Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

ĐBSCL: Ngổn ngang nỗi lo đầu năm học mới

Tấn Đạt: Thứ sáu 25/08/2023, 15:21 (GMT+7)

Năm học 2023-2024 đã sắp bắt đầu, bên niềm vui chào đón năm học mới, vẫn còn đó không ít những trăn trở cho câu chuyện giáo dục tại ĐBSCL: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đảm bảo chất lượng giáo dục… đang là khó khăn nhiều địa phương miền Tây phải đối mặt.

Nỗi lo về chỗ ở, sinh hoạt phí và muôn vàn khó khăn khác về kinh tế với đồng lương ít ỏi. Đó không chỉ là nỗi lo của những giáo viên mới ra trường mà còn của cả những người đã đứng trên bục giảng hàng chục năm qua tại ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung.

Nơi khang trang, thì trường có dãy KTX cho giáo viên, kém hơn một chút, thì nhà ở công vụ, hay phòng nghỉ cải tạo từ phòng y tế, thậm chí là nhà kho. Mến trường, yêu lớp, nhiều giáo viên đã chấp nhận gắn bó để tận tâm với niềm đam mê của mình. Song, không phải ai cũng có thể vượt qua nỗi lo “cơm áo – gạo tiền”.

Về trường lớp, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ĐBSCL hiện có hơn 92.900 phòng học với mức kiên cố chỉ đạt khoảng 81,5%. Đặc biệt, ở khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn hơn 1.270 phòng học nhờ, mượn, tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học. Về giáo viên, năm học 2023 – 2024 đã đến gần, và điệp khúc “thừa thiếu” giáo viên tại các tỉnh thành ĐBSCL “đến hẹn lại lên”.

Tại Hậu Giang, toàn tỉnh hiện có 317 trường từ mầm non, mẫu giáo đến THPT. Cụ thể gồm: 83 trường mầm non, mẫu giáo, 149 trường tiểu học; 62 trường THCS và 23 trường THPT. Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang khó khăn của ngành hiện nay là cơ sở vật chất của trường học đã xuống cấp, tuy nhiên kinh phí để các trường sửa chữa chưa có. Để đảm bảo khai giảng năm học mới việc sớm nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, trường, lớp học xuống cấp là điều cần thiết:

"Bàn ghế học sinh lúc trước chuyển giao cho Ban quản lý dự án để thực hiện, Ban quản lý dự án 95 tỷ chia làm 4 gói, hiện nay mới cung cấp được 1 gói cho cấp 2 đó là Trung học cơ sở và mới đấu thầu xong gói cấp 3 còn lại 2 gói nữa cũng chưa có kinh phí thực hiện, bàn ghế của trường học xuống cấp rất nhiều, bàn ghế cũng hư, thiếu. Cũng báo lãnh đạo sớm xem xét, bố trí kinh phí sửa chữa trường học và kinh phí để đầu tư bàn ghế cho trường học trên địa bàn tỉnh".

Nhiều năm qua, Hậu Giang luôn thiếu giáo viên khi bắt đầu năm học mới-Ảnh Tấn Phong-VOV

Nhiều năm qua, Hậu Giang luôn thiếu giáo viên khi bắt đầu năm học mới-Ảnh Tấn Phong-VOV

Đó chỉ là một nỗi lo, và có thể nỗ lực để khắc phục nhanh chóng. Nỗi lo lớn hơn vẫn là câu chuyện thiếu giáo viên! Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang, năm học 2022-2023, ngành giáo dục địa phương thiếu hơn 800 giáo viên gồm cả cấp mầm non lẫn THPT. Tuy nhiên, đến năm học 2023-2024, con số này tiếp tục tăng lên 1.196 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra nhiều nhất các môn: âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh và tin học.

Việc tuyển giáo viên mới thì phải thực hiện trình độ chuẩn. Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, chia sẻ: Số lượng các trường đào tạo giáo viên này ra gọi là trình độ đạt chuẩn để chúng tôi tuyển vào chưa đủ số lượng, chính vì vậy hàng năm tuyển chỉ đạt khoảng 50% trong tổng số biên chế giao rồi có vị trí nhưng không có hồ sơ để tuyển nên hàng năm Sở giáo dục vẫn phải tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về định mức kinh phí hợp đồng giáo viên khoán định mức nhân viên ở các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông. Ngoài ra tuyển chưa kịp thời, không có người tham gia nên việc tuyển hàng năm chưa đủ.

Tương tự, tại TP Cần Thơ, vốn là “trung tâm” của vùng châu thổ nhưng thừa thiếu giáo viên vẫn là câu chuyện cố hữu chưa có lời giải. Toàn Thành phố Cần Thơ hiện có hơn 12.000 giáo viên, vẫn còn thiếu 680 biên chế giáo viên mới, thiếu nhiều nhất là ở cấp tiểu học với hơn 300 giáo viên.  

Theo ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ giải pháp trước mắt là các Phòng GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Nội vụ các địa phương triển khai sớm kế hoạch tuyển dụng giáo viên; ngoài ra đảm bảo chất lượng đào tạo từ việc tăng cường hợp đồng chờ tuyển dụng giáo viên theo tinh thần Nghị quyết 102 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.

Vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ trước thềm năm học mới, về vấn đề cơ sở vật chất, nhất là đội ngũ giáo viên, nhân sự đang thừa thiếu cục bộ, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ - Nguyễn Văn Hiếu đề nghị UBND thành phố sớm ban hành văn bản chỉ đạo cho năm học mới để bước vào năm học mới, khí thế mới. Quan trọng là phải có các quyết sách để giải quyết thực trạng này:

"Về phần thiếu giáo viên, các đồng chí cũng có nói có sự đặt hàng với các trường trên địa bàn thì chúng ta phải đặt hàng sớm, ký kết sớm vì sinh viên chúng ta nhiều lắm. Tăng cường sự phối hợp sớm, mời gọi sớm, có kế hoạch quảng bá để mọi người biết sự cần thiết của Cần Thơ, sự hấp dẫn của ngành giáo dục Cần Thơ và tìm đến một cách nhanh chóng, kịp thời".

Nhiều trường mầm non, tiểu học ở Cà Mau còn thiếu phòng học - Ảnh vov.vn

Nhiều trường mầm non, tiểu học ở Cà Mau còn thiếu phòng học - Ảnh vov.vn

Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhấn mạnh về đội ngũ nhà giáo, ngành giáo dục phối hợp các sở, ngành hữu quan để giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên, chính sách hỗ trợ giáo viên, chính sách thu hút sinh viên sư phạm ra trường làm việc cho thành phố; học sinh khó khăn. Đặc biệt là không để giáo viên nghỉ dạy, học sinh bỏ học vì khó khăn.

Còn tại Kiên Giang, theo kế hoạch năm học mới, toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 10.000 lớp với trên 300.000 học sinh từ mầm non tới phổ thông được huy động đến lớp. Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết, năm học mới này, tỉnh tiếp tục thiếu hơn 1.000 giáo viên. Cụ thể, tại các huyện vùng sâu, hải đảo như: An Minh, An Biên, U Minh, … thiếu nhiều giáo viên, trong đó TP Phú Quốc thiếu khoảng 300 biên chế giáo viên.

Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cho rằng: Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ xảy ra, đặc biệt là 4 năm gần đây là rất lớn. Đây là vấn đề chung của toàn ngành giá dục cả nước chứ không riêng gì Kiên Giang. Giải pháp là lấy giáo viên cơ hữu hiện có để dạy cho học sinh.

Thực tế, năm học trước và các năm trước nữa cũng vậy, tình trạng chỗ thiếu - chỗ thừa giáo viên vẫn chưa có giải pháp triệt để. Lấy giáo viên cơ hữu để dàn trải cho nhu cầu giảng dạy là giải pháp tạm thời, nhiều trường vẫn đang xem dạy thêm giờ là “cứu cánh”. Tuy nhiên,  dạy vượt giờ thì cũng có những bất cập nhất định bởi các quy định của Luật lao động hiện hành.

Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang lý giải: Quy định của Luật lao động là không được vượt quá 200 giờ/năm. Nếu vượt thì chỉ được thanh toán thù lao của 200 giờ thôi đây là cái khó khăn. Mà những giáo viên dạy vượt quá 200 giờ cũng không phải giáo viên nào cũng được, đa phần là các giáo viên dạy tốt. Chứ nếu giáo viên nào cũng được phân công dạy hết thì cũng khó vượt quá 200 giờ như vậy thì rất ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo.

Theo thống kê, năm học 2023-2024, toàn tỉnh Đồng Tháp cần thêm hơn 850 giáo viên, thiếu nhiều nhất là giáo viên tiểu học, mầm non, các môn cần giáo viên như tiếng Anh, Tin học. Riêng Bạc Liêu, toàn tỉnh cũng đang thiếu khoảng 1.000 giáo viên, đặc biệt nghiêm trọng  ở các môn Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật…. Trong khi bài toán thừa – thiếu giáo viên vẫn chưa có lời giải, hàng loạt các tỉnh thành khác tại ĐBSCL vẫn loay hoay và ngổn ngang với những nỗi lo chung!

Nỗ lực đảm bảo công tác giảng dạy trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh Phong Linh - Báo Lao Động

Nỗ lực đảm bảo công tác giảng dạy trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh Phong Linh - Báo Lao Động

Gỡ điểm nghẽn để giáo dục đồng bằng “thoát” trũng”!

Năm học 2023-2024 là năm thứ tư thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học, năm thứ ba đối với cấp trung học cơ sở và năm thứ hai đối với trung học phổ thông. Phải thừa nhận, sau thời gian dài triển khai chương trình trên, ngành giáo dục cả nước đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, song cũng xuất hiện các tồn tại. Mà “thừa – thiếu” giáo viên, đặc biệt cục bộ ở các môn như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc… ở các cấp là biểu hiện rõ nhất và cần những giải pháp gấp rút xử lý.

Bởi nếu không, giáo viên thì cứ phải dạy thêm giờ, ngày nào cũng bận rộn như ca sĩ "chạy show", còn học sinh thiếu thốn trang thiết bị lại phải "học chay". Chất lượng giáo dục đi xuống, chỉ là vấn đề về thời gian.

Hiện, ngành giáo dục các địa phương phối hợp nhà xuất bản, các công ty thiết bị trường học để đảm bảo không thiếu sách, đồ dùng học tập, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất. Hay việc hợp đồng, thỉnh giảng tạm thời với các giáo viên, đảm bảo học sinh được học các môn bắt buộc… đều là các nỗ lực mang tính tạm thời. Bởi giáo dục, chưa bao giờ là ngành mang tính “thời vụ” và có thể áp dụng các biện pháp “chữa cháy”.

Đẩy nhanh xây dựng trường lớp và nâng cao thu nhập cho giáo viên là điều bứt thiết phải ưu tiên. Hơn lúc nào hết, Ngành giáo dục các địa phương cần nghiên cứu, đề xuất, tham mưu với Lãnh đạo TP ban hành các quyết sách để thu hút nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao. Thậm chí cần gia tăng các chế độ đãi ngộ, trong đó có thưởng nóng với những người từ bậc thạc sĩ trở lên, hỗ trợ nhà ở xã hội.

Ở bài toán rộng hơn, khó khăn trên không chỉ riêng ĐBSCL mà của cả nước. Vấn đề này đòi hỏi Bộ  GD&ĐT từng bước tháo gỡ và gấp rút có các giải pháp căn cơ. Bởi chậm ngày nào, thì ngày đó vẫn có hàng ngàn giáo viên ngập ngùi rời bục giảng; hàng ngàn học sinh học tập vất vả và chất lượng giáo dục có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn.

Đã đến lúc, cần cơ chế, chính sách đặc thù về giáo dục cho Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, giúp chất lượng giáo dục của vùng sẽ nâng lên, đáp ứng được yêu cầu đặt ra và không còn là “vùng trũng” về giáo dục so với khu vực khác trên cả nước. 

Tấn Đạt/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hàng vạn người trải nghiệm metro số 1 trong ngày đầu miễn phí vé

Hàng vạn người trải nghiệm metro số 1 trong ngày đầu miễn phí vé

Có mặt tại ga Bến Thành từ 6 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Cường (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cùng các đồng đội không giấu nổi niềm xúc động. 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, giấc mơ về một hệ thống giao thông hiện đại của TP.HCM đã trở thành hiện thực khi tuyến metro đầu tiên chính thức đi vào hoạt động.

Ca đoàn Thiếu nhi và Điều ước Giáng sinh

Ca đoàn Thiếu nhi và Điều ước Giáng sinh

Tại các Giáo xứ, Ca đoàn Thiếu nhi luôn là nền tảng để các em nhỏ tiếp bước trở thành các ca viên, nền tảng đó được thể hiện mộc mạc qua những lời ca trong trẻo và những ước mơ giản dị.

“Cạm bẫy” sàn chứng khoán quốc tế, tiền ảo, ngoại hối: Ngăn chặn từ đâu?

“Cạm bẫy” sàn chứng khoán quốc tế, tiền ảo, ngoại hối: Ngăn chặn từ đâu?

Nhiều đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn tinh vi để mời gọi và môi giới đầu tư. Không chỉ vụ Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) lừa đảo 5.200 tỷ đồng mà nhiều vụ việc khác chưa bị phát giác, xử lý.

Gần 150.000 hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 trong ngày đầu vận hành chính thức

Gần 150.000 hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 trong ngày đầu vận hành chính thức

Theo thông tin mới nhất từ bà Văn Thị Hữu Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, trong ngày vận hành chính thức đầu tiên (22.12) từ 10h-22h có 175 lượt tàu và gần 150.000 hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Metro số 1: Cuộc hẹn sau 17 năm

Metro số 1: Cuộc hẹn sau 17 năm

Ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành. Hàng ngàn người dân đã có mặt để chứng kiến và tham gia trải nghiệm. Đó là sự háo hức, mong mỏi, là niềm tự hào, hãnh diện khi đã thực sự “chạm” vào giấc mơ metro.

Hội chứng thù ghét đồng loại

Hội chứng thù ghét đồng loại

Những vụ án thảm khốc diễn ra trong những hoàn cảnh không ai ngờ tới đang ngày càng nhiều trên khắp thế giới đang cho thấy một sự bất an đối với giá trị nhân loại, hơn là câu chuyện của những cá nhân đơn lẻ.

Hà Nội công bố bảng giá đất điều chỉnh, có hiệu lực đến hết năm 2025

Hà Nội công bố bảng giá đất điều chỉnh, có hiệu lực đến hết năm 2025

TP. Hà Nội vừa công bố bảng giá đất điều chỉnh, có hiệu lực ngay lập tức cho đến hết 31/12/2025. Theo bảng giá mới, loạt tuyến đường tại quận Hoàn Kiếm có giá đất ở cao nhất hơn 695 triệu đồng một m2.