Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Hạn chế rác thải nhựa trong nông nghiệp: Việc cần làm nhưng chưa được quan tâm

Vũ Loan: Thứ tư 12/07/2023, 14:52 (GMT+7)

Chúng ta thường quan tâm đến rác nhựa trong sinh hoạt và ngành công nghiệp, và mặc định sản xuất nông nghiệp sẽ ít phát thải rác nhựa. Nhưng một nghiên cứu về Giảm thiểu rác nhựa trong canh tác nông nghiệp tại xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La mới đây đã đưa ra những con số đầy bất ngờ.

Đã đến lúc chúng ta cần đánh giá lại vấn đề và có sự quan tâm đúng mức để có thể giảm thiểu rác nhựa trong canh tác và sản xuất, hướng tới  nền nông nghiệp sạch và phát triển bền vững ngay từ lúc này.

Huyện Vân Hồ, Sơn La là một trong những huyện phát triển mạnh về sản xuất nông nghiệp. Tại đây, trên 1ha cây ăn quả có thể phát thải ra 7,3kg rác thải nhựa/ năm, còn với cây lúa là 15kg. Những con số này tính trên 1ha là không lớn, nhưng nếu nhân lên với tổng diện tích cây trồng và quỹ đất nông nghiệp chiếm tới 88,2% diện tích toàn huyện thì đó thực sự là một con số gây bất ngờ cho chính những người làm nghiên cứu và cơ quan chuyên môn.

Thạc sĩ Phan Văn Thăng- cán bộ dự án của trung tâm con người và thiên nhiên cho biết: "Khi tiến hành những hoạt động này, ban đầu, mọi người đánh giá khá thấp và chưa đúng mức, nghiên cứu không được quan tâm nhiều nhưng kết quả đưa ra những con số cụ thể thì mọi người khá là bất ngờ vì số lượng nhựa phát thải ra nhiều như thế.

Khi có sự phân tích về vấn đề như thế thì bên nhóm cũng đưa ra cộng đồng 1 số sáng kiến để giảm thiểu rác thải nhựa trong canh tác, từ việc chuyển đổi cơ cấu canh tác hay sử dụng các vật dụng truyền thống, phương pháp canh tác truyền thống.. để làm sao hạn chế được nhiều nhất lượng nhựa dùng trong canh tác. … đều được cộng đồng địa phương rất ủng hộ."

Một trong số các bể thu gom vỏ bao, chai thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Vân Hồ. Ảnh: PanNature

Một trong số các bể thu gom vỏ bao, chai thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Vân Hồ. Ảnh: PanNature

Theo kết quả điều tra, sản xuất nông nghiệp của xã hàng năm phát thải khoảng 13 nghìn kg rác thải nhựa, chủ yếu là vỏ bao đựng nông sản, vỏ bao phân và nilon các loại. Một số mô hình được triển khai và hướng dẫn bà con thực hành để giảm thiểu rác thải nhựa như: ủ phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp để giảm sử dụng các loại phân đóng bao hay Thúc đẩy nghề đan tre để thay thế các sản phẩm, vật liệu làm nông nghiệp bằng nhựa…

Chỉ sau ít tháng thực hiện, bà con đã dễ dàng nhìn thấy hiệu quả, qua đó, nâng cao được ý thức trách nhiệm của mình trong quá trình phân loại, thu gom và hạn chế rác thải nhựa. Anh Bùi Văn Xuân - HTX Nông nghiệp xanh Trường An, và chị Hà Thị Nga, một hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình giảm rác thải nhựa nông nghiệp tại xã Xuân Nha cho biết:

"Mình ko mua phân hữu cơ, vô cơ thì cũng không dùng bao tải, túi nilong nữa, xong vừa rồi được bên dự án hỗ trợ bể 6 khối ủ phân rất tiện lợi, thì các phế phẩm mình dùng thừa vứt vào đó bón cho cây trồng rất tốt. Mong dự án hỗ trợ rộng hơn cho bà con, bà con rất phấn khởi, vừa giảm thải ra môi trường, giảm chi phí đầu vào cho bà con phát triển thêm."

"Sau 5-6 tháng áp dụng thấy kết quả về giảm rác thải nhựa là nhìn thấy rất rõ, tâm tư nguyện vọng của bà con, đặc biệt là các chị em phụ nữ đều hưởng ứng và nhất trí rất cao vì cái này giảm được rác nhựa và giảm được chi phí cho gia đình."

Ảnh: PanNature

Ảnh: PanNature

Không chỉ một vùng nông nghiệp như xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ mà còn rất nhiều địa phương khác cũng mong người dân được hướng dẫn thực hành bài bản, cụ thể, để việc giảm rác thải nhựa không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, khẩu hiệu, tập huấn chung chung.

Ông Vì Văn Giới, Phó chủ tịch xã Xuân Nha cho biết: "Ở xã, các chương trình tuyên truyền, vận động liên quan tới rác thải nhựa nói chung thì có nhiều rồi, chứ riêng rác nhựa hay các dự án mô hình riêng thì chưa có. Hướng của xã trong thời gian tới thứ nhất là sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho bà con nông dân. Hiện nay xã cũng đã đề xuất với cấp trên bổ sung thêm bể xử lý để tăng cường số lượng bể chứa ở các bản để thuận tiện cho bà con thu gom gần hơn."

Vũ Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn