Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Bệnh viện điều chỉnh theo khung giá khám chữa bệnh mới ra sao?

Diễm Thúy - Phan Nhơn - Minh Thùy: Thứ năm 31/08/2023, 08:38 (GMT+7)

Nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bộ Y Tế ban hành Thông tư 13/2023 quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8 vừa qua.

Thông tư này đã mang lại lợi ích gì cho người dân và cán bộ y tế? Sau 2 tuần, các bệnh viện đã tiến hành điều chỉnh giá theo khung giá mới ra sao? Để chính sách này đạt hiệu quả cần có cơ chế quản lý giám sát như thế nào? 

 

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam

Theo Thông tư 13/2023 của Bộ Y tế, khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu đối với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khác giá tối thiểu là 30.500 đồng và tối đa là 300.000 đồng/lượt. Đối với ngày giường điều trị nội trú theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế), loại 1 giường/ phòng có giá tối thiểu là 180.000 đồng, tối đa là 4.000.000 đồng/ngày. Và 1.937 loại dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu cũng được quy định mức giá tối thiểu và tối đa.

Sau 2 tuần đi vào thực tiễn, thông tư đã “cởi trói” cho các bệnh viện cũng như mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng dịch vụ:

"Thông tư 13/2023 giúp cho các cơ sở y tế công lập có hành lang pháp lý xây dựng khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu và các giường dịch vụ cho các đơn vị y tế của mình. Qua đó, tùy theo điều kiện của mình để xây dựng các giá đáp ứng được yêu cầu, dĩ nhiên là phải công khai minh bạch".

"Đây là một thông tư kịp thời, giải quyết được vấn đề thu chưa đúng, chưa đủ trước đây. Thứ hai giúp cho các bệnh viện công thu hút, tăng thu nhập chính đáng, giữ chân các cán bộ y tế và nhảy được vào cuộc chơi tài chính y tế một cách bài bản hợp lý".

"Người dân có quyền lựa chọn loại hình dịch vụ, chọn lựa nhân viên y tế, chọn lựa cơ sở hạ tầng, có thể bỏ qua y tế cơ sở đến thẳng bệnh viện chuyên khoa nào mà họ thích".

Hiện, hầu hết các bệnh viện đang tiến hành điều chỉnh giá theo thông tư số 13. Tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, quận 5 – bệnh viện hạng 1, trực thuộc Sở Y Tế TPHCM: mỗi ngày có đến 400 – 500 lượt bệnh nhân KCB theo yêu cầu, trên tổng số khoảng 2300 lượt khám chữa bệnh ngoại trú tại bệnh viện và khoảng 25% giường bệnh nội trú là giường dịch vụ.

Bác sĩ CKII, Lương Công Minh – Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: hiện bệnh viện đang áp dụng mức giá trần 500.000 đồng/lượt KCB theo yêu cầu không phân biệt khám GS, PGS hay TS, BS CKI... Giá các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm đang trong quá trình rà soát, điều chỉnh theo khung giá mới: 

“Trong thông tư có quy định giá trần cho nên chúng tôi tôn trọng mức giá trần này và chúng tôi thực hiện điều chỉnh. Liên quan đến dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm theo yêu cầu thì tạm thời đưa các phòng chức năng, kế toán rà soát hiện chưa có nào vượt quá. Do danh mục của bệnh viện hạng 1 khá nhiều chưa rà soát hết, chúng tôi đang gửi tiếp các trưởng khoa để các trưởng khoa xem như những cái nào họ cần tăng, bởi vì trong này có yếu tố mời chuyên gia, và có thể là báo luôn chi phí mời chuyên gia nước ngoài. Sau nghỉ lễ, sẽ có báo cáo tổng hợp và tiến hành điều chỉnh toàn bộ dịch vụ của bệnh viện”.

Hiện nay các bệnh viện đang thu dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu với nhiều mức giá khác nhau. Ảnh: Người lao động

Hiện nay các bệnh viện đang thu dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu với nhiều mức giá khác nhau. Ảnh: Người lao động

Còn tại bệnh viện Chợ Rẫy – bệnh viện hạng Đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, đơn vị tuyến cuối của ngành y tế phía Nam, việc áp dụng Thông tư 13 gặp trở ngại, bởi cơ cấu giá chỉ mới tính đúng và đủ cho các chi phí cấu thành dịch vụ, chứ chưa thể hiện được tính chất bác sĩ được người bệnh yêu cầu khám chữa bệnh.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt – Trưởng phòng kế hoạch Tổng hợp bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Hiện nay, bệnh viện đang xây dựng một số kỹ thuật mà cái nào cao hơn Thông tư 13 thì mình lấy theo Thông tư 13, cái nào xây dựng thấp hơn thì mình vẫn giữ nguyên giá thấp đó. Vẫn thực hiện đúng theo Thông tư 13 quy định, Một số kỹ thuật bệnh viện chưa xây dựng kịp thì bệnh viện sẽ áp như kỹ thuật của các bệnh viện tương đương như bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức.... bệnh viện áp trước mắt là bằng những giá đó”.

Lựa chọn con đường riêng “chậm mà chắc”, bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức chưa thực hiện điều chỉnh giá khám chữa bệnh dịch vụ trong năm 2023.

Theo BSCKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh: bệnh viện giữ nguyên giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm như trước và cũng chưa có sự điều chỉnh nâng tổng số giường dịch vụ từ 15% lên tối đa 20%. Dự kiến, lộ trình đến năm 2024-2025, mới điều chỉnh giá tăng thêm 10% -15%: 

“Hiện nay chúng tôi không có tăng giá, chủ yếu tập trung vào việc nâng cao chất lượng. Với giá hiện nay, KCB theo yêu cầu là 150.000 nghìn đối với trường hợp khám các BS CKI, các bác sỹ của bệnh viện, còn 200.000 nghìn là đối với TS, các GS mà từ các bệnh viện lớn của thành phố về để hỗ trợ. Lấy 200 nghìn để có nguồn kinh phí để chi trả cho nhân công cũng như hệ thống, mạng lưới cả bộ máy để cung cấp các dịch vụ này. Dĩ nhiên là cũng có phần để tích lũy để tái đầu tư về đào tạo về cơ sở vật chất để ngày càng được nâng cao hơn nữa.”

Có thể thấy, Thông tư số 13 quy định khung giá khám KCB, giá giường dịch vụ với biên độ khá rộng giữa giá tối thiểu và giá tối đa, giúp cho các bệnh viện chủ động hơn trong việc xây dựng khung giá riêng của đơn vị mình.

Tuy nhiên, theo TS.BS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng: để đảm bảo giá đưa vào vận hành ở các bệnh viện phù hợp với thực tế, hài hòa lợi ích của cơ sở y tế vận hành và người sử dụng dịch vụ, người KCB bằng bảo hiểm y tế thì cần có một đơn vị quản lý giám sát, đánh giá độc lập:

"Để đảm bảo cho người dân nhìn được một cách khách quan, khoa học chất lượng dịch vụ y tế đạt được có tương xứng với giá đưa ra hay không ở mỗi bệnh viện thì cần có một cơ quan nghiên cứu độc lập, bên ngoài hệ thống dịch vụ y tế thực hiện giám sát đánh giá độc lập, chất lượng dịch vụ y tế và giá cả dịch vụ y tế, cho chúng ta biết là chất lượng dịch vụ y tế đang đến đâu xét với mức giá đã đưa ra”", TS.BS Trần Tuấn cho biết.  

Ảnh: TTXVN

Ảnh: TTXVN

Cần đi kèm cơ chế giám sát để đảm bảo lợi ích của người sử dụng dịch vụ

Những năm gần đây, ngành y tế ở nước ta đang được đẩy mạnh nhờ áp dụng nhiều công nghệ chuyển đổi số, các kỹ thuật cao, chuyên sâu ngày càng đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng người dân có điều kiện kinh tế vẫn đi nước ngoài để tầm soát, khám chữa bệnh.

Lý do có thể là người dân còn thiếu thông tin về các kỹ thuật y tế chuyên sâu hoặc biết nhưng chưa hài lòng với cơ sở hạ tầng, dịch vụ tiện ích của các bệnh viện trong nước. Vậy nên, việc Thông tư số 13 của Bộ Y tế ban hành không chỉ phù hợp trong điều kiện y tế nước ta ngày càng phát triển mà còn “cởi trói” cho các bệnh viện trong việc nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh.

Đó là giúp các bệnh viện, cơ sở y tế có cở sở pháp lý để xây dựng khung giá dịch vụ phù hợp với sức chi trả của người dân; đồng thời tạo nguồn thu cho bệnh viện đầu tư trở lại cở sở, thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh, trong bối cảnh giá vật tư ngày càng tăng cao như hiện nay.

Nhờ Thông tư này, bệnh viện sẽ không cậy mình có uy tín, thương hiệu mà xây dựng giá một cách tuỳ tiện. Bởi nếu xây dựng giá quá cao mà cơ sở vật chất không đáp ứng thì người dân sẽ không đến, bệnh viện rơi vào tình trạng “ế ẩm”.

Tuy nhiên, nếu bệnh viện có mức giá hợp lý, tính đúng, tính đủ, đi kèm với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, có thái độ phục vụ tốt thì rõ ràng sẽ càng thu hút khách; thậm chí người dân vẫn chấp nhận bỏ ra mức giá cao để được khám chữa bệnh. Việc bệnh viện có thêm nguồn thu cũng là cơ sở để chi trả tăng lương, giữ chân cán bộ y tế có năng lực gắn bó lâu dài với các cơ sở y tế công lập.

Vấn đề còn lại là, trong quá trình các bệnh viện, cơ sở y tế công lập xây dựng các đơn giá phải công khai để người dân biết mà lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh theo nhu cầu; khi làm dịch vụ cũng phải chấp nhận góp ý, phê bình thẳng thắn để có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế. Nhất là chú trọng đảm bảo chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ y tế; sử dụng nguồn thu để đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị y tế.

Để làm tốt việc này, công tác giám sát chặt chẽ từ Thanh tra Bộ Y tế là rất cần thiết; qua đó uốn nắn các bệnh viện có hành vi khám bệnh không chu đáo, không an toàn, cũng như kịp thời phát hiện xử lý hành vi lợi dụng việc tăng giá để tham ô, tham nhũng.

Bên cạnh việc quan tâm đến khung giá khám dịch vụ, nhà nước cũng cần tính toán chính sách hỗ trợ song song với việc chăm lo chất lượng khám bảo hiểm y tế dành cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp. Không nên đẩy cái khó cho bệnh viện và người dân.

Do đó, để Thông tư nhanh chóng đi vào hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc giám sát, cũng như hoàn thiện các văn bản, quy chế tạo hành lang pháp lý tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế và đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân khi đi khám bệnh./.

 

Diễm Thúy - Phan Nhơn - Minh Thùy/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Xe hợp đồng không được gom khách lẻ: Quản lý thế nào?

Xe hợp đồng không được gom khách lẻ: Quản lý thế nào?

Từ năm 2025, hành khách sẽ không thể đi chung xe hay đặt chỗ lẻ từng trường hợp để nhà xe đưa đón tận nhà, bởi theo quy định mới, ôtô vận chuyển hành khách theo hợp đồng không được nhận khách lẻ, không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng, không ấn định lịch trình cố định…

Năm 2025: Dấu mốc của nhiều dự án giao thông

Năm 2025: Dấu mốc của nhiều dự án giao thông

Năm 2025, ngành giao thông đặt mục tiêu khởi công 19 dự án và hoàn thành 50 dự án, trong đó có một số dự án giao thông trọng điểm của quốc gia.

Bỏ xe, không nộp phạt vi phạm giao thông: Trốn không thoát, thiệt hại nhiều hơn

Bỏ xe, không nộp phạt vi phạm giao thông: Trốn không thoát, thiệt hại nhiều hơn

Thực tế đã từng có nhiều trường hợp người vi phạm giao thông cố tình không chấp hành bằng cách bỏ lại phương tiện, vì giá trị của chiếc xe không bằng mức phạt phải nộp. Không riêng gì tại Việt Nam, đây cũng là tình huống mà lực lượng chức năng ở nhiều nước trên thế giới phải đối mặt.

Trăm năm hủ tiếu Mỹ Tho

Trăm năm hủ tiếu Mỹ Tho

Mỹ Tho, vùng đất trù phú nằm bên dòng sông Tiền, là nơi hội tụ văn hóa của nhiều cộng đồng dân cư qua các thời kỳ. Trong dòng chảy lịch sử ấy, sự góp mặt của người Hoa vào cuối thế kỷ 17 đã để lại những dấu ấn sâu sắc, không chỉ trong đời sống kinh tế mà còn trong ẩm thực.

Thị phần môi giới hàng hóa 2024: Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Thị phần môi giới hàng hóa 2024: Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Năm 2024, thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ.

Nhiều phường tại TP.HCM ‘về chung nhà’

Nhiều phường tại TP.HCM ‘về chung nhà’

Từ ngày 01/1/2025, 80 phường thuộc 10 quận nội thành TP.HCM đã chính thức sáp nhập thành 41 phường mới. Đây là một sự kiện quan trọng trong nỗ lực tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý và phục vụ người dân của thành phố.

Cảnh báo mua bán, sử dụng pháo nổ trái phép dịp Tết

Cảnh báo mua bán, sử dụng pháo nổ trái phép dịp Tết

Những tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán, hoạt động mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép sẽ có chiều hướng gia tăng. Thời gian qua, tại TP.HCM và các tỉnh lận cận, hàng loạt vụ vận chuyển pháo nổ trái phép cũng bị phát hiện.