Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Gia nhập thị trường tín chỉ carbon: Vào sân chơi lớn, đừng dùng tiểu xảo

Huy Hoàng: Thứ tư 12/06/2024, 06:12 (GMT+7)

Việc Ngân hàng thế giới (Worldbank) chuyển cho Việt Nam số tiền hơn 51 triệu USD (hơn 1.200 tỷ đồng) để thanh toán cho hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng là một thông tin rất khả quan, nhất là với các tổ chức đang chuẩn bị gia nhập thị trường mới mẻ này.

Đây là một sân chơi lớn và mang tính toàn cầu, do vậy việc tham gia thị trường này vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, bởi ở đó không có chỗ cho những khái niệm như “lách luật” hay “tiểu xảo”.

Liên quan đến vấn đề này, PV VOV Giao thông có trao đổi với ông Phạm Đăng An - Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy group, Giám đốc VP Carbon.

PV: Thưa ông Phạm Đăng An, thực tế vừa qua cho thấy đã có 1 số biểu hiện của việc “tẩy xanh” – 1 dạng tiểu xảo của 1 số doanh nghiệp khi chuẩn bị tham gia thị trường tín chỉ carbon. Ông chia sẻ ra sao về việc này?

Ông Phạm Đăng An: Chúng ta đã nhìn thấy các vấn đề liên quan đến Green washing, tức là các doanh nghiệp không thực sự xanh nhưng đang sử dụng những biện pháp là lách luật, tẩy xanh để có thể đạt được những cái kết quả nhanh chóng trong ngắn hạn.  

Đây là những biểu hiện rất khó qua mặt khi tham gia thị trường quốc tế bởi các quy định ngày càng gắt gao và khó khăn, kiểm duyệt kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là đối với hai thị trường mà đang có cái rào cản thuế quan lớn, ví dụ như là Châu Âu với CBAM hoặc là Mỹ đối với lại CCA đạo luật cạnh tranh sạch.

Ông Phạm Đăng An - Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy group, Giám đốc VP Carbon

Ông Phạm Đăng An - Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy group, Giám đốc VP Carbon

PV: Với các tiêu chuẩn khó khăn, khắt khe như vậy thì nhiều doanh nghiệp cũng kêu khó.

Ông có cho rằng các doanh nghiệp của VN ta có đủ khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn đó để gia nhập sân chơi này không?

Ông Phạm Đăng An: Đây là một thử thách nhưng mà trong góc nhìn của một doanh nghiệp đã thực tế triển khai cùng với những thương hiệu uy tín như là Vinamilk, Tetra Park, hay là các đơn vị gia công cho những nhãn hàng như Nike, Adidas… thì tôi lại cho rằng đây là một cơ hội rất lớn đối với những doanh nghiệp có khả năng thích ứng tốt, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam.

Bởi vì khi các thị trường đưa ra yêu cầu, họ không yêu cầu chúng ta là ngay ngày hôm sau phải đạt net zero, thay vào đó là yêu cầu phải có một lộ trình giảm phát thải được công bố, được kiểm tra theo ba phạm vi giảm phát thải gần như được gọi là tiêu chuẩn chung trên toàn cầu:

Thứ nhất, đó là phạm vi giải phát thải từ các hoạt động nội bộ từ các hoạt động sản xuất; thứ hai là liên quan đến việc sử dụng năng lượng tức là sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, đơn giản như đổi từ bóng đèn chiếu sáng bình thường sang bóng đèn LED hoặc là trong cái điều kiện khí hậu nóng bức như thế này thay vì để máy điều hòa ở mức 16 độ chạy hết công suất thì có thể để ở ngưỡng được khuyến cáo từ 25 - 27 độ.  

Các doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung hầu hết có khả năng sử dụng năng lượng tái tạo một cách rất hiệu quả. Riêng cái phạm vi giảm phát thải thứ hai thì doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp khác trong khu vực.

Thứ ba là phạm vi giải phát thải toàn bộ chuỗi cung ứng. Ngày 28/5 vừa rồi thì Quốc hội Mỹ đã công bố hướng dẫn sử dụng tín chỉ carbon tự nguyện trong đó thứ nhất là họ yêu cầu tín chỉ carbon cần phải được công nhận được phát triển bởi những dự án đã được xác minh; thứ hai là họ yêu cầu các doanh nghiệp ưu tiên giảm phát thải trong cái hoạt động sản xuất nội bộ trước khi đi mua.

Với những trải nghiệm thực tế của tôi thì đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng khả năng thích ứng tốt hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

PV: Để bơi ra biển lớn thì lách luật hay là dùng tiểu xảo thì chắc chắn sẽ bị phát hiện và bị tuýt còi. Việc đó sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp cũng như uy tín của cả quốc gia. Vậy làm thế nào để hạn chế những tiểu xảo cũng như hướng đến việc sản xuất một cách bền vững, tạo ra tín chỉ carbon một cách hiệu quả, chất lượng?

Ông Phạm Đăng An: Tôi nghĩ là để đạt được điều này thì cần có hai chiều kích. Đầu tiên chắc chắn phải là các hướng dẫn của Chính phủ, các doanh nghiệp sẽ biết rằng đâu sẽ là phương hướng, biên giới, yêu cầu mà chúng ta cần phải tuân theo. Đi kèm với đó sẽ là sự cổ vũ cũng như sự răn đe đối với các cái hành vi không chính đáng.

Thứ hai là sự lan tỏa các thông tin tiêu chuẩn, chúng ta muốn làm đúng thì chúng ta phải biết đúng. Cần phải rõ ràng với nhau rằng việc phát triển xanh, tạo ra tín chỉ carbon, giảm phát thải là để gia nhập sân chơi chung của thế giới. Như vậy thì tất cả những câu chuyện về giấy phép nhỏ lẻ, giấy phép bên lề trong nội bộ một khu vực, trong nội bộ vùng lãnh thổ nhất định thì nó sẽ không có nhiều ý nghĩa.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huy Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn