Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Công lý phục hồi: Thay đổi một cách tự nguyện và giúp đỡ cộng đồng sau TNGT

Huy Văn: Thứ bảy 26/11/2022, 10:08 (GMT+7)

Người gây ra tai nạn giao thông, dù vô tình hay cố ý, đều phải chịu hình phạt trước pháp luật và đối mặt với hình phạt tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng mà họ đã gây ra. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn cách tiếp cận khác hướng tới việc sửa chữa những tổn hại sau tai nạn giao thông.

Ngày 20/11 vừa qua đánh dấu 27 năm kể từ ngày thế giới lần đầu tiên tổ chức tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Chủ đề của ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông năm 2022 là về Công lý.

Thực thi luật giao thông, điều tra kỹ lưỡng sau mỗi vụ tai nạn để đảm bảo người vi phạm phải nhận hình phạt thích đáng, bồi thường thỏa đáng và ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra, đó là những điều mà người thân, gia đình các nạn nhân của tai nạn giao thông luôn mong muốn.

Bên cạnh những bản án, những hình phạt, có một cách tiếp cận thực thi công lý khác đang được một số quốc gia thực hiện, được gọi là Công lý phục hồi.

Công lý phục hồi nhằm mục đích để người phạm tội nhận lỗi đối với nạn nhân và chủ động nhận lại trách nhiệm khắc phục hậu quả. Ảnh minh họa: Why-me

Công lý phục hồi nhằm mục đích để người phạm tội nhận lỗi đối với nạn nhân và chủ động nhận lại trách nhiệm khắc phục hậu quả. Ảnh minh họa: Why-me

Công lý phục hồi không phải là thuật ngữ xa lạ trong ngành luật. Đây là học thuyết về công lý nhấn mạnh vào việc sửa chữa những tổn hại do hành vi tội phạm gây ra. Mục đích để người phạm tội nhận lỗi đối với nạn nhân và chủ động nhận lại trách nhiệm khắc phục hậu quả. Giống như một buổi hoà giải đôi bên, đây được đánh giá là một hình thức phạt chú trọng đến thiệt hại và những mong muốn thực sự của cả nạn nhân và người xâm phạm quyền của nạn nhân, trực tiếp giải quyết những hậu quả để lại.

Ngày 6/10/2013 tại đại lộ Cherry, New York, Mỹ, Allison Liao, 3 tuổi, khi qua đường tại một ngã tư cùng bà thì bị một chiếc ô tô tông phải dẫn tới thiệt mạng. Cha mẹ của Allison chia sẻ về cái ngày định mệnh đó:

“Các bác sĩ nói rằng họ đã cố gắng suốt hơn nửa tiếng đồng hồ. Họ đã thử mọi cách nhưng tim con bé vẫn không thể đập trở lại”.

“Khi đó, tôi chỉ biết cầm tay con bé, gào khóc rằng“hãy lấy máu của tôi truyền cho con bé” nhưng các bác sĩ chỉ có thể nói rằng cách đó cũng không giúp được gì”.

Cảnh sát xác định, Allison cùng bà đã tuân thủ đúng luật khi đi qua vạch kẻ cùng đèn tín hiệu cho người đi bộ đang bật sáng. Cái chết của Allison đã thay đổi cuộc sống gia đình Liao mãi mãi:

"Tôi nghĩ mẹ tôi là người bị ám ảnh nhất. Bà đã ở đó và phải chứng kiến mọi thứ xảy ra khi chiếc xe cán qua con bé tới tận 2 lần bằng bánh trước và bánh sau”.

"Sau vụ việc, bà ấy đã không còn như trước. Và chúng tôi cũng vậy."

Đoạn camera ghi lại thời điểm vụ tai nạn xảy ra với Allison Liao

Đoạn camera ghi lại thời điểm vụ tai nạn xảy ra với Allison Liao

Câu chuyện của gia đình Allison là một trong nhiều nội dung mà những người bị kết án liên quan tới hành vi lái xe được xem tại trung tâm cộng đồng Red Hook, Quận Brooklyn, New York để họ tự nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành vi do mình gây ra.

Tại Mỹ, các chương trình công lý phục hồi thường được áp dụng với các đối tượng ở lứa tuổi vị thành niên, nhưng vài năm trở lại đây, phương pháp này đang được áp dụng cả với người trưởng thành.

Theo bà Amanda Berman, giám đốc trung tâm cộng đồng Red Hook, trong chương trình công lý phục hồi, các phạm nhân được tham gia nhiều buổi thảo luận thay thế cho các án phạt truyền thống. Họ sẽ phải tiếp cận, nhìn nhận từ phía nạn nhân thông qua những câu chuyện, video của gia đình nạn nhân TNGT tương tự như nhà Allison. Sau đó, họ sẽ phải rút ra bài học đối với những hành vi sai trái và rút ra bài học cho chính mình.

Mục đích chính của chương trình là để người vi phạm nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành vi mà họ gây ra, từ đó thay đổi bản thân một cách tự nguyện. Có thể nói, đây là phương pháp nhấn mạnh vào việc tạo cơ hội cho phạm nhân học hỏi từ sai lầm của họ và sẽ không lặp lại.

Phương pháp này không chỉ là giáo dục cho người phạm tội, mà còn hướng tới “chữa lành” cho gia đình các nạn nhân. Nhưng bước này không hề đơn giản, bởi không phải gia đình nào cũng đồng ý tham gia các chương trình cộng đồng theo dạng như thế này. Với nỗi đau mất người thân, không phải ai cũng dễ dàng tha thứ.

Belsky Rivera, mẹ của Josbel, thanh niên 23 tuổi qua đời sau một vụ tông xe bỏ trốn cho biết: “Dường như là bất thình lình, cuộc sống của bạn bị cướp đi vậy. Đó là nỗi đau không ai có thể giải thích. Đau khổ, giận dữ, thậm chí là thịnh nộ, đó là những cảm xúc trong tôi lúc nghe tin con trai mình đã ra đi. Tôi chỉ có thể giận dữ nói “Tại sao là con trai tôi? Tại sao nó lại phải ra đi theo cách đó?”.

Theo bà Chana Widawski của Tổ chức phi chính phủ Gia đình vì những con đường an toàn tại Mỹ cho biết, việc giúp nạn nhân và gia đình của họ có được tiếng nói, ảnh hưởng tới các quy trình tư pháp sau TNGT, sẽ là trọng tâm của các chương trình công lý phục hồi trong tương lai. Bà Chana cho biết: “Chúng ta cần tạo cơ hội để tiếng nói của họ được lắng nghe và đóng vai trò lớn hơn trong việc ngăn chặn nỗi đau trong tương lai cho những người khác”.

Hiện trường một vụ TNGT xảy ra tại huyện Đan Phương, Hà Nội ngày 19/11 vừa qua

Hiện trường một vụ TNGT xảy ra tại huyện Đan Phương, Hà Nội ngày 19/11 vừa qua

Tại Việt Nam, dù trong những năm qua, tai nạn giao thông luôn được kiềm chế và kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng số vụ và mức độ nghiêm trọng của các vụ việc vẫn còn cao. Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, chỉ trong 10 tháng năm 2022, toàn quốc xảy ra 9.212 vụ tai nạn giao thông, 5.221 người bị cướp đi mạng sống cùng với 6.140 người bị thương tật do tai nạn giao thông.

Năm nay, cùng với nhiều quốc gia, “Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” tại Việt Nam được tổ chức với chủ đề “Thực thi quy định pháp luật về an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông an toàn.”

Đây là năm thứ 11 Việt Nam cùng thế giới tổ chức các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ; và cũng là dịp nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật trật tự an toàn giao thông.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn