Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Du lịch hậu Covid-19: Nhiều thách thức nhưng cũng lắm cơ hội

Huy Hoàng: Thứ ba 24/01/2023, 22:13 (GMT+7)

Dù chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng năm Nhâm Dần 2022 được xem là một năm thành công của du lịch Việt Nam. Sau 2 năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ Covid 19, ngành du lịch nước nhà đã có những bức phá đáng kể, góp phần không nhỏ cho quá trình phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch.

Tuy vậy cũng cần phải nhìn nhận khách quan rằng vẫn còn nhiều thách thức mà ngành công nghiệp không khói phải vượt qua nếu muốn thăng hoa trong năm Quý Mão 2023 tới đây.

PV VOV Giao Thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trần Hoàng Phương – Quyền Viện trưởng viện nghiên cứu du lịch xã hội, Phó chủ tịch hiệp hội du lịch tỉnh Long An về vấn đề này, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi:

PV: Nhìn lại năm 2022 vừa qua, ông có ấn tượng gì với du lịch trong nước cũng như là các hoạt động phục hồi du lịch nước ngoài trong thời gian vừa qua?

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương: Kể từ 15/3/2022 cho đến thời điểm hiện tại là đã hơn 8 tháng rồi, kết quả là rất bất ngờ, tại vì không ai nghĩ là nó khôi phục lại nhanh như vậy.

Nếu như năm 2020 2021 gần như là cắt giảm 100 % và khi nó mở ra nó đang chạy với lại một cái cường độ rất đặc biệt. Về chất lượng, trước dịch thì những quốc gia ở Đông Nam Á, người Việt Nam đi rất nhiều nhưng giai đoạn hiện tại là số lượng người đi Đông Nam Á vẫn không nhiều và tour Đông Nam Á gần như đã bị nội địa hóa rồi.

Tuy nhiên, ở các thị trường xa ví dụ như ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc… thì phát triển lên rất mạnh, gần như là tour nào cũng đầy cả một xe 45 chỗ. Nói như vậy để nhìn thấy là người Việt Nam mình đã có những cái sự thay đổi ở trong tư duy du lịch, không phải rẻ là đi mà là tour chất lượng và đặc biệt những nơi mà họ chưa đến thì họ mới đi.

Ảnh minh họa: VnEconomy

Ảnh minh họa: VnEconomy

PV: Chúng ta bàn thêm chút về du lịch nội địa, Ông đánh giá như thế nào về cái nhu cầu du lịch nội địa của năm 2022 và liệu nó có còn dư địa để có thể phát triển thêm trong năm 2023 hay không?

Nguyễn Trần Hoàng Phương: Chúng ta có thể nhìn thấy là mọi người đang rất cuồng chân và không thể đi nước ngoài thì họ mới chọn du lịch nội địa.

Nhưng rõ ràng những nhà đầu tư họ chỉ mới bắt đầu đầu tư từ giai đoạn cuối dịch cho tới giai đoạn này thì tất cả những cơ sở vật chất hoặc là những cái cơ sở kinh doanh về du lịch nó mới bắt đầu có thể triển khai vào hoạt động từ 2023 cho đến 2024 thì hai năm này sẽ là hai năm cực thịnh của du lịch nội địa chứ không phải là năm 2022.

Nếu xem năm 2022 là một cái bản lề cho sự phát triển, thì  tới 2023 mới bắt đầu chuẩn hóa lại, lý do là nhân sự lúc đó mới bắt đầu vững và số lượng mới bắt đầu đầy đủ để hoạt động.

PV: Có một nhận định như thế này, kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung đã và đang bắt đầu cho những cái guồng xoay mang tên suy thoái. Nền kinh tế cũng đã bắt đầu đứng trước những cái thách thức rất lớn khi các chuỗi cung ứng bị ngắt quãng và số lượng cán bộ, công nhân viên, công nhân bị thất nghiệp ngày càng một nhiều hơn. Đây liệu có phải là một cái trở ngại cho cái cái đà hồi sinh trở lại của du lịch trong năm 2023 sắp tới không?

Nguyễn Trần Hoàng Phương: Hiện tại suy thoái kinh tế thì nhóm đầu tiên mà cũng là nhóm lớn nhất bị ảnh hưởng chính là các doanh nghiệp sản xuất, tuyh vậy nó cũng chỉ là một phần ở trong du lịch chứ không phải tất cả của du lịch cho nên khi suy thoái thì những cái mảng còn lại du lịch vẫn chạy và vẫn xoay bình thường.

Khi mà kinh tế biến động là tác động trực tiếp với lại các doanh chủ, các doanh nghiệp thì doanh nghiệp gần như rất khó đi, nhưng giám đốc của doanh nghiệp đó hoặc là những nhân viên trong doanh nghiệp đó họ có thể tự đi thì nhóm khách lẻ đó vẫn đi một cách bình thường. Khi có sự thay đổi nhu cầu thì sẽ có thay đổi phương thức cung ứng dịch vụ du lịch cho phù hợp.

Còn lại tổng doanh thu, tổng nguồn thu, nhân sự phục vụ hay cơ sở vật chất, tất cả mọi thứ nó vẫn đang trên một cái đà phát triển. Năm 2023, khi mà bị tác động về kinh tế, ít nhất người Việt Nam vẫn có thể tự cứu lấy người Việt Nam, tự cứu lấy du lịch Việt Nam.

Người ta có thể không chọn đi một cái tour châu Âu 50 triệu nữa nhưng người ta hoàn toàn có thể đi một cái tour Vũng Tàu 500.000. Những yếu tố về nội sinh, những cái về nội tại vẫn có thể tự sinh sống được, vẫn có thể tự phát triển được. Cho nên chúng ta không cần phải quá lo ngại.

TP.HCM là điểm đến sôi động được nhiều du khách lựa chọn khi chưa có dịch Covid-19. Ảnh: Diệu Nhi/Thanh niên

TP.HCM là điểm đến sôi động được nhiều du khách lựa chọn khi chưa có dịch Covid-19. Ảnh: Diệu Nhi/Thanh niên

PV: Qua cái khảo sát của góc độ cá nhân thì ông có đánh giá như thế nào về nhu cầu cũng như xu hướng đi du lịch của người Việt Nam trong năm 2023 sắp tới là như thế nào?

Nguyễn Trần Hoàng Phương: Mình có thể nhận định Tết Quý 2023 là một năm Tết suy thoái về du lịch nhưng đó chỉ là giảm về số lượng nhưng lại tăng rất nhiều về chất lượng.

Nếu mình nói năm 2021 2022 tất cả mọi người về quê ,thì năm 2023 cũng là một năm biểu trưng cho việc về quê ăn Tết của người Việt Nam sau đại dịch. Những năm trước về quê ăn Tết là không đi đâu nữa, nhưng năm nay họ sẽ đi. Một là họ đi rất xa, hai là họ sẽ đi gần đi du lịch trong nước và họ sẽ tự lái. Xu thế đi lẻ là một cái xu thế rất lớn.

Tết năm nay chắc chắn sẽ kẹt, xe sẽ đông đúc, sẽ có chặt chém, sẽ có những cái biến động về giao thông…nhưng người Việt Nam luôn luôn muốn đi vào dịp Tết. Các doanh nghiệp du lịch họ cũng đã lường trước được những vấn đề này thay vì cung cấp một cái tour trọn gói thì bây giờ họ chỉ cung cấp phòng khách sạn, cung cấp nhà hàng, cung cấp điểm tham quan. Đó là một cái sự thay đổi cả về lượng và về chất và hy vọng là năm 2023 các doanh nghiệp du lịch sẽ phát triển để đáp ứng được một cái nhu cầu đang thay đổi hằng ngày, hàng giờ của khách du lịch tại Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông.

Huy Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn