Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

ĐBSCL lại đứng trước nguy cơ thiếu máu trầm trọng

Kim Loan: Thứ ba 01/08/2023, 20:58 (GMT+7)

Thông báo mới nhất từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thì từ tháng 9, đơn vị sẽ ngừng chi viện. Trong khi đó, thủ tục mua sắm vật tư y tế của Cần Thơ đến thời điểm này vẫn chưa hoàn tất. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong công tác khám và điều trị cho bệnh nhân.

Thành phố Cần Thơ có bệnh viện Đa khoa Trung ương quy mô lớn và chuyên môn sâu để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ nơi khác chuyển đến. Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đang điều trị thường xuyên cho các thể bệnh về ung thư máu, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Căng thẳng nhất là gặp phải những trường hợp rối loạn đông máu khi bị nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng.

Nếu bệnh nhân nào không đủ điều kiện để chuyển lên tuyến trên vì quá nặng, bác sĩ buộc lòng phải chờ đợi khối tiểu cầu - một loại chế phẩm máu can thiệp cầm máu để cứu sống bệnh nhân. Hiện chế phẩm này đang khan hiếm tại bệnh viện.

Bác sĩ CKII Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ cho biết: "Tiểu cầu hiện nay rất khó khăn, những trường hợp bị rắn cắn, côn trùng cắn hay bệnh lý mà dẫn đến rối loạn đông máu, cần truyền tiểu cầu thì hiện nay rất khó khăn trong vấn đề truyền tiểu cầu. Có những trường hợp chúng ta điều trị thì tiểu cầu tự phụ hồi.

Còn những trường hợp trong lúc chờ tiểu cầu phục hồi thì giữa chừng có nguy cơ chảy máu, mà chảy máu thì rất khó cầm. Cho nên tiểu cầu rất quan trọng để tham gia vào quá trình cầm máu cho bệnh nhân. Trong quá trình điều trị mà không có tiểu cầu truyền thì khả năng bệnh nhân xuất huyết."

Có rất nhiều cá nhân sẵn sàng tham gia hiến máu, nhưng bệnh viện lại thiếu thiết vật tư, hóa chất để nhận và sàng lọc... dẫn đến thiếu máu cục bộ cho các bệnh viện điều trị

Có rất nhiều cá nhân sẵn sàng tham gia hiến máu, nhưng bệnh viện lại thiếu thiết vật tư, hóa chất để nhận và sàng lọc... dẫn đến thiếu máu cục bộ cho các bệnh viện điều trị

Chế phẩm Khối tiểu cầu gạn tách (đơn vị tiểu cầu) là chế phẩm quan trọng đang thiếu tại Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ (đơn vị được giao nhiệm vụ làm “ngân hàng máu” để cung cấp máu điều trị cho 74 bệnh viện trong khu vực ĐBSCL). Chế phẩm này chỉ có duy nhất Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp từ trước đến nay. Nhưng bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã thông báo, sắp tới, bệnh viện sẽ cung cấp số lượng rất hạn chế do một số vật tư y tế để sản xuất tiểu cầu pool tại bệnh viện này sắp hết.

Đêm 18/7, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ đã gửi thông báo khẩn đến 74 bệnh viện khu vực ĐBSCL về việc hết phẩm Khối tiểu cầu gạn tách. Trước đó, ngày 17/7, bệnh viện đặt 29 đơn vị mà phía Chợ Rẫy chỉ cung cấp được 11 đơn vị. Ngày 19/7, bệnh viện đặt 39 đơn vị nhưng lúc đó chưa biết khi nào mới cung cấp. Đã từng có những phút giây, các bệnh viện trong khu vực ĐBSCL “nín thở” chờ máu để cứu bệnh nhân của mình.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm hoá chất, vật tư y tế. Cụ thể là: túi máu, hoá chất sàng lọc máu để phục vụ công tác tiếp nhận, sàng lọc và cung cấp máu. Tình hình căng thẳng bắt đầu từ tháng 3/2023 kéo dài cho đến nay buộc bệnh viện phải nhận chi viện từ: Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Lý giải về việc xúc tiến quá trình mua sắm trang thiết bị y tế quá chậm, không phục vụ kịp công tác chuyên môn khám, điều trị bệnh, bà Nguyễn Ngọc Việt Nga - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ giải thích rằng: Trước đây, việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế dựa theo Thông tư 14 năm 2020 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đến ngày 14/4/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư 08 năm 2023, bãi bỏ Thông tư 14. Quá trình chỉnh sửa lại thủ tục mua sắm đã đi được nửa chặng đường thì đến ngày 30/6, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Thông tư 14 năm 2023, hướng dẫn lại về đấu thầu, trang thiết bị y tế, có hiệu lực từ 1/7/2023. Vì vậy, các bệnh viện phải thực hiện theo Thông tư mới, làm lại từ đầu, dẫn đến chậm trễ theo yêu cầu thực tế khám chữa bệnh tại các bệnh viện.

Còn về việc đến khi nào có thể hoàn thành việc mua sắm hoá chất, vật tư y tế cũng như có kịp chủ động nguồn máu cho các bệnh viện trong khu vực từ tháng 9/2023 thì bà Nguyễn Ngọc Việt Nga - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết:

"Theo quy trình thủ tục thì chúng ta có 03 vòng, vòng thứ nhất là ban hành quyết định mua sắm, vòng thứ 2 là phê duyệt dự toán và vòng 3 là phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Hôm nay đã đi được tới vòng thứ 3 rồi, còn trong quá trình từ nay đến lúc đấu thầu thì hiện các bệnh viện cũng đang thực hiện mua sắm các gói thầu nhỏ theo thẩm quyền của mình là dưới 500 triệu. Hiện nay bệnh viện vẫn đang tạm thời tự cung ứng ít ít để chờ gói thầu lớn."

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm hoá chất, vật tư y tế

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm hoá chất, vật tư y tế

Ngày 21/7, Sở Y tế Cần Thơ trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu của bệnh viện Huyết học – Truyền máu lên UBND thành phố phê duyệt. Tuy nhiên kế hoạch này lại thêm một lần nữa phải điều chỉnh.

Theo Bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ cho biết, tổng gói thầu mua sắm vật tư trang thiết bị của đơn vị là 394 mặt hàng, giá trị 150 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, 2 cấp là Sở Y tế và UBND thành phố chỉ mới duyệt 347 mặt hàng, còn lại 47 mặt hàng phải thực hiện quy trình chào giá và lập kế hoạch mua sắm lại từ đầu vì liên quan đến vấn đề tăng giá.

Nếu áp dụng phương án chia ra 2 gói thầu, dự báo đến hết năm 2023 bệnh viện mới mua sắm đầy đủ vật tư để vận hành máy móc xét nghiệm, sàn lọc máu. Bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ chỉ ra một vấn đề khó khăn:

"Một máy vận hành cần tới 78 mặt hàng mới chạy ra được 1 bộ xét nghiệm. Bây giờ 60 loại thì nằm bên bộ không tăng giá (đã được duyệt), còn 18 loại thì nằm bên bộ tăng giá ( đang thực hiện hồ sơ lại). Như vậy, cho dù có đấu thầu thành công gói 347 mặt hàng trước, vẫn phải ngồi chờ gói 47 mặt hàng kia.

Trong 78 loại chỉ cần thiếu 1 loại, cái máy vẫn không vận hành được. Nên bệnh viện đã đề xuất rất nhiều lần áp dụng phương pháp điều chỉnh giá cho đồng bộ 1 gói thầu nhưng cuối cùng vẫn phải chia là 2 gói thầu. 02 gói thầu riêng lẻ chưa chắc gì đã đấu thầu trúng hết. Ví dụ có những mặt hàng ít tiền quá, doanh nghiệp họ không đấu thầu, như vậy cũng không đầu đủ thiết bị. Thay vì mình đưa vào 1 group, doanh nghiệp họ đấu thầu 1 lần mà thành công."

Mặc dù các Ngành chuyên môn ở Cần Thơ đang ráo riết giải quyết các thủ tục nhanh nhất để rút ngắn thời gian mua sắm vật tư, thiết bị y tế nhưng tiến độ và mức độ của kế hoạch vẫn đang nằm trong giai đoạn “nửa lừng chừng”. Trong khi đó, tình trạng thiếu máu tại các bệnh viện đã tái diễn ở mức độ báo động.

Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Sở Y tế Cần Thơ đã trao đổi với Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM và Bệnh viện TW Huế về việc tiếp tục hỗ trợ nguồn máu cho địa phương trong thời gian tới. Nhưng bệnh viện TW Huế trên thực tế rất khó chi viện được vì giữa Cần Thơ và Huế không có chuyến bay thẳng.

Bệnh nhân trong tình thế “thập tử nhất sinh” không thể chờ thuốc, chờ máu, chờ vật tư y tế. Giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng” rất cần những quyết sách và phương án đi sát vào thực tế từ Ban – Ngành địa phương để tiếp sức cho ngành y hoàn thành trách nhiệm của thầy thuốc, bởi vì “cứu người như cứu hỏa”.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn