Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Để không phải loay hoay xử lý những khu dân cư tự phát

Kim Loan : Thứ tư 27/09/2023, 08:36 (GMT+7)

Cách đây 4 năm, TP Cần Thơ rà soát và phát hiện hơn 100 khu dân cư tự phát, đến nay chưa có hướng xử lý dứt điểm. Trong khi đó, một bộ phận lợi dụng nhu cầu về nhà ở để phân lô, bán nền sai quy định gây khó khăn cho công tác quản lý và thiệt thòi cho người mua.

Theo quy hoạch phát triển nhà ở đô thị, UBND TP Cần Thơ cho phép doanh nghiệp đầu tư khu đô thị Cửu Long, nằm cạnh đường Nguyễn Văn Linh, phường An Hòa, quận Bình Thủy. Lợi dụng đường đi rộng hàng chục mét của khu đô thị này, chủ đầu tư khác đã mua hơn 4.000 m2 đất lúa, 5.000 m2 đất trồng cây lâu năm để lập nên khu tự phát.

Hiện nay, mỗi khi đến khu đô thị Cửu Long, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh đối lập, trong cùng một không gian nhưng 1 bên thì là dãy nhà phố khang trang xây theo khuôn mẫu, còn 1 bên thì lác đác mấy căn nhà cấp 4, cỏ dại mọc um tùm.

Thấy rõ những thiệt thòi của người mua, anh Nguyễn Văn Phố - hộ dân sống cạnh khu dân cư bất hợp pháp này cũng xót lòng mà lên tiếng khuyên răn người dân đừng tin lời của “cò mồi”: Người dân để dành tiền, người ta quyên góp được 200 đến 300 triệu người ta vào đây mua nền rồi cất nhà không được cũng tội nghiệp cho người ta. Nhằm khi người ta đi vô hỏi em thì em cũng nói vậy, nhằm người người ta mua người ta cũng dò khu này cất nhà được không, nói chung ra em cũng giúp được vài người.

Cơ quan chức năng treo biển cảnh báo cho người dân

Cơ quan chức năng treo biển cảnh báo cho người dân

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn khi gặp được anh Phố. Tại khu vực 4, phường An Bình, quận Ninh Kiều, có hàng chục hộ dân rơi vào tình cảnh “dở khó dở cười”.

Điển hình là bà Trần Thị Loan, bà bỏ ra số tiền 400 triệu để mua 70m2 đất nông nghiệp và đổ vào 400 triệu nữa để xây nhà. Đến khi cầm giấy tờ đi chuyển mục đích sử dụng thì mới vỡ lẽ, đất này nằm trong danh sách phải thu hồi của thành phố. Vào năm 2016, địa phương cho phép một số hộ dân ở đây được tách thửa với mục đích chính đáng, lợi dụng chính sách này, chủ đất đã phân lô và “bắt tay” với các công ty bất động sản để tự ý mở đường, kéo điện về đây, “khoát tấm áo” giả mạo về một khu dân cư hợp pháp trong tương lai.

Bà Trần Thị Loan –ngụ tại KV4, phường An Bình, quận Ninh Kiều cho biết: Nhà nước cho chủ đầu tư phân lô tách nền nên mình cứ nghĩ là được phép cất nhà ở. Với lại mình thấy xung quanh ở đây người ta cũng cất nhà nên mình nghĩ không có vấn đề gì.

Theo thống kê của Sở TN&MT TP Cần Thơ, trên địa bàn hiện có 134 khu dân cư tự phát, chủ yếu là cán bộ, công chức. Theo ông Nguyễn Chí Kiên, Phó GĐ Sở TN&MT, phương án xử lý đã được HĐND thành phố thông qua là phải đạt được 2 yếu tố “thấu tình đạt lý”, xét trách nhiệm của người phân lô, đảm bảo an dân và an ninh trật tự. Đối với khu dân cư tự phát nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng thì sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, được tồn tại.

Trường hợp khu dân cư có một phần phù hợp quy hoạch, một phần không phù hợp thì phần phù hợp quy hoạch sẽ cho phép tồn tại. Còn đối với khu dân cư hoàn toàn không phù hợp quy hoạch thì yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, không giải quyết thêm thủ tục, khi nào liên quan đến dự án cần thu hồi thì xử lý theo dự án đó. Nếu công trình nào tác động xấu môi trường, cản trở đường nước, cản trở giao thông thì bắt buộc phải tháo dỡ.

Muốn ngăn ngừa tình trạng hình thành khu dân cư tự phát thì về lâu dài, thành phố phải phát triển mạnh chính sách nhà ở xã hội. Cần Thơ hiện có 87.136 công nhân và người lao động. Qua thống kê, có 56.638 công nhân và người lao động có nhu cầu về nhà ở ( chiếm 65%).

Dự báo nhu cầu giai đoạn 2020-2030 có thêm 32.000 người thu nhập thấp ở khu vực đô thị có nhu cầu nhà ở, tương đương 900.000m2 sàn xây dựng nhà ở. Đó là chưa kể gần 70.000 sinh viên từ các địa phương đến sinh sống, học tập tại TP Cần Thơ và hàng ngàn hộ dân do bị giải tỏa bởi các dự án nhưng không đủ điều kiện để được hưởng chính sách tái định cư.

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây Dựng TP.Cần Thơ cho biết tốc độ phát triển nhà ở trên địa bàn đến thời điểm này: Hiện nay, vấn đề nhà ở trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ mới đáp ứng được 3,8% trên cơ sở nhu cầu. Tức là hiện nay cũng chỉ mới có vài dự án triển khai. Sở Xây Dựng đang tham mưu UBND thành phố để được cho phép xây dựng đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bà thành phố.

Khu cư dân tự phát trên địa bàn quận Bình Thuỷ

Khu cư dân tự phát trên địa bàn quận Bình Thuỷ

UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Công văn số 1187 về việc triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định số 338 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cũng vừa được TW thống nhất bổ sung thêm 245 tỉ đồng để thực hiện chương trình cho vay mua nhà ở xã hội. Đến nay đã có gần 500 khách hàng được vay vốn gần 220 tỉ đồng.

Ông Lăng Chánh Huệ Thảo, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Cần Thơ cho biết: Đối tượng được vay là: người có công, người thu thập thấp và người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp. Ngoài ra sĩ quan, hạ sĩ quan cũng thuộc nhóm đối tượng được vay. Cán bộ công chức, viên chức. Các nhóm này được cho vay với 2 mục đích là mua nhà ở xã hội và sửa chữa nhà ở. Lãi suất cho vay là 4,8%/năm.

Thời gian qua, Cần Thơ vẫn chưa có đề án nhà ở xã hội, do đó sớm có đề án thì các nhà đầu tư mới quan tâm, qua đó huy động các nguồn lực tham gia vào, kể cả đầu tư nhà nước. Nhu cầu nhà ở xã hội tại Cần Thơ đã lớn dần, công tác quy hoạch phải làm nhanh và giám sát chặt chẽ minh bạch đối tượng được thụ hưởng “đúng nghĩa” sẽ giúp cho người có thu nhập thấp tại Cần Thơ chạm tay đến được “căn nhà trong mơ” mà cũng tránh được tình cảnh “cố ý” hoặc “vô tình” trở thành người xây nhà trái phép.

Những khu cư dân tự phát mọc lên như nấm

Những khu cư dân tự phát mọc lên như nấm

An cư luôn là giấc mơ chính đáng. Nhưng trong bối cảnh những cơn “sốt” đất làm nhiễu thị trường bất động sản đã khiến một bộ phận người dân có thu nhập không cao khó có khả năng sở hữu được nhà. Xây nhà trên đất nông nghiệp để có nơi ăn, chốn ở là tình thế rất bí bách nhưng muốn hợp thức hóa khu dân cư tự phát lại là một thách thức khó khăn cho địa phương. Để không loay hoay xử lý thì bắt buộc địa phương phải “Chặn xây nhà không phép từ gốc”.

Xây nhà trên đất nông nghiệp hay khu dân cư tự phát… đều đưa đến kết cuộc buồn là chính quyền mất cán bộ, còn người dân mất tiền. Điểm chung của khu dân cư tự phát là người có nhu cầu thì tiền ít, trong khi giá đất trung tâm quá cao. Ngoài vùng ven còn đất trống nhiều, chủ đất không canh tác nên tìm cách bán đi. Một bộ phận “gian thương” có cơ hội bắt tay gom đất để tự ý phân lô, bán nền. Chỉ cần 300-500 triệu đồng để mua miếng đất 70m2 bằng giấy tay.

Nhìn trên cục diện chung, khu dân cư tự phát sẽ không đảm bảo đúng quy chuẩn và hạ tầng kỹ thuật nên nhiều nơi có dáng vấp tệ như “ổ chuột”, nhếch nhác, chật chội, ô nhiễm môi trường. Nhưng xét lại, không ở đây thì ở đâu? không có chỗ định cư thì tương lai con cháu đi về đâu? Dẫu biết đồng tiền đi liền khúc ruột, nhưng có lúc, có nơi, người lao động phải bấm bụng mua đất nông nghiệp xây nhà, dẫu biết rằng, chúng rất rắc rối về mặt pháp lý.

Để ngăn chặn khu dân cư tự phát từ gốc thì trước tiên, địa phương phải kiểm soát được tình trạng “sốt” giá đất hiện nay. Việc thổi bùng giá đất so với thực tế đã khiến cho người lao động không thể nào tiếp cận được các sản phẩm bất động sản hay ít nhất là 1 mảnh đất vừa đủ để xây nhà, ở khu vực cho phép.

Do không canh tác nên nhiều người có nhu cầu bán đất nông nghiệp. Khi đất đã vào tay các “đầu nậu” kinh doanh bất động sản thì họ sẽ tìm mọi cách cấu kết để phân lô, bán nền kiếm lời. Vậy thì địa phương phải quyết liệt truy xét, xử lý hình sự các “đầu nậu” về các hành vi trốn thuế và lừa đảo.

Giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng xây nhà trái phép còn đòi hỏi sự thay đổi lớn trong nếp nghĩ, cách sống của người dân và phương pháp làm việc của cán bộ các cấp. Phải có quy định “thép” để ràng buộc cán bộ, công chức không dám vi phạm. Chính quyền cần thường xuyên rà soát, công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho người dân nắm bắt. Kiên quyết thu hồi và xóa các dự án đã treo nhiều năm, đẩy nhanh việc cho chuyển đổi mục đích đất ở để người dân có thể làm nhà một cách hợp pháp.

Cơ quan chức năng cũng cần tích cực trong việc triển khai quy hoạch, phê duyệt quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu thực tế của người dân. Có chính sách xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp thông qua mô hình nhà ở xã hội, kéo giá căn hộ thương mại “mềm” hơn và có chính sách tín dụng hỗ trợ công nhân viên chức mua nhà.

Hy vọng với các giải pháp “thấu tình đạt lý”, Cần Thơ nói riêng và các địa phương khác nói chung sẽ xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại của khu dân cư tự phát dựa trên 3 yếu tố: An cư, an ninh trật tự và không bỏ sót sai phạm về quản lý đất đai.

 

Kim Loan /vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cầu vượt Mai Dịch sau 1 tuần thông xe: Xuất hiện “điểm nóng” mất an toàn

Cầu vượt Mai Dịch sau 1 tuần thông xe: Xuất hiện “điểm nóng” mất an toàn

Đã khoảng 1 tuần trôi qua kể từ khi nút giao Mai Dịch thông xe sau khi hoàn thành dự án cầu vượt bằng thép. Giao thông qua khu vực này đã cải thiện ra sao, phát sinh bất cập nào?

Người “điên” trên phố

Người “điên” trên phố

Hà Nội hơn 9 triệu người. Ngược xuôi, hối hả, ào ào lướt qua những con đường đầy xe cộ. Có khi nào tình cờ, bạn gặp một người không bình thường trên phố? Những người mà bác sĩ gọi là triệu chứng của tâm thần kinh, còn dân gian gọi là người “điên”. Những người “điên” trên phố..

Hành trình từ Vải vụn đến đêm hội Tiên Thuỷ Tinh vì bệnh nhi ung thư

Hành trình từ Vải vụn đến đêm hội Tiên Thuỷ Tinh vì bệnh nhi ung thư

Dự án Vải vụn ra đời nhằm tái sử dụng những đồ thừa là mảnh vải vụn sau mỗi lần may vá. Nhưng điều đáng quý hơn, những vải vụn sau khi “hoá thân” thành những sản phẩm thời trang mới lại có thể giúp đỡ các bệnh nhi ung thư.

Đảm bảo TT ATGT cho học sinh là nhiệm vụ hàng đầu

Đảm bảo TT ATGT cho học sinh là nhiệm vụ hàng đầu

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia năm 2023, cả nước có khoảng 7,8% số nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em, tương đương với khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1.200 bị thương, trong số đó có gần 1.500 trẻ em là học sinh bậc trung học phổ thông.

Phân loại rác và cái khó của đơn vị thu gom

Phân loại rác và cái khó của đơn vị thu gom

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh thành sẽ chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Hiện không chỉ người dân còn nhiều bỡ ngỡ mà một số đơn vị thu gom, vận chuyển cũng gặp vướng mắc trong công tác chuẩn bị.

Tâm sự của đêm: Ký ức đồng dao

Tâm sự của đêm: Ký ức đồng dao

Tuổi thơ của chúng dần hạn hẹp trong bức tường vị kỷ, ánh sáng công nghệ rọi vào đôi mắt mơ màng, bé dại mà thiếu đi nền tảng cảm xúc, tiếng cười hồn nhiên.

Mất mạng vì 'lách' luật

Mất mạng vì "lách" luật

Pháp luật đã có những quy định cụ thể và đầy đủ về an toàn vệ sinh lao động, nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm dẫn đến hậu quả thương tâm. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, con số tai nạn lao động mới chỉ phản ánh một phần thực tế khi có doanh nghiệp cố tình giấu nhẹm những vụ việc này.