Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Chiếc đèn dầu cũ

Trúc Thi: Thứ ba 31/10/2023, 21:28 (GMT+7)

Men theo dòng hồi ức về một thời xưa cũ để tìm về vùng ánh sáng của những chiếc đèn dầu một thuở đã gắn liền cùng nếp sống sinh hoạt và văn hóa của bà con miền tây Nam Bộ.

 “Nhớ thương một ngọn đèn dầu

Của thời nghèo đói qua lâu lắm rồi...”

Đi qua ngần ấy thời gian, ánh sáng loe loét của những chiếc đèn dầu ngày nào cũng dần được thay thế bằng ánh sáng của những chiếc đèn điện tân thời sặc sỡ với đủ sắc màu xanh, đỏ. Chúng có mặt khắp nơi, từ ngoài phố thị nhộn nhịp, phồn hoa, có khi len lỏi vào từng con ngõ quanh co, nơi xóm làng yên ắng.

Chiếc đèn dầu ám đầy muội khói thuở nào, giờ đây, đã nép chặt mình trong ngăn hồi ức, nhắc nhớ người ta về những năm tháng nhọc nhằn, gian khó của cái thời “tối lửa, tắt đèn có nhau”. 

Ánh sáng của những chiếc đèn dầu một thuở đã gắn liền cùng nếp sống sinh hoạt và văn hóa của bà con miền tây Nam Bộ  (Ảnh minh họa :Tuổi trẻ)

Ánh sáng của những chiếc đèn dầu một thuở đã gắn liền cùng nếp sống sinh hoạt và văn hóa của bà con miền tây Nam Bộ  (Ảnh minh họa :Tuổi trẻ)

Có rất nhiều tư liệu nghiên cứu về sự có mặt của chiếc đèn dầu trong đời sống sinh hoạt của cư dân Nam Bộ. Tuy nhiên, vẫn chưa có một nghiên cứu nào xác định cụ thể mốc thời gian xuất hiện của nó, nhưng phần chung đều cho rằng, đèn dầu lần đầu tiên xuất hiện là khi những nhà truyền giáo Pháp đến vào cuối thế kỷ 19. Ban đầu, đèn dầu được dùng trang trí trong những nhà thờ Thiên chúa Giáo hoặc chỉ những nhà chức sắc, hương cả giàu có mới được dùng.

Nói về lịch sử của chiếc đèn dầu, GS.TS, Chuyên gia nghiên cứu văn hóa - Vũ Gia Hiền chia sẻ: "Thật ra đèn Hoa Kỳ người ta cũng chưa biết xuất hiện từ bao giờ. Trước kia, chủ yếu là dùng mỡ, dùng dầu thực vật để làm đèn, khi dầu hỏa (đèn Hoa Kỳ) ra đời, có lẽ là khi khai thác dầu mỏ, dầu hỏa khoảng giữa thế kỷ 18, 19"

Nhiều tài liệu cho rằng, trước khi đèn dầu xuất hiện, người Việt thường có thói quen sử dụng dầu lạc, dầu thực vật để thắp sáng. Hồi ấy, những loại đèn này được gọi là đèn dầu ta. Mãi sau này, khoảng nửa cuối thế kỷ 19, khi hãng dầu Shell hay được biết đến là hãng “con sò” - Một hãng dầu lửa có tiếng tại Hoa Kỳ đã chọn Việt Nam là thị trường buôn bán chủ yếu, để tăng sức cạnh tranh với những mặt hàng trên thị trường, hãng Shell đã khuyến mại cho bất kỳ ai chọn mua dầu của hãng đều được tặng kèm một chiếc đèn.

Cũng từ đó, đèn dầu đã trở nên phổ biến, đi vào đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của cư dân Nam Bộ, thay thế dần vị trí của những loại đèn được ưa chuộng trước đây, bởi đèn dầu cháy sáng hơn, cũng ít khói hơn hẳn. Người ta gọi đó là đèn tây, đèn Hoa Kỳ (Huê Kỳ), dần dà về sau gọi tắt thành ra phổ biến là đèn dầu.

Điều này được tác giả Nhất Thanh mô tả trong cuốn Đất lề Quê thói, xuất bản năm 1968 như sau: “Cuối thế kỷ XIX, người Tây đem dầu lửa, cũng gọi dầu hôi, vào dùng và bán (...). Hãng bán dầu đã chế ra thứ đèn nhỏ, ngọn lửa vừa bằng ngọn đèn dầu chay, đèn được cho không kèm theo mỗi thùng dầu bán ra, để làm quảng cáo; không rõ lúc ấy dầu lửa từ xứ nào nhập cảng, mà cái đèn kia được gọi là đèn Hoa-kỳ”.

Chiếc đèn Hoa Kỳ gắn bó với tuổi thơ như kỷ niệm của một thời gian khó, thời mà hầu như mọi thứ đều phải mua bằng tem phiếu và dầu lửa cũng không ngoại lệ. Cấu tạo của nó khá đơn giản: dưới cùng là chiếc phao đựng dầu hình tròn, trên chiếc phao dầu là cổ đèn bằng sắt, ở giữa có ống sắt nhỏ để luồn tim; chung quanh cổ đèn là những chân rết ôm lấy bóng đèn bằng thủy tinh hình quả trứng vịt.

Chiếc đèn Hoa Kỳ ngày ấy phổ biến đến mức đã đi vào ca dao, tục ngữ của các bậc tiền nhân. Để nói về “điềm” báo trước những chuyện có thể xảy đến trong tương lai, tục ngữ có câu rằng: “Thứ nhất đom đóm vào nhà; thứ nhì chuột chít; thứ ba hoa đèn”.

Giới chuyên gia cho rằng, vế “thứ ba hoa đèn” có căn nguyên từ ngọn bấc của chiếc đèn Hoa Kỳ ngày xưa. Ấy là khi đèn hết dầu mà chủ nhà chưa kịp chế thêm, hoặc bấc đèn được sử dụng bằng loại vải có nhiều tạp chất sẽ khiến ngọn lửa cháy không đều, phía đầu chiếc bấc luôn có đoạn than đỏ. Đoạn than ấy được gọi là “hoa đèn”.

Nhắc đến chiếc đèn dầu xưa gắn liền với cư dân miệt đồng bưng Tây Nam Bộ, GS.TS, Chuyên gia nghiên cứu văn hóa - Vũ Gia Hiền cho rằng, trong nếp sống, văn hóa của người dân vùng Cửu Long từ thuở khai hoang, lập ấp đã gắn liền cùng con sông, bến nước, chiếc đèn dầu vì thế cũng có những đặc điểm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết nơi này.

Ông chia sẻ: "Miền tây tức là văn hóa sông nước, đèn dầu là cái duy nhất gắn liền với thuyền, những nơi cư trú của người dân, đèn dầu cũng là ánh sáng ban đêm thuận tiện nhất, gắn với văn hóa sông nước của người miền tây. Gần như là đèn dầu của miền tây có đặc trưng là cái đế của nó nặng, chắc để cho nó khỏi đổ"

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đèn Hoa Kỳ, đèn chong cóc, đèn bóng thủy tinh – Những chiếc đèn dầu qua từng thời kỳ xưa cũ đã sống một đời trong tiến hành phát triển của vùng đất phương Nam. Chiếc đèn dầu chễnh chệ nơi bàn trà nhà trên, chiếc đèn dầu lui cui cùng dáng mẹ nơi chái bếp trong những bữa cơm tối mịt. Đèn theo chân cha ra đồng bắt ếch, soi cua, đón cá. Đèn trên quang gánh các chị, các cô nhóm chợ nửa đêm.

Chiếc đèn dầu trong những đêm tối còn là người bạn với đám trẻ con ngày ấy, cứ hễ học bài xong là bọn trẻ lại bày nhau trò chơi làm con vật từ đôi bàn tay, qua ánh sáng của chiếc đèn dầu, những chiếc bóng với đủ hình thù ngộ nghĩnh lúc to, lúc nhỏ đổ dài trên vách lá đã đem lại niềm vui tuổi thơ cho những đứa con nhà quê chính hiệu.

Cô Võ Thị Bé, ngụ huyện Cái Bè, Tiền Giang nhớ lại: "Ông bà, ba mẹ hết dầu cái chạy qua ông nội mượn rồi đổ vô cái đèn đó, rồi mình học bài, viết cái này cái kia chơi, đâu có cái đèn điện, cái gì hơn. Đốt đèn xong cái 2, 3 chị em thắt cái con cò đồ á. Nhiều khi để chỗ gió lớn thì nó tắt mình lấy cái hột quẹt mình đốt lại. Mình kéo cao lên thì nó mới tỏ. Ông nội ổng đương nia, đương thúng hay tới mùa vụ mần lúa á ổng đương cho nhiều rồi mới đốt cái đèn đó, dùi cái vành thúng, vành nia để ổng xỏ dây vô"

Trong “ký ức đèn dầu”, niềm vui chốn quê nghèo ngày ấy còn gắn liền với những chiếc đèn dầu tự chế được làm nên từ những chai sành, bình mực cũ hay lon sữa thiếc. Tùy vào đôi tay khéo léo và sự sáng tạo của mỗi người, mà những chiếc đèn ấy lại mang những hình thù khác nhau. Đèn tự chế thường không có ống khói như những chiếc đèn được bày bán nhưng độ sáng, độ bền thì cũng chẳng thua kém:  

"Đèn dầu ví dụ như mình làm từ cái lon sữa bò mình á, nhấn cái còi để mình nhấn cái tim đèn vô. Đổ dầu vô rồi mình nhấn cái tim cho nó cháy, rồi mình đốt vô, từ từ nó rút lên nó cháy. Cái đó là mình chế tạo, xài 1 năm như vậy, cất dầu nó lâu hư lắm"

"Tại vì hồi xưa mình cũng ở trong nông thôn á, mình mua mình đốt như đèn chong cóc vậy á. Người ta làm cái hộp lon, người ta nhấn lại, ông nội mới cắt hộp lon ra, ổng lấy cái cây nhỏ nhỏ ổng mới quấn lại, ổng cắt rồi ổng đục lỗ hộp lon. Rồi mình mới lấy vải mùng, cây cỏ mình phơi khô rồi lấy cây đó luồn lên rồi đổ dầu vô chụm, đốt hằng ngày, hằng đêm"

Giờ đây, khi điện lưới Quốc gia đã được kéo về, thắp sáng cho khắp bản làng, thôn xóm, “thời vàng son” của những chiếc đèn dầu cũng đã đi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho những ánh đèn điện sáng trưng. Tưởng chừng như chiếc đèn dầu sẽ chỉ còn lại trong ký ức, nhưng ánh sáng của những chiếc đèn năm ấy vẫn còn cháy sáng theo nếp sống mỗi ngày, nơi bàn thờ gia tiên hay bàn thờ Ông Thiên của rất nhiều gia đình miền tây Nam bộ.

Chú Lê Văn Cam, ngụ huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ chia sẻ: "Trong vườn, trong thôn những người theo đạo như chú vẫn đang còn xài, ví dụ đốt ngoài bàn thờ ông thiên, mà đốt ngoài bàn thờ ông thiên mà muốn treo bóng đốt đèn chong cũng được, tức là cái đèn sành có ống khói á, mình đốt mình để  nào mình đi ngủ thì mình đem vô. Còn bàn phật, bàn thờ mình muốn để sáng đêm thì mình để"

Ánh lửa lung linh của những chiếc đèn dầu trên bàn thờ ngày nay vẫn được nhiều gia đình miền tây Nam Bộ gìn giữ. Ngoài giá trị hiện thực, chiếc đèn dầu còn mang đậm yếu tố tâm linh như nối gần hai thế giới âm – dương, giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên.

Hình ảnh chiếc đèn dầu mộc mạc, dung dị ngày nào đã trở thành “kỷ vật của thời gian”, là hoài niệm, là tuổi thơ trong lòng của biết bao người con miệt đồng đất phương Nam.

Trúc Thi/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Ra đường “sống chết có số”?

Ra đường “sống chết có số”?

Những con số biết nói về tình hình tai nạn giao thông những tháng qua cho thấy, đây vẫn luôn là nỗi ám ảnh của toàn xã hội. Điều đó cũng đòi hỏi các giải pháp và chính sách cải thiện an toàn giao thông cần thiết thực hiệu quả hơn để tai nạn giao thông hạ nhiệt trong thời gian tới.

Vĩnh Long: Di dời bến phà nối 4 xã cù lao, người dân đi lại thế nào?

Vĩnh Long: Di dời bến phà nối 4 xã cù lao, người dân đi lại thế nào?

Bến phà An Bình mỗi ngày vận chuyển trên 10.000 lượt phương tiện qua lại giữa TP.Vĩnh Long và 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ. Cách đây 2 ngày, bến phà đã được di dời đi nơi khác vì phía bờ TP.Vĩnh Long được đưa vào khu vực có khả năng sạt lở nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao.

Tàu Cát Linh - Hà Đông dừng bất ngờ, mức độ nghiêm trọng ra sao?

Tàu Cát Linh - Hà Đông dừng bất ngờ, mức độ nghiêm trọng ra sao?

Khoảng 19h00 ngày 17/9, một đoàn tàu đang chạy từ Cát Linh về Hà Đông, khi đến ga Phùng Khoang bất ngờ dừng lại, khi còn 5 ga nữa mới đến ga Yên Nghĩa. Vậy, mức độ nghiêm trọng của sự cố này ra sao? Làm thế nào để đảm bảo đảm an toàn cho hành khách đi tàu?

Trạm BOT Phú Hữu hoạt động, người dân nói 'vô lý'

Trạm BOT Phú Hữu hoạt động, người dân nói "vô lý"

Trạm BOT Phú Hữu đặt trên đường Nguyễn Thị Tư (phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức, TP.HCM) chính thức thu phí các phương tiện ra vào Khu công nghiệp Phú Hữu. Mặc dù người dân trong khu vực được miễn phí khi qua trạm nhưng nhiều người cũng cho rằng, việc thu phí khi qua trạm BOT chưa hợp lý, tạo thêm gánh nặng cho họ.

Những ngày “mở sóng”

Những ngày “mở sóng”

Đối với rất nhiều phóng viên của VOV Giao thông, khoảng thời gian cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu của nó hoành hành ở miền bắc, có lẽ sẽ là một trong những ký ức khó quên.

Thoát nước cho cao tốc, trách nhiệm của ai?

Thoát nước cho cao tốc, trách nhiệm của ai?

Như VOV Giao thôn đã thông tin, sau 10 ngày cơn bão số 3 đi qua, tình trạng ngập úng vẫn diễn ra trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, dù mực nước trên các sông liên tục giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân và chất lượng kết cấu công trình.

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất hoàn thành lắp đặt hạng mục quan trọng nhất

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất hoàn thành lắp đặt hạng mục quan trọng nhất

Sau 120 ngày thi đua thi công, hạng mục kết cấu mái công trình nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đã hoàn thành đúng mục tiêu tiến độ, tạo tiền đề quan trọng đưa cả dự án về đích.