Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Cây xanh bị "bức tử", ai cứu?

Quách Đồng: Thứ hai 12/05/2025, 21:07 (GMT+7)

Mặc dù đã được nói đến nhiều lần nhưng đến nay, nhiều cây xanh trên các tuyến phố của Hà Nội vẫn đang bị xâm hại không thương tiếc. Tình trạng này không chỉ gây mất cảnh quan đô thị, phá hoại môi trường mà còn tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Trên đoạn đường Trần Đăng Ninh, Trần Quý Kiên, quận Cầu Giấy, chỉ một đoạn đường ngắn, hàng chục tấm biển hiệu, biển quảng cáo được treo lơ lửng trên các thân cây xanh sát vỉa hè, trước các cửa hàng, hoặc ngay trên hàng cây giữa dải phân cách…

Anh Nguyễn Văn Phong, một người thường xuyên lưu thông trên trục đường này không khỏi xót xa trước tình trạng cây xanh bị xâm hại, bị đóng đinh treo biển quảng cáo, bị gông cùm gây những vết thương lớn:

"Việc xâm hại cây xanh tương đối phổ biến, hầu hết các tuyến đường đều thấy hiện tượng họ treo biển quảng cáo, hoặc đóng đinh… Gần như tuyến đường nào cũng có tình trạng như vậy".

Biển hiệu, dây điện được đóng và treo trên các cây xanh

Biển hiệu, dây điện được đóng và treo trên các cây xanh

Chị Bùi Thị Hương, một người dân sinh sống tại quận Cầu Giấy cũng thấm thía điều này, bởi ngay trước nhà chị cũng có cây xanh khá lớn bị xâm hại nghiêm trọng dẫn đến cây bị chết một cách đáng tiếc:

"Vì là đóng đinh, đóng biển quảng cáo, rồi quấn dây diện vào cây xanh nó cũng ảnh hưởng và cây không phát triển được. Có cây nào yếu quá, có khi nó bị chết dần"

Một số người dân cũng bày tỏ, tình trạng này diễn ra khá phổ biến, thậm chí có trường hợp do bị xâm hại thời gian dài, cây xanh đã bị khô héo, bị chết:

"Về mặt mỹ quan là không tốt rồi, vì nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của cây, thậm chí cây chết".

"Người ta đóng đinh, băng dây nó phải đến chục năm, thậm chí các quán có khi người ta làm đến 20 năm nay rồi".

"Cây đó là cây của chung nên không ai giữ được. Cái này tất nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến cây chứ không phải không".

Tình trạng này diễn ra phổ biến

Tình trạng này diễn ra phổ biến

Theo thông tin từ Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị đang quản lý khoảng 125 nghìn cây xanh bóng mát tại 12 quận nội thành. Theo Quyết định số 03/2023 của UBND Thành phố Hà Nội quy định về việc quản lý cây xanh đô thị, việc xử lý tình trạng xâm hại cây xanh thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã. Đơn vị quản lý cây xanh chịu trách nhiệm chăm sóc, quản lý, chứ không có thẩm quyền xử phạt các hành vi xâm hại, bức tử cây xanh.

Bởi vậy, một số trường hợp, sau khi chính quyền quận, huyện, phường xã rút đi, hành vi xâm hại, bức tử cây xanh lại tái diễn. Về điều này, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. Hà Nội cho biết:

"Có những xâm hại có thể gây cho cây bị chết, có thể đổ bất cứ lúc nào. Có những xâm hại nó chỉ gây tổn hại, tổn thương cho cây, ví dụ như chặt vỏ cây, đóng đinh trên cây, treo các băng rôn, biển quảng cáo. Ngoài ra có loại xâm hại do cải tạo vỉa hè, chặt rễ cây, xâm hại vào môi trường sống của cây. Ngoài xâm hại trực tiếp vào cây như vậy, còn có xâm hại khác, vào môi trường sống của cây, ví dụ người ta đổ hóa chất, khiến cây chết".

Một số trường hợp đã bị xử lý, nhưng sau khi chính quyền quận, huyện, phường xã rút đi, hành vi xâm hại, bức tử cây xanh lại tái diễn

Một số trường hợp đã bị xử lý, nhưng sau khi chính quyền quận, huyện, phường xã rút đi, hành vi xâm hại, bức tử cây xanh lại tái diễn

Ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm, đầu tháng 4 vừa qua, đơn vị thi công dự án cải tạo hè đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ đã đào sâu phần diện tích sát bó vỉa hè, đoạn từ ngã tư Lạc Long Quân- Thụy Khuê đến trước số nhà 174 Lạc Long Quân, làm 8 cây bóng mát nổi bầu rễ, rễ cây bị chặt đứt. Mặc dù đơn vị quản lý đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng đơn vị thi công vẫn chưa khắc phục, làm cây có nguy cơ bị nghiêng, đổ bất cứ lúc nào./.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn