Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Góc Nhìn

Cao dần đều, ngập dần đều

Kiều Tuyết: Thứ ba 03/06/2025, 18:46 (GMT+7)

Nâng cao độ nền để chống ngập là một giải pháp tốn kém mà những tác động của giải pháp này đến nay chưa được đánh giá hết. Thực tế cho thấy, việc nâng cốt nền tại nhiều tuyến đường không những không giải quyết được ngập nước mà còn gây ngập nhiều hơn.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, để không còn tình trạng nâng đường mãi không hết ngập, cần tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp phù hợp cho ngập úng đô thị chứ không thể để “Cao dần đều, ngập dần đều”.

Những sự đua nhau một cách tự phát về độ cao cốt nền đang đẩy đô thị ngày càng lún sâu vào vùng trũng của úng ngập.

Hà Nội chỉ mới đầu mùa mưa, chưa có trận nào cường độ thực sự lớn, nhưng úng ngập đã bắt đầu quay trở lại, như một nỗi phập phồng ám ảnh thường xuyên.

Không chỉ ở các tuyến đường nội thành hay khu vực đang có công trình xây dựng, mà ngay cả ở các địa bàn xa hơn, như phía Hà Đông hay khu vực Thanh Trì phía ven sông Nhuệ, nước đã dềnh vào trong sân. Nhiều trường học đã bì bõm tát nước chạy lụt, sau trận mưa chiều 21/5.

Nhiều nhà dân trên đường Phú Định, TP.HCM bị hụt xuống so với mặt đường 1 - 1,5m

Nhiều nhà dân trên đường Phú Định, TP.HCM bị hụt xuống so với mặt đường 1 - 1,5m

Những nỗ lực của công nhân môi trường, công nhân thoát nước để khơi thông dòng chảy chỉ là giải pháp “chữa ngập” tạm thời, và hiệu quả khá mong manh, phụ thuộc vào độ lớn của từng trận mưa, trong bối cảnh thời tiết ngày càng đỏng đảnh, cực đoan, khó dự báo. Nước đương nhiên vẫn dồn chỗ trũng, song vấn đề ở chỗ, thành phố ngày càng cao lên, nhưng chỗ trũng vẫn luôn xuất hiện, chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.

Không có một tiêu chuẩn thống nhất nào cho cao độ cốt nền trong xây dựng, cả công trình kết cấu hạ tầng xã hội lẫn nhà ở của người dân, đó là một “vùng trũng” của quy định. Với trạng thái quy định này, và với tâm lý lo xa, chủ hộ đều có xu hướng tôn cao nền so với mặt đường cho thoáng mát và phòng ngừa ngập úng. Nhưng khi nhà cao lên, công trình cao lên, đường lại thành “ao”, và các kế hoạch sửa đường, làm đường lại lập tức nâng nền đường lên cho khỏi “thua chị kém em”.

Cuộc đua cao độ nền để tránh ngập xuất phát từ nhu cầu chính đáng. Song điều lạ lùng ở chỗ, cuộc đua không có ban tổ chức, cũng chẳng có trọng tài. Nó không có vẻ liên quan và cũng không cần quan tâm đến những quy hoạch chống ngập, kế hoạch thoát nước của địa bàn  dân cư hay các tuyến giao thông. Nó không có thông tin tích cực về triển vọng giảm ngập úng của thành phố để làm căn cứ giảm tốc độ cho các “tay đua”. Và cũng không thấy ai “tuýt còi” vì các nguy cơ mà nó có thể mang đến.

Không ai khác, đối tượng chịu tổn thương và thiệt hại sau cùng từ “cuộc đua” này, vẫn là người dân, người đi đường hoặc người sử dụng các công trình, nhà ở cạnh đường  giao thông. Những công trình ít có cơ hội được sửa chữa nâng cấp để đôn lên - như trường học, bệnh viện, các công trình công cộng, nhà ở của người không khá giá, là nhóm dễ chịu tổn thương và thiệt hại. Hậu quả như đã nói, đầu mùa mưa, đã có những ngôi trường mà thầy trò phải tát nước bì bõm từ trong lớp ra, thứ nước mưa kèm nước cống và chất thải. Còn người dân chỉ biết thở dài.

Liệu các đô thị đã đưa úng ngập vào vấn đề cấp bách để tìm cách giải quyết triệt để các căn nguyên của nó hay chưa, hay vẫn chấp nhận để mặc cho nước dồn chỗ trũng?

Liệu các đô thị đã đưa úng ngập vào vấn đề cấp bách để tìm cách giải quyết triệt để các căn nguyên của nó hay chưa, hay vẫn chấp nhận để mặc cho nước dồn chỗ trũng?

Chống ngập cho thành phố, tất nhiên cần bắt đầu từ những quy hoạch thoát nước, từ những công trình đảm bảo năng lực tiêu thoát lớn, từ hệ thống cống rãnh được đảm bảo thông thoáng thường xuyên. Nhưng chống ngập đô thị sẽ vẫn còn loay hoay, nếu cuộc đua về cao độ cốt nền chưa nhìn thấy hồi kết.

Trên cơ sở cao độ của từng khu vực, trên thông số tính toán về khả năng thoát nước và căn cứ vào vai trò của từng khu vực, địa bàn trong quy hoạch thoát nước, các đô thị cần ban hành quy định về cao độ nền cho các công trình xây dựng nói chung, làm căn cứ thực hiện.

Giám sát trật tự xây dựng không chỉ giám sát về chiều cao, về số tầng tối đa cho phép, về mức độ đảm an toàn và vệ sinh trong quá trình xây dựng, mà trước hết, phải giám sát ngay từ phần móng và nền của công trình. Không có quy định, mạnh ai nấy xây, ai cao được thì cứ cao, rốt cuộc, nhà cửa và đường sá cứ cao nữa, cao mãi, nhưng ngập vẫn hoàn ngập.

Luật Thủ đô, hay Nghị quyết 98 thí điểm cơ chế đặc thù cho TPHCM đã mạnh mẽ phân quyền cho các đô thị để có thể chủ động tạo ra những đột phá về cơ chế, về cách làm, nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của các địa phương đầu tàu.

Mọi cơ chế đều được thiết kế từ nhu cầu của cộng đồng và mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhu cầu phát triển. Quan trọng là, các đô thị đã đưa úng ngập vào vấn đề cấp bách để tìm cách giải quyết triệt để các căn nguyên của nó hay chưa, hay vẫn chấp nhận để mặc cho nước dồn chỗ trũng.

Kiều Tuyết/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Xã, phường sẽ cấp sổ đỏ lần đầu

Xã, phường sẽ cấp sổ đỏ lần đầu

Trước đây, khi thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận lần đầu thì phải có văn bản xác nhận của UBND cấp xã về việc không có tranh chấp, sử dụng đất ổn định hoặc phù hợp với quy hoạch. Nhưng nay nếu giao thẩm quyền cho chính quyền cấp xã thì người dân sẽ không cần giấy tờ đấy...

Hà Nội kết thúc nắng nóng gay gắt, chuyển mưa dông từ đêm nay

Hà Nội kết thúc nắng nóng gay gắt, chuyển mưa dông từ đêm nay

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Bộ, trưa và chiều 2/6, Hà Nội trải qua một ngày nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhiệt độ đo được tại các trạm khí tượng lúc 13h lên tới 39 độ C.

Thay đổi mới, giá bán lẻ điện sinh hoạt cao nhất gần 4.000 đồng/kWh

Thay đổi mới, giá bán lẻ điện sinh hoạt cao nhất gần 4.000 đồng/kWh

Từ ngày 29/5, giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 xuống còn 5 bậc, giá ở bậc cao nhất (701 kWh trở lên) là khoảng 3.967 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT.

Đường càng nâng, nhà càng ngập: Vòng luẩn quẩn đến bao giờ

Đường càng nâng, nhà càng ngập: Vòng luẩn quẩn đến bao giờ

Một giải pháp chống ngập trong đô thị được triển khai nhiều năm qua là nâng đường. Khu vực nào càng ngập thì đường nâng càng cao và hệ lụy là nhiều nơi cùng nâng đường, nâng ngõ, nhà dân cũng phải nâng lên cao hơn hoặc biến thành hầm, cuối cùng ngập vẫn hoàn ngập.

Phiên chợ đồ xưa, khoảng lặng ký ức giữa phố phường

Phiên chợ đồ xưa, khoảng lặng ký ức giữa phố phường

Trong dòng chảy hối hả của Hà Nội, có một góc phố dường như ngưng đọng thời gian, nơi quá khứ vẫn thì thầm những câu chuyện cũ. Đó là phiên chợ đồ xưa Hoàng Hoa Thám, một điểm hẹn của những tâm hồn hoài cổ, nơi mỗi món đồ cũ không chỉ là vật vô tri mà còn là mảnh ghép ký ức.

Dựng rạp cưới dưới lòng đường, có bị xử phạt?

Dựng rạp cưới dưới lòng đường, có bị xử phạt?

Thính giả Hoàng Trang (Hà Nội) hỏi: “Tôi đi trên đường thấy có trường hợp gia đình có việc như đám ma, đám cưới…tận dụng vỉa hè, thậm chí dựng rạp cả dưới lòng đường, gây cản trở giao thông. Việc làm này có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào?”

Vi phạm giao thông, khi phạt tiền chưa đủ

Vi phạm giao thông, khi phạt tiền chưa đủ

Trong vòng chưa đầy 10 năm, mức xử phạt vi phạm giao thông đã 3 lần được điều chỉnh, theo hướng tăng nặng mức phạt tiền, từ Nghị định 46/2016, nghị định 100/2019 và đặc biệt là Nghị định 168/2023 đã tăng rất mạnh mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm giao thông