Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Buồn vui phận muối (Bài 1): Khi diêm dân bỏ muối đuổi theo tôm

Kim Loan: Thứ ba 11/10/2022, 14:55 (GMT+7)

Hạt muối đã gắn bó với cơ nghiệp của người dân vùng biển ĐBSCL suốt nhiều thế kỷ. Tại một số địa phương, nghề làm muối cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thế nhưng, “nghề gieo nước biển” lận đận bao phen, khiến nhiều diêm dân lần lượt… giã từ đồng muối.

Đã một thời, hạt muối và người dân Bạc Liêu gắn bó nhau như máu thịt bởi muối đã giúp họ sinh cơ lập nghiệp. Làm muối phụ thuộc thời tiết, nếu mưa nắng thất thường thì coi như mất trắng. Còn trông chờ vào thị trường mà giá cả mấy năm nay thấp “chạm đáy” đã đưa đẩy diêm dân chuyển sang nuôi tôm.

Lợi nhuận cao, cũng mang tính “rủi ro” nhưng người dân vẫn quyết “đánh cược” với con tôm thay vì muối, bởi lẽ mặt hàng này đang có bước khởi đầu tốt, chỉ cần thận trọng là được. 

Hạt muối và diêm dân đã có thời gắn bó với nhau như máu thịt

Hạt muối và diêm dân đã có thời gắn bó với nhau như máu thịt

Đến cánh đồng đầy nắng, thừa gió và đậm vị mặn ở Thị trấn Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu trong thời điểm này, không còn hình ảnh những ruộng muối trắng tinh, lấp lánh dưới ánh bình minh rực rỡ ngày nào. Mà thay vào đó là ngút ngàn những vuông tôm đang chạy máy quạt để chuẩn bị thu hoạch vụ mùa “bạc tỉ”.

Anh Lê Minh Mẫn là diêm dân trưởng thành trong gia đình đã có 2 đời làm muối tại Thị trấn Hòa Bình. Sở hữu được 90 công đất rộng lớn, năm nay, anh Mẫn thận trọng chuyển đổi 40 công đất để nuôi tôm sú.

Theo hoạch định, 1 năm anh canh tác 40% diện tích tôm, 1 năm ( nếu gặp thời tiết tốt, nắng nhiều) sẽ canh tác 60% diện tích muối. 2 diện tích này đã được mặc định “chức năng” riêng biệt và một khi đã chuyển sang nuôi tôm thì vĩnh viễn không quay lại làm muối. Lý do anh Mẫn chọn nuôi tôm là vì có lợi cao hơn gấp 100 lần muối, nhưng chưa bỏ được muối là muốn lưu giữ ít “lửa” cho truyền thống của gia đình.

Anh Lê Minh Mẫn ngụ tại Thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu tâm tư: "Anh là một trong những người bỏ muối của năm nay, năm nay giá muối cao ngất ngưỡng nhưng mà anh cũng bỏ. Chuyển đi rồi thì đi luôn chớ không quay lại vì không dễ dàng. Người ta đã chuyển lai rai nhiều năm trước chỉ còn anh là người cuối cùng. Bây giờ nhân công lao động cao, xăng dầu, điện… đều tăng giá mà trong khi muối thì toàn làm thủ công.

Hằng năm anh sản xuất cả nghìn tấn muối nhưng lại khó vận chuyển, thương lái phải thuê xe nhỏ vận chuyển, khi đó thương lái ép giá mình. Bình quân mỗi năm anh lời 200 triệu từ muối. Còn chuyển qua tôm thì thiên thời địa lợi là kiếm tiền tỉ".

Nhiều diêm dân đã bỏ nghề muối chuyển sang nuôi tôm vì cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với làm muối

Nhiều diêm dân đã bỏ nghề muối chuyển sang nuôi tôm vì cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với làm muối

Không “đánh cược” ồ ạt chuyển sang nuôi tôm công nghiệp như Hòa Bình, huyện Đông Hải chọn nuôi tôm quãng canh trong ruộng muối để tăng thêm thu nhập mà Hợp tác xã Muối Huy Điền là một trong những đơn vị đi đầu. Hợp tác xã có tổng diện tích 42 hecta, tận dụng ruộng muối để hoang vào mùa mưa, các xã viên mạnh dạn nuôi tôm sú, tôm thẻ, cá kèo.

Hiện nay, ở Đông Hải đã có 2/3 diện tích làm muối được khai thác nuôi tôm vào mùa mưa, với năng suất đạt khoảng 1 - 1,2 tấn/hecta đối với tôm sú và 4 - 5 tấn/hecta đối với tôm thẻ chân trắng. Với giá tôm sú hiện nay khoảng 230.000 đồng/kg ( loại 25 – 30 con), tôm thẻ chân trắng khoảng 105.000 đồng/kg ( loại 100 con), người nuôi tôm có thể có thu nhập khá từ việc đầu tư này.

Ông Nguyễn Hoàng Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Diêm nghiệp Huy Điền cho biết: Tận dụng đất muối mặn và không có xử lý hóa chất thì mình thả tôm cua thiên nhiên, được con nào hay con nấy. Trong 6 tháng mùa nắng làm muối, 6 tháng mùa mưa hứng nước mưa để giảm độ mặn và thả tôm vào. Mình nuôi lượng thưa kiểu quãng canh.

Ở Bạc Liêu, nghề làm muối tập trung chủ yếu tại hai huyện Đông Hải và Hòa Bình, diện tích khoảng 2.200 hecta với gần 900 hộ dân làm nghề. Năm 2022 là một trong những năm “cá biệt” giá muối tăng đột biến, muối đen hiện có giá 3.000 đồng/kg thay vì chỉ giao động từ 1.400 -1800 đồng/kg như mấy năm trước đây.

Nhưng Bạc Liêu lại thiếu nguồn cung vì những trận mưa trái mùa đã gây thất thoát rất lớn lượng muối chưa kịp thu hoạch của bà con. Vụ muối năm 2021 - 2022 này được diêm dân đánh giá là vụ sản xuất khó khăn nhất trong 10 năm qua, ước tính thiệt hại gần 9.250 tấn, tương đương trên 16 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Diêm nghiệp Huy Điền vẫn kỳ vọng một mùa muối thắng lợi năm sau: Giá muối 3.000 đồng/kg là diêm dân sống khỏe, nếu giá muối cứ duy trì ổn định thế này thì bà con xã viên sống ổn định. Ngành nghề muối là cha truyền con nối, cứ hễ tới mùa là dân người ta lại muốn làm muối, mặc dù ảnh hưởng rủi ro thời tiết nhưng mà bà con ở HTX vẫn còn yêu nghề muối lắm.

Cũng theo HTX Diêm nghiệp Huy Điền, gần chục năm nay, đời sống của diêm dân trong HTX hiếm có người nào khá lên từ nghề làm muối. Mặc dù vậy, mọi người vẫn gắn bó với nghề với niềm hi vọng, chờ đợi sự quan tâm của nhà nước để cải thiện đời sống, kinh tế. Thế nhưng, sau bao nhiêu năm mong mỏi, nghề muối vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi. Thế nên, nguy cơ đồng loạt bỏ muối vĩnh viễn để đuổi theo tôm chỉ còn là chuyện sớm chiều.

Việc tăng diện tích ruộng muối là khó khả thi

Việc tăng diện tích ruộng muối là khó khả thi

Như đã nói, hiện nay việc gia tăng diện tích sản xuất muối ở Bạc Liêu là khó khả thi vì quy luật thị trường giá muối không khởi sắc. Giải pháp hiện nay được đề xuất là bảo tồn diện tích muối hiện có, song song áp dụng các chính sách, đề án để phát triển thương hiệu muối Bạc Liêu gắn với chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.

Về nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Hồ Thanh Tuấn – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đông Hải – vùng chuyên canh muối lớn tỉnh Bạc Liêu.

PV: Thưa ông, việc một số diêm dân ở Đông Hải bỏ nghề muối để nuôi tôm hiện nay có nhiều không? Và có nằm trong khung giới hạn quy hoạch chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện hay không?

Ông Hồ Thanh Tuấn: Việc bỏ muối sang tôm thì cũng theo quy luật phát triển thôi, lợi nhuận từ muối thì thấp, còn tôm thì rất cao. Cái khó nhất ở sản xuất muối mấy năm nay là mưa trái mùa, thiệt hại rất lớn sản lượng, không đảm bảo nguồn kinh tế dẫn đến thu nhập thấp.

Làm muối thì phải giữ nước thật tốt, nhưng những hộ không giữ được nước thì họ chuyển sang mô hình khác thế nên tại Đông Hải có trên 1.150 hecta làm muối thì trung bình một năm lại có vài chục hecta được chuyển đổi. Do thu nhập của diêm dân thấp quá buộc họ phải chuyển sang nuôi tôm.

PV: Ngành muối ở Bạc Liêu đối diện với viễn cảnh bị mai một dù đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vậy thì địa phương đã làm gì để hiện tượng chuyển đổi từ muối sang ngành nghề khác chậm lại?

Ông Hồ Thanh Tuấn: Khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì huyện đã khuyến khích người dân giữ lại diện tích muối, phải bảo tồn diện tích này để sau này chúng ta phát huy các giá trị kinh tế khác, kết nối du lịch, xây dựng thương hiệu muối, giữ lại ngành nghề truyền thống…

Nghề này đã được công nhận thì mình phải phát huy lợi thế để hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập. Nghề làm muối tuy có thu nhập thấp hơn tôm nhưng nó bền vững, diêm dân sống hàng chục năm với nghề muối đã cảm nhận được rằng: làm giàu từ cánh đồng muối tuy khó nhưng để ổn định cuộc sống thì bền vững hơn so với các ngành nghề khác.

PV: Giữ lại diện tích với điều kiện phải sống được với ngành muối. Phòng NN&PTNN huyện Đông Hải và Bạc Liêu đã triển khai chính sách nào dành cho diêm dân trong giai đoạn tới?

Ông Hồ Thanh Tuấn: Bộ NN&PTNN có hỗ trợ cho Bạc Liêu đề án nâng cấp cánh đồng muối, đề án này 130 tỉ. Trong đề án có 3-4 dự án nhỏ. Thứ nhất là nâng cấp hạ tầng cánh đồng muối, các hộ dân nằm trong dự án sẽ được đầu tư điện, nâng cấp lộ, nạo vét thủy lợi.

Thứ hai, dự án nâng cao hiệu quả và chất lượng muối. Ở dự án này nếu trước đây sản xuất truyền thống thì nay chúng ta sẽ sản xuất theo phương pháp công nghệ để tăng sản lượng gấp 3 lần.

Thứ ba, kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến muối để xây dựng thương hiệu, khi có nhà đầu tư vào nghiên cứu chế biến muối thực phẩm, muối dược liệu, quà tăng du lịch… thì ngành muối sẽ phát triển.

Thứ tư, sẽ xây dựng khu trưng bày muối, công cụ phương tiện sản xuất muối và lịch sử hình thành ngành muối để kết nối du lịch. Xây dựng mô hình điểm thể thu hút khách du lịch đến đây trải nghiệm. 

PV: Vâng xin được cảm ơn ông!

 

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

Hình ảnh ‘giếng làng’ xưa gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Ngày ấy, nguồn nước trong mát của giếng làng là nguồn nước sạch chính được người dân khắp xóm gánh về đun nước, nấu ăn.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.