Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Làng Cát

Mai Lộc – Nhật Minh: Thứ tư 14/02/2024, 10:53 (GMT+7)

Hơn 10 năm trước, cuộc sống của bà con làng Chăm gắn với tình trạng “cát bay, cát nhảy” quanh năm. Chẳng ai có thể nghĩ rằng, ngày cây măng tây có thể phủ xanh những động cát khô cằn, và làm thay đổi cuộc sống của đồng bào nơi đây.

Ninh Thuận được biến đến là vùng đất của nắng và gió. Gió, cát, nắng quyện cùng nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng ẩn chứa trong đó là sự khắc nghiệt. Có lẽ, vì thế mà câu chuyện về ý chí vươn lên, vượt khó tìm lối đi mới của người dân địa phương trở nên đáng quý.

langcat


Đến xã An Hải, huyện Ninh Phước những ngày đầu năm mới, chúng tôi được bà con kể cho nghe về câu chuyện khởi nghiệp của ông Hùng Ky, người đầu tiên đưa cây măng tây xanh về trồng tại thôn Tuấn Tú. Điều bất ngờ với chúng tôi vườn măng tây từ ngày đầu ông mới trồng thử nghiệm đến nay vẫn cho năng suất tốt. Với ông, vườn măng tây này vừa có ý nghĩa kỷ niệm, vừa là minh chứng rõ ràng nhất cho niềm tin mãnh liệt của ông, vùng đất dù khắc nghiệt tới đâu cũng sẽ có loại cây trồng phù hợp.

Ông Hùng Ky tâm sự: "8 năm rồi mình vẫn còn thu tốt, đặc thù đất cát là dễ rút nước, mùa mưa nó không bị úng, đất cát là đất hở nên oxy làm thoáng đất rồi mầm nó lên dễ dàng hơn so với đất thịt, mình biết cây măng tây là nó chịu hạn trên đất cát nên chất lượng nó tốt hơn, năng suất nó cao hơn."

Hơn 10 năm trước, cuộc sống của bà con làng Chăm gắn với tình trạng “cát bay, cát nhảy” xảy ra quanh năm. Chẳng ai có thể nghĩ rằng, ngày cây măng tây có thể phủ xanh những động cát khô cằn, và làm thay đổi cuộc sống của đồng bào Chăm nơi đây. Ông Hùng Ky chia sẻ tiếp: "Cây măng tây bây giờ không phải là cây măng tây xóa đói giảm nghèo mờ giờ đây nó là cây trồng làm giàu cho bà con làng Tuấn Tú. Bà con giờ nhà nào cũng có nhà xây, xe cộ đầy đủ mà làng Tuấn Tú nhiều hộ gia đình đã thoát được nghèo hết."

Nhân viên HTX Tuấn Tú phân loại măng tây xanh. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Huyện Ninh Phước - tỉnh Ninh Thuận

Nhân viên HTX Tuấn Tú phân loại măng tây xanh. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Huyện Ninh Phước - tỉnh Ninh Thuận

Khi cây măng tây dần bén rễ ở vùng hanh khô, nắng cát cũng là lúc ông Ky mạnh dạn thành lập HTX để kết nối với doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất cho bà con. Nhờ cách làm phù hợp nên măng tây của người dân địa phương trồng ra ít khi phải chịu cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Bà Châu Thị Tranh, Xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nhớ lại: "Người dân chỉ biết sản xuất thôi, còn thu mua là HTX lo hết rồi."

Sống nương theo tự nhiên, tìm cách thích ứng với điều kiện bất lợi về thời tiết để phát triển kinh tế cũng là câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Hoan, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Gắn bó với nghề chăn nuôi du mục từ hơn 10 năm nay, hiện tại, anh Hoan đã sở hữu đàn cừu gần trăm con. Công việc mưu sinh gắn với nghề chăn thả gia súc vùng đồi cát cũng từ đó hình thành nên làng du mục di chuyển theo chân đàn gia súc để tìm kiếm thức ăn.

Có tận mắt chứng kiến và theo chân đàn cừu từ cánh đồng này qua cánh đồng khác, mới thấu hiểu hết nỗi nhọc nhằn của những người chăn thả gia súc trên vùng đất cát này. Thời điểm khô hạn, nắng nóng cạn kiện ao hồ, tìm nguồn nước cho bầy gia súc là bài toán căng não cho người theo nghề này. Vất vả, nhọc nhằn là vậy, nhưng chưa khi nào anh Hoan có ý định bỏ nghề. Anh Hoan bày tỏ:  

"Mùa mưa còn đỡ chứ mùa hạn theo đàn cực lắm, cừu vào đồng sẽ không có thức ăn nên khi về mình phải tìm cỏ để cắt thêm nữa. Người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề chăn nuôi, mỗi hộ như vậy là từ 100 đến 300 con. Sống lâu nên mình cũng nảy sinh tình cảm với con vật mà mình chăm sóc, phải có tình cảm yêu thương nó thì mới có thể duy trì được đàn."

Sự sống vẫn luôn hiện hữu ở nơi khắc nghiệt khi có bàn tay chăm sóc, vượt khó của con người. Từ nghề chăn nuôi truyền thống, giờ đây, nhiều gia đình ở làng cát nóng An Hải đã phát triển theo mô hình gia trại để tạo sinh kế, ổn định cuộc sống.

Anh Thái Văn Châu, ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Mình phải cố gắng vì dù sao ở đây mình cũng có được đồng cỏ nhiều, trên mình trồng cây lâu năm dưới mình trồng cỏ để chăn nuôi thì cũng kiếm được thu nhập trang trải hàng ngày."

Đất không phụ công người, những triền cát hoang vu giờ đây đã nhường chỗ cho màu xanh bạt ngàn của những loại cây trồng thích hợp. Về làng Thái An, chúng tôi tiếp tục được nghe về nỗ lực của một trong những làng nho lâu đời nhất Ninh Thuận. Nếu như những giống nho xanh và nho đỏ truyền thống từng giúp bà con địa phương thoát nghèo thì hiện nay việc canh tác các giống nho mới lạ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước.

Trong đó, có thể kể đến giống nho kẹo hay nho hồng nhật đã mang lại sự khác biệt. Và cũng từ đó sản phẩm nông nghiệp đặc hữu riêng có này đã tạo được sức hút cho du khách đến vùng đất được xem là khô hạn nhất cả nước.

Ông Nguyễn Khắc Phòng - HTX Thái An, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ: "Ba mặt giáp núi 1 mặt giáp biển thì các loại cây trồng trong đó cây nho nó cho ra chất lượng khác hẳn, trái nó đậm đà hơn, nó giòn nó ngọt hơn. Từ cây nho này thì bà con mới có cuộc sống đầy đủ, sung túc như hiện nay nên cây nho trở thành nồi gạo của bà con, bám vào đó mà sinh sống, phát triển."

Nông dân thôn Tuấn Tú, xã An Hải thu hoạch cây măng tây xanh. Ảnh: Báo Nhân Dân

Nông dân thôn Tuấn Tú, xã An Hải thu hoạch cây măng tây xanh. Ảnh: Báo Nhân Dân

Từ nông nghiệp đến du lịch từ khai thác tài nguyên bản địa là bước tiến dài của bà con địa phương. Sinh ra trên cát, lớn lên cùng cát anh Phan Văn Trọng, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận thấu hiểu sự nhọc nhằn của bà con quê mình. Trong suy nghĩ của những người sống quen với sự khắc nghiệt thì hạt cát như có nghĩa tình bởi cuộc sống của gia đình anh, nguồn thu từ cách làm du lịch độc đáo này…tất cả đều nhờ vào đồi cát.

Anh Phan Văn Trọng, chia sẻ: "Hồi xưa bà con mình dân nông mà nhìn thấy đồi cát không ai dám lên đây hết. Chỉ có nắng với gió cát chứ đâu có gì. Không ai có thể nghĩ sau này nó sẽ trở thành điểm du lịch nổi tiếng."

Cao nguyên cát đó là cái tên mà nhiều người dành riêng cho Bàu Trắng. Theo cư dân của làng, Bàu Cát nghĩa là hồ nước ngọt lớn giữa mênh mông cát trắng. Giữa đồi cát khô cằn, nước trong bàu trong xanh, thi thoảng được tô điểm bởi những cánh sen hồng nở rộ. Kể từ ngày đồi cát được đưa vào khai thác du lịch, cuộc sống người dân miền biển Hòa Thắng ngày càng ổn định.

Để Bàu Trắng được nhiều người biết đến, để gió cát và sóng biển trở thành đặc sản của vùng đất, thì chính cư dân là những người góp phần gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên và lan tỏa đến với du khách gần xa. Ông Trương Quang Sinh, Xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, chia sẻ:

"Ngay cái Bàu trắng này là nơi bà con chuyên đánh bắt, lòng hồ này mình thấy không bao giờ nó cạn, nhờ bàu này mà bà con có thể tồn tại và phát triển. Ở đây được thiên nhiên ban tặng cho hồ nước và triền cát rất là đẹp nên bà con luôn ý thức gìn giữ và bảo vệ nó."

Điều kì diệu ở miền cát nóng ven biển không chỉ giúp bà con trong vùng thích nghi mà mỗi mầm xanh vươn lên từ đất cát cũng chính là cuộc đua bền bỉ từ ý chí, nghị lực của con người trước sự khắc nghiệt của đất trời. Trái ngọt từ sự tử tế của người dân địa phương, sống hòa hợp với thiên nhiên, khai thác du lịch song hành cùng bảo vệ môi trường và truyền cảm hứng đó cho du khách.

Trái ngọt là ý chí dám nghĩ, dám làm, quyết tâm chinh phục những điều chưa có tiền lệ. Sức sống từ những vườn rau trên cát, từ những mô hình gia trại kết tinh nắng gió từ ở vùng duyên hải Nam Trung bộ đang tạo nên sức sống mới để nơi này đất cát nở hoa.

Mai Lộc – Nhật Minh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn