Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Giao thông

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận ngày đầu thu phí: Phương tiện đi vòng QL 1A

Vân Tịnh: Thứ ba 09/08/2022, 19:17 (GMT+7)

Từ ngày 30/4 đến ngày 8/8, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khai thác không thu phí đã phục vụ khoảng hơn 30.000 xe/ ngày đêm. Chính thức vận hành thu phí không dừng từ 00h ngày 9/8, thưa xe rõ rệt vì phần lớn các hợp tác xã vận tải, doanh nghiệp, chủ phương tiện… đều chọn đi vòng QL 1A.

Đi từ hướng Cần Thơ - Vĩnh Long qua thì số lượng phương tiện đi vào cao tốc ít hơn hẳn so với mọi ngày

Đi từ hướng Cần Thơ - Vĩnh Long qua thì số lượng phương tiện đi vào cao tốc ít hơn hẳn so với mọi ngày

Đi từ hướng Cần Thơ – Vĩnh Long, có mặt tại điểm đầu tiên của cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đóng tại xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, điều mà ai nhìn thấy cũng bất ngờ, lượng phương tiện đi vào cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận quá ít so với mọi ngày.

Tiếp tục di chuyển đến trạm thu phí thứ 2 đóng tại xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè thì chỉ toàn thấy xe ô tô 4 chỗ và xe khách của doanh nghiệp Phương Trang ra vào cao tốc.

Tuyệt nhiên không có một loại phương tiện container, xe tải hoặc xe dịch vụ.

Bà Phạm Thị Bích Thủy – là người dân bán nước giải khát tại điểm thu phí xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Trước khi mà tuyến này thu phí là mối xe mối thường uống nước của tôi đến chia tay, tình hình này thu phí cao quá, chạy không có lời nên chia tay, từ nay họ đi QL 1A”.

Theo quan sát của phóng viên từ 8h đến 13h ngày 9/8, lượng phương tiện ra vào cao tốc rất ít.

Trong khi đó, QL 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang lại có lưu lượng giao thông tăng đột biến, nối đuôi nhau là xe tải nặng, xe khách, xe hàng.

Theo dõi quan sát của phóng viên, chỉ duy nhất 1 hãng xe khách Phương Trang ra vào cao tốc. Còn lại các doanh nghiệp vận tải hành khách khác đều bỏ chọn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Theo dõi quan sát của phóng viên, chỉ duy nhất 1 hãng xe khách Phương Trang ra vào cao tốc. Còn lại các doanh nghiệp vận tải hành khách khác đều bỏ chọn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận khai thác mức phí thấp nhất khi đi toàn tuyến là 103.000 đồng và cao nhất là 334.000 đồng.

Theo công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận thì mức giá này là đã giảm từ 4 đến 45% so với mức giá gốc.

Cụ thể hiện tại, đơn vị khai thác áp dụng thu phí 5 mức giá với 5 nhóm phương tiện khác nhau. Nhóm 1, xe dưới 12 ghế ngồi giá vé là 2.000  đồng/km ( giá tối đa theo quy định 2.100 đồng).

Nhóm 2, xe từ 12 đến 30 ghế ngồi giá vé 3.000 đồng/km (nhóm này không giảm giá). Nhóm 3, xe từ 31 ghế ngồi trở lên, nặng dưới 10 tấn, giá vé 3.500 đồng/km ( giá tối đa 4.400 đồng).

Nhóm 4, xe có tải trọng từ 10 -18 tấn, giá vé 4.500 đồng/km ( giá tối đa 8.000 đồng). Nhóm 5, xe có tải trong trên 18 tấn hoặc xe container 40 feet, giá vé 6.500 đồng/km ( giá tối đá 12.000 đồng).

Theo các doanh nghiệp thì mức giá này tính sơ sơ cũng đã “cuỗm” mất trung bình 3 triệu đồng/ngày đối với các hãng xe khách.

Anh Nguyễn Tấn Dương – tài xế hãng xe khách Đức Phát cho biết: “Xe bên mình tới 10 chiếc chạy lên chạy về trong 1 ngày nên chủ xe không cho mình chạy vào cao tốc vì giá vé quá cao, tới 180 ngàn đồng/lượt”.

Số lượng xe đi trên cao tốc rất ít mà theo lý giải của chủ phương tiện là giá phí quá cao và hạ tầng không tương xứng với mức phí

Số lượng xe đi trên cao tốc rất ít mà theo lý giải của chủ phương tiện là giá phí quá cao và hạ tầng không tương xứng với mức phí

Hạ tầng của cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cũng là vấn đề đang bàn cãi. Chủ phương tiện cho rằng, hạ tầng và mức giá không tương xứng. Nếu nói vào cao tốc để đi nhanh hơn thì khó khả thi vì làn đường quá nhỏ, xe khổ lớn khó mà xin vượt mặt.

Ngoài ra, vận tốc chạy tối đa chỉ được 80km/giờ nên nhiều chủ phương tiện chọn quốc lộ 1 vì vừa rộng đường lại vừa không tốn phí.

Anh Phan Thanh Tùng – tài xế lái xe thuộc hợp tác xã vận tải Quyết Thắng ( Long Xuyên – An Giang) cho biết: “Bây giờ giá ở khoảng tầm 60-70 ngàn là vừa. Cao tốc 2 làn xe thì hẹp mà thu phí thì hơi cao, hạ tầng này không tương xứng”.

Để phục vụ cho việc khai thác, đơn vị chủ đầu tư đã xây dựng 4 trạm thu phí, bao gồm: Thân Cửu Nghĩa, Cai Lậy, Cái Bè và An Thái Trung.

Dự án có thời gian thu phí hoàn vốn là 14 năm 8 tháng, tuy nhiên, sẽ được điều chỉnh sau khi kiểm toán, nhưng không được quá 15 năm.

Giá vé cao và hạ tầng chưa tương xứng là 2 vấn đề đã khiến các doanh nghiệp và chủ phương tiện bỏ chọn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận mà chạy vòng QL 1A.

Xe container, xe khách, xe hàng trọng tải nặng... đã quay lại chọn quốc lộ 1A để lưu thông thay cho cao tốc

Xe container, xe khách, xe hàng trọng tải nặng... đã quay lại chọn quốc lộ 1A để lưu thông thay cho cao tốc

Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51km, đi qua 5 huyện của Tiền Giang, vận tốc thiết kế 80 km/giờ với 4 làn xe mà không có làn dừng khẩn cấp (có một số điểm dừng khẩn cấp). Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho Quốc lộ 1A.
Đoạn cao tốc này là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT) với tổng số vốn 12.000 tỉ đồng.

Trong suốt 13 năm ròng, dự án nhiều lần đổi chủ, điều chỉnh vốn, tạm dừng thi công rồi tái khởi động trong sự mong chờ của hàng triệu người dân ĐBSCL. Tuyến đường được thông xe tạm thời vào 25/1/2022 để phục vụ tết nguyên đán. Từ ngày 27/4/2022, tuyến cao tốc đã chính thức được đưa vào hoạt động hình thức miễn phí.

 

Vân Tịnh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn