Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Cứu nạn trên biển, còn nhiều gian nan

Hoàng Hà: Thứ tư 03/04/2024, 15:11 (GMT+7)

Nỗi lo thường trực của những người gia hoạt động kinh tế trên biển là mỗi khi gặp nạn làm sao được ứng cứu sớm nhất. Tuy nhiên, đặc thù của công tác cứu nạn trên biển hiện gặp nhiều khăn hơn rất nhiều so với cứu nạn trên bộ.

Thế nhưng, với lòng quả cảm, sự sáng tạo, hàng năm lực lương phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN đã cứu giúp hàng trăm ngư dân, thuyền viên trong nước và tàu thuyền nước ngoài gặp nạn trên vùng biển nước ta.

Một ngày cuối tháng Ba, vùng biển Khánh Hòa dù không êm ả nhưng đây cũng chưa phải cao điểm mùa mưa bão, tuy nhiên các sĩ quan, thuyền viên thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV vẫn chăm chỉ huấn luyện nghiệp vụ và rèn luyện thể chất thông qua các cuộc thi như: kéo co, bơi lội... nhằm cỗ vũ tinh thần và rèn sức bền.

Lực lượng cứu nạn cứu và đưa nạn nhân lên tàu chuyên dụng SAR 413 về đất liền

Lực lượng cứu nạn cứu và đưa nạn nhân lên tàu chuyên dụng SAR 413 về đất liền

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm cho biết, phạm vi hoạt động của đơn vị khá rộng, phương tiện thiết bị phục vụ công tác cứu nạn còn hạn chế, nên việc rèn luyện sức khỏe và nêu cao tinh thần sáng tạo trong thực thi nhiệm luôn được trú trọng:

"Các vụ cứu nạn trên biển chúng tôi đã cố gắng hết mình, gồng mình lên để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên vùng biển được giao của chúng tôi từ phía Bắc Phú Yên đến phía Nam Ninh Thuận và toàn bộ quần đảo Trường Sa, nhưng hiện mới chỉ có 1 tàu 27m. Chúng tôi không thể đáp ứng việc cứu nạn ở khu vực vùng biển trải dài hiện nay, như khu vực quần đảo Trường Sa cách bờ tới hơn 450 hải lý. Để đáp ứng công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, chúng tôi mong muốn có sự quan tâm đầu tư về phương tiện, thiết bị và cả nguồn nhân lực."

Thuyền trưởng tàu Sar 273 Phạm Văn Anh chia sẻ, anh đã gắn bó với công tác cứu nạn hơn 10 năm, anh không thể nhớ hết đã có bao nhiêu chuyến vươn khơi cứu người gặp nạn. Mỗi lần đi đều để lại trong anh và các đồng nghiệp một cảm xúc rất khó tả, vui có, buồn có. Vui vì cứu được hoặc đưa được thi thể người bị nạn về bờ, buồn là những lúc “lực mất tòng tâm” trước biển khơi mênh mông, mà tàu cứu nạn của các anh chỉ là một hạt cát:

"Với vùng lãnh hải rộng lớn, cùng sự phát triển của ngành hàng hải ở khu vực biển Đông nên lượng tàu thuyền hành hải rất lớn, nhưng phương tiện của mình không đáp ứng được. Với cương vị một thuyền trưởng tôi luôn phải động viên anh em tâm huyết với nghề.

Mọi tai nạn trên biển đối với bà con ngư dân hay đối với tàu thuyền nước ngoài chúng tôi phải đặt hết tâm sức của mình đưa các nạn nhân về bờ để cứu chữa kịp thời nhất, làm sao mọi hành hải qua vùng biển VN được đảm bảo an toàn", Thuyền trưởng tàu Sar 273 Phạm Văn Anh cho biết.

Lực lượng cứ nạn thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN đưa nạn nhân tàu BFAD SOUTHERN gặp nạn hôm 6/9/2023 xuống tàu SAR 272 đưa về bờ cấp cứu

Lực lượng cứ nạn thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN đưa nạn nhân tàu BFAD SOUTHERN gặp nạn hôm 6/9/2023 xuống tàu SAR 272 đưa về bờ cấp cứu

Thuyền trưởng Phạm Văn Anh bộc bạch, tai nạn sự cố trên biển khác xa với những gì ta thấy trên đường bộ, việc hỗ trợ về y tế khá khó khăn, tiêu chí hàng đầu của lực lượng cứu nạn là tiếp cận hiện trường càng sớm càng tốt. Tuy nhiên hiện nay lực lượng, phương tiện còn quá nhỏ và mỏng, các trang thiết bị cũng chưa đáp ứng công tác sơ cấp cứu, nên việc tiếp cận hiện trường và đưa nạn nhân về bờ cũng còn nhiều hạn chế.

Đây cũng là tâm tư của ông Trần Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý tàu, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV: "Phương tiện hiện tại có chiều dài và kích thước rất nhỏ, vùng hoạt động 150 hải lý, lượng nhiên liệu và nước sinh hoạt chỉ khoảng 10m3, không đảm bảo cho thuyền viên làm việc dài ngày trên biển; tàu nhỏ nên khi vươn khơi gặp nhiều hạn chế về tốc độ.

Trong khi nhiều năm qua thời tiết rất khắc nghiệt, hiện tại gió mùa đã cấp 6-7 rồi, trong khi phương tiện cứu nạn chỉ chịu được sức gió cấp 5-6 thì không thể nào vươn xa trong tất cả các điều kiện thời tiết để cứu ngư dân.

Mong rằng thời gian tới đảng, chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa, trong đó song song với đào tạo về chuyên môn thì đào tạo chuyên sâu hơn về y tế để đáp ứng công tác sơ cấp cứu; đầu tư phương tàu cỡ lớn chịu được sóng gió, đi biển dài ngày."

Chia sẻ với VOV Giao thông, ông Vũ Việt Hùng, Phó TGĐ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN cho biết, hiện chưa phải giai đoạn cao điểm mưa bão, nhưng nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố vẫn luôn rình rập. Là lực lượng chủ trì trong công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên toàn bộ vùng biển VN, nhưng hiện nay Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN chỉ có 7 tàu chuyên dụng, với tuổi đời đã cao, các trang thiết bị chưa đầy đủ, kích thước tàu nhỏ, sức chịu sóng gió hạn chế và chỉ hoạt động được phạm vi hẹp, không thể hoạt động dài ngày trên biển và các vùng đảo xa.

Dù có sự phối hợp của các lực lượng chức năng, tuy nhiên với số lượng phương tiện và nhân lực hạn chế, đang ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển. Vì thế hiện nay đơn vị đang áp dụng phương châm 4 tại chỗ một cách linh hoạt, huy động từ các tàu cá, tàu vận tải hàng hóa và các lực lượng chấp pháp xung quanh khu vực tàu/thuyền gặp nạn để hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn.

Ông Vũ Việt Hùng cho biết: "Hiện nay chúng tôi có 4 tàu loại 27m, 3 tàu 41m, tất cả các tàu này đều là tàu loại nhỏ, thời gian hoạt động trên biển tương đối hạn chế. Tàu 41m hiện cũng chỉ dự trữ nhiên liệu được từ 2-3 ngày trên biển, trong khi có những vụ cứu nạn cả tuần, xảy ra ở những vùng biển xa như quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Đối với tàu 27m thì chỉ có thể thực hiện công tác cứu nạn và tìm kiếm trong vòng thời gian rất ngắn, từ 5-7 giờ, sau đó phải quay về vì hết nhiên liệu."

Công tác cứu nạn trên biển gặp nhiều trở ngại, trong điều kiện sóng to gió lớn, nhưng phương tiện thiết bị vừa thiếu lại vừa nhỏ

Công tác cứu nạn trên biển gặp nhiều trở ngại, trong điều kiện sóng to gió lớn, nhưng phương tiện thiết bị vừa thiếu lại vừa nhỏ

Ông Vũ Việt Hùng chia sẻ thêm, hiện nay Bộ GTVT đang đầu tư đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng có chiều dài 63m, chịu được gió cấp 9, cấp 10. Dự kiến con tàu này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm nay, có thể dự trỡ nước ngọt và nhiên liệu phục vụ đi biển khoảng gần 1 tháng, hoạt động được trong điều kiện thời tiết xấu, vươn ra được các vùng biển xa như Trường Sa và Hoàng Sa.

Hy vọng, Chính phủ tiếp tục đầu tư nguồn lực đóng thêm tàu chuyên dụng cỡ lớn, trang bị thêm các thiết bị tìm kiếm cứu nạn chuyên dùng, hiện đại và có chính sách đãi ngộ tốt hơn nữa để lực lượng cứu nạn yên tâm vượt sóng gió vươn khơi thực hiện nhiệm vụ nhân đạo cao cả mà đảng và nhà nước giao phó là cứ người và bảo vệ biển đảo quê hương.

Hoàng Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn