Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Có cần thiết lắp hộp đen cho tàu du lịch tại chợ nổi Cái Răng?

Kim Loan: Thứ bảy 01/04/2023, 20:55 (GMT+7)

Theo thông tư số 39/2018 của Bộ GTVT, kể từ tháng 12/2022, tàu khách du lịch từ 20 ghế trở lên phải gắn thiết bị nhận dạng tự động mới được phép đăng kiểm. Nhiều chủ tàu tại chợ nổi Cái Răng đã “khóc ròng” vì cho rằng chi phí này quá lớn so với khả năng tài chính.

Cứ 3h sáng, tổ hợp chợ nổi Cái Răng bắt đầu náo nhiệt, người bán người mua, sáng đèn cả một khúc sông. Đây được xem là một trong những địa điểm du lịch “hái ra tiền” của thành phố Cần Thơ, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.  

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện có trên 300 tàu ghe mua bán sỉ, lẻ hàng nông sản: Trái cây, hoa kiểng, hàng thủ công, gia dụng và ẩm thực địa phương. Ước khoảng trên 2.000 tấn nông sản đầu ra, đem về doanh thu trên 3 tỷ đồng mỗi ngày.

Đặc biệt, mỗi buổi sáng có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách tham quan. Từ đó chợ đã đã thu hút các nhà đầu tư xây dựng điểm du lịch, cơ sở lưu trú và các dịch vụ vui chơi giải trí.

Mỗi ngày trên chợ nổi Cái Răng có trên 200 chiếc tàu du lịch đưa đón khách du lịch tham quan.

Mỗi ngày trên chợ nổi Cái Răng có trên 200 chiếc tàu du lịch đưa đón khách du lịch tham quan.

Đầu năm 2023, chủ phương tiện chở khách tham quan trên chợ nổi nhận được thông báo phải gắn thêm hộp đen và bộ đàm mới được hoạt động. Chi phí lắp đặt hệ thống này từ 17 – 22 triệu đồng tùy sức chở của phương tiện. Thông báo này khiến nhiều chủ phương tiện âu lo không còn khả năng tiếp tục hành nghề trên sông nước, nhất là trong bối cảnh nhiều chủ tàu đã kiệt quệ sau COVID -19.

Anh Nguyễn Xuân Hiền là một trong những chủ phương tiện dạng “nhỏ lẻ” đang “khóc ròng”. Sau nhiều năm tích góp, anh mua được chiếc tàu trị giá 80 triệu đồng với sức chở 20 người để hành nghề đưa đón khách tham quan. Anh cho rằng, việc lắp hộp đen và bộ đàm trên những chuyến tàu nhằm theo dõi hành trình và đảm bảo an toàn chuyến đi là quy định hợp lý. Tuy nhiên, lộ trình di chuyển từ bến đến chợ nổi chỉ dài chưa tới 20km mà phải lắp thiết bị trên chục triệu động thì quá tốn kém.

Anh Nguyễn Xuân Hiền – chủ phương tiện cho biết: "Theo anh nghĩ tàu gắn hộp đen và định vị này thì chủ tàu nào người ta cũng phàn nàn vì chiều dài mình chạy chưa đầy 20km. Cái cần thiết gắn là đối với các tàu chở khách lưu trú di chuyển từ sông Tiền, sông Hậu… còn cái tàu chở khách đơn giản này mà gắn thì chi phí quá nặng. Nên Ngành chức năng nên gia giảm bớt thì chúng tôi cảm ơn lắm vì lái tàu không có nhiều tiền."

Chợ nổi Cái Răng hiện có trên 300 tàu, ghe mua bán. Mỗi ngày ước tính có 2 ngàn tấn nông sản đầu ra, doanh thu 3 tỷ đồng/ngày.

Chợ nổi Cái Răng hiện có trên 300 tàu, ghe mua bán. Mỗi ngày ước tính có 2 ngàn tấn nông sản đầu ra, doanh thu 3 tỷ đồng/ngày.

Việc các phương tiện lưu thông lộ trình trên tuyến đường thủy, bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình là để đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông. Tuy nhiên, nhiều tài công cho rằng, phạm vi chợ nổi chỉ rộng tầm 700m, nếu có sự cố cũng có thể xử lý cứu hộ nhanh.

Tài công Nguyễn Đức Toàn cho biết: "Ví dụ có sự cố gì thì tài công đã được đào tạo qua lớp an toàn cơ bản, sẵn sàng xông pha hỗ trợ khách. Hoặc dân ở đây có sự cố gì thì dân người ta cũng chung tay cứu hộ. Ví dụ trước đây có ghe chở khóm bị chìm thì dân ở đây túa ghe ra cứu người và vớt khóm lên. Người dân ở đây sống có tình lắm."

Mặt khác, theo các chủ phương tiện, sau dịch COVID-19, du lịch trên chợ nổi đã sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến thu nhập kinh tế. Nếu “gồng mình” để chi 22 triệu lắp thiết bị giám sát thì rất khó khăn.

Ông Võ Văn Sáng – chủ phương tiện chở khách trên chợ nổi Cái Răng cho biết: "Lắp thiết bị 20 triệu mà chúng tôi chạy 1 chuyến được có 500 ngàn, một ngày chạy 1 chuyến, chợ càng ngày càng vắng, rất khó khăn.  Nhà nước nói gắn thì phải gắn nhưng cấp trên xem xét hỗ trợ, ví dụ hộp đen 6 triệu thì Ban ngành hỗ trợ 50% là chúng tôi bớt khó."

Thông tư số 39/2018/TT-BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa đã được ban hành từ năm 2018. Theo đó, phương tiện chở khách 12 chỗ trở lên phải lắp thiết bị AIS còn tàu khách từ 20 chỗ trở lên còn phải gắn thêm hệ thống máy bộ đàm VHF. Thời hạn thực hiện đến ngày 31/12/2022.

Nhiều chủ tàu cho rằng việc lắp hộp đen cho các tàu du lịch tại chợ là không cần thiết và quá tốn kém

Nhiều chủ tàu cho rằng việc lắp hộp đen cho các tàu du lịch tại chợ là không cần thiết và quá tốn kém

Theo ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ  thì 3 năm nay, ngành chức năng thành phố Cần Thơ chỉ nhắc nhở chủ tàu tuân thủ quy định, còn hiện tại việc đăng kiểm được siết chặt nên các tàu hoạt động bắt buộc phải gắn các thiết bị này nếu không sẽ không đăng kiểm phương tiện. Trong Thông tư 39/2018/TT-BGTVT cũng có một số quy định như trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc và tùy theo hoàn cảnh cụ thể thì trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải là đề xuất lên Cục Đăng kiểm Việt Nam để trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, quyết định.

Ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ  cho biết: "Người ta đã cho lộ trình rất dài, Thông tư đã quy định thì chúng ta phải thực hiện. Trong quá trình thực hiện, Thông tư có một điều khoản mở, đó là tùy theo điều kiện, hoàn cảnh thì có thể được miễn giảm hoặc xin gia hạn việc lắp trang thiết bị này."

Chợ nổi Cái Răng được xem là chợ nổi lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ và cũng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện số lượng tàu chở du khách tham quan chợ nổi có khoảng 200 chiếc, nếu lắp đặt toàn bộ hệ thống nhận dạng thì số tiền người dân phải bỏ ra khá lớn.

Trong khi đó, việc kinh doanh của bà con vẫn đang phục hồi sau giai đoạn dịch bệnh. Bà con mong muốn ngành giao thông xem xét, có phương pháp giải quyết hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế hơn để giảm bớt gánh nặng cho người dân.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn