Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Đừng đánh mất bản sắc văn hóa vì ‘sản phẩm du lịch fake’

Thái Sơn: Thứ hai 19/12/2022, 21:41 (GMT+7)

Gìn giữ, xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc, nét đẹp văn hóa là yêu cầu mà ngành du lịch cần hướng tới để hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng ‘đạo, nhái ý tưởng kiến trúc’, cả trong nước và nước ngoài, ở các khu du lịch xuất hiện ngày càng nhiều.

Những sản phẩm ‘Fake’ này chỉ đáp ứng mục tiêu ngắn hạn trước mắt, là khả năng ‘câu khách’ hay nhu cầu ‘sống ảo’ của một bộ phận du khách. Nhưng về lâu dài chúng có thể gây méo mó, lu mờ bản sắc văn hóa địa phương. 

Vẻ đẹp của Cầu Vàng tại Đà Nẵng - Ảnh Bà Nà Hills

Vẻ đẹp của Cầu Vàng tại Đà Nẵng - Ảnh Bà Nà Hills

Là người miền Bắc nhưng lập nghiệp và sinh sống nhiều năm ở Đà Nẵng, mỗi lần có người thân, bạn bè vào chơi, anh Nguyễn Hoàng thường tình nguyện dẫn mọi người đi tham quan thành phố, kiêm luôn vai trò ‘hướng dẫn viên’ tại các khu du lịch.

Anh Hoàng cho hay, những năm gần đây, cây Cầu Vàng hay còn gọi là Cầu bàn tay nằm trong quần thể Bà Nà Hills trở thành điểm du lịch nổi tiếng cả nước, thu hút rất đông du khách khi đến Đà Nẵng: “Khi bạn bè hoặc người thân vào trong này tôi đều giới thiệu đến cây Cầu Vàng, nó để lại dấu ấn riêng cho thành phố Đà Nẵng, bởi được phối hợp hài hòa với thiên nhiên xung quanh, nhất là những ngày có nắng nữa thì cực kỳ tuyệt vời. Ai đến Đà Nẵng tôi thấy hình như cũng đều cố gắng kiếm cho mình một hình chụp đứng ở Cầu Vàng”.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu anh Hoàng được biết, thời gian gần đây khá nhiều khu du lịch trong nước như ở Sóc Trăng, Đà Lạt cũng xây dựng những cây ‘cầu nhái’ tương tự Cầu Vàng Đà Nẵng. Theo anh Hoàng, do không được đầu tư chỉn chu nên những công trình này thực sự là thảm họa kiến trúc. Từ màu sơn cho tới hình dáng thiết kế đều thô thiển, vừa không tôn trọng bản quyền vừa bôi bác bản gốc bằng thứ hàng giả xấu lạ, phản cảm.

“Việc đạo nhái sẽ ảnh hưởng đến bản gốc, bởi các công trình đạo nhái không thể lột tả hết được cái hồn của sản phẩm chính, đôi khi còn gây ra sự nhầm lẫn cho những người không biết. Có thể trong ngắn hạn thì được, nhưng về lâu dài thì không đem lại lợi ích kể cả về thương mại hay lợi ích phát triển về du lịch. Cá nhân tôi nghĩ rằng nên ngăn chặn”, anh Hoàng nói.

Thực tế thời gian qua, để thu hút sự chú ý và phục vụ nhu cầu check in sống ảo của một bộ phận du khách, không ít khu du lịch nghĩ ra cách xây dựng những ‘công trình độc, lạ’, sau đó thu tiền khách vào tham quan, chụp ảnh. Đáng nói, phần nhiều trong số này đều thiếu tính sáng tạo, chủ yếu mô phỏng, sao chép các thắng cảnh trong nước, hay thậm chí đạo nhái kiến trúc của nước ngoài. Một số có thiết kế cẩu thả, thiếu mỹ quan, gây phản cảm cho du khách.

Nhiều người cho rằng: “Các công trình bản gốc người ta xây với kích thước, tỷ lệ hài hòa thì mới đẹp. Mình đã nhái mà lại không có kỹ thuật thì nó trở thành một cái gì đấy rất lố lăng. Ví dụ như cái tượng Nữ thần tự do ở Đà Lạt chẳng hạn, mình thấy vô cùng phản cảm”.

“Cái này chỉ phục vụ cho một số ít bạn trẻ thích sống ảo thôi, chứ thực ra đây không phải là cách làm du lịch lâu dài”

“Tại sao không nghĩ ra một cái gì đấy của riêng mình mà cứ phải đi copy của người khác”.

Cầu Vàng ở Đà Lạt với hai bàn tay sơn đốm - Ảnh Thanh Niên

Cầu Vàng ở Đà Lạt với hai bàn tay sơn đốm - Ảnh Thanh Niên

Đam mê du lịch và từng đến nhiều thắng cảnh nổi tiếng cả trong và ngoài nước, ông Nguyễn Hữu Nam, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, muốn phát triển du lịch các địa phương cần có sản phẩm sáng tạo để thu hút du khách. Những công trình sao chép chỉ thỏa mãn nhu cầu tức thời, không bền vững, bên cạnh đó còn đánh mất bản sắc văn hóa điểm đến.

“Theo tôi những sao chép nguyên bản của một nước nào đó hoặc của Việt Nam đã có rồi thì không nên, mà phải có sáng tạo từ những ý tưởng phục vụ cho du lịch, để làm sao thu hút khách du lịch, quảng bá với thế giới. Sao chép mà anh để không đúng chỗ, không đúng vị trí, không đúng thời gian và không đúng thời điểm thì sẽ gây hiểu nhầm những di tích cổ xưa của chúng ta”, ông Nguyễn Hữu Nam cho biết.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Lê Hồng Nam, chuyên gia du lịch, cho rằng, về ngắn hạn những mô hình sao chép có thể thành công về mặt doanh thu, tạo hiệu ứng đám đông, nhưng lâu dài sẽ khó xây dựng được sản phẩm du lịch có chất lượng, tạo dấu ấn, bản sắc, đặc biệt với du khách nước ngoài.

“Theo tôi được biết khách du lịch người ta muốn nhìn thấy bản sắc địa phương nhiều hơn. Hiện tại đang xảy ra rất nhiều công trình nhái lại như bể bơi vô cực, bàn tay Phật... Ví dụ như cánh thiên thần ở bản Cát Cát, Sapa nhìn xuống dưới ruộng bậc thang thì vô tình nó làm mất bản sắc của người dân tộc Mông đi.

Khách quốc tế đến người ta muốn nhìn thấy cuộc sống của người Mông như thế nào, nhà cửa, sinh hoạt ra sao, chứ không phải là những cánh thiên thần hoặc bàn tay Phật từng có ở Đà Nẵng. Nó chỉ phù hợp với check in của giới trẻ thôi. Hiện tại nhiều khách du lịch quốc tế đã rời bỏ bản Cát Cát để sang những bản khác truyền thống hơn, lâu đời hơn, hấp dẫn khách du lịch nhiều hơn”.

Còn theo ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Tổng Giám đốc Vina Phú Quốc Travel, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Kiên Giang, việc các khu du lịch vay mượn, sao chép các đặc trưng văn hóa nước ngoài còn khiến văn hóa bản địa có nguy cơ bị lu mờ.

Ông Huy cho rằng, về lâu dài, một nền du lịch muốn phát triển bền vững chỉ có thể xây dựng trên cơ sở bản sắc văn hóa dân tộc: “Thực ra khách du lịch đến một địa phương nào, họ muốn tìm nét đặc trưng của địa phương đó. Do vậy, thay vì chúng ta đạo nhái, nhìn nó vụng về, nó tạo ra những phiên bản lỗi, trong đó có những phiên bản chúng ta cười mà rớt nước mắt. Vậy tại sao chúng ta không có những ý tưởng sáng tạo.

Mỗi địa phương, mỗi điểm du lịch có công trình riêng biệt, nổi bật, mang giá trị văn hóa, giá trị điểm đến. Nhanh nhất đó là đạo ý tưởng của người khác, nhưng đôi khi còn khó hơn tìm ra một ý tưởng mới cho mình. Do đó, bắt buộc phải hạn chế sự đạo nhái như hiện nay, bởi nó làm cho lai căng, nó bị pha tạp, mất đi nét đặc trưng của vùng miền”.

Liệu có bền từ cách làm du lịch kiểu ‘ăn xổi’

Đi cùng trào lưu thích ‘check in sống ảo’ của một bộ phận du khách, thời gian qua, tình trạng ‘vay mượn’ ý tưởng kiến trúc xuất hiện ở các khu du lịch ngày càng nhiều. Đáng nói, việc bắt chước này được thực hiện một cách thô thiển, thiếu thẩm mỹ khiến không ít công trình trở thành ‘thảm họa kiến trúc’ lố lăng, phản cảm, thể hiện cách làm du lịch nửa mùa, hời hợt.

Cách đây không lâu, tác phẩm nhái bức tượng ‘Nữ thần tự do’ của Mỹ đặt tại một khu du lịch ở Sapa khiến dư luận bàn tán xôn xao. Do không được đầu tư chỉn chu, nên dù là sản phẩm sao chép bức tượng vẫn thể hiện sự mất cân đối, thậm chí có phần hài hước, kệch cỡm.

Trước phản ánh và bức xúc của người dân, chính quyền thị xã Sa Pa sau đó đã yêu cầu đóng cửa cơ sở du lịch với lý do "chưa đảm bảo quy định của pháp luật và mỹ quan".

Tuy nhiên, không chỉ Sapa, nhiều điểm đến khác ở Việt Nam cũng đang xuất hiện tràn lan các ‘sản phẩm du lịch Fake’ như “Cổng trời Bali” ở Phú Quốc, xích đu "tử thần" Bali Swing ở Quảng Bình, thậm chí Đà Lạt có tới hai phiên bản ‘Cầu Vàng’, mô phỏng cây Cầu Vàng nổi tiếng ở Đà Nẵng, nhưng với quy mô nhỏ hơn.

Tác phẩm nhái bức tượng ‘Nữ thần tự do’ - Ảnh: Phòng văn hóa - thông tin thị xã Sa Pa

Tác phẩm nhái bức tượng ‘Nữ thần tự do’ - Ảnh: Phòng văn hóa - thông tin thị xã Sa Pa

Không thể phủ nhận, trong xu thế cạnh tranh để thu hút khách, việc nhái lại các công trình nổi tiếng có thể giúp các khu du lịch hấp dẫn những người tò mò, mong ngóng được mục sở thị, nên thành công về mặt doanh thu.

Các điểm ‘du lịch check in’ cũng đang là mô hình mới, đáp ứng xu hướng thích chụp ảnh selfie đăng tải lên mạng xã hội của nhiều du khách. Song, do việc kiểm soát còn thiếu chặt chẽ và cũng chưa có quy chuẩn cụ thể đối với hình thức này, dẫn tới mọc lên không ít các ‘tác phẩm lỗi’, lai căng, phản cảm.

Trong khi đó, những người làm du lịch cần tự đặt câu hỏi, sau một lần chụp ảnh ‘check in’ khoe với bạn bè, liệu bao nhiêu du khách có ý định quay trở lại? hay bao nhiêu người sẽ khuyên người thân, bạn bè đến với những điểm du lịch nhái này. Ngoài ra, tình trạng sao chép các công trình văn hóa nước ngoài còn dẫn đến nguy cơ làm mất tính sáng tạo trong xây dựng các sản phẩm du lịch, khiến nét đẹp văn hóa bản địa bị lu mờ.

Cái được và mất khi làm du lịch kiểu ‘ăn xổi’ như thế này hẳn những người làm du lịch chuyên nghiệp hiểu rõ hơn ai hết.

Thực tế, thời gian qua, không ít địa phương trong nước thành công với cách làm du lịch bài bản, khai thác hiệu quả chất liệu văn hóa, đặc biệt dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống để thu hút khách du lịch. Từ nền tảng này, các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị quản lý điểm đến đã xây dựng, sáng tạo nên những chương trình, sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Có thể kể đến các tour du lịch Tây Bắc, dựa trên giá trị văn hóa bản địa độc đáo như tham quan ruộng bậc thang, tìm hiểu chợ phiên vùng cao, du lịch tâm linh dọc sông Hồng hay khám phá các cung đường hành quân trong chiến dịch Điện Biên lịch sử. Còn đồng bằng sông Cửu Long, với đặc sản là các tour du lịch sông nước, miệt vườn, đờn ca tài tử cũng thu hút được nhiều du khách.

Có thể nói, một điểm đến chỉ thực sự hấp hẫn và níu chân được du khách khi thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của vùng đất, con người địa phương đó. Do vậy, việc hạn chế, ngăn chặn các công trình nhái, pha tạp, lai căng cũng là cách gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc, để ngành du lịch có thể phát triển một cách ổn định và bền vững.

Thái Sơn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
CSGT không công khai “kế hoạch, chuyên đề”, người dân vẫn có quyền giám sát

CSGT không công khai “kế hoạch, chuyên đề”, người dân vẫn có quyền giám sát

"Quyền giám sát các lực lượng thực thi pháp luật là quyền của người dân. Việc giám sát theo kế hoạch chuyên ngành là câu chuyện giám sát trong các báo cáo. Còn trong hoạt động thường ngày, với mỗi sự kiện chúng ta đều có thể giám sát theo quy định".

Lùng bùng chuyện quản lý lộ trình xe khách

Lùng bùng chuyện quản lý lộ trình xe khách

Trong khi lộ trình tuyến cố định được giao cho Sở GTVT hai đầu tuyến chấp thuận, trên cơ sở khảo sát, đề xuất của doanh nghiệp vận tải, thì việc thay đổi lộ trình tuyến lại phải chờ quyết định của Bộ GTVT, khiến hiệu quả khai thác bị ảnh hưởng.

Chưa thanh toán, cắt điện: Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mất an toàn

Chưa thanh toán, cắt điện: Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mất an toàn

Tối 12/4, nhiều tài xế phản ánh đến đường dây nóng của VOV Giao thông về việc một số nút giao lớn trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây tối om, khiến tầm nhìn bị sụt giảm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia lưu thông trên tuyến này.

Nuôi con gì? Ăn con gì?

Nuôi con gì? Ăn con gì?

Với người Việt, việc ăn thịt chó mèo hay nuôi chó mèo để giết thịt là chuyện hết sức bình thường từ xưa tới nay, và có thể nói rằng với lịch sử ẩm thực của người Việt, thịt chó mèo như một phần nét văn hóa ẩm thực… Nhưng rồi thói quen nào cũng sẽ thay đổi cùng với thời gian và nhận thức.

Hà Nội sống và yêu: Quang gánh cuộc đời

Hà Nội sống và yêu: Quang gánh cuộc đời

Những đôi quang gánh tô điểm cho cái hồn phố thị, thu hút sự chú ý của khách du lịch bao năm qua. Không thể đếm nỗi những vất vả, những câu chuyện đằng sau đôi quang gánh của các bà các chị trên khắp các con phố Hà Nội.

Hàng trăm tấm đan mương thoát nước trên QL 1 và đường Võ Nguyên Giáp tiếp tục bị đập phá

Hàng trăm tấm đan mương thoát nước trên QL 1 và đường Võ Nguyên Giáp tiếp tục bị đập phá

Sau khi được lắp đặt lại, hàng trăm tấm loạt tấm đan bê tông mương thoát nước trên tuyến QL 1 và đường Võ Nguyên Giáp, đoạn qua TP. Thủ Đức (TP.HCM) lại tiếp tục bị phá hoại, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến trật tự và mỹ quan đô thị.

Nét đặc trưng trong trang phục nông dân Nam Bộ

Nét đặc trưng trong trang phục nông dân Nam Bộ

Nhắc đến người nông dân Nam Bộ xưa, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những bà con chân chất, thật thà với bộ bà ba và chiếc khăn rằn. Bộ trang phục ấy đã trở thành hình ảnh “đóng đinh” với nét đẹp duyên dáng, mộc mạc như chính con người nơi đây.