Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Làn sóng bỏ lúa trồng cây ăn trái ở ĐBSCL

Hà Hương: Thứ tư 06/09/2023, 14:53 (GMT+7)

Khi thị trường xuất khẩu ngày càng rộng mở thì làn sóng bỏ lúa trồng các loại cây khác như mít, sầu riêng, dừa… lại càng mạnh mẽ. Điều này cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho nông nghiệp ĐBSCL.

Với 1,5 ha đất trồng lúa, ông Hà Ngọc Lễ - nông dân ở ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, 2 năm trở lại đây đã mạnh dạn chuyển sang trồng giống sầu riêng Musang King. Sau khoảng thời gian tìm tòi, chăm sóc, đến nay, vườn sầu riêng của ông đang phát triển khá tốt.

Nói về lý do dẫn đến quyết định táo bạo này, ông cho biết, nhiều năm canh tác lúa gia đình ông phải thấp thỏm với điệp khúc được mùa mất giá, khi được giá lại mất mùa, trong khi đó lợi nhuận mỗi năm thu được sau khi trừ chi phí và công chăm sóc cũng chẳng được là bao.

Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn được trang bị hệ thống tưới nước tự động hiện đại với những cây sầu riêng đã cao vượt đầu người, ông chia sẻ về kỳ vọng của mình: Làm lúa 3 vụ một năm, bỏ chi phí đầu tư thì còn lời được khoảng 50 triệu/ 15.000 mét vuông.

Mỗi năm một vụ thì chúng ta phải phải làm đất rồi phải xuống giống nó hơi cực khổ hơn cái mà mình lên vườn. Lên vườn trồng cây ăn trái thì mình chỉ xuống giống một lần, chăm sóc rồi những năm sau này chúng ta không phải bỏ giống, chỉ đầu tư phân thuốc thì sẽ mang lại lợi nhuận.

Tiết kiệm công chăm sóc và mang lại giá trị kinh tế cao hơn- đó cũng là điều mong mỏi của nhiều nông dân cùng ngụ xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ. Nếu trước đây, hầu hết diện tích được tập trung trồng lúa thì hiện nay bà con đã chuyển sang nhiều loại cây trồng khác nhau như sầu riêng, mít, ổi, nhãn... Tính hiệu lạc quan từ các thị trường quốc tế khi chấp nhận nhập khẩu nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam cũng góp phần giúp nông dân vững tin hơn về quyết định chuyển đổi.

Ông Hà Ngọc Lễ cho biết thêm: Những năm gần đây người ta tăng diện tích trồng cây ăn trái cũng tương đối nhiều chứ không phải chuyển hết. Ví dụ như người ta có khoảng chừng 20 công ruộng, người ta chuyển lên 5 công hay 10 công, còn lại thì làm ruộng. Khi mà trồng một cái loại cây nào đó mà nhiều quá, cung vượt cầu thì giá thành nó bị thấp. Điều đó cũng thường xảy ra, nhưng bà con bây giờ thì người ta cũng có cái lưu ý đó. Người ta thích trồng cây gì thì sẽ trồng thôi, chứ không có theo phong trào mà trồng ồ ạt như trước đây nữa.

Ảnh minh họa: Tạp chí Nông thôn Việt Nam

Ảnh minh họa: Tạp chí Nông thôn Việt Nam

Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, tính đến tháng 06/2023, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn Thành phố là trên 24.600ha; trong đó, diện tích cây sầu riêng là khoảng 3.000ha. Cùng với kinh nghiệm trồng trọt của nông dân, ngành nông nghiệp Thành phố đã tăng cường hướng dẫn các quy trình kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc sầu riêng đạt hiệu quả, chất lượng; tăng cường cấp mã số vùng trồng, góp phần giữ được giá trị cao cho trái sầu riêng Cần Thơ.

Trong bức tranh lớn của ngành nông nghiệp cả nước, tình hình xuất khẩu mặt hàng rau quả cũng mang gam màu tươi sáng khi kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm năm 2023 tăng trưởng rất ấn tượng, với mức tăng 68% so với cùng kỳ năm 2022, đạt tới 3,23 tỷ USD, hoàn toàn có khả năng xác lập kỷ lục mới, chạm mốc 5 tỷ USD trong năm 2023. Đáng chú ý, dừa tươi Việt Nam đang đứng trước cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc- một thị trường lớn nhiều tiềm năng.

Theo kế hoạch, thời gian kiểm tra là vào giữa tháng 8/2023. Nói về lợi ích cho ngành dừa ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung khi dừa loại trái này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân, ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre nhận định:

"Chắc chắn là lợi ích sẽ rất lớn. Thứ nhất, cái sản phẩm dừa chúng ta là được tiếp cận sâu vào các thị trường, các quốc gia bạn. Và các cái doanh nghiệp lớn, các cái kênh phân phối lớn ở nước bạn sẽ có điều kiện tiếp cận nó dễ, nó thường xuyên hơn. Chính vì vậy sẽ tạo điều kiện cho giá cả nó ổn định hơn và nhiều cái mặt hàng chúng ta có thể là tham gia sâu vào cái thị trường của các nước bạn. Cái điểm thứ hai nữa, đó là qua cái việc xuất khẩu này cũng là cái cơ hội để mà chúng ta thay đổi cái nhận thức, cái cách nghĩ, cách làm trong cái việc sản xuất hàng hóa nông sản của mình. Nó có cái nề nếp, nó có cách làm phù hợp với cái thông lệ quốc tế và qua đó cũng nâng cao được cái tiêu chuẩn chất lượng của mình, kể cả việc mà phục vụ cho nội địa".

Thế nhưng, việc ồ ạt chuyển đất lúa sang trồng cây ăn trái cũng đang đặt ra nhiều vấn đề thách thức cho các địa phương nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Tại Tiền Giang, trong vòng 4 tháng kể từ khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, diện tích trồng loại cây này đã tăng đột biến lên tới hơn 3.000 ha, nâng tổng diện tích lên 20.000 ha sầu riêng, đứng đầu trong cả nước. Tỉnh này đã vượt mức quy hoạch đến năm 2025 là 5.000 ha. Nguyên nhân xuất phát từ các cơ quan quản lý ở địa phương hiện cũng đang gặp khó khăn trong công tác quản lý.

Ông Võ Văn Men, Chi Cục trưởng, Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang chia sẻ: Cây sầu riêng thì ngành nông nghiệp khuyến cáo trồng ở Bắc quốc lộ 1 và Nam đường cao tốc thôi; bà con nông dân không nên vội trồng mà ổn định diện tích để nâng cao chất lượng. Cây sầu riêng hiện nay giá rất tốt, người dân họ đang trồng nhưng ở địa phương không quản lý được việc này nên đây là điều rất khó.

Có thể thấy, vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ đầu năm 2023 đến nay, việc đẩy mạnh xuất khẩu trái cây đã góp phần giúp mặt hàng nông sản này tăng trưởng ấn tượng. Đây không chỉ là cơ hội lớn của các hợp tác xã, các doanh nghiệp xuất khẩu trên hành trình khẳng định thương hiệu và chất lượng trái cây Việt mà còn là niềm vui của bà con nông dân khi cùng trên một diện tích đất nông nghiệp lại tạo ra giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, nếu không có những tính toán khoa học, chặt chẽ, người nông dân bỏ lúa, lên vườn sẽ tạo sự mất cân đối lớn, để lại những hậu quả nặng nề.

***

Mặc dù Nghị quyết của chính phủ đã xác định xoay trục từ lúa – trái cây – thủy sản, sang thủy sản – trái cây – lúa gạo cho khu vực ĐBSCL. Như vậy việc chuyển đổi diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái là phù hợp tinh thần Nghị quyết; tuy nhiên, việc làm này cũng cần có quy hoạch, định hướng từ địa phương để tránh tình trạng cung vượt cầu, ồ ạt chạy theo số lượng mà không đảm bảo chất lượng...

Theo Đề án “Phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và 2030” của Bộ NN&PTNT, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 diện tích cây ăn trái của cả nước đạt 1,2 triệu ha, sản lượng trên 14 triệu tấn; trong đó diện tích cây ăn trái chủ lực 960.000ha, sản lượng 11-12 triệu tấn. Đến năm 2030, diện tích cây ăn trái cả nước khoảng 1,3 triệu ha, sản lượng trên 16 triệu tấn; trong đó diện tích cây ăn trái chủ lực là 1 triệu ha, sản lượng 13-14 triệu tấn.

Như vậy một lần nữa phải khẳng định việc các địa phương ĐBSCL chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái tìm năng là phù hợp yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, nếu để việc làm này diễn ra theo phong trào, không theo định hướng, quy hoạch của các cơ quan quản lý, như đã từng xảy ra trước đây ở một số tỉnh, thành thì nguy cơ người nông dân sẽ lại “ngậm đắng” khi cung vượt cầu.

Hiện nay, khi chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn trái, bà con nông dân có đa dạng sự lựa chọn khi nhiều loại trái cây được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng, mang lại giá trị cao. Thế nhưng không phải muốn là được, không thể thích thì trồng vì tùy vào đặc tính mỗi loại cây mà sẽ cần đến điều kiện thổ nhưỡng khác nhau.

Để trồng được loại cây mình muốn, bà con nỗ lực cải tạo đất sẽ làm phát sinh chi phí cao trong khi không ai có thể đảm bảo về chất lượng mùa vụ và nhu cầu của thị trường trong thời gian dài cây sinh trưởng. Chẳng hạn như cây sầu riêng, theo các chuyên gia, nếu trồng giống cây này ở những vùng ngập lũ mà không có hệ thống đê bao an toàn nông dân sẽ phải đối mặt nhiều rủi ro. Mặt khác, ở những vùng có cống ngăn mặn, nhưng nếu thiếu nước ngọt, phèn từ dưới đất xì lên cũng sẽ dễ làm chết cây.

Trong sự phấn khởi vì nhiều mặt hàng trái cây được xuất khẩu chính ngạch ra quốc tế thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng thời gian qua vẫn có hàng trăm container nông sản Việt Nam bị trả về vì chưa đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn của các nước. Nông sản muốn có đầu ra và giữ được sự ổn định thì trước hết nông dân phải tuân thủ yêu cầu về chất lượng, nhất là tính an toàn của sản phẩm. Điều đáng tiếc là câu chuyện mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy bán vẫn diễn ra rất phổ biến.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự mất kiểm soát về chất lượng, làm tổn thất giá trị nông sản Việt và uy tín của công ty xuất khẩu.

Việc sản xuất manh mún, nhỏ lẽ có lẽ đã trở thành một phần trong tập quán của nhiều nông dân. Giờ đây, khi bước vào một “cuộc chơi” lớn hơn, chúng ta cần có sự hợp lực từ nhiều phía; lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân phải được chia sẻ hài hòa, minh bạch thì mối liên kết mới thật sự lâu bền. Với tiêu chí này, doanh nghiệp không còn trực tiếp cạnh tranh với nông dân, hợp tác xã, thay vào đó họ khuyến khích các cá nhân, tập thể cùng hợp tác đầu tư, liên kết hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm và chịu trách nhiệm cùng nhau.

Để trái cây Việt thật sự được nâng tầm, để người nông dân có thể giàu lên từ mảnh đất nhà mình thì những tồn tại nêu trên cần phải được giải quyết bằng những giải pháp căn cơ. Cùng với đó là những kế hoạch cụ thể, những hành động thiết thực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, giúp mỗi cán bộ, mỗi nông dân hiểu đúng và hiểu đủ yêu cầu, quy định của từng thị trường xuất khẩu.

 

Hà Hương/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tổ chức lại giao thông đường Minh Khai, gỡ “nút thắt cổ chai”

Tổ chức lại giao thông đường Minh Khai, gỡ “nút thắt cổ chai”

Đã 1 tuần kể từ khi nút giao phố Minh Khai - Ngõ 349 Minh Khai - Lối vào Bệnh viện Vinmec Times City (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được tổ chức lại giao thông. Hiện tượng ùn ứ, ách tắc, đặc biệt theo hướng từ cầu Vĩnh Tuy hướng vào trung tâm thành phố đã có sự chuyển biến khá tích cực.

Chạy nước rút hoàn thành Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Chạy nước rút hoàn thành Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thuộc địa bàn quận 7 (TP.HCM) là một trong những dự án được lãnh đạo Thành phố quan tâm, chỉ đạo sát sao để hoàn thành, đưa vào thông xe nhánh hầm còn lại trong năm nay.

Cho thuê vỉa hè và mở rộng trông xe dưới lòng đường: Hà Nội đang hướng tới điều gì?

Cho thuê vỉa hè và mở rộng trông xe dưới lòng đường: Hà Nội đang hướng tới điều gì?

Hà Nội đang thực sự hướng tới điều gì; có mâu thuẫn gì giữa cách làm hiện tại với mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc đặt ra lâu nay?

Metro số 1 chạy thêm tàu đêm đến 23h, ga Bến Thành vẫn đông vào buổi sáng

Metro số 1 chạy thêm tàu đêm đến 23h, ga Bến Thành vẫn đông vào buổi sáng

Trước nhu cầu tăng cao của hành khách dịp Giáng sinh, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) cho biết, công ty đã kéo dài thời gian chạy tàu hoạt động đến 23h (thêm 1 tiếng so với trước đó). Hơn 90 nghìn lượt khách sử dụng tàu Metro số 1 trong ngày 24/12 với bình quân 411 hành khách/đoàn tàu.

TP.HCM: Cháy quán bar ở trung tâm Quận 1

TP.HCM: Cháy quán bar ở trung tâm Quận 1

Lửa kèm khói bốc lên từ 1 quán bar trên đường Lý Tự Trọng cách chợ Bến Thành không xa…

Làm luật để “hoãn”

Làm luật để “hoãn”

Khi một quy định được ban hành nhưng không thể thực thi, chúng ta đều biết hậu quả sẽ là sự khinh nhờn luật lệ. Vì thế, việc đưa ra nhiều quy định pháp luật mà không tính toán được khả năng thực thi, chính là cách để làm giảm sự tôn nghiêm của pháp luật.

Đập lúa lấy rơm ngày ấy - bây giờ

Đập lúa lấy rơm ngày ấy - bây giờ

Khi nắng phương Nam rọi ấm các cánh đồng Đông Xuân sớm cũng là lúc mùa gặt chớm đến trên đồng. Hình ảnh mái nhà tranh nép mình bên ụ rơm vàng hực, tụi trẻ chơi trò ú tim dưới gốc rơm mềm đã trở thành biểu tượng của một đồng quê yên ả, thanh bình.