Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Gần 2 triệu trẻ em Việt Nam ảnh hưởng bởi lũ lụt, sạt lở đất

Chu Đức: Thứ tư 18/09/2024, 15:39 (GMT+7)

Trẻ em tại Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan có nguy cơ không được tiếp cận với giáo dục, nước sạch và các dịch vụ thiết yếu khi lũ lụt và sạt lở đất gây hư hại nhà cửa và cơ sở hạ tầng.

Nguyễn Đức Kiên, 9 tuổi, đang chơi gần nhà khi lũ ập về khu vực gần sông Hồng (Ảnh UNICEF)

Nguyễn Đức Kiên, 9 tuổi, đang chơi gần nhà khi lũ ập về khu vực gần sông Hồng (Ảnh UNICEF)

Theo Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF), lũ lụt và sạt lở đất do cơn bão Yagi gây ra đã tàn phá Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan, ảnh hưởng đến gần 6 triệu trẻ em và làm giảm khả năng tiếp cận nước sạch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và chỗ ở của các em—khiến các cộng đồng vốn đã bị thiệt thòi càng lún sâu vào khủng hoảng.

“Trẻ em và những gia đình dễ bị tổn thương nhất đang phải đối mặt với hậu quả tàn khốc nhất mà cơn bão Yagi để lại”, bà June Kunugi, Giám đốc UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết. 

Ưu tiên ngay lúc này là khôi phục các dịch vụ thiết yếu cho trẻ em và các gia đình, bao gồm nước sạch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Đông Nam Á, trầm trọng hơn bởi biến đổi khí hậu, là một lời nhắc nhở: khi thảm họa xảy ra, những trẻ em dễ bị tổn thương thường phải chịu đựng nhiều nhất.

Là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào châu Á từ đầu năm đến nay, bão Yagi gây mưa lớn thêm vào lượng mưa theo mùa hiện có, khiến lũ ở các con sông dâng cao và gây ra sạt lở đất chết người. Sau cơn bão, hơn 850 trường học và hơn 550 trung tâm y tế bị hư hại, phần lớn là ở Việt Nam, và UNICEF vẫn đang tiếp tục thực hiện các đánh giá trong khu vực.

Theo chị Thúy Nga, 30 tuổi, ở Bát Xát, Lào Cai, chỉ sau một đêm, lũ và bùn đã lấp gần kín bức tường sau nhà chị. Toàn bộ sách, dụng cụ học tập của 2 con 5 và 10 tuổi bị ướt và không sử dụng được (Ảnh: UNICEF)

Theo chị Thúy Nga, 30 tuổi, ở Bát Xát, Lào Cai, chỉ sau một đêm, lũ và bùn đã lấp gần kín bức tường sau nhà chị. Toàn bộ sách, dụng cụ học tập của 2 con 5 và 10 tuổi bị ướt và không sử dụng được (Ảnh: UNICEF)

Tại Việt Nam, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cơn bão Yagi, khoảng 3 triệu người, bao gồm nhiều trẻ em, thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh, làm gia tăng nguy cơ bệnh tật. Khoảng 2 triệu trẻ em cũng không được tiếp cận với giáo dục, hỗ trợ tâm lý xã hội và chương trình dinh dưỡng học đường.

Tại Myanmar, gánh nặng kép của cuộc xung đột kéo dài và các tác động thảm khốc của cơn bão Yagi đã làm gia tăng khủng hoảng đối với các cộng đồng vốn đã phải di dời do xung đột, làm trầm trọng thêm tình hình cứu trợ nhân đạo vốn đã nghiêm trọng. Hơn 170 người đã thiệt mạng và hơn 320.000 người phải di dời, trong khi hệ thống giao thông, viễn thông và cơ sở hạ tầng điện lực bị hư hại nghiêm trọng ở các tỉnh miền trung của Myanmar.

Tại miền Bắc Thái Lan, mưa lớn và lũ lụt đã ảnh hưởng nặng nề đến gần 64.000 trẻ em, với một số trường học báo cáo bị phá hủy hoàn toàn và giáo viên phải chuyển sang dạy học trực tuyến và cung cấp tài liệu học tập cho học sinh tại nhà.

Tại Lào, lũ lụt đã ảnh hưởng đến 8 tỉnh, làm ảnh hưởng đến khoảng 60.000 trẻ em, làm hư hại cơ sở hạ tầng thiết yếu và đe dọa sinh kế của các cộng đồng vốn đang gặp khó khăn để đối phó với các tác động tiêu cực của khí hậu.

UNICEF, phối hợp cùng các đối tác cứu trợ nhân đạo, đang cung cấp cứu trợ khẩn cấp cho trẻ em và các gia đình tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trên toàn Đông Nam Á. Các hoạt động cứu trợ bao gồm phân phát nước uống sạch, vật tư vệ sinh, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng và dụng cụ y tế, đồng thời hỗ trợ sức khỏe tâm thần và cung cấp tài liệu học tập cũng như giải trí nhằm giúp trẻ em lấy lại cảm giác bình thường để tiếp tục học tập và vui chơi trong môi trường an toàn. UNICEF cũng cam kết làm việc với các đối tác để đảm bảo các nỗ lực phục hồi tập trung vào trẻ em khi nước lũ rút.

Trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm về khí hậu và môi trường, gấp sáu lần so với các thế hệ trước. Tần suất gia tăng và tác động chồng chéo của các sự kiện thời tiết - khí hậu làm trẻ em khó khăn thích ứng, làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng và làm tổn hại tiềm năng phát triển của các em./.

Chu Đức/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Thoát nước ở nông thôn

Thoát nước ở nông thôn

Nếu cứ mỗi mùa mưa, nước lại đọng trong vườn, trong nhà mà không thể chảy đi đâu được, rồi nước thải cũng sẽ như vậy, thì dần dần sẽ tạo ra một sức ép rất lớn đến môi trường sinh sống ở vùng nông thôn của chúng ta.

Xe buýt là phương tiện ưu tiên, không có nghĩa được bỏ qua vi phạm

Xe buýt là phương tiện ưu tiên, không có nghĩa được bỏ qua vi phạm

Với tâm lý xe buýt là phương tiện hành khách công cộng được ưu tiên, nhiều tài xế đã cố tình vi phạm ATGT, ngang nhiên vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, thậm chí chạy trên cả vỉa hè

Giá cafe trong nước và thế giới đều biến động mạnh

Giá cafe trong nước và thế giới đều biến động mạnh

Sau đợt tăng vọt lên sát mức đỉnh lịch sử, giá cà phê Việt Nam đang đứng trước đà giảm mạnh.

Xin đừng lạm dụng phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Xin đừng lạm dụng phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Hồ Hoàn Kiếm từ lâu vốn được ví như “trái tim của thủ đô”, là không gian văn hóa của Hà Nội và là nơi thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Thế nhưng thời gian qua, khu vực này lại liên tục được dùng để làm nơi tổ chức các hội chợ và sự kiện.

Lưu thông trên cao tốc: Tại sao đường càng đẹp, tai nạn lại càng nhiều?

Lưu thông trên cao tốc: Tại sao đường càng đẹp, tai nạn lại càng nhiều?

Thời gian qua, trên các tuyến cao tốc liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao ngày càng có nhiều tuyến đường cao tốc được khánh thành với chất lượng tốt, nhưng tai nạn giao thông lại có xu hướng tăng cao?

Không hiểu tiếng Việt

Không hiểu tiếng Việt

Dạo gần đây, trên các phương tiện truyền thông hoặc thậm chí là một vài tác phẩm văn học, chúng ta thường thấy xuất hiện cách hành văn khá “kỳ lạ”, không theo chuẩn thông thường của tiếng Việt. Cách viết này được dùng khá phổ biến, đến mức được cho là chuyện bình thường và mặc nhiên coi lối viết đó là đúng.

Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu? (Bài 2):  Ùn tắc liên miên nhưng cầu đường vẫn “ế”

Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu? (Bài 2): Ùn tắc liên miên nhưng cầu đường vẫn “ế”

Như VOV Giao thông đã đề cập, ùn tắc giao thông đang lấy đi khoảng 3% tổng thu nhập của các đô thị hàng đầu nước ta, gây thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm, gây tổn thất và lãng phí xã hội khổng lồ.