, dưới lòng đường? Ai đứng sau ngành dịch vụ trông xe trên vỉa hè, dưới lòng đường?
Nhóm PV   •   3:13 24/12/2022

Sau loạt phóng sự “Vỉa hè đang thực sự nuôi ai?”, VOV Giao thông tiếp tục tìm hiểu bức tranh toàn cảnh ngành dịch vụ trông giữ xe tạm thời trên vỉa hè và dưới lòng đường. Vì sao lại có chính sách này?

Ai đang đứng đằng sau ngành dịch vụ béo bở ấy? Họ đang hoạt động ra sao và được chính quyền đô thị “ưu ái” như thế nào?

Screenshot 2022-12-23 at 10.52.57 AM

Theo số liệu ông Phan Trường Thành, Phó trưởng phòng kế hoạch tài chính, Sở GTVT Hà Nội cung cấp cho VOV Giao thông, tính đến năm 2021, một nửa hạ tầng giao thông tĩnh của Thủ đô Hà Nội đang phụ thuộc vào các bãi trông giữ xe tạm thời trên vỉa hè, dưới lòng đường.

“Trên địa bàn nội thành Hà Nội có khoảng 590 điểm đỗ xe và bãi đỗ xe tập trung. Ngoài ra có khoảng 560 điểm trông giữ phương tiện tạm thời dưới lòng đường và vỉa hè.

Với số lượng này chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đỗ xe của người dân. 90% còn lại là đỗ xe ở các bệnh viện, trường học, khoảng đất trống, đất dự án chưa khai thác.

Như vậy, có thể nhìn thấy năng lực hiện nay của kết cấu hạ tầng giao thông tĩnh phục vụ người dân thấp hơn nhiều so với quy hoạch”, ông Thành nói.

Các bãi đỗ xe tạm thời này bắt nguồn từ đâu? Tại sao chúng được phép sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè, những không gian công cộng vốn không được thiết kế để đỗ phương tiện?

Theo tìm hiểu của phóng viên, UBND TP.Hà Nội đã vận dụng các quy định tại Khoản 2, Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008 về trường hợp đặc biệt được sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác; và Khoản 3, Điều 25C, Nghị định 100 năm 2013 đã giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phê duyệt, thực hiện quy hoạch sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường đến năm 2023.

Như vậy, về lý thuyết, không riêng Hà Nội mà các địa phương khác cũng chỉ có thể cho thuê vỉa hè, lòng đường làm nơi đỗ xe đến hết năm 2022. Tuy nhiên, với thực trạng “phá sản” mạng lưới quy hoạch điểm đỗ, bãi xe tập trung, sự phụ thuộc của Hà Nội vào các bãi đỗ xe tạm thời chưa biết khi nào mới chấm dứt.

Ông Nguyễn Mạnh Đạt, một cán bộ về hưu, sinh sống ở quận Hai Bà Trưng, đặt vấn đề: với giá thuê vỉa hè, lòng đường rất rẻ, từ 60.000 đến 240.000 đồng/m2/tháng, trong khi lợi tức rất cao (mỗi bãi xe quy mô trung bình có thể thu hàng trăm triệu đồng/tháng), thì ai sẽ là người được “đặc quyền” thuê diện tích công sản để kinh doanh!?

“Dù rằng anh để tạm thời thôi, nhưng đây thực chất là chuyện kinh doanh. Chưa chắc đã phục vụ cho nhà nước, có khi chỉ phục vụ cho một số cá nhân, lợi ích nhóm nào đó thôi. Không nên để tình trạng như hiện nay, nó bừa bãi quá, không xứng tên thủ đô của một đất nước”.

Thống kê độc lập của phóng viên trên địa bàn hai quận trung tâm là Hoàn Kiếm và Ba Đình cho thấy, trong tổng số 157 điểm, bãi trông giữ xe tạm thời được Sở GTVT Hà Nội và UBND các quận cấp phép cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các bãi xe thuộc Công Ty TNHH Một Thành Viên Khai Thác Điểm Đỗ Xe Hà Nội chiếm tỉ lệ trên 30%, Công ty Cổ phần 901 chiếm 20% và Công ty Cổ phần Đồng Xuân chiếm 20%. Ngoài ra, tại khu vực lõi đô thị, còn có các tên tuổi khác như Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tùng Linh, Công Ty TNHH Thương Mại Đầu Tư Gia Khánh; Công ty TNHH Thủ đô II; Công ty TNHH Hà Nội 4 Mùa; Công ty TNHH MTV…

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc tập trung các điểm đỗ xe lòng đường, hè phố vào tay một số ít đơn vị sẽ không phải là vấn đề, một khi quy trình cấp phép minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, hiện việc cấp phép vẫn đang là một “điểm mờ” mà chính các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đang tích cực thúc đẩy nhằm công khai, minh bạch hóa.

Ông Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm: “Chúng ta cũng mong muốn những công ty chuyên nghiệp người ta thực hiện việc trông giữ xe, thì sẽ thuận lợi cho hoạt động quản lý, đáp ứng các yêu cầu khác nhau.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, nên được triển khai rộng rãi, công khai ở toàn địa bàn thành phố, không nên gói gọn vào một số công ty nào đó. Lúc đó sẽ rất hạn hẹp, và cũng dễ tạo lợi ích nhóm giữa những chủ thể thực hiện việc trông giữ xe này”.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, mặc dù Hà Nội đã tăng gấp 3 lần mức cho thuê diện tích lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ xe từ năm 2018, nhưng số tiền đó vẫn quá chênh lệch so với giá thị trường tại những vị trí được ví như “đất vàng” giữa lòng Thủ đô.

Và chính việc được thuê công sản với giá rất thấp so với tiềm năng kinh doanh - đó là một lợi thế cạnh tranh, là đặc quyền lợi ích của những tổ chức, cá nhân được cấp phép.

“Chúng tôi đã tính ra, một quận trung tâm có thể thu được hàng ngàn tỷ một năm, nếu chỉ cần quản trị không gian đô thị, tài sản công nghiêm chỉnh. Điều đó có thể thu lại còn nhiều hơn so với thu thuế từ buôn bán lặt vặt, khách sạn, nhà hàng.

Riêng việc thu phí cho đúng giá, nền kinh tế sử dụng bãi đất công được trả tiền đúng thì sẽ vực lên được nền kinh tế đó”, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nói.

Vậy những doanh nghiệp chủ chốt cáng đáng dịch vụ trông giữ phương tiện tạm thời ở trung tâm Hà Nội là những doanh nghiệp như thế nào, họ kinh doanh và đóng thuế ra sao, họ được cấp phép bằng cách nào?

Screenshot 2022-12-23 at 11.05.49 AM

Theo khảo sát của VOV Giao thông tại các điểm đỗ xe tạm thời ở vùng lõi Thủ đô, Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội là cái tên chiếm thị phần lớn nhất (30%). Công ty này có địa chỉ 17 phố Hàng Đậu, Phường Đồng Xuân, Quận Hoàn Kiếm.

Công ty được thành lập vào năm 1996, tiền thân là Ban quản lý hè đường phố thuộc Sở Giao thông công chính Hà Nội (nay là Sở GTVT Hà Nội). Đến năm 2004, công ty này được đổi tên và trực thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco). Transerco là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội.

Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội còn tham gia vào các hoạt động kinh doanh khác như hoạt động xây dựng nhà các loại; Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng; Lắp đặt hệ thống xây dựng khác; Kiểm định an toàn kỹ thuật các phương tiện cơ giới đường bộ; Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải; đặc biệt là đóng vai trò tham mưu Sở GTVT trong việc định hướng, xây dựng quy hoạch phát triển giao thông tĩnh và tổ chức dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội.

Công ty cổ phần 901 là “ông lớn” tiếp theo (chiếm thị phần 20% các điểm trông giữ xe), địa chỉ số 4B, xóm Thắng Lợi, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng.

Công ty này thành lập năm 2009, có ngành nghề kinh doanh chính là “Dịch vụ khai thác điểm đỗ, trông giữ xe ôtô, xe máy, xe đạp và các phương tiện vận tải, thiết bị chuyên dùng khác”. Ngoài ra, còn hoạt động nhiều mảng, trong đó có “Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động”.

Công ty này không có website riêng nên thông tin khá bí ẩn. Mặc dù vậy, nếu gõ từ khóa “Bãi xe Công ty cổ phần 901” lên công cụ tìm kiếm, máy chủ Google ở Việt Nam sẽ trả 258 nghìn kết quả sau 0,39 giây. Đa số là các thông tin tiêu cực về “chặt chém”, thu quá giá quy định, lấn diện tích cấp phép.

Cũng chiếm 20% thị phần trông giữ xe còn có Công ty cổ phần Đồng Xuân, địa chỉ tầng 3, chợ Đồng Xuân, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.

Công ty Cổ phần Đồng Xuân được thành lập vào năm 1996, là doanh nghiệp cổ phần, Nhà nước chi phối chiếm 71%. Chức năng chính là tổ chức quản lý, khai thác, cho thuê mặt bằng, cung cấp các dịch vụ tại chợ Đồng Xuân.

Ngoài ra, công ty này có vai trò khá lớn ở khu vực phố cổ khi tham gia vào các dịch vụ vận chuyển, ăn uống giải khát, dịch vụ thương mại, dịch vụ vệ sinh, du lịch-dịch vụ công-xe điện.

Phóng viên tiếp tục tìm hiểu một số đơn vị trông xe danh tiếng khác, nhưng ít thị phần hơn. Cụ thể, công ty TNHH thương mại đầu tư Gia Khánh có trụ sở số 18 phố Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Công ty này mới thành lập 3 năm nay, ngành nghề chính là dịch vụ trông giữ phương tiện.

Tương tự, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tùng Linh cũng mới được thành lập từ năm 2019, có địa chỉ Chắn 5, phố Trần Phú, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm. Lĩnh vực kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ.

Cả 5 doanh nghiệp VOV Giao thông khảo sát có khá nhiều điểm chung. Theo văn bản trả lời của Cục Thuế thành phố Hà Nội, các công ty này đều không nợ thuế theo kê khai, chứng tỏ “sức khỏe” tài chính tốt, kiếm được lợi nhuận từ hoạt động khai thác điểm đỗ.

Cả 5 đơn vị đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử/vé trông giữ xe điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định số 123 năm 2020 của Chính phủ. Nhưng thực tế ghi nhận từ ngày Nghị định có hiệu lực 1/7/2022 đến nay, hầu như chưa có bãi trông xe nào thực hiện xuất vé điện tử cho khách hàng, thậm chí hiếm có bãi xe xuất vé giấy truyền thống.

Các đơn vị đều được cơ quan cấp phép “ưu ái” những vị trí thuận lợi nhất để khai thác điểm đỗ xe. Có đơn vị từng được giao thí điểm mô hình “khoán quản” cách đây hơn 1 thập kỷ ở quận Hoàn Kiếm. Có đơn vị có mối quan hệ mật thiết với các cán bộ, viên chức ở bộ máy chính quyền. Có đơn vị do chính UBND TP Hà Nội gián tiếp quản lý.

Nhằm tìm hiểu quy trình cấp phép cho các doanh nghiệp, theo đúng Quyết định phân cấp 14 năm 2021 của UBND TP Hà Nội, phóng viên đã “gõ cửa” UBND quận Hoàn Kiếm (có thẩm quyền cấp phép bãi xe trên vỉa hè) và Sở GTVT Hà Nội (có thẩm quyền cấp phép bãi xe dưới lòng đường).

Điều bất ngờ là ông Vũ Hoài Nam, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm, từ chối trả lời lĩnh vực chuyên môn do chính ông phụ trách, với lý do… “câu hỏi khó quá!”.

- Thưa ông, doanh nghiệp trông giữ xe cần đảm bảo điều kiện gì?

- Các điều kiện ở đây, đối với các đơn vị trông giữ phương tiện phải có năng lực, tư cách pháp nhân về thực hiện trông giữ phương tiện, hoạt động hỗ trợ vận tải, cũng như đảm bảo phương tiện PCCC tại nơi trông giữ.

- Ở góc độ cấp quận, lựa chọn các doanh nghiệp trông giữ phương tiện theo hình thức nào, họ có cần nộp hồ sơ hay quận giao khoán cho các đơn vị có kinh nghiệm, uy tín?

- Nội dung này, tôi có thể trả lời sau được không!


Trong khi đó, đại diện phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội cho biết, để một tổ chức, cá nhân xin cấp phép trông giữ phương tiện tạm thời ở lòng đường, họ cần chuẩn bị 3 tài liệu: Bản chính giấy tờ cá nhân và văn bản đề nghị có xác nhận của chính quyền địa phương; Bản chính sơ đồ vị trí xin cấp phép; Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề trông giữ phương tiện giao thông.

Có 6 bước trong quy trình, gồm: 1- Hồ sơ gửi theo đường công văn trình lãnh đạo Sở GTVT phê duyệt chuyển về phòng chức năng; 2- Phân công cho lãnh đạo phòng Quản lý kết cấu hạ tầng xem xét; 3- Cán bộ thụ lý hồ sơ mời Công an TP, UBND quận, phường kiểm tra, thông báo bổ sung, hoàn thiện hồ sơ; 4- Nếu hợp lệ, dự thảo giấy phép trình lãnh đạo phòng; 5- Dự thảo giấy phép trình lãnh đạo Sở duyệt; 6- Trả kết quả cho tổ chức, cá nhân. Toàn bộ quy trình được xử lý không quá 10 ngày làm việc.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, quy trình này còn tiềm ẩn nhiều cảm tính ở cấp xét duyệt, thiếu minh bạch so với giải pháp cho đấu giá quyền sử dụng tài sản công theo đúng tinh thần của Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Nghị định 33 năm 2019 về cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

“Rõ ràng việc hình thành các bến xe tạm thường không đi kèm với đấu thầu hoặc quy định chặt chẽ, vì thế dễ xảy ra tình trạng mất ANTT, tranh giành các nhóm lợi ích để được quyền trông giữ điểm đỗ đó. Phải có cơ chế quản lý tài chính đẩy đủ, chính xác, rõ ràng công khai với tất cả các điểm đỗ xe”, ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Vậy, các doanh nghiệp được chính quyền đô thị Hà Nội tin cậy gửi gắm nền dịch vụ trông giữ phương tiện tạm thời trên vỉa hè, dưới lòng đường, họ đang hoạt động ra sao, chấp hành theo quy định pháp luật và theo giấy phép được cấp như thế nào?

Người dân đang chi trả phí dịch vụ cho các doanh nghiệp này theo cách nào?

Untitled

Theo các số liệu chính thức từ Sở GTVT Hà Nội, nguồn thu từ việc cho thuê lòng đường để trông giữ xe trung bình mỗi năm khoảng 45 tỷ đồng. Trong khi đó, chưa có con số chính xác về nguồn thu từ việc cho thuê vỉa hè để trông giữ xe, do số liệu phụ thuộc vào tổng hợp từ 30 quận, huyện, thị xã.

Điều tra độc lập của VOV Giao thông cho thấy, con số này không quá 25,5 tỷ đồng/năm.

Như vậy, ngân sách thành phố thu được dưới 80 tỷ đồng mỗi năm khi duy trì chính sách cấp phép cho các bãi trông giữ xe tạm thời trên vỉa hè và dưới lòng đường.

Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các cơ quan quản lý cũng không thể biết chính xác doanh thu thực tế của các bãi trông giữ xe. Nguyên nhân do các bãi trông xe thường xuyên thu quá giá quy định, tận dụng và lấn chiếm diện tích được cấp phép, không xuất vé hoặc hợp đồng cho khách thuê.

Thực tế khảo sát vào chiều 13/12/2022 tại bãi đỗ xe của Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội trên phố Quán Sứ (đối diện ngõ Hội Vũ), thường xuyên có 2 phụ nữ không mặc đồng phục, bảng tên ra ghi vé, thu tiền. Vỉa hè điểm này bị chiếm trọn bởi ô tô xếp ngang, vi phạm quy định chừa lại tối thiểu 1m-1,5m cho người đi bộ. Có thời điểm, xe đỗ thành 2 hàng từ vỉa hè xuống lòng đường, che cả điểm đỗ xe buýt, phần đường đối diện có biển cấm đỗ nhưng cũng bị tận dụng để thu tiền.


Khi PV ngỏ ý hỏi trông xe theo tháng, có hợp đồng trông giữ xe không, 2 người phụ nữ này lắc đầu, xua tay.

- Chị ơi em hỏi có trông qua đêm không? Đêm ngày bao nhiêu tiền? Xe ô tô?

-Gửi thì đem xe qua đây mới biết.

-Gửi xe đây có hợp đồng không ạ? Ngày gửi ngày không, để qua đêm.

-Hỏi thế khó, ngày là một giá, đêm là một giá. Gửi tháng 3 triệu

-Có hợp đồng không ạ?

-*Lắc đầu, xua tay*

Tương tự, điểm đỗ xe trên phố Trần Bình Trọng (đối diện bảo tàng Công an Nhân dân) cũng chiếm dụng toàn bộ diện tích vỉa hè. Tại điểm này, nhân viên trông xe của Công ty khai thác điểm đỗ Hà Nội chia sẻ “bí mật” về lý do vì sao họ không thích làm hợp đồng vé tháng với khách:

- Em gửi ngày đêm ở đây thế nào anh?

- Em cứ ra sớm có chỗ đỗ, 2 triệu/tháng.

-Em cần hợp đồng có không anh ơi vì xe của công ty

-Không, ở đây trả có hợp đồng gì, đây toàn trông của Công an, hàng tháng cứ ra gửi tiền thôi. Nếu hợp đồng thì sang bên kia.

-Em tưởng đây của khai thác điểm đỗ HN có hợp đồng chứ?

-Thì khai thác điểm đỗ, nhưng hợp đồng em phải thêm là thành 2,5 triệu/ tháng. Phải mất phí, mất phần trăm, mua hóa đơn đỏ. Bình thường viết lấy tay, giờ hợp đồng mất hóa đơn đỏ. Cái gì có 2 mặt của nó.

Nhân viên trông xe thừa nhận đã được công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội “giao khoán” diện tích trông giữ trên vỉa hè

Cùng thời điểm khảo sát ngày 13/12/2022, tại điểm đỗ xe của Công ty cổ phần 901 trên phố Trần Hưng Đạo (trước Cổng Uỷ ban ATGT Quốc gia), không có biển hiệu, bảng niêm yết giá, nhân viên không mặc đồng phục, không đưa vé cho khách, chỉ thu tiền mặt.

- Anh muốn gửi xe ở đây hợp đồng thế nào?

- Em nhận giá 2 triệu, anh oke thì đem ra

- Em có hợp đồng không?

- Mai anh qua đây em gửi hợp đồng.

- Công ty của bạn là gì nhỉ?

- 901 ạ!

Một điểm phức tạp khác của Công ty Cổ phần 901 là trên hè phố Phủ Doãn. Đối diện cổng viện Việt Đức, xe máy bị xếp thành 3-5 hàng, người đi bộ chỉ còn phần đường bề rộng 2 ô gạch để đi. Họ phải len lỏi giữa “rừng” xe máy, chốc chốc lại… hết đường bởi bị chắn từ các hàng quán trà đá bu kín vỉa hè.

Cũng trên tuyến phố này, đoạn đối diện số nhà 59-63 và 67-81, điểm đỗ của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tùng Linh xếp xe tới 5 hàng, lấn chiếm không gian người đi bộ.

Đáng chú ý, len lỏi giữa những điểm được cấp phép dọc theo hai tuyến Phủ Doãn, Triệu Quốc Đạt (đoạn qua cổng viện Phụ sản Trung ương), tồn tại một số điểm trông xe tự phát.

Những sai phạm này không khó để nhận diện. Thanh tra GTVT Hà Nội cho biết, trong năm 2022, lực lượng này đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 683 trường hợp, phạt tiền hơn 3 tỷ đồng với 3 hành vi vi phạm gồm: Chiếm dụng trái phép lòng đường, chiếm dụng trái phép vỉa hè để trông giữ phương tiện và tổ chức trông giữ phương tiện trái phép.

Theo đại diện cơ quan chức năng thì lực lượng công an trật tự, giao thông cũng rất quyết liệt khi xử lý 391 trường hợp liên quan trông giữ phương tiện không phép, sai phép, quá giá quy định, phạt gần 1,2 tỷ đồng.

Vị đại diện này cũng khẳng định, đây là những số liệu biết nói”: “Những bãi xe có giấy phép, chúng tôi xử lý thì tất cả các điểm này đều nhận khuyết điểm, xin hứa, cam kết, thậm chí có nhân viên thu giá vé sai, quá diện tích thì chủ các bãi xe này cũng không hợp đồng cho trông xe những nhân viên này nữa. Tôi cho như thế là rất quyết liệt”.

Nhưng vì sao có tình trạng xử lý rất quyết liệt như vậy, mà các vi phạm vẫn tiếp diễn và tái phạm nhiều lần, dẫn tới nhờn luật?

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nguyên nhân cốt lõi nằm ở lợi nhuận. Số tiền bị xử phạt vi phạm hành chính (từ 2,5 đến 25 triệu đồng) quá nhỏ bé so với doanh thu thực tế đã trừ đi tiền thuê vỉa hè, lòng đường nộp cho thành phố. Doanh thu thực tế này chảy đi đâu?

Ông Thịnh lý giải: “Chi phí giữ xe có thể lớn hơn nhiều nhưng chúng ta không có phương thức đấu giá cũng như không có quy chế đấu thầu và cách thức quản lý hợp lý cho nên hầu như phí trông giữ xe đó vào túi của các nhóm lợi ích, vì thế lượng thu được của ngân sách nhà nước là rất nhỏ.”

Chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang cũng có cùng chung nhận định. Nhìn từ các bãi giữ xe tạm được cấp phép trên hè phố, lòng đường, nhân viên thu tiền mặt không vé, không hợp đồng, ngang nhiên trông giữ xe quá diện tích, rồi sau đó chấp nhận nộp phạt. Có thể khẳng định, công sản đang bị quản lý lỏng lẻo, dẫn tới nhiều hệ lụy thất thu ngân sách và ảnh hưởng lớn tới các chính sách giao thông đô thị khác, tạo ra một thói quen lệ thuộc nguy hại của chính quyền đô thị vào sự nhếch nhác, thiếu bền vững vào các bãi đỗ xe tạm thời.

“Nếu được thì chỉ một số cá nhân trông giữ ô tô và thu được tiền. Còn mặt lợi ích chung, lợi ích xã hội của cả cộng đồng, cả thành phố thì đã mất vì mục tiêu lâu dài là khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và hạn chế giao thông cá nhân sẽ không đạt được vì nếu người ta sử dụng quá thuận lợi sẽ không ai từ bỏ để chuyển sang giao thông công cộng cả”, Chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang nói.

Bức tranh toàn cảnh về ngành dịch vụ trông giữ xe trên hè phố, lòng đường đã rõ. Nhưng vì sao các bãi xe được cấp phép vẫn vi phạm tràn lan, bất chấp các đợt ra quân xử lý, các đợt tuyên truyền cao điểm của truyền thông báo chí?

Có hay không sự ưu ái, châm chước của chính quyền đô thị, lực lượng chức năng cho các doanh nghiệp thân quen?

Tiểu xảo nào thường được áp dụng để ăn gian diện tích đỗ xe, trộn lẫn bãi không phép vào bãi có phép?

VOV Giao thông sẽ tiếp tục hành trình tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề này.

---

Nội dung: Chu Đức - Hải Bằng - Ngọc Tuấn.

Ảnh & Clip: Ngọc Tuấn - Hải Bằng

Thiết kế: Tường Media