Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Giao thông

Hà Nội cho thuê xe đạp điện, lợi cả đôi đường

Theo TTXVN: Thứ sáu 16/12/2022, 16:05 (GMT+7)

Với mục tiêu góp phần thay thế phương tiện cá nhân để kết nối, di chuyển ngắn giữa các khu vực dân cư, các bến xe, nhà ga tàu điện..., dịch vụ xe đạp công cộng đang được thành phố Hà Nội triển khai từ tháng 12/2022.

Việc cho thuê xe đạp sẽ giúp người dân tiếp cận giao thông công cộng thuận tiện hơn. Ảnh: Sở GTVT

Việc cho thuê xe đạp sẽ giúp người dân tiếp cận giao thông công cộng thuận tiện hơn. Ảnh: Sở GTVT

Để thực hiện chương trình trên, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi các Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố, UBND các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân thống nhất về chủ trương triển khai thí điểm 12 tháng dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn thành phố khi đảm bảo điều kiện về mặt bằng, phương tiện và các quy định có liên quan.

Theo đó, các quận điều chỉnh linh hoạt số lượng xe, phạm vi phù hợp với tình hình thực tế, không trùng lặp tuyến và mô hình thí điểm xe điện 2 bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến BRT đang triển khai theo đề xuất của Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải.

Thành phố cũng giao các đơn vị này thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện, sau 12 tháng thí điểm có tổng kết, đánh giá về chất lượng, hiệu quả các mô hình và tham mưu, đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định việc triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát về trình tự, thủ tục và tham mưu cho thành phố có văn bản báo cáo, xin ý kiến Thường trực HĐND thành phố về việc miễn phí sử dụng tạm thời hè phố trong thời gian triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo UBND thành phố trước ngày 5/12/2022.

Ngoài ra, thành phố cũng giao UBND các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân cùng với Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan hướng dẫn đơn vị triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị đảm bảo các điều kiện về mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật có liên quan.

Xe đạp công cộng được triển khai thành công ở TP Hồ Chí Minh từ năm 2021. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Xe đạp công cộng được triển khai thành công ở TP Hồ Chí Minh từ năm 2021. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn 6 quận nội thành với thời gian thí điểm 12 tháng, trong thời gian thí điểm không thu phí vỉa hè và có thu phí sử dụng dịch vụ.

Công ty Trí Nam sẽ cung cấp 1.000 xe đạp (50% là xe đạp điện) với 94 vị trí đặt xe, tổng vốn đầu tư là khoảng hơn 30 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng xin miễn phí vỉa hè và có thu phí dịch vụ trong 12 tháng. Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện. Hệ thống cũng có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng sẽ tận dụng nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và thành phố trong việc thu hút đầu tư xã hội hoá trong phát triển giao thông công cộng.

Ngoài chương trình dịch vụ xe đạp đô thị trên, mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng chấp thuận đề xuất tổ chức triển khai thí điểm "Mô hình xe điện 2 bánh kết nối buýt BRT cho khách từ nhà chờ BRT Văn Khê đến Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông" của Trường Đại học Công nghệ Giao thông - Vận tải.

Theo kế hoạch, trong tháng 12/2022, hành khách đi buýt BRT từ nhà chờ Văn Khê đến Aeon Mall Hà Đông sẽ được dùng xe máy điện miễn phí để chuyển tiếp. Người dân sẽ được mượn xe điện hai bánh để di chuyển ra khu vực nhà chờ bus nhanh BRT điểm Văn Khê rồi trả xe, đón xe buýt BRT. Tương tự với quy trình từ nhà chờ BRT đến Trung tâm Thương mại Aeon Mall Hà Đông.

Trước đây, dịch vụ cho thuê xe đạp đã được một số hộ dân trên các tuyến phố Trích Sài, Nguyễn Đình Thi...(Quận Tây Hồ) tự tổ chức cho thuê đáp ứng nhu cầu thư giãn, thể dục thể thao quanh Hồ Tây của nhiều người dân và khách du lịch.

Mô hình này đã được các hộ dân triển khai thành công, trung bình mỗi ngày có vài chục lượt khách thuê còn cuối tuần lên đến 100 lượt, có khi còn "cháy hàng" không có xe để cho thuê. Được biết, các hộ dân ở đây cho thuê từ 30.000 – 120.000 đồng/xe/lượt. Trong đó, xe đạp đơn khoảng 30.000 – 50.000 đồng/xe/3 tiếng, xe đạp đôi 100.000 – 120.000 đồng/xe/3 tiếng. Khi khách thuê xe phải để lại căn cước công dân và tiền đặt cọc. Trong trường hợp, khách gửi xe máy lại thì không phải đặt cọc.

Đối với chương trình thí điểm 12 tháng dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn thành phố, theo Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam (đơn vị được giao chủ đầu tư dự án) cho biết, chậm nhất cuối năm 2022, người Hà Nội đã có thể trải nghiệm dịch vụ mới mẻ này.

Theo đó, xe đạp được sử dụng cho dự án có 2 loại xe đạp truyền thống và xe điện 2 bánh. Dự kiến, chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp cơ và 10.000 đồng đối với xe đạp điện.

Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp cơ và 120.000 đồng với xe đạp điện. Hệ thống vé có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.

Trước mắt trong giai đoạn 1 (năm 2022 - 2023) sẽ thực hiện tại 9 quận nói trên. Trong giai đoạn 2 sẽ mở rộng vùng phục vụ, quy mô 3.000 xe, bố trí tại 350 điểm.

“Dịch vụ xe đạp đô thị mang lại nhiều lợi ích, không chỉ bổ sung thêm một loại hình giao thông công cộng thuận lợi cho việc đi lại của người dân, bảo vệ môi trường mà còn góp phần thúc đẩy du lịch Thủ đô phát triển, tôi hy vọng dịch vụ này sẽ được nhiều người lựa chọn”, chị Hồng Mai, quận Hoàn Kiếm bày tỏ.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mô hình thuê xe đạp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của phương tiện giao thông công cộng, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường. Xe đạp công cộng sẽ giúp kết nối giữa nhà ga xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị, các khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại, trụ sở văn phòng, khu liên cơ quan, và phục vụ đi lại, thúc đẩy phát triển du lịch, tham quan các danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố./.

Theo TTXVN/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn