Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Đào tạo lái xe: Phần lý thuyết có nhất thiết phải học tập trung?

Quách Đồng - Kiều Tuyết: Thứ năm 27/04/2023, 15:09 (GMT+7)

Trong khi hình thức đào tạo từ xa đã được áp dụng rộng rãi tại các cấp học, thì đối với việc học, cấp GPLX, việc đào tạo trực tuyến phần lý thuyết mới chỉ được áp dụng đối với bằng lái xe mô tô và xe ô tô hạng B1, còn các hạng từ B2 trở lên vẫn phải học tập trung.

Vừa phải cân đối thời gian làm việc ở cơ quan, đồng thời vẫn phải thu xếp để học lý thuyết tập trung để thi bằng lái xe ô tô hạng B2 khiến anh Đỗ Hoàng Thắng, ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy (Hà Nội) nhiều phen hụt hơi:

"Chúng ta cũng nên áp dụng các công nghệ tiên tiến vào việc giảng dạy, bởi rất nhiều cơ sở giáo dục cũng đã áp dụng hình thức học online, trực tuyến. Mong muốn các trung tâm sẽ có hình thức như thế để tạo điều kiện cho học viên được học các môn lý thuyết để học viên có thể chủ động và linh hoạt thời gian học", anh Thắng cho biết. .

Ông Nguyễn Thành Thắng, một giáo viên dạy lái xe trên địa bàn Hà Nội cũng cho rằng, với chương trình đào tạo lái xe hiện nay, để hoàn thành phần học lý thuyết, học viên học lái xe hạng B2 trở lên phải học tập trung hàng chục buổi, trong khi những nội dung này hoàn toàn có thể giảng dạy qua mạng hoặc cho học viên tự học:

"Quy định bắt buộc phải đến chấm vân tay cũng làm cho người học nhiều phiền phức. Nếu có chương trình để giúp người học học được từ xa thì tốt quá, chứ còn bây giờ thời gian tập, thời gian đến chấm vân tay quá nhiều, mà những điều kiện để người ta học từ xa được thì là ổn, lý thuyết chẳng hạn", ông Thành Thắng nói.

Các cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, bổ sung hình thức đào tạo từ xa đối với học viên học lái xe ô tô. Ảnh: daotaolaixevov.com

Các cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, bổ sung hình thức đào tạo từ xa đối với học viên học lái xe ô tô. Ảnh: daotaolaixevov.com

Ở góc độ trung tâm đào tạo lái xe, cũng như từ thực tế công tác đào tạo của đơn vị, bà Nguyễn Thanh, Phó giám đốc Trường Trung cấp nghề Công trình 1 (Hà Nội) cho rằng, rất nhiều trường hợp học viên phải thu xếp thời gian để học lý thuyết ngoài giờ để đảm bảo nội dung chương trình: "B2 đến C có thể cho học từ xa. Vì sao? Vì hiện tại người ta cũng toàn học vào buổi trưa, buổi tối và thứ 7, Chủ nhật, miễn làm sao họ học đủ là được, chứ dồn 8 tiếng trên lớp e rằng cũng chưa chuẩn".

Ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm Sát hạch và cấp giấy phép lái xe ôtô Đức Thịnh (Hà Nội) cũng cho hay, ngoài giấy phép lái xe hạng B1, Luật Giao thông đường bộ và Thông tư 12/2017 vẫn yêu cầu học tập trung đối với phần học lý thuyết lái xe giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên, kéo dài 21 ngày.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Đức Hải kiến nghị: "Công nghệ bây giờ cho phép học đại học, kể cả sau đại học cũng đều học trực tuyến, online hoặc tự học. Cho nên nhiều người cũng kiến nghị, nên xem xét, điều chỉnh phần đó, tạo điều kiện cho số đông học viên, đáp ứng được yêu cầu của xã hội".

Người học có thể tham khảo chương trình thi lý thuyết bằng lái xe online tiện dụng. Ảnh: Vnexpress

Người học có thể tham khảo chương trình thi lý thuyết bằng lái xe online tiện dụng. Ảnh: Vnexpress

Góp ý sửa đổi Thông tư 12/2017 (dù đã được sửa đổi 1 lần tại Thông tư 04/ 2022), ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Thông tư 04 còn nhiều bất cập, gây khó khăn vướng mắc và thậm chí mang lại nhiều rủi ro cả cho công tác quản lý lẫn đào tạo và sát hạch lái xe. Bởi với phần lý thuyết, học viên phải tập trung đến lớp, điểm danh với 8 giờ mỗi ngày và kéo dài trong 21 ngày, không còn phù hợp với đại đa số người đi học và đi ngược xu thế của thời đại công nghệ:

"Không nhất thiết bắt 100% đến lớp, điểm danh như hiện nay. Nếu yêu cầu như thế, người ta không thể tham dự 100% như quy định được. Như vậy nếu các cơ sở đào tạo có sự vận dụng nào đó thì lại trở thành vi phạm", ông Quyền cho biết..

Trao đổi với VOV Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, đã nắm được đề xuất của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và các đơn vị đào tạo lái xe.

Ông Lương Duyên Thống cho rằng, việc đào tạo lý thuyết không tập trung, đào tạo từ xa đã được đề cập tại Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014. Tuy vậy, để có thể học lý thuyết online, tự học, đòi hỏi phải sửa từ Luật Giao thông đường bộ để làm căn cứ cho việc thực hiện.

"Cục Đường bộ Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các cơ sở đào tạo cũng như của các tổ chức có đề xuất việc tổ chức đào tạo bằng hình thức không tập trung. Cục Đường bộ sẽ tiếp thu và sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới", ông Thống nói.

Sát hạch lái xe tại Trung tâm Đào tạo lái xe Đông Đô Bắc Ninh. Ảnh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp

Sát hạch lái xe tại Trung tâm Đào tạo lái xe Đông Đô Bắc Ninh. Ảnh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp

Mặc dù Luật Giáo dục nghề nghiệp đã đề cập việc đào tạo lý thuyết bằng hình thức đào tạo từ xa, song vẫn vướng Luật Giao thông đường bộ. Bởi vậy, bên cạnh việc đồng bộ hệ thống luật pháp để tạo hành lang pháp lý và có sự chuẩn bị cần thiết về con người, về trang thiết bị, và quan trọng hơn là về tâm thế của chính những người quản lý công tác đào tào lái xe, từ đó tạo bước chuyển biến mạnh mẽ từ công tác quản lý đến việc thực thi.

Đây cũng là góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận: "Hối để làm gì!".

Về lý thuyết, khi cả một chính phủ có thể chuyển đổi số và kết nối 63 tỉnh thành, khi họp quốc hội với những trọng trách của cả một đất nước vẫn có thể trực tuyến, họp quốc tế cũng đã online, thì chẳng có lý do gì, những lĩnh vực khác không thể nào kết nối từ xa.

Nhưng thực tiễn luôn có những lý do riêng của nó để bảo vệ cho sự dịch chuyển chậm hơn so với thay đổi ở tầng trên.

Covid 19, với sự trở đi trở lại của 4 làn sóng điêu đứng, tưởng đã xô đổ những quan niệm cũ, những e dè cũ về việc ứng dụng công nghệ nhằm thay đổi căn bản cách học hành, cách làm việc của số đông. Nhưng khi Covid tạm lắng, những kỳ vọng trước đó về việc duy trì một phần hình thức online song song với trực tiếp, cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Những mong chờ về hoàn thiện hạ tầng để khắc phục sự tắc bụp, chập chờn trong kết nối, rườm rà trong cách thức tổ chức của những cuộc làm việc online, cũng ít được đoái hoài. Người ta phấn khởi nghĩ rằng, cứ trực tiếp đi đã, khi nào Covid trở lại… hẵng hay.

Mọi sự cứ thế trôi tuột đi kể từ khi cuộc sống được cho là “bình thường trở lại”. Ngoại trừ một số cơ quan đơn vị đặt hiệu quả lên hàng đầu và thực sự muốn tìm mọi cách để tối ưu hóa, còn lại, số đông vẫn coi online là cái gì đó tạm bợ, bất quá mới phải dùng, và không định cải thiện để nó phục vụ đắc lực hơn, như nó hoàn toàn có thể.

Nếu như khối cơ quan công sở và các trường phổ thông mà còn quan niệm và ứng xử về làm việc từ xa theo cách đó, thì chuyện online với dạy lái xe, chắc chắn xa vời.

Sự ràng buộc của quy định là một phần. Thông tư 38/2019 vẫn đang quy định cụ thể số giờ học lý thuyết cố định trong chương trình đào tạo, và yêu cầu học viên phải xác nhận trực tiếp bằng chấm vân tay.

Sự cần thiết của việc tương tác khi học lý thuyết lái xe, cũng là một lý do. Bởi lý thuyết lái xe không phải là thứ học thuộc lòng, mà học viên chỉ có thể nhớ được, nắm vững được và áp dụng tự giác, trên cơ sở hiểu lý do của các quy định.

Nhưng cái khó hơn nữa là điều kiện, khả năng của các trung tâm, cũng như của người dạy và người học.

Chưa bàn đến chuyện đầu tư trang thiết bị, phần mềm để phục vụ dạy và học online, trong điều kiện các trung tâm vốn đang khó khăn đủ đường vì phải trang bị cabin học lái, hoặc hớt hải lo làm thủ tục đổi tên.

Vấn đề nằm ở sự sẵn sàng của con người. Việc sử dụng các công cụ online để giảng dạy còn khó với các giáo viên ở các trường phổ thông, thì với giáo viên trường nghề, nhất là nghề đặc thù gắn chặt với thực tế như lái xe, lại càng khó. Chưa có các bài giảng trực tuyến được thiết kế với sự hỗ trợ của công nghệ mô phỏng trực quan, việc bê nguyên giáo án truyền thống lên mạng chỉ là một cách lãng phí thời gian.

Đặc thù của người học lái xe cũng khác. Vừa học vừa làm, khả năng dành sự tập trung hoặc tiếp thu kiến thức qua phương thức trực tuyến với học viên rất khó. Nhìn vào cách mà rất nhiều cán bộ nhân viên văn phòng tham gia cuộc họp hay tiết học trực tuyến, sẽ thấy điều này.

Vì thế dù triển vọng là hoàn toàn có thể, nhưng đề cập chuyện tổ chức dạy học online lý thuyết lái xe vào thời điểm này, trong điều kiện này, e rằng còn quá xa xôi, và hơi ngược logic.

Covid đã tạo ra các tình huống bắt buộc để chúng ta phải thay đổi mau hơn và mạnh hơn so với tốc độ tiến hóa tự nhiên trong cách làm việc, học hành. Nhưng tiếc rằng những cơ hội đó chưa được tận dụng triệt để. Mải phục hồi, mải bù đắp cho những mất mát do dịch, nhiều nơi lại quên việc chuẩn bị cho những tình huống và thử thách có thể còn khắc nghiệt hơn.

Đương nhiên, muốn tạo nên một cuộc cách mạng trong phương thức làm việc theo hướng ứng dụng công nghệ kết nối từ xa, bao giờ cũng phải bắt đầu từ những “đầu tàu” năng động. Khi “đầu tàu” còn ì ạch hoặc đủng đỉnh, thì “các toa” hối để làm gì!

 

Quách Đồng - Kiều Tuyết/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa hôm qua với diễn biến phân hoá.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.