Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Doanh nghiệp Việt Nam ‘chuyển mình’ với ESG

Trọng Nghĩa: Thứ tư 01/01/2025, 18:05 (GMT+7)

ESG là viết tắt của ba yếu tố: Môi trường (Environmental), Xã hội (Social) và Quản trị doanh nghiệp (Governance) đã không còn là một khái niệm xa lạ và hiện đang dần trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho cộng đồng, ngày càng nhiều doanh nghiệp chủ động thay đổi định hướng phát triển, lồng ghép các yếu tố ESG vào chiến lược kinh doanh cốt lõi cho tương lai. Vậy việc thực hiện các tiêu chí ESG tại các doanh nghiệp nước ta thế nào?

Theo báo cáo của PwC năm 2024, tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đạt mức ấn tượng 93%, vượt xa mức trung bình 80%. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm và chủ động thực hiện các cam kết về ESG. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lớn đã tiên phong trong việc áp dụng ESG vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có thể kể đến Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam.

Công ty đã chủ động tìm những giải pháp nhằm cắt giảm khí thải CO2 và tìm đến những nguồn năng lượng sạch trong sản xuất, ông Kaneda Hiroki – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi là một công ty sản xuất nên công ty cũng đang triển khai rất nhiều hoạt động để giảm thiểu tác hại của việc sản xuất lên trên môi trường. Thứ nhất giảm thiểu khí CO2 từ nhà máy thì chúng tối đã chuyển từ lò đốt hơi sang những lò hơi đốt Biomas và thứ 2 là áp dụng năng lượng mặt trời vào việc sản xuất và vận hành công ty. Ngoài ra năm 2026 chúng tôi xây dựng một nhà máy mới ở Vĩnh Long theo tiêu chuẩn để bảo vệ môi trường.”

Acecook đã chuyển từ lò đốt hơi sang những lò hơi đốt Biomas để giảm thiểu tác hại môi trường

Acecook đã chuyển từ lò đốt hơi sang những lò hơi đốt Biomas để giảm thiểu tác hại môi trường

Một minh chứng rõ nét cho việc bảo vệ môi trường, phát triển xanh của Acecook Việt Nam là việc công ty đã chuyển đổi từ ly nhựa sang ly giấy cho dòng sản phẩm mì ly, đồng thời loại bỏ nĩa nhựa trong sản phẩm Mì ly Mini. Những hành động này đã góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Ông Kaneda Hiroki chia sẻ thêm: “Về phía sản phẩm chúng tôi cũng đã có những nổ lực đã triển khai đó là chuyển từ ly nhựa sang ly giấy để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Đồng thời thành lập bộ phận chuyên trách bộ phận SJS chịu trách nhiệm dẫn hướng đưa ra những phương châm làm sao để cho công ty sản xuất tại Việt Nam tốt hơn cho môi trường”.

Tuy nhiên, hành trình thực hiện ESG của doanh nghiệp Việt cũng đối mặt với không ít thách thức. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư xanh, hay sự thiếu đồng bộ trong khung khổ pháp lý là những rào cản cần được tháo gỡ.

Ông Bùi Quang Huy – Phó giám đốc đầu tư toàn cầu, bộ phận tài chính khí hậu quỹ responsAbility (Thụy Sĩ) chia sẻ: “Các doanh nghiệp có lẽ họ cũng rất cần về việc hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật và chuyển đổi, chuyển giao kinh nghiệm cũng như về mặt xây dựng năng lực cho việc chuyển đổi theo tiêu chí ESG.”

Phát triển bền vững theo tiêu chí ESG không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hy vọng rằng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam sẽ ngày càng xanh sạch và phát triển bền vững trong tương lai.

Ông Kaneda Hiroki – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết Công ty đã chủ động tìm những giải pháp nhằm cắt giảm khí thải CO2 và tìm đến những nguồn năng lượng sạch trong sản xuất

Ông Kaneda Hiroki – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết Công ty đã chủ động tìm những giải pháp nhằm cắt giảm khí thải CO2 và tìm đến những nguồn năng lượng sạch trong sản xuất

Hướng tới tương lai bền vững của cộng đồng doanh nghiệp

Việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững theo các yếu tố ESG là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên để thành công trên con đường này, các doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với những thách thức trong quá trình ‘chuyển mình’. Vậy thái độ của các doanh nghiệp Việt Nam đối với tiêu chí ESG như thế nào? Các doanh nghiệp cần làm gì để đạt được tiêu chí trên?

VOV Giao thông đã có cuộc trò chuyện xoay quanh nội dung này cùng TS Đinh Thị Ngọc Bích – Chuyên gia tư vấn và Thành viên độc lập tiểu ban Phát triển bền vững Coteccons:

PV: Theo góc nhìn của bà thì thái độ của các doanh nghiệp nước ta với tiêu chí ESG là như thế nào?

Tiến sĩ Đinh Thị Ngọc Bích: Tôi có một cảm nhận là các doanh nghiệp khi nói đến ESG thì rất hào hứng, rất thì bởi vì đây là một điều gì đó rất tốt đẹp và họ đều muốn thực hiện nhưng trên hết họ chưa biết bắt đầu từ cái gì và hơn nữa là trong bối cảnh hiện nay thì các doanh nghiệp còn phải đối mặt với áp lực thị trường, áp lực về chi phí, lao động.

Như vậy ESG rất tốt đẹp nhưng nó chưa phải là ưu tiên số 1, có thể là số 2 hoặc số 3.

PV: Việc hướng tới sản xuất xanh được xem là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp khi muốn hội nhập. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cũng khá bân khuân về việc thực hiện các tiêu chí ESG phải đầu tư với khoảng chi phí khá cao và vô tình trở thành rào cản đối với các doanh nghiệp, bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Tiến sĩ Đinh Thị Ngọc Bích: Tôi thì không nghĩ như vậy, mọi người hay nghĩ về ESG là một cái gì đó rất phức tạp và rất khó thực hiện bởi vì tính cam kết của nó rất cao. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn có thể tham gia và thực hành ESG từ nền tảng của chính mình hãy bắt đầu từ những cái nhỏ nhất của doanh nghiệp mình bằng việc tìm ra những hướng phù hợp làm thế nào để tiết giảm khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, quan hệ lao động…

Tất cả những hoạt động đó đều có thể trở thành những yếu tố, những chỉ số rất ESG.

PV: Có thể thấy việc bảo vệ môi trường, phát triển xanh không chỉ đến từ các doanh nghiệp mà còn sự chung tay của cả cộng đồng và chính quyền. Theo bà vai trò của chính quyền địa phương đối với việc thực hành ESG tại các doanh nghiệp là như thế nào?

Tiến sĩ Đinh Thị Ngọc Bích: Khi nói đến ESG thì đây là hoạt động chung của doanh nghiệp của cộng đồng nhưng trước hết trách nhiệm quan trọng nhất phải là doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp phải bám sát vào các mô hình kinh doanh và các hoạt động của mình và sự hỗ trợ chính quyền địa phương và những cộng đồng xung quanh thì nó sẽ có những hành lang pháp lý có vai trò của chính quyền địa phương, tôi nghĩ với ESG thì chính quyền và cộng đồng là những đơn vị giám sát, quan sát hoạt động của doanh nghiệp.

PV: Cảm ơn bà với những chia sẻ vừa rồi.

Trọng Nghĩa/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn