Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Làn sóng mua bán sổ tiết kiệm tăng cao bất thường, ngân hàng cảnh báo rủi ro

Nguyễn Yên: Thứ tư 03/04/2024, 07:30 (GMT+7)

Xuất hiện đã vài năm trở lại đây, nhưng thị trường mua bán, chuyển nhượng sổ tiết kiệm ở thời điểm hiện tại đang thực sự sôi động khi lãi suất các ngân hàng liên tục giảm mạnh trong thời gian qua.

Làn sóng mua bán sổ tiết kiệm tăng cao bất thường, đặc biệt trên không gian mạng khiến nhiều chuyên gia cho rằng, việc này tiềm ẩn không ít rủi ro cho cả người bán lẫn người mua. 

Chị Nguyễn Hương Giang ở Thanh Xuân, Hà Nội có sổ tiết kiệm với lãi suất cao hơn mức hiện tại nhưng chưa đến ngày đáo hạn mà chị lại cần tiền nên đã thông qua các diễn đàn để rao nhượng lại sổ tiết kiệm. Chị nhanh chóng được nhiều người “inbox” hỏi mua lại sổ của mình:

“Gửi dài thì lãi mới cao nên mình cũng gửi kỳ hạn dài, nhưng đột nhiên lại cần đến tiền mà sổ lại chưa đến kỳ hạn rút, thành ra có dịch vụ nhương lại sổ tiết kiệm, mình thấy nó cũng hợp lý. Đương nhiên là việc nhượng lại sổ tiết kiệm sẽ có lợi hơn việc tất toán ngay và nhận lãi suất không thời hạn của ngân hàng".

Chuyển nhượng sổ tiết kiệm là hình thức thay đổi chủ sở hữu của cuốn sổ tiết kiệm tại ngân hàng. Bằng việc chuyển nhượng, bên bán sổ sẽ tránh được việc phải nhận lãi không kỳ hạn cho số tiền rút sớm.

Còn bên mua cũng được hưởng lợi khi kỳ hạn còn lại không nhiều mà lãi suất được hưởng lại cao hơn nhiều so với việc mở sổ tiết kiệm mới với mức lãi suất thấp như hiện nay.

Ngay cả ngân hàng cũng có lợi khi giữ được số tiền huy động không bị "chảy" sang ngân hàng khác.

Ảnh minh họa: CafeF

Ảnh minh họa: CafeF

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lý giải về những nguyên nhân hoạt động mua bán, chuyển nhượng sổ tiết kiệm đang diễn ra rầm rộ hiện nay: “Nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2024 gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc nên có nhiều người phải bán sổ tiết kiệm để lấy tiền sinh sống. Và thay vì họ rút tiền ra khỏi ngân hàng thì họ tìm bán sổ tiết kiệm với lãi suất cao đó với giá hời trên mệnh giá của sổ tiết kiệm”.

Trên các trang mạng xã hội, hiện việc mua bán sổ tiết kiệm đang diễn ra rất sôi động, như trong nhóm "Hội chuyển nhượng sổ tiết kiệm ngân hàng", mỗi ngày có hàng chục lời rao chuyển nhượng hay nhận chuyển nhượng sổ tiết kiệm với các thông tin cụ thể như tên ngân hàng, mệnh giá, kỳ hạn và lãi suất.

Một chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân của ngân hàng cho biết, theo quy định về tiền gửi tiết kiệm tại Thông tư số 48/2018 thì người gửi tiền có thể chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, ngân hàng đánh giá đây là một hoạt động tiềm ẩn rủi ro:

“Giao dịch này được xếp là giao dịch có độ rủi ro cao hơn các giao dịch thông thường. Rủi ro liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt kiểu như vô tình lấy được sổ tiết kiệm rồi ra ngân hàng giả chữ ký để chiếm đoạt sổ đó. Trong quy trình của ngân hàng cũng có chốt chặn bằng cách kiểm soát cả bên mua, bên bán, kiểm soát chứng từ, có dấu hiệu gì khả nghi, bất thường không”.

Dù chưa chính thức ghi nhận vụ án nào liên quan đến hoạt động mua bán, sang nhượng sổ tiết kiệm nhưng theo nhận định của các chuyên gia thì hình thức giao dịch này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả bên mua lẫn bên bán, đặc biệt với những giao dịch giá trị cao hàng tỷ đồng.

Theo chuyên gia pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm có thể gặp rủi ro nếu không thực hiện quy trình sang tên vì hoạt động mua bán sổ tiết kiệm không thể đơn giản là trả tiền rồi nhận sổ:

“Việc mua bán chuyển nhượng này nếu làm đúng thủ tục, trình tự tại phòng giao dịch thì rủi ro rất thấp, nhưng lựa chọn hình thức giao dịch ủy quyền thì rủi ro hiện hữu bởi bản chất của hợp đồng ủy quyền chỉ là ủy quyền cho người mua một thời gian nhất định, hợp đồng ủy quyền có thể mất hiệu lực và thiệt hại thuộc về người mua”.

Ngoài ra, khi trao đổi thông tin chuyển nhượng, các bên không nên để lộ các thông tin cá nhân, thông tin tín dụng của mình tại ngân hàng bởi có thể bị kẻ xấu lợi dụng thực hiện các hành vi lừa đảo khác dựa trên nguồn thông tin thu thập được.

Theo dự đoán của các chuyên gia, hình thức giao dịch này sẽ còn phát triển trong thời gian tới, vì vậy mà khi tham gia mua bán sổ tiết kiệm, người dân cần tìm hiểu kĩ các quy trình, thủ tục giao dịch tránh phát sinh những rủi ro đáng tiếc.

Đặc biệt, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm cần được thực hiện tại chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng và có đầy đủ các giấy tờ cần thiết của các bên.

 

Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn