Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Đừng để “chữa lành” trở thành trào lưu vô bổ

Xuân Tú: Chủ nhật 07/07/2024, 21:33 (GMT+7)

Thời điểm này, nhiều học sinh các cấp biết được điểm thi và nếu kết quả không tốt, các em có thể sẽ rơi vào trạng thái thất vọng. Xu hướng “chữa lành” mang tính cơ hội và lệch lạc sẽ có điều kiện để lan rộng trong cộng đồng, có thể tạo ra hiệu ứng tiêu cực.

Cần phải hiểu và vận dụng đúng về “chữa lành” - Đây là quan điểm của chuyên gia tâm lý, TS Vũ Thu Hương khi trao đổi cùng VOV Giao thông.

PV: Nói về trend “chữa lành” xuất hiện nhiều thời gian qua, chuyên gia có nhận định thế nào về trào lưu này?

TS Vũ Thu Hương: Thời gian gần đây mọi người nói chung và đặc biệt là giới trẻ gặp rất nhiều những bức xúc, khó chịu, áp lực về tinh thần, stress hoặc kể cả vấn đề trầm cảm. Do vậy, nhu cầu chữa lành tăng rất cao.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận liệu rằng những phương pháp chữa lành mà chúng ta quan sát ở trên mạng, thu hút đông giới trẻ quan tâm có thực sự giải quyết những vấn đề tâm lý của mọi người hay không, hay chỉ là những hoạt động vô bổ, tốn tiền, tốn thời gian, tốn công sức mà chúng ta không thể xử lý được vấn đề của mình.

Bởi vì mỗi người gặp vấn đề căng thẳng về tinh thần thì hoàn toàn có thể do những nguyên nhân khác nhau.

Nhiều bạn trẻ hiện đang thích 'đu' theo xu hướng và trào lưu “chữa lành” (Ảnh minh họa: Dân trí)

Nhiều bạn trẻ hiện đang thích "đu" theo xu hướng và trào lưu “chữa lành” (Ảnh minh họa: Dân trí)

Ví dụ như họ đi làm không được thành công cho lắm, bị sếp la mắng hoặc họ có những bức xúc đối với vợ, với chồng, với những người thân trong gia đình; hoặc là chúng ta cảm thấy cuộc đời trôi đi quá vô vị.

Chẳng hạn chúng ta có quá ít trải nghiệm, chúng ta có thể bị một căn bệnh gì đó mà chúng ta không giải tỏa được những lo lắng khi chữa bệnh hoặc cả những vấn đề như kinh tế chẳng hạn. Những vấn đề như thế chúng ta cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân trước khi chúng ta quyết định là sẽ chữa lành theo phương pháp nào.

PV: “Chữa lành” là tích cực, nó giúp con người cảm thấy ổn hơn giữa những biến động của cuộc sống. Nhưng theo chuyên gia, muốn thực hiện những nội dung “chữa lành” nhằm lan toả điều tích cực trong cộng đồng, nhà sản xuất nội dung cần lưu tâm những yếu tố nào?

TS Vũ Thu Hương: Đương nhiên chữa lành là tích cực rồi và nó giúp chúng ta ổn hơn rất nhiều. Nhưng nếu chúng ta định hướng hoạt động chữa lành theo suy nghĩ chủ quan của chúng ta thì hoàn toàn có thể không phù hợp với đối tượng khác.

Mọi người đi theo những cách chữa lành của chúng ta nhưng họ không giải quyết được những vấn đề tâm lý, có thể họ chỉ cảm thấy thoải mái trong phút chốc nhưng vấn đề thực sự họ gặp phải lại không được giải quyết, mà đôi khi để lâu thì vấn đề nó sẽ trở nên trầm trọng. Ban đầu có thể chỉ là bức xúc, là stress nhưng để lâu quá thì nó là trầm cảm và trở thành bệnh tâm lý.

Nên đôi khi việc chúng ta hướng dẫn mọi người chữa lành mà chúng ta không quan tâm lắm đến nguyên nhân mà mọi người gặp phải, dẫn đến ảnh hưởng về tâm lý thì có thể chúng ta đã làm những vấn đề của họ trở nên trầm trọng hơn.

Do vậy, muốn chia sẻ phương án chữa lành, chúng ta vẫn cần phải khuyến cáo tất cả mọi người tìm hiểu kỹ nguyên nhân và tốt nhất là nên giải quyết tận gốc tất cả những vấn đề đó, thay vì chỉ đi theo một phương án chữa lành nói chung.

Nếu vấn đề đã trở nên rất trầm trọng rồi thì tốt nhất hãy nên tìm đến các chuyên gia, các bác sĩ bởi vì chính họ sẽ giúp đỡ mọi người tốt hơn là chúng ta đi theo những phương án chữa lành trên mạng.

Ảnh minh hoạ: Sức khoẻ&Đời sống

Ảnh minh hoạ: Sức khoẻ&Đời sống

PV: Thời điểm này là lúc thí sinh biết kết quả thi vào 10 và chuẩn bị biết kết quả thi đại học, theo chuyên gia, cần làm gì để việc xuất hiện trend chữa lành không gây phản cảm, đạt được mục đích là xoa dịu và khích lệ cho những người trong cuộc?

TS Vũ Thu Hương: Đúng thời điểm này là thời điểm tất cả mọi người chờ đợi hoặc đã biết kết quả kỳ thi. Các bạn ấy rất trẻ, có thể mới 14, 15 tuổi hoặc là 17, 18 thì rõ ràng với những thành công hay thất bại, các bạn sẽ khó có thể giải quyết hơn là người lớn.

Đặc biệt, nếu các bạn có kết quả không như ý thì chắc chắn các bạn sẽ có những cảm xúc không ổn. Chúng ta cần phải chuẩn bị tâm lý cho việc này. Trước hết theo cách thông thường, nếu không quá kỳ vọng thì cũng không quá thất vọng.

Do vậy, chúng ta hãy đặt ra những kịch bản khác nhau. Chúng ta có thể chuẩn bị trước tất cả những phương án đó rồi hẵng nói đến những vấn đề về chữa lành, chữa lành như thế nào và chúng ta cũng cần phải tìm hiểu xem chúng ta sẽ đi về đâu sau khi có kết quả khả thi. Tất cả những ai muốn tạo ra trend chữa lành thì cần phải quan tâm về vấn đề này trước khi đưa ra những phương án chữa lành phản cảm hoặc hữu hiệu.

Chúng ta hãy quan tâm điều này trước và cũng cần chia sẻ cho các thí sinh về những căng thẳng, lo lắng của họ bằng phương án khác nhau. Ví dụ chúng ta có thể kể về chính cuộc thi của chúng ta và sau đó mới nói đến những phương án chữa lành.

Vì một khi đã chữa lành thì phải khỏi, chứ không phải chữa lành cho xong, để rồi sau đó mọi người vẫn gặp những vấn đề tâm lý giống như họ chưa bao giờ được chữa lành.

PV: Xin cảm ơn bà!

Xuân Tú/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn