Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Điều gì xảy ra nếu bỏ tổ dân phố?

Nguyễn Yên: Thứ tư 30/11/2022, 06:00 (GMT+7)

Việc TP.HCM dự định sẽ bỏ cấp trung gian là tổ dân phố, tổ nhân dân, nhằm đáp ứng quy định chung của T.Ư và tinh giảm đáng kể số lượng người hoạt động không chuyên trách đang nhận được sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến khác nhau.

Nhiều ý kiến đồng tình vì sự phù hợp và tiết kiệm, song cũng có ý kiến lo ngại về sự thiếu hút nguồn nhân lực để sâu sát cơ sở. Vậy, có nên bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân hay không? Sẽ có những tác động ra sao nếu thực hiện mô hình này?

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với ông Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:

PV: Theo ông, hiện TP.HCM có nên bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân? 

Ông Nguyễn Văn Hậu: Tôi thấy người dân TP.HCM đồng tình với việc xóa bỏ tổ dân phố, tinh gọn thành một khu phố, để giảm được một đầu mối và tiết kiệm được ngân sách.

Khu phố sẽ là cánh tay nối dài của UBND phường xuống địa bàn dân cư, những giấy tờ hành chính hiện đều làm ở khu phố nên việc xóa bỏ tổ dân phố thì tôi thấy nó không ảnh hưởng gì đến người dân.

Và tôi thấy tiếng nói của tổ dân phố không mạnh, người dân không nghe, nhất là ở những khu nhà trọ. Nhiều tổ dân phố với trên 4000 hộ, địa bàn rộng trong khi tổ trưởng tổ dân phố là những người lớn tuổi nên rất khó khăn nắm tình hình, hạn chế trong hoạt động.

Mặt khác là tình trạng hành chính hóa hoạt động của tổ dân phố diễn ra nhiều, không đúng với quyền hạn dẫn đến quá tải, kinh phí hoạt động bị chia nhỏ, không tương xứng với hoạt động, chưa kể duy trì mô hình 2 cấp dẫn tới tình trạng ỷ lại lẫn nhau nên việc bỏ tổ dân phố là phù hợp.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, mô hình tổ dân phố hiện đang không hoạt động hiệu quả. Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, mô hình tổ dân phố hiện đang không hoạt động hiệu quả. Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ

PV: Theo ông, việc bỏ tổ dân phố sẽ tác động gì tới công tác tổ chức chính quyền đô thị? 

Ông Nguyễn Văn Hậu: Bỏ tổ dân phố sẽ giảm cấp trung gian, giảm đáng kể số lượng người hoạt động không chuyên trách.

Chủ trương sắp xếp lại khu phố trên địa bàn theo quy định của Trung ương đang duy trì hai cấp: phường xã, dưới phường là khu phố, dưới khu phố là tổ dân phố; dưới xã là có ấp và có tổ nhân dân; nó khác với quy định của Trung ương và các địa phương khác nên khi sắp xếp lại còn 1 cấp là khu phố thì tổ chức đơn giản hơn, tinh gọn được bộ máy và tôi cho là cách thức giúp Thành phố phát triển tốt hơn.          

PV: Xin được cảm ơn ông!

Trao đổi với VOVGT về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện Chính sách và phát triển truyền thông đồng tình chủ trương bỏ tổ dân phố, song, theo ông, việc sắp xếp cần thí điểm ở những địa phương chuyển đổi số tốt, sau đó nhân rộng. Tổ dân phố với những hoạt động chính là đưa thông tin, chính sách từ trên xuống và thống kê, báo cáo các biến động dân cư ở dưới lên.

Những việc này hiện đã có công cụ tốt hơn là số hóa, hệ thống báo cáo thông qua dữ liệu số thì vai trò của tổ dân phố không còn nữa.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác băn khoăn, trong điều kiện bình thường thì không đáng lo nhưng khi có dịch bệnh hay biến cố lớn thì làm sao để nắm bắt hết được tình hình và kịp thời hỗ trợ tới từng hộ dân, như các tổ dân phố đã làm trong đợt chống dịch COVID-19 vừa qua.

Khi xóa bỏ tổ dân phố thì lực lượng thay thế ra sao để người dân thuận lợi tìm kiếm sự hỗ trợ?

Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn