Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Chống rác thải nhựa: Khó hay dễ?

Thanh Phê: Thứ năm 19/09/2024, 20:05 (GMT+7)

Mất hàng trăm năm để phân hủy nhưng chưa tới một phút để vứt một loại rác thải nhựa vào môi trường vốn đã quá tải.

Theo các chuyên gia, để thay đổi thói quen và hạn chế sử dụng nhựa dùng 1 lần, chuyển sang các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần, thân thiện môi trường, việc hạn chế rác thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày, trước hết nên bắt đầu từ các đô thị, các khu vực đông dân cư…

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Còn theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, nước ta có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.

Tại các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL, nhiều người đã bắt đầu ý thức hơn trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Đơn cử như việc chuyển sang sử dụng ống hút gạo, ống hút giấy hay tre, ống hút cỏ bàng … thay thế ống hút nhựa. Nước uống được đựng trong chai thủy tinh, một số thức ăn gói bằng lá chuối, lá sen,…   

Xách giỏ đi chợ giúp giảm sử dụng túi ni lông. Ảnh: Báo Long An

Xách giỏ đi chợ giúp giảm sử dụng túi ni lông. Ảnh: Báo Long An

Với các chị em nội trợ, hằng ngày thay vì sử dụng nhiều túi ni lông để đựng thức ăn, họ đã đổi sang dùng một số giỏ xách có chất liệu thân thiện với môi trường như giỏ mây, giỏ lục bình…Đồng thời, xây dựng cho mình những phương án giảm thiểu sử dụng các loại túi nhựa, hộp xốp sử dụng một lần.

Chị Trần Thị Thu Trang ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: "Đi chợ thì chị cầm theo cái giỏ xách để khi mình mua đồ bỏ vô luôn để giảm rác thải nhựa giữ cho môi trường xanh sạch. Mình mua 5.000 ớt 2.000 ớt cũng một cái bịch, vài trái chanh cũng một cái bịch, vài trái hạnh của một cái bịch. Mua cái gì cũng cho mình một cái bịch hết, cho nên chị đi chợ chị sẽ mang theo một cái giỏ, là một ngày bớt đi được nhiều cái bịch ni lông".

Còn với những người bán, họ cũng dần thay đổi theo hướng tích cực để bảo vệ môi trường. Mỗi tháng, nông trại “Ếch Ộp” của anh Trương Thành Đạt ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn rau xanh các loại. Thay vì để rau vào các túi ni-lông như nhiều người vẫn làm thì nông trại này lại chọn gói rau bằng lá chuối để bán cho khách hàng.

Cách làm của anh được nhiều khách hàng ủng hộ nồng nhiệt, hiệu quả kinh doanh từ đó cũng tăng lên: "Ở nông trại mình thì mỗi loại rau sẽ gói bằng một loại lá chuối. Xong mình sẽ để chung một cái bọc ni lông lớn. Mình gói lá chuối đối với khách hàng có 2 tác dụng. Một là bớt lượng giác ni lông về nhà họ. Thứ hai là lá chuối giúp cho rau tươi lâu hơn so với bọc ni lông".

Thay thế ống hút nhựa bằng ống hút làm từ tinh bột gạo sẽ lại gây thêm áp lực cho ngành nông nghiệp và tiếp tục tạo ra ô nhiễm. Ảnh: Viện TN&MT

Thay thế ống hút nhựa bằng ống hút làm từ tinh bột gạo sẽ lại gây thêm áp lực cho ngành nông nghiệp và tiếp tục tạo ra ô nhiễm. Ảnh: Viện TN&MT

Ở góc nhìn khác, rác thải không phải là “thứ bỏ đi”, trên thế giới và nhiều địa phương ở nước ta đã có các nhà máy, cơ sở sản xuất chuyên “biến” rác thải thành phân bón phục vụ hữu ích cho sản xuất nông nghiệp hay nhựa tái chế làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, sản xuất ra nguồn năng lượng hữu ích cho cuộc sống.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho rằng:   "Đối với từng hộ gia đình, doanh nghiệp cần hạn chế tạo ra rác thải, chúng ta cần chung tay, có trách nhiệm hơn trong vấn đề xử lý rác thải trong thời gian tới, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, để xử lý rác thải và mời gọi đầu tư trong xử lý để rác thải không còn là một vấn nạn nữa."

Có thể thấy, với những hành động dù nhỏ trong việc thay đổi thói quen như: hạn chế sử dụng túi ni lông, vứt rác bừa bãi, thu gom để tái chế,… sẽ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ mang lại lợi ích lớn về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa lâu dài trong bảo vệ môi trường, hướng tới một cuộc sống xanh hơn và sạch hơn.

Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn