Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Hà Nội sống và yêu: Giữ lửa nghề sơn mài Hạ Thái

Thùy Linh - Ngọc Tiến: Thứ bảy 28/09/2024, 14:33 (GMT+7)

Hạ Thái là một làng nghề sơn mài có có từ thế kỷ 17 với nhiều người thợ tài hoa, khéo léo. Ghé một trong những ngôi nhà ở đây bạn sẽ thấy sự tỉ mỉ cẩn thận của những người thợ lành nghề.

Không những vậy, bạn sẽ được trải nghiệm làm một người thợ trong không gian làng nghề. Tình yêu sơn mài vì thế được lan toả. 

BÊN DÒNG THỜI GIAN

PV: Tôi đang ngồi đây tập làm nghệ nhân sơn mài với công đoạn thứ 6 trong cách để tạo ra một sản phẩm sơn mài là gắn trứng ạ. Công đoạn này rất cần sự tỉ mỉ khéo tay của người thợ, nếu chúng ta không khéo thì phần gắn trứng không được đẹp…chắc chắn với bạn nào yêu nghệ thuật thì đến với sơn mài Hạ Thái sẽ được trải nghiệm như tôi đang làm đây.

PV: Thông thường lớp học của mình chi phí như thế nào ạ?

Cái này là 300 nghìn 1 bức cầm về luôn. Có sản phẩm mang về. Bọn anh hay gọi vui là vui chơi ra sản phẩm. Có ông nào gắn xấu cáu không cầm về thì ký gửi.

PV: Đây là những cái các anh làm sẵn đúng không?

Bên anh làm đủ, 12 con giáp, phong cảnh Hội An, Hồ Gươm, cung mạng

Ảnh: Tạp chí làng nghề Việt Nam

Ảnh: Tạp chí làng nghề Việt Nam

Làng Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề sơn mài, nhưng không dừng ở một làng nghề thủ công mỹ nghệ sản xuất hàng loạt, giờ đây làng có khá đông gương mặt hoạ sĩ chuyên nghiệp được đào tạo ở các trường đại học ngành mỹ thuật

Họ trở về làng quê, mở xưởng vẽ và nuôi sống cảm hứng nghề giữa dòng chảy truyền thống. Du khách đến Hạ Thái giờ đây có thể thăm những studio nghệ thuật kết hợp trưng bày gần cận nhau. Xưởng tranh sơn mài Dũng Dị của hoạ sĩ Trần Công Dũng là một trong những nơi thu hút du khách trong những năm qua:

"Lớp học trải nghiệm của anh thì đây là 10 bước để làm ra 1 bức sơn mài. Mình phải gắn lên như thế này để người ta hiểu được từng công đoạn một.

Đầu tiên chỉ là miếng gỗ, bước thứ 2 là làm lớp vải màn lên, bước thứ 3 là màu nâu nâu là sơn trộn với đất phù sa, bước thứ 4 gọi là lớp thí đấy – tức là người ta phủ lớp đen không; bước thứ 5 là phải khoét lõm phần để gắn trứng xuống; bước 6 là gắn vỏ trứng lên; tiếp theo là các bước lên màu rồi dán bạc hoàn thiện.

Ở đây khách du lịch lạ nhất là bước thứ 6 kia kìa. Là gắn vỏ trứng lên. Trong lúc gắn lại dùng búa gõ gõ vừa tạo ra âm thanh. Vì làm cho du lịch thì bọn anh phải làm tắt, phải hoàn thiện hết các khâu chỉ chừa lại phần trứng này thôi, để người ta gắn xong phần trứng là có sản phẩm cầm về luôn".

Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô

Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô

Xưởng của anh thỉnh thoảng cũng đón khách đến “học sáng tác”, chủ yếu là người nước ngoài để họ hiểu hơn về nghề truyền thống sơn mài. Anh tận tình hướng dẫn cho khách từ khảm vỏ trứng và các vật liệu khác và làm ra những tác phẩm nho nhỏ ngay tại xưởng. Điều anh mong nhất là:

"Mong muốn nhà nào cũng có 1 lớp trải nghiệm cho đông vui, mình anh làm không xuể. Không nói cả làng mà độ vài nhà thì cũng khác rồi. Bọn anh cũng k hẳn lôi kéo nhưng cũng có những người theo mình. Có bạn anh bắt đầu mở galerry phía ngoài. Mấy anh bạn cùng học Mỹ thuật về đây mua nhà dựng xưởng. Bọn anh học mỹ thuật thì mới nghĩ mấy trò này".

Cùng với sự cần mẫn tạo ra các sản phẩm sơn mài thương mại, những lớp học trải nghiệm như Dũng Dị Studio đang là một trong những điểm kết nối mọi người với nghệ thuật truyền thống. Đó là cách các nghệ nhân và những người thợ lành nghề đang làm để giữ gìn và lan toả tình yêu với nghề sơn mài.

Ảnh minh họa: UNICEF

Ảnh minh họa: UNICEF

SỐNG Ở HÀ NỘI

Theo chiều dài lịch sử, thật  khó mà kể hết tấm lòng thơm thảo của người dân Kinh đô, Thủ đô sẵn sàng giúp đỡ người gặp hoạn nạn do thiên tai, chiến tranh hay bất hạnh bởi hoàn cảnh.

Khi các vùng miền bị thiên tai, mùa màng thất bát dân nhào ra Đông Thành sẽ được các bà, các cô bán hàng, người đi chợ giúp đỡ. Truyền thống đẹp ở Hà Nội sẽ được kể qua bài viết của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.

Ca dao cổ Hà Nội có câu “Đông thành là mẹ là cha/Đói cơm ách áo thì ra Đông thành”, Đông thành là chợ lớn nhất Đại Việt nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long. Khi các vùng miền bị thiên tai, mùa màng thất bát dân nhào ra Đông Thành sẽ được các bà, các cô bán hàng, người đi chợ giúp đỡ.

Lòng nhân ái ấy được đời nọ đời kia tiếp nối. Thời nhà Nguyễn, bà Lê Thị Mai, người phụ nữ giầu có không may góa chồng đã bỏ tiền ra xây hai dãy nhà cho học trò nghèo các tỉnh về Hà Nội học trọ miễn phí. Bà lại bỏ tiền mua giấy bút, mực phát  không cho các trò nghèo hơn. Tiếng thơm lan vào kinh đô Huế, vua Tự Đức ban cho bà bốn chữ “Thiện tục khả phong”.

Đầu thế kỷ 20, bà Hoàng Thị Uyển (tức bà Cả Mọc), nghe tin ở đâu vỡ đê, bão lũ là bà vận động chị em buôn bán ở Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường đóng góp tiền của mua thóc gạo nhờ thanh niên mang đi cứu giúp. Bà còn  lập ra trường mẫu giáo, nuôi hai bữa ăn miễn phí trẻ con nhà nghèo ở phố Hàng Đũa (nay là Ngô Sĩ Liên).

Bà lại xây nhà dưỡng lão ở Sóc Sơn đón các cụ già không nơi nương tựa về sống. Cảm động trước tấm lòng thơm thảo của bà, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời bà lên Phủ Chủ Tịch dùng trà, mong bà tiếp tục “thương lấy người nghèo nước mình”. Cũng đầu thế kỷ 20, vợ chồng nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô  đau đáu tấm lòng lá lành đùm ra rách.

Empty

Người nghèo sống ở bãi sông Hồng lúc chết không có quan tài phải vùi xác xuống cát, khi nước lũ dâng cao đã cuốn xương cót đi, ông bà đã hỗ trợ hàng trăm quan tài, nhà có người chết sẽ nhờ lý trưởng cấp không.

Hà Nội có 5 nhà tư sản gồm các ông: Bạch Thái Bưởi, Vũ Quang Huy, Đỗ Đình Đắc, Phạm Sỹ Hoạch và ông Long Ngổ  góp tiền mua hàng trăm héc ta đất làng Quỳnh Lôi  làm nghĩa  trang Hợp Thiện để độ tử người không có đất chôn. Các ông lại xây nhà quàn 125 Phùng Hưng (nay là Nhà tang lễ thành phố) làm nơi phúng viếng.

Thời kỳ chiến tranh, Hà Nội ăn gạo sổ, thực phẩm mua bằng  tem phiếu, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn  nhưng  nơi nào  thiên tai, trúng  bom Mỹ, thành phố  kêu gọi là bà  con nhiệt tình đóng  góp.  Năm 1971, lũ sông Đà làm vỡ cống của đê Khê Thượng (nay thuộc huyện Ba Vì), để hàn khẩu, Bộ Quốc  Phòng lệnh cho một đơn vị lao cả chiếc xe tăng xuống lấp cống nhưng  áp lực nước quá lớn đã cuốn trôi cả xe.

Cả một vùng ruộng đồng Ba Vì, Sơn Tây trắng nước. Chủ tịch UB hành chính Hà Nội khi đó là ông Trần Duy Hưng đã kêu gọi mỗi hộ gia đình ở Thủ đô đóng góp một cân gạo giúp đỡ  bà con, ngay lập tức ngành lương thực mang gạo cứu trợ trước rồi mới trừ vào tiêu chuẩn trong sổ sau.

Đầu tháng 9-2024, dù bão số 3 tràn qua Thủ đô gây hậu quả nặng nề, nhà ngoài đê sông Hồng, nhà  bên trong đê sông Bùi, sông Tích  ngập hàng mét nước nhưng trước mất mát  về người, thiệt hại tài sản  ở nhiều tỉnh phía Bắc quá lớn, người  Hà Nội  cùng với các tấm lòng hảo tâm trên cả nước đã  góp vật chất  trợ  giúp đồng bào.

Theo chiều dài lịch sử, thật  khó mà kể hết tấm lòng thơm thảo của người dân Kinh đô, Thủ đô sẵn sàng giúp đỡ người gặp hoạn nạn do thiên tai, chiến tranh hay bất hạnh bởi hoàn cảnh. Mong rằng truyền thống quí báu đó sẽ được các thế hệ tương lai sau tiếp nối. 

sach-27924

TIN YÊU

- Trong bối cảnh cả nước đang tập trung hỗ trợ đồng bào chịu thiệt hại do bão lũ gây ra, Hà Nội quyết định dừng bắn pháo hoa dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Việc điều chỉnh các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là việc làm xuất phát từ tình nghĩa đồng bào, thể hiện trách nhiệm của Thủ đô và tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước.

- Hội sách Hà Nội lần thứ 9 năm 2024 với chủ đề 'Hà Nội - Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố vì hòa bình' diễn ra từ ngày 27/9 - 29/9/2024 tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Đây là sự kiện chào mừng kỉ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, kỉ niệm 25 năm UNESSCO vinh danh Hà Nội là thành phố vì hòa bình.

- Gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ quốc gia về tiếp quản Thủ đô được trưng bày tại triển lãm "Hà Nội - Ký ức những ngày tiếp quản" nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) vào ngày 2/10/2024 tại nhà triển lãm 61 Tràng Tiền, Hà Nội

- Được tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ có các hoạt động mang đậm dấu ấn ký ức Hà Nội, đánh thức, gợi nhắc ký ức lịch sử và sức mạnh sáng tạo của các thế hệ người dân Hà Nội.

- Với bộ đôi tác phẩm 'Thanh âm Hà Nội' và 'Cô đơn giữa Hà Nội' giới thiệu tới người yêu nhạc vào ngày 26/9, nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung gửi gắm lời tri ân và tình cảm của mình tới mảnh đất Thủ đô – nơi lắng hồn núi sông ngàn năm – nơi một người con Hà Nội như anh luôn có những hoài cảm trước một Hà Nội đổi thay từng ngày.

Thùy Linh - Ngọc Tiến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn