Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Chữ ký vẽ nên Tết hoà bình đầu tiên ở Thủ đô

Thùy Linh: Thứ hai 23/01/2023, 08:30 (GMT+7)

50 năm trước, chưa đầy một tháng sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, quân dân Hà Nội và cả nước lại hân hoan đón tin vui: Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết trong tiết xuân mới Quý Sửu 1973.

 

Cái Tết năm 1973 ở Hà Nội đã mang một ý nghĩa đặc biệt sau nhiều năm bom đạn chiến tranh. Những ngày giáp Tết năm 1973, thói quen đi chợ xuân sắm Tết mới bắt đầu trở lại với người dân Thủ đô sau thời gian dài cả Hà Nội gánh chịu hàng ngàn tấn bom đạn

Không khí Hà Nội đón Tết cổ truyền năm ấy thật không thể nào quên với những người Hà Nội. Và hẳn là nhiều người trẻ được đón cái tết thanh bình hiện đại hôm nay sẽ khó tưởng tượng nổi khung cảnh của cái tết trở về sau những tháng ngày sơ tán.

Những câu chuyện sắm tết vội vã, những con phố đón tết vui tươi, và cả những mảng đối lập ăn tết trong lặng lẽ của người dân phố Khâm Thiên – nơi hứng chịu loạt bom của Mỹ sau ngày Giáng sinh…

Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại lễ ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 (Ảnh: QĐND)

Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại lễ ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 (Ảnh: QĐND)

"Tết hòa bình năm 1973 là một cái Tết rất đặc biệt. Sau 23 tháng giêng 1973 khi mà Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định sơ bộ người dân mới tin hòa bình thực sự" (Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến)

"Có lẽ sau 12 ngày đêm rất tàn khốc, bản thân gia đình có nỗi đau riêng là căn nhà bị sập, đàn piano bị phá hỏng hoàn toàn, không cứu được đồ đạc gì. Trong nỗi đau riêng đấy thì khi ngày hoà bình, được về lại Hà Nội gia đình tôi rất vui sướng, mặc dù không còn nhà nữa" (Nhà báo Phạm Hồng Tuyến)

"Nhà tôi ở phố Khâm Thiên là một trong hai gia đình tai nạn nhiều nhất, mất 7 người. Ông Nguyễn Tự dựng tượng Bà mẹ căm thù phố Khâm Thiên là theo câu chuyện già ruột của tôi. Lúc bom đổ là sập cầu thang, già tôi đang bụng to và bế một người chị tôi bị chết ở cầu thang" (Chú Nguyễn Hoài An – Trưởng tộc dòng họ Nguyễn Hữu ở xóm Đồng, Đống Đa, Hà Nội)

"Bài hát tôi viết lúc đấy không phải nói lên cảm giác cá nhân mình mà là cả cộng đồng lớn của thành phố. Tôi tưởng tôi không còn gì nhưng cuối cùng vẫn có chỗ ở, gia đình vẫn còn, con cái vẫn còn" (Nhạc sĩ Phạm Tuyên)

Trong thế kỷ 20, có hai cái Tết Nguyên đán không thể nào quên với người Hà Nội: Tết Đinh Hợi 1947, khi Trung đoàn Thủ đô vẫn ngoan cường chiến đấu chống lại quân Pháp. Và cái tết hoà bình đầu tiên 1973 của quân và dân thủ đô sau 12 ngày đêm chiến đấu với bom Mỹ.

Sáng ngày 27-1-1973, tức ngày 24 tháng chạp năm Nhâm Tý, Hiệp định Pa-ri đã được ký kết. Lúc này thì chẳng cần ai ra lệnh, dân Hà Nội từ nơi sơ tán ùn ùn kéo về. Trái ngược hẳn với cái tết ra đi năm 1947. 50 năm đã trôi qua, nhưng mọi thứ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến và Nguyễn Ngọc Tiến:

"Tết trở về 73 tất cả từ nơi sơ tán trở về lục tục quay về. Rõ ràng ngay sau đợt không chiến đấy, đời sống rất khó khăn nhưng không khí tết thì náo nức lắm, vẫn rất cố gắng sắm cành đào ở chợ hoa Hàng Lược.

Rồi hàng tết mậu dịch, mỗi thứ xíu xíu vì thời đấy dùng tem phiếu nên cả năm dồn vào tết để mua chút hàng tết. Thế nhưng năm ấy niềm vui làm cho cái tết nhân lên rất nhiều", Nhà báo Phạm Hồng Tuyến.

"Phải nói là không khí sắm Tết của Hà Nội cách đây 50 năm cực kỳ hối hả. Một cái Tết rất vội vã khẩn trương nhưng không khí trong thành phố thì rất vui mừng. Thậm chí 30 Tết dọc vỉa hè nhiều con phố vẫn có các gia đình đang luộc bánh chưng Tết.

Phương tiện để luộc bánh chưng cũng rất thiếu; phải chờ nhà này luộc xong mới mượn để luộc. Vì thế, tối 30 trên vỉa hè phố vẫn còn đỏ lửa và người dân vẫn còn chụm củi thổi lửa để có cái bánh chưng cúng giao thừa"Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.

Giáp Tết, người Hà Nội ào ra đường chào đón tin Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Với họ, hiệp định là món quà tết nhiều ý nghĩa. Bởi hoà bình có nghĩa là thành phố sẽ không còn tiếng còi báo động, trẻ con không còn đi sơ tán.

Thậm chí có người còn nói với nhau: hoà bình ăn cháo cũng sướng. Chia sẻ của ông Nguyễn Hoài An - Trưởng tộc dòng họ Nguyễn Hữu ở xóm Đồng, Đống Đa (Hà Nội):  

"Lúc bấy giờ tôi vẫn nhớ hai anh em nhà tôi mẹ làm lương thực nên mẹ sắm tết cũng chu đáo. Lên trên Khâm Thiên thì hai anh em mang bột mì với đường xếp hàng ở hợp tác xã đợi nướng bánh quy.

Cảm giác thơm, mùi bánh quy bốc lên từ lò bánh hợp tác xã gần cây xăng Khâm Thiên bây giờ thấy vui và phấn chấn.

Cái không khí và cái mùi pháo xua tan đi cái không khí lạnh lẽo mùa đông, ấm lòng và tạo tiếng rộn rã của mùa xuân ‘hoà bình’ đầu tiên".

Một điểm bán hàng Tết năm 1973 tại Hà Nội (Ảnh: Tạp chí Công thương)

Một điểm bán hàng Tết năm 1973 tại Hà Nội (Ảnh: Tạp chí Công thương)

Thế nhưng, nép bên không khí tươi vui mừng ngày hoà bình đầu tiên ở Thủ đô vẫn có những khoảng lặng – cái tết buồn bã và bi thương của người dân phố An Dương, Phương Liệt, Khâm Thiên… Sau trận thảm sát B52 của đế quốc Mỹ, nhiều gia đình mất nhà cửa, mất người thân…

Là một trong hai gia đình gặp nạn nhiều nhất ở phố Khâm Thiên sau trận rải bom B52, ông Nguyễn Hoài An - Trưởng tộc dòng họ Nguyễn Hữu ở xóm Đồng, Đống Đa, Hà Nội chậm rãi kể lại cảnh tượng mà mình tận mắt chứng kiến:

"Gia đình mất 7 người. Sau khi bom B52 rải thảm là bố mẹ tôi từ Khương Thượng (quê tôi) quay lên nhà ông ngoại ngay thì tang tóc, đau thương lắm. Lên nhặt từng viên gạch, nhà đổ, rồi nhớ đến những cảnh ông ngoại ngày xưa còn sống còn khoẻ như thế nào.

Thực ra ông Nguyễn Tự dựng tượng Bà mẹ căm thù phố Khâm Thiên là theo câu chuyện già ruột của tôi. Lúc bị sập cầu thang, già tôi đang bụng to và bế một người chị tôi bị chết ở cầu thang. Mỗi lần đi qua tượng đài đấy tôi lại nhớ đến cảnh người dân thủ đô bị chiến tranh rải thảm bom".

Khi đó, thật may mắn là nhân dân hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây đã dựng lại căn nhà bằng lá bằng tre lợp lá để cho bà con kịp ăn Tết. 500 căn nhà được dựng và tặng cho bà con thủ đô – là món quà rất quý và minh chứng cho tình cảm của người Việt trong gian khổ chiến tranh. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến thuật lại:

"Có những nhà chưa kịp dựng xong thì đón Tết trong một túp lều bên miệng hố bom và hương khói vẫn cứ toả thắp hương tưởng nhớ người thân. Cái Tết năm 1973 có hai trạng thái cảm xúc: một là vui mừng, hai là đau đớn xót thương và căm hận. Nhưng chủ đạo của không khí Tết là vui mừng nhiều hơn vì chiến tranh thực sự đã chấm dứt ở Hà Nội và miền Bắc".

Giao thừa năm ấy, có một sự kiện vô cùng đặc biệt là sau bao nhiêu năm chiến tranh bom đạn, Hà Nội bắn pháo hoa đón xuân mới, mừng hòa bình. Và cho đến giờ phút thiêng liêng chuyển giao từ năm cũ sang năm mới thì Hồ Gươm như bùng lên.

Tất cả những gì trước đó nín nhịn được bung ra, mọi người vui tươi hớn hở đón một năm mới hòa bình. Những cảm xúc vỡ oà đó đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên đưa vào ca khúc Đêm pháo hoa – một trong những sáng tác đầu tiên của ông vào năm 1973:

"Cảm giác đầu tiên là của một người mất hoàn toàn chỗ mình đang ở. Tôi tiếc nhất là cây đàn piano đánh bật tan. Nhưng cái cảm giác quan trọng nhất như là dồn nén lại rồi vỡ oà ra sung sướng, viết những bài sau đấy toàn là bài nói lên cái phấn khởi của mình sau cái chiến thắng B52.

Bài hát tôi viết lúc đấy không phải nói lên cảm giác cá nhân mình mà là cả cộng đồng lớn của thành phố, từ em nhỏ tới người lớn vui mừng ca hát".

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến - con gái của nhạc sĩ Phạm Tuyên

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến - con gái của nhạc sĩ Phạm Tuyên

Ca sĩ nhí thể hiện ca khúc Đêm pháo hoa chính là nhà báo Phạm Hồng Tuyến (con gái của nhạc sĩ Phạm Tuyên) – khi ấy gần 5 tuổi. Đó cũng là bài hát đầu tiên mà nhạc sĩ viết cho lứa tuổi mầm non. Nhớ về kỷ niệm lần đầu xem pháo hoa, bà kể:

"Rõ ràng lâu lắm rồi mới có ngaỳ hoà bình, bao nhiêu năm phải đi sơ tán nên quay trở lại hoà bình thì bản thân nhạc sĩ Phạm Tuyên có rất nhiều cảm xúc để viết các bài hát. Và khi được sang thu thanh ở phòng thu M thì đang ở nhà chơi các chú gọi đi thu thanh thì đi luôn mặc quần đùi áo may ô đi dép lê vào phòng thu, có một chú đệm đàn sẵn rồi vào hát thôi, rất là tự nhiên.

Không hiểu sao về sau mọi người bảo là rất nhớ bài hát có bé Hồng Tuyến hát bài đêm pháo hoa , chữ hoa rất buồn cười. Và đêm pháo hoa ấn tượng nhất là vì nó có rất nhiều màu. Nhưng riêng có một màu luôn nhớ và từ đấy cứ nói đến pháo hoa cứ màu đấy mới là màu sẽ rất đặc biệt.

Đó là màu tím hoa cà. Tím hoa cà chứ không phải tím, tím kia sẽ sẫm hơn, tím hoa cà sẽ nhạt. Mọi người nói là để chế ra được màu tím hoa cà thì rất khó, xanh đỏ dễ hơn. Cái tím hoa cà tại sao rất nhớ vì ngày xưa ở Hà Nội có tiệm quần áo Đức Hạnh.

Thời đấy một cái váy khong tay nhưng có cổ lá sen, rồi viền rất xinh và áo rất điệu mà bé gái chỉ thích mặc áo Đức Hạnh thôi, mà được chọn sẽ chọn áo Đức Hạnh mà phải màu tím hoa cà. Cho nên cái màu tím hoa cà của đêm pháo hoa lại rất liên tưởng tới màu quần áo đó nên mình rất nhớ".

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cho ra đời hai bài hát “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” và “Hà Nội những đêm không ngủ”

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cho ra đời hai bài hát “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” và “Hà Nội những đêm không ngủ”

Không chỉ có Đêm pháo hoa, trước đó, trong căn hầm cơ quan ở trụ sở 58 Quán Sứ, dưới làn bom B52, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cho ra đời hai bài hát “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” và “Hà Nội những đêm không ngủ”.

Âm hưởng của bài hát vang lên trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam đã thắp lên niềm tin và niềm hi vọng. Hy vọng để rồi ba năm sau đó, mùa xuân đầu tiên cả dân tộc được đón tết trong hoà bình và thống nhất - tết Bính Thìn năm 1976.

Tập bản thảo các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên

Tập bản thảo các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên

Cái Tết đầu tiên của Hà Nội im tiếng bom đạn máy bay Hoa Kỳ và những tháng hòa bình đầu tiên ở Thủ đô đã qua đi 50 năm, đúng nửa thế kỷ. Nhưng với nhiều người Hà Nội còn đọng mãi đến bây giờ:

"Ngày xưa tết rất là giản dị và tết năm 73 là một cái tết mà mọi người cũng vừa nhớ vừa xúc động. Và đặc biệt là đêm pháo hoa mình nghĩ ko phải mỗi trẻ con lần đầu tiên nhìn thấy đâu, mà có khi rất nhiều người lớn cũng lần đầu tiên nhìn thấy pháo hoa.

Cũng là tiếng đì đùng nhưng là tiếng đì đùng hoà bình chứ không phải của chiến tranh. Sau đấy thì kí ức về cuộc người dân Hà Nội phải chống trả lại cái không chiến của giặc mĩ trong ông vẫn còn sâu đậm, tôi nhớ ông đã dồn sức viết thành tổ khúc Vầng Sáng Hà Nội để nói cả quá tình người dân Hà Nội đi đến chiến thắng cuối cùng.

Và tôi vẫn ấn tượng vì do đoàn ca nhạc đài tiếng nói trình bày, đặc biệt bản cuối cùng là pháo hoa bên Hồ gươm có một cảm xúc rất dưung dưng vì vẫn còn đâu đấy đau thương nhưng âm nhạc bùng lên như 1 khúc tráng ca để nói về không khí hân hoan của người Hà Nội và rõ ràng người Hà Nội vẫn rất yêu hoà bình và mong muốn hoà bình".

"Tết Đinh Hợi năm 47 là cái Tết ra đi và sự ra đi rất là lo lắng về một tương lai rất bấp bênh, không biết mình đi tản cư cuộc sống sẽ là như thế nào. Rất nhiều gia đình trên đường đi tản cư đã ăn Tết dọc đường.

Nhưng có một cái rất may là người dân Việt Nam cũng có một tình cảm rất đặc biệt. Tôi được biết là nhiều gia đình trên đường đi thì ăn Tết ngoài đường và họ được các gia đình ở vùng đó mời về ăn Tết cùng. Đó là tình cảm rất đẹp và một tình người tình nhân văn của người Việt Nam.

Trong thế kỷ 20 thì đúng là Hà Nội có hai cái Tết trái ngược một cái Tết ra đi một cái Tết trở về và tất cả hai cái Tết đó bây giờ cũng được lịch sử ghi chép lại. Và tôi nghĩ nó sẽ rất khó quên đối với nhiều thế hệ người Việt Nam, kể cả những thế hệ tương lai".

 

Thùy Linh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Chạy nước rút hoàn thành Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Chạy nước rút hoàn thành Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thuộc địa bàn quận 7 (TP.HCM) là một trong những dự án được lãnh đạo Thành phố quan tâm, chỉ đạo sát sao để hoàn thành, đưa vào thông xe nhánh hầm còn lại trong năm nay.

Cho thuê vỉa hè và mở rộng trông xe dưới lòng đường: Hà Nội đang hướng tới điều gì?

Cho thuê vỉa hè và mở rộng trông xe dưới lòng đường: Hà Nội đang hướng tới điều gì?

Hà Nội đang thực sự hướng tới điều gì; có mâu thuẫn gì giữa cách làm hiện tại với mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc đặt ra lâu nay?

10 sự kiện giao thông nổi bật 2024

10 sự kiện giao thông nổi bật 2024

Trong một năm 2024 có nhiều biến động, lĩnh vực giao thông cũng có nhiều xáo trộn, đổi thay mạnh mẽ. Có những điểm chấm phá, cũng có những đột phá, mở đường, song cũng có những tồn tại, những sụt giảm về tính hiệu quả… trong dòng chảy sự kiện của ngành GTVT. Hãy cùng VOVGT điểm lại những sự kiện này.

Nghỉ việc nhà nước vì “muốn có thời gian cho gia đình, không muốn nghèo ổn định”

Nghỉ việc nhà nước vì “muốn có thời gian cho gia đình, không muốn nghèo ổn định”

Mới ra trường, chị Ngân cũng đi làm ở khối tư nhân. Nhưng vì nhiều việc và quá bận rộn, lại đến tuổi kết hôn, sinh nở, chị tìm việc hành chính trong nhà nước để… nhàn hơn, có thêm thời gian cho gia đình. Tuy nhiên, sau 14 năm, chị thấy công việc nhà nước không còn phù hợp nữa.

Phố đêm lấp lánh, phố ngày rác lộ thiên

Phố đêm lấp lánh, phố ngày rác lộ thiên

Được xây dựng với kinh phí 200 tỷ đồng, Hồ Bún Xáng ở TP. Cần Thơ được kỳ vọng là công trình giúp tăng lưu lượng dự trữ nước, chống ngập và làm khu ẩm thực-giải trí sầm uất về đêm.

Cổng thông tin hỗ trợ người nộp thuế trên các sàn thương mại điện tử

Cổng thông tin hỗ trợ người nộp thuế trên các sàn thương mại điện tử

Mới đây, Tổng cục Thuế đã công bố Cổng Thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng kí, kê khai, nộp thuế.

An toàn tiêu dùng dịp cuối năm: Câu chuyện chưa bao giờ cũ

An toàn tiêu dùng dịp cuối năm: Câu chuyện chưa bao giờ cũ

Cuối năm, thời điểm Tết Nguyên Đán cận kề, hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc lại “thừa cơ” tung hoành, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.