Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Kịch bản giao thông cần đi cùng dự báo du lịch

Quách Đồng: Thứ tư 31/01/2024, 23:53 (GMT+7)

Hàng nghìn lượt du khách đổ về đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) ngắm băng tuyết trong những ngày rét đậm, rét hại vừa qua đã gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ tại một số thời điểm.

Tuy vậy, điều đó cũng cho thấy khả năng phối hợp ứng phó của các địa phương cho các tình huống này chưa thực sự hiệu quả. Hệ lụy của tình trạng này là gì? Các địa phương cần chuẩn bị gì để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn tại các điểm tham quan, du lịch?

 

Sinh ra và lớn lên tại TP. HCM, lập nghiệp tại Hà Nội, song luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng Tinh thông Luật) chưa từng trải nghiệm cái rét cắt da, cắt thịt tại khu vực miền núi phía Bắc. Bởi vậy, khi thông tin đợt rét đậm, rét hại tràn về miền Bắc, anh Bình quyết tâm một lần lên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) để được ngắm băng tuyết. Nhưng để đến được đỉnh Mẫu Sơn, anh Bình phải đi từ đêm hôm trước, để kịp xuất phát từ Lạng Sơn lúc 4h sáng.

"Tôi lên từ 4h, lúc đó đi cũng đã khó khăn rồi. Có những đoạn 2 xe lách nhau rất khó. Đêm đầu tiên, khi những đợt băng tuyết đầu tiên là bị ùn tắc, tới 7-8h mới giải quyết xong", luật sư Diệp Năng Bình cho biết.

Còn anh Nguyễn Đình Thành (ở Tiên Du, Bắc Ninh), dù đã có kinh nghiệm du lịch, song đợt lên đỉnh Mẫu Sơn ngắm băng tuyết vừa qua, anh Thành phải chọn cách ở lại chân núi trông xe: "Ô tô tắc đường không lên được, chỉ có đi bộ lên đỉnh khoảng 5 km. Gia đình thì lên được, còn mình thì quay về xe thôi".

Băng giá phủ trắng trên đỉnh núi Mẫu Sơn. Ảnh: Cafebiz

Băng giá phủ trắng trên đỉnh núi Mẫu Sơn. Ảnh: Cafebiz

Theo thống kê của Phòng Quản lý khu du lịch Mẫu Sơn, từ ngày 23/1, Khu du lịch Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) mỗi ngày thu hút hơn 2.000 lượt khách lên ngắm băng giá. Do đường nhỏ, nhiều đoạn xuống cấp, mù trời trong khi đó rất đông du khách dùng phương tiện xe ô tô, mô tô ngược núi lên Mẫu Sơn ngắm băng giá dẫn đến tình trạng ùn tắc cục bộ, nhiều du khách không thể chen chân lên tới điểm có băng giá.

Ông Dương Công Vỹ, Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn thừa nhận, dù thông tin đợt rét đậm, rét hại được công bố từ trước, song địa phương không lường trước được số lượng du khách đến Mẫu Sơn tăng đột biến như vậy.

Tuy vậy, ông Vỹ cũng cho biết, do tuyến đường lên đỉnh Mẫu Sơn đã được một doanh nghiệp đề xuất xâp cáp treo, nên việc mở rộng tuyến đường chưa thể thực hiện. Măc dù vậy, ngành giao thông Lạng Sơn cũng chủ động phối hợp với lực lượng CSGT để phân lưồng, điều tiết giao thông trong những ngày tập trung đông du khách.

"Ùn ứ cục bộ là có, không tránh khỏi. Chỉ có phối hợp với CSGT đảm bảo giao thông, đông quá thì phải có lực lượng lên phối hợp với huyện Lục Bình để hướng dẫn, đảm bảo giao thông thôi. Về hạ tầng, ngành cũng tham mưu cho tỉnh là không mở rộng để giữ cảnh quan", ông Vỹ nói.

Hàng nghìn người lên đỉnh Mẫu Sơn ngắm băng giá. Ảnh: Thanh niên

Hàng nghìn người lên đỉnh Mẫu Sơn ngắm băng giá. Ảnh: Thanh niên

Tại Sa Pa (Lào Cai), dù không xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng như đường lên đỉnh Mẫu Sơn, song chính quyền thị xã Sa Pa cũng phải bố trí lực lượng, phương án điều tiết, phân luồng, đảm bảo không xảy ra ùn tắc, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn trong những ngày đông du khách đến Sa Pa.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, không chỉ đợt ngắm băng tuyết vừa qua, mà nhiều sự kiện, nhiều điểm du lịch nổi tiếng cũng thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc, quá tải vào những ngày cao điểm. Nguyên nhân là do các địa phương chưa thực sự chủ động trong việc bám sát nhu cầu hàng năm của du khách, cũng như các dự báo của cơ quan chuyên môn để có kế hoạch phối hợp, tổ chức giao thông một cách phù hợp.

"Khi nào chính quyền địa phương thấy điều đó là thực sự cần thiết, có lợi cho địa phương, gắn quyền lợi của địa phương thì những truyện đó có thể làm được. Cái đó phụ thuộc hầu hết vào chính quyền địa phương", ông Bình nói.

Từ kinh nghiệm tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông vào mỗi dịp nghỉ lễ Tết, cao điểm du lịch, Thượng tá Lê Quang Hòa, Trưởng phòng Hướng dẫn, tổ chức giao thông và dẫn đoàn, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, mỗi đợt cao điểm, đơn vị đều có kế hoạch phân luồng, điều tiết từ xa trên cao tốc, các tuyến Quốc lộ trọng điểm, góp phần hạn chế ùn tắc và TNGT.

Tuy vậy, thượng tá Lê Quang Hòa cũng khuyến cáo, du khách cần chủ động kế hoạch, sắp xếp thời gian để hạn chế tình trạng ùn tắc: "Khuyến cáo người dân nên chủ động nghe tình hình thực tế giao thông để sắp xếp công việc, thời gian đi sao cho phù hợp. Điều đó sẽ góp một phần vào việc đảm bảo an toàn giao thông".

Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng cho biết, thông thường, phải sau mỗi đợt nghỉ hoặc cao điểm du lịch mới có số liệu báo cáo từ các địa phương. Song các địa phương có thể căn cứ trên số lượng du khách của những năm trước liền kề, kết hợp với lượng khách đăng ký tại các cơ sở lưu trú để đề ra biện pháp tổ chức giao thông phù hợp.

Hàng xe dài đỗ đậu trên đỉnh Mẫu Sơn. Ảnh: Tiền Phong

Hàng xe dài đỗ đậu trên đỉnh Mẫu Sơn. Ảnh: Tiền Phong

Không chỉ đợt rét đậm, rét hại vừa qua, du khách mới thấm thía cảnh ùn tắc, chôn chân tại chỗ khi lượng người đổ về quá đông, mà tình trạng ùn tắc tại các địa diểm du lịch thường xuyên diễn ra. Dưới góc nhìn của VOVGT, nếu các địa phương không chủ động, nếu các kịch bản giao thông không đi kèm với những dự báo về nhu cầu du lịch, khó tránh khỏi việc làm du khách nản lòng, từ đó mất dần sức hấp dẫn của các địa danh du lịch.

Góc nhìn của VOV Giao thông: Đừng để giao thông kìm chân du lịch.

 

Cảnh người dân, du khách bị ùn tắc, kẹt cứng tại đường lên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) vừa qua chỉ là một ví dụ mới nhất cho thấy sự thiếu chủ động của địa phương trong việc cung cấp dịch vụ cho khách du lịch khi nhu cầu tăng cao đột biến.

Trước đó, hình ảnh du khách bị kẹt cứng tại những tuyến đường đến các địa điểm du lịch như Sa Pa, Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt… vào những dịp cao điểm nghỉ lễ không còn là chuyện hiếm. Thậm chí những dịp cuối tuần, tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường đến các điểm du lịch ven đô cũng thường xuyên diễn ra, khiến không ít du khách nản lòng.

Có thể có ý kiến cho rằng, khó đoán biết thời tiết có băng, tuyết để chủ động kế hoạch đón tiếp hay tổ chức giao thông cho thông suốt, nhưng, những dự báo thời tiết với độ chính xác ngày càng cao, cùng với số lượng du khách đến những ngày trước đó hoàn toàn là cơ sở để chính quyền địa phương chủ động bố trí lực lượng, kế hoạch phân luồng, đảm bảo giao thông trong những ngày kế tiếp, chứ không phải để xảy ra tình trạng ùn tắc triền miên.

Có thể có những địa phương cho rằng, khó nắm bắt số lượng du khách đến một địa danh, một điểm du lịch vào một thời điểm, nhưng họ quên rằng, số lượng khách đặt phòng, tình trạng kín phòng trước cả tuần lễ hoàn toàn có thể trở thành cơ sở dữ liệu để địa phương chủ động kế hoạch đón tiếp.

Thậm chí, có thể có tình trạng một số địa phương chưa thực sự coi đây là một tài nguyên du lịch, nên chưa để tâm chuẩn bị kịch bản, nhất là việc đảm bảo nhu cầu đi lại thuận lợi cho du khách.

Bởi vậy, không thể đổ lỗi cho việc không có dữ liệu về lượng du khách tăng đột biến mà chấp nhận “sống chung” với ùn tắc mãi được.

Điều này chỉ có thể lý giải, do địa phương chưa thực sự coi việc đảm bảo giao thông thông suốt là một trong những điều kiện tiên quyết để kéo du khách đến với địa danh du lịch, đến với địa phương, thay vì bị động ứng phó khi tình huống ùn tắc đã xảy ra.

Rõ ràng dù địa phương có nỗ lực cải thiện hình ảnh du lịch, cải thiện chất lượng dịch vụ lưu trú, chất lượng sản phẩm du lịch có được đầu tư tới đâu chăng nữa, nhưng giao thông không được cải thiện, tình trạng ùn tắc không được xóa bỏ hoặc giảm thiểu, thì những nỗ lực trước đó cũng dễ trở thành công cốc, bởi chưa nói đến chất lượng dịch vụ, mà ngay từ quá trình tiếp cận các điểm du lịch cũng còn khó.

Vì vậy, câu chuyện ùn tắc tại các điểm tham qua, di tích cần được giải quyết không phải chỉ dựa trên nỗ lực của ngành du lịch, nó đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực mà ở đây, giao thông là quan trọng hàng đầu.

Chính quyền địa phương, ngành giao thông cần quan tâm, xây dựng và chuẩn bị kỹ hơn, trên cơ sở thu thập dữ liệu ở các cơ sở lưu trú, du lịch để đề ra kế hoạch phục vụ chu đáo hơn, trước hết từ việc đi lại. Căn cứ vào quy mô lượng khách, kết hợp dự báo của các cơ quan chuyên môn, địa phương sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn, đồng thời phối hợp với Cục CSGT, Cục Đường bộ và các cơ quan chức năng khác để có sự hỗ trợ cần thiết.

Cần thay đổi tư duy về nguồn lực và phát huy nguồn lực cho sự phát triển của mỗi nơi, luôn nhìn thấy tiềm năng và cơ hội trong nghịch cảnh.

Chỉ khi việc đi lại không còn là trở ngại, những nỗ lực khác về cải thiện chất lượng dịch vụ, về kích cầu du lịch mới có cơ hội được thể hiện, được đến với du khách.

Đừng để giao thông kìm hãm sự phát triển của du lịch nói riêng và tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung, khi kịch bản giao thông không bám sát cùng dự báo nhu cầu du lịch./.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
TP.HCM nên mạnh dạn thành lập Sở chuyên trách lo chuyện cây xanh

TP.HCM nên mạnh dạn thành lập Sở chuyên trách lo chuyện cây xanh

Cây xanh là tài sản quý giá của mỗi thành phố, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hoá và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị hiện nay vẫn còn nhiều bất cập do thiếu tư duy quy hoạch tổng thể.

Lòng nhân ái nên được gửi đúng chỗ

Lòng nhân ái nên được gửi đúng chỗ

Bão số 3 gây ra những thiệt hại nặng nề, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Lúc này đây những tấm lòng nhân ái, của cộng đồng được thể hiện qua hoạt động quyên góp, ủng hộ. Tuy nhiên, đáng buồn thay, có những kẻ lợi dụng tình hình này để lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản của người hảo tâm.

Cứu trợ bão lũ: Ứng dụng công nghệ để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

Cứu trợ bão lũ: Ứng dụng công nghệ để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

Hàng trăm đoàn cứu trợ tự phát từ các địa phương với hàng tấn hàng cứu trợ đã và đang lên đường. Tuy nhiên, nhiều đoàn cứu trợ tập trung ở một điểm, hàng hóa dư thừa, hư hỏng, trong khi nhiều vùng khác lại rất thiếu thốn.

800 em nhỏ ở các Mái ấm tham gia chương trình “Nụ cười đêm trăng”

800 em nhỏ ở các Mái ấm tham gia chương trình “Nụ cười đêm trăng”

Chiều 14/9, tại Công viên Văn hoá Đầm Sen, gần 800 trẻ em từ 20 Mái ấm, Cô nhi viện, Lớp học tình thương.... cùng tham gia những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Nụ cười đêm trăng”. Chương trình do CLB Những người bạn tổ chức cùng sự đồng hành của Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM.

Để đảm bảo an toàn khi đi lại trong điều kiện mưa lũ, úng ngập

Để đảm bảo an toàn khi đi lại trong điều kiện mưa lũ, úng ngập

Mưa lũ, úng ngập là bối cảnh người tham gia giao thông phải đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn. Lái xe trong điều kiện này là việc không đơn giản, ngay cả với những người cầm lái nhiều năm và có thể gây nguy hiểm nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng.

Cứu trợ thiên tai, nên làm gì và làm thế nào?

Cứu trợ thiên tai, nên làm gì và làm thế nào?

Những ngày này, nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang tổ chức các hoạt động cứu trợ người dân bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3. Những nghĩa cử cao đẹp này đã giúp người dân và chính quyền ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai vượt qua những khó khăn ban đầu.

Đằng sau những mùa mía đắng

Đằng sau những mùa mía đắng

Trong khi cả nước ghi nhận giá đường tăng cao và diện tích vùng nguyên liệu được mở rộng thì tại miền Tây, “cục diện” ngành đường khá u ám. Toàn vùng hiện nay chỉ còn 2 nhà máy đường hoạt động. Trong khi nông dân chọn chuyển đổi giống cây trồng cho kinh tế cao....