Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Đường càng nâng, nhà càng ngập: Vòng luẩn quẩn đến bao giờ

Kiều Tuyết - Nguyễn Yên - Dương Nghĩa: Thứ hai 02/06/2025, 06:10 (GMT+7)

Một giải pháp chống ngập trong đô thị được triển khai nhiều năm qua là nâng đường. Khu vực nào càng ngập thì đường nâng càng cao và hệ lụy là nhiều nơi cùng nâng đường, nâng ngõ, nhà dân cũng phải nâng lên cao hơn hoặc biến thành hầm, cuối cùng ngập vẫn hoàn ngập.

Việc nâng cao độ của đường cần được xem xét quy chuẩn ra sao để khắc phục tình trạng này?

PV Ban VOV Giao thông Quốc gia có mặt tại đường Phú Định, quận 8, TP.HCM - nơi mà nhiều năm qua, cuộc sống của người dân đã bị đảo lộn kể từ khi tuyến đường này được nâng cấp. Hình ảnh những ngôi nhà bỗng chốc "biến thành hầm" đã không còn xa lạ, khi nền nhà của hàng loạt hộ dân giờ đây thấp hơn mặt đường từ nửa mét cho đến một mét ba.

Để thích nghi, nhiều gia đình buộc phải nâng nền, xây thêm bậc tam cấp cao và dốc, khiến việc đi lại trở nên khó khăn, đặc biệt là với người già và trẻ nhỏ. Ông Nguyễn Văn Sơn, một trong những hộ dân bị ảnh hưởng chia sẻ:

“So với mặt đường thì nền nhà thấp hơn 3 tấc, giờ nhà mình xây trước đường thì họ làm sau mình thì giờ chịu thôi”.

Nhiều nhà dân trên đường Phú Định, TP.HCM bị hụt xuống so với mặt đường 1 - 1,5m

Nhiều nhà dân trên đường Phú Định, TP.HCM bị hụt xuống so với mặt đường 1 - 1,5m

Không chỉ nhà ông Sơn, ở cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Triệu cho biết, trước đây, nền nhà ông cao ráo, bằng phẳng với mặt đường. Thế nhưng, từ ngày con đường được nâng cao chống ngập, ngôi nhà của ông đã thấp hơn đường đến nửa mét, trở thành một cái "hầm" bất đắc dĩ, hứng trọn dòng nước mỗi khi trời mưa lớn.

“Lúc trước thì nền nhà bằng với lại mặt lộ, sau này nâng lên nhà rồi trần thấp lắm, mà giờ phải chịu thôi. Từ lúc nâng đường thì ngập cũng nhiều hơn, ngập hết hẻm này, tôi phải dùng máy bơm, hôm nào máy bơm cháy thì phải chịu ngập rồi mang máy bơm đi sửa. Sửa năm ba ngày mới xong, rồi bỏ vào bơm tiếp mới cạn nước được”.

Anh Nguyễn Văn Tài, quận 8, TP.HCM khẳng định, việc đường liên tục được nâng cấp khiến nhà dân ngày càng chìm sâu hơn và tình trạng ngập úng là điều khó tránh khỏi:

“Càng nâng đường thì nhà lại càng thấp, thì thấp như vậy nước nó lại tràn vào nhà. Nhà nào thấp thì mình phải chịu tình trạng nó như vậy. Giờ nâng nền thì phải nâng nóc, mà giờ trần nhà còn vướng giấy phép nên buộc phải nâng tạm lên. Nâng tạm nhiều lần thì rất tốn kém cho người dân”.

Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, giải pháp nâng đường trong nỗ lực chống ngập ở các đô thị trong những năm qua thường được thực hiện riêng lẻ trên từng trục giao thông, đặc biệt ở những khu vực mới mở hoặc nâng cấp:

“Một số dự án mới để chống ngập thì nâng cao nền lên, chống ngập cho công trình của họ nhưng khi nâng cao chỗ này thì nước chảy chỗ khác, vô hình trung là khu dân cư trước khi không bị ngập giờ nâng đường cao thì lại ngập khu dân cư. Tình cảnh ngập cục bộ này xảy ra khá nhiều tại TP.HCM, có những nơi đi trên đường nhìn thấy nóc nhà người ta”.

TS Hồ Long Phi, chuyên gia quản lý nước đô thị khẳng định, giải pháp nâng đường chống ngập được tiến hành lâu nay đã tạo ra các ô trữ nước, nhiều tuyến đường sau khi nâng lên trở thành con đê chắn ngang khiến nước mưa tràn ra hai bên, tràn vào nhà dân. Về mặt kỹ thuật hay thực tiễn đều cho thấy giải pháp này có nhiều bất cập:

“Người ta chọn giải pháp nhanh nhất để giải quyết một phần ngập úng đô thị là nâng đường. Thay vì nước chảy đi chỗ khác thì giờ nó giữ tại chỗ và bị ngăn cách bởi các con đường. Vấn đề ở đây là thoát chứ không phải là nâng, nếu không thoát được nước thì nâng cao bao nhiêu cũng không đủ”.

Nâng đường để chống ngập chỉ là một giải pháp tình thế, không thể giải quyết triệt để ngập úng đô thị mà còn gây thêm tốn kém, phức tạp

Nâng đường để chống ngập chỉ là một giải pháp tình thế, không thể giải quyết triệt để ngập úng đô thị mà còn gây thêm tốn kém, phức tạp

Từ thực tế này, TS Đặng Minh Tân, Phó trưởng bộ môn Đường Bộ, trường Đại học Giao Thông Vận Tải Hà Nội cho rằng:

"Có tình trạng là đường phố nâng lên thì ngõ ngập, ngõ sau đó lại nâng lên, cứ thành một chu trình. Nó có vấn đề về quy hoạch và quản lý cao độ về thoát nước trong các đô thị. Chúng ta phải có các quy hoạch tổng thể về thoát nước, việc nâng đường cần cơ chế để giám sát chặt chẽ, việc nâng lên không theo quy hoạch thoát nước quản lý chưa được tốt”.

PGS.TS Nguyễn Lâm Quảng, Phó Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, nâng đường để chống ngập chỉ là một giải pháp tình thế, không thể giải quyết triệt để ngập úng đô thị mà còn gây thêm tốn kém, phức tạp:

“Thiết kế ban đầu của hệ thống thoát nước cần được xem xét khi cải tạo, nâng cấp đường phố. Không thể thuần túy nâng chỗ này lên thì đương nhiên sẽ ngập chỗ khác, nếu cho phép cải tạo đường phố thì phải xem xét cả phương án thoát nước. Cần các giải pháp thoát nước bền vững như các hồ điều hòa, các giải pháp thấm nước, thay mặt phẳng cứng bằng mặt phẳng mềm để giải quyết việc thoát nước ở đường phố”.

TS Dương Như Hùng, Đại học Bách khoa TP HCM nhấn mạnh, giải pháp chống ngập cần giải quyết cho cả khu vực, phù hợp quy hoạch mặt bằng kiến trúc đô thị, mạng lưới thoát nước chung chứ không phiến diện riêng lẻ cục bộ hay trên một tuyến đường:

“Bài toán tổng thể phải chống ngập lụt cho cả khu vực rộng lớn, tập trung vào thoát nước, phải nghiên cứu đánh giá các tác động liên quan đến ngập lụt và hạn chế việc thấy ngập lụt là nâng đường. Chúng ta chỉ làm việc đó khi có đánh giá các khu vực xung quanh không bị ảnh hưởng”.

Các chuyên gia còn cho rằng, để không còn tái diễn cảnh “nâng đường lo ngập nhà”, việc xây dựng cơ sở dữ liệu là yêu cầu cấp bách, nhằm kịp thời tư vấn, dự báo cho người dân về hiện trạng khu vực, giúp người dân không bị động chạy theo độ cao của nền đường như hiện nay. Nếu không, chuyện chống ngập bằng cách nâng đường ở đô thị sẽ trở thành một vòng tuần hoàn luẩn quẩn mãi không có hồi kết.

Liệu các đô thị đã đưa úng ngập vào vấn đề cấp bách để tìm cách giải quyết triệt để các căn nguyên của nó hay chưa, hay vẫn chấp nhận để mặc cho nước dồn chỗ trũng?

Liệu các đô thị đã đưa úng ngập vào vấn đề cấp bách để tìm cách giải quyết triệt để các căn nguyên của nó hay chưa, hay vẫn chấp nhận để mặc cho nước dồn chỗ trũng?

Nâng cao độ nền để chống ngập là một giải pháp tốn kém mà những tác động của giải pháp này đến nay chưa được đánh giá hết. Thực tế cho thấy, việc nâng cốt nền tại nhiều tuyến đường không những không giải quyết được ngập nước mà còn gây ngập nhiều hơn.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, để không còn tình trạng nâng đường mãi không hết ngập, cần tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp phù hợp cho ngập úng đô thị chứ không thể để “Cao dần đều, ngập dần đều”

Những sự đua nhau một cách tự phát về độ cao cốt nền đang đẩy đô thị ngày càng lún sâu vào vùng trũng của úng ngập.

Hà Nội chỉ mới đầu mùa mưa, chưa có trận nào cường độ thực sự lớn, nhưng úng ngập đã bắt đầu quay trở lại, như một nỗi phập phồng ám ảnh thường xuyên.

Không chỉ ở các tuyến đường nội thành hay khu vực đang có công trình xây dựng, mà ngay cả ở các địa bàn xa hơn, như phía Hà Đông hay khu vực Thanh Trì phía ven sông Nhuệ, nước đã dềnh vào trong sân. Nhiều trường học đã bì bõm tát nước chạy lụt, sau trận mưa chiều 21/5.

Những nỗ lực của công nhân môi trường, công nhân thoát nước để khơi thông dòng chảy chỉ là giải pháp “chữa ngập” tạm thời, và hiệu quả khá mong manh, phụ thuộc vào độ lớn của từng trận mưa, trong bối cảnh thời tiết ngày càng đỏng đảnh, cực đoan, khó dự báo. Nước đương nhiên vẫn dồn chỗ trũng, song vấn đề ở chỗ, thành phố ngày càng cao lên, nhưng chỗ trũng vẫn luôn xuất hiện, chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.

Không có một tiêu chuẩn thống nhất nào cho cao độ cốt nền trong xây dựng, cả công trình kết cấu hạ tầng xã hội lẫn nhà ở của người dân, đó là một “vùng trũng” của quy định. Với trạng thái quy định này, và với tâm lý lo xa, chủ hộ đều có xu hướng tôn cao nền so với mặt đường cho thoáng mát và phòng ngừa ngập úng. Nhưng khi nhà cao lên, công trình cao lên, đường lại thành “ao”, và các kế hoạch sửa đường, làm đường lại lập tức nâng nền đường lên cho khỏi “thua chị kém em”.

Cuộc đua cao độ nền để tránh ngập xuất phát từ nhu cầu chính đáng. Song điều lạ lùng ở chỗ, cuộc đua không có ban tổ chức, cũng chẳng có trọng tài. Nó không có vẻ liên quan và cũng không cần quan tâm đến những quy hoạch chống ngập, kế hoạch thoát nước của địa bàn  dân cư hay các tuyến giao thông. Nó không có thông tin tích cực về triển vọng giảm ngập úng của thành phố để làm căn cứ giảm tốc độ cho các “tay đua”. Và cũng không thấy ai “tuýt còi” vì các nguy cơ mà nó có thể mang đến.

Không ai khác, đối tượng chịu tổn thương và thiệt hại sau cùng từ “cuộc đua” này, vẫn là người dân, người đi đường hoặc người sử dụng các công trình, nhà ở cạnh đường  giao thông. Những công trình ít có cơ hội được sửa chữa nâng cấp để đôn lên - như trường học, bệnh viện, các công trình công cộng, nhà ở của người không khá giá, là nhóm dễ chịu tổn thương và thiệt hại. Hậu quả như đã nói, đầu mùa mưa, đã có những ngôi trường mà thầy trò phải tát nước bì bõm từ trong lớp ra, thứ nước mưa kèm nước cống và chất thải. Còn người dân chỉ biết thở dài.

Chống ngập cho thành phố, tất nhiên cần bắt đầu từ những quy hoạch thoát nước, từ những công trình đảm bảo năng lực tiêu thoát lớn, từ hệ thống cống rãnh được đảm bảo thông thoáng thường xuyên. Nhưng chống ngập đô thị sẽ vẫn còn loay hoay, nếu cuộc đua về cao độ cốt nền chưa nhìn thấy hồi kết.

Trên cơ sở cao độ của từng khu vực, trên thông số tính toán về khả năng thoát nước và căn cứ vào vai trò của từng khu vực, địa bàn trong quy hoạch thoát nước, các đô thị cần ban hành quy định về cao độ nền cho các công trình xây dựng nói chung, làm căn cứ thực hiện.

Giám sát trật tự xây dựng không chỉ giám sát về chiều cao, về số tầng tối đa cho phép, về mức độ đảm an toàn và vệ sinh trong quá trình xây dựng, mà trước hết, phải giám sát ngay từ phần móng và nền của công trình. Không có quy định, mạnh ai nấy xây, ai cao được thì cứ cao, rốt cuộc, nhà cửa và đường sá cứ cao nữa, cao mãi, nhưng ngập vẫn hoàn ngập.

Luật Thủ đô, hay Nghị quyết 98 thí điểm cơ chế đặc thù cho TPHCM đã mạnh mẽ phân quyền cho các đô thị để có thể chủ động tạo ra những đột phá về cơ chế, về cách làm, nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của các địa phương đầu tàu.

Mọi cơ chế đều được thiết kế từ nhu cầu của cộng đồng và mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhu cầu phát triển. Quan trọng là, các đô thị đã đưa úng ngập vào vấn đề cấp bách để tìm cách giải quyết triệt để các căn nguyên của nó hay chưa, hay vẫn chấp nhận để mặc cho nước dồn chỗ trũng.

Kiều Tuyết - Nguyễn Yên - Dương Nghĩa/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Thay án tử hình bằng “vào tù vĩnh viễn” với tội danh vận chuyển trái phép ma túy, tham ô và nhận hối lộ

Thay án tử hình bằng “vào tù vĩnh viễn” với tội danh vận chuyển trái phép ma túy, tham ô và nhận hối lộ

Theo Bộ Công an, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự sẽ bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh trên tổng số 18 tội danh có hình phạt tử hình của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Công ty Ngân Korea bị phát hiện hơn 5.000 lọ mỹ phẩm lậu

Công ty Ngân Korea bị phát hiện hơn 5.000 lọ mỹ phẩm lậu

Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện hơn 5.000 lọ mỹ phẩm Hàn Quốc được Công ty Dược mỹ phẩm Ngân Korea mua trôi nổi trên thị trường không có hoá đơn, chứng từ kèm theo.

Chờ cấp lại GPLX, có được lái xe trên đường?

Chờ cấp lại GPLX, có được lái xe trên đường?

Thính giả Bảo An (Hà Nội): “Tôi vừa hoàn thành thủ tục, đang trong thời gian chờ cấp lại bằng lái xe. Thời gian này, tôi có được phép điều khiển phương tiện lưu thông trên đường hay không?”

Vụ mở cửa ô tô gây tai nạn ở Thủ Đức: Tài xế bị phạt hơn 20 triệu, trừ 10 điểm GPLX

Vụ mở cửa ô tô gây tai nạn ở Thủ Đức: Tài xế bị phạt hơn 20 triệu, trừ 10 điểm GPLX

Với hành vi mở cửa xe, để của xe mở không đảm bảo an toàn gây tai nạn giao thông, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 20-22 triệu đồng và bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.

Trường hợp nào không được đổi bằng lái xe?

Trường hợp nào không được đổi bằng lái xe?

Thính giả Trà Trần (Bình Lục, Hà Nam) hỏi: “Xin hỏi tôi đang muốn đổi bằng lái xe. Nhưng tôi được biết, theo quy định mới của Bộ Công an áp dụng từ ngày 1/3/2025, có một số trường hợp người dân không được đổi bằng lái. Vậy cụ thể đó là những trường hợp nào?”

Giao thông đầy rủi ro quanh Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Giao thông đầy rủi ro quanh Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đã chính thức đi vào hoạt động, mang theo kỳ vọng giải tỏa áp lực cho cảng hàng không lớn nhất cả nước. Thế nhưng, tình hình giao thông tại khu vực này vẫn đang là một bài toán nan giải với nhiều bất cập, gây ra cảnh lộn xộn và bức xúc cho người dân.

Thi lý thuyết lái xe sẽ dùng 600 câu hỏi mới từ tháng 01/6

Thi lý thuyết lái xe sẽ dùng 600 câu hỏi mới từ tháng 01/6

Bộ đề với 600 câu hỏi sát hạch lái xe do Bộ Công an biên soạn sẽ áp dụng từ 1/6, sửa đổi hoặc bổ sung hàng trăm câu hỏi.