Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Bản đồ 2024 – Bản đồ Xanh

Huy Hoàng: Chủ nhật 11/02/2024, 19:44 (GMT+7)

Năm Quý Mão 2023 khép lại với một không khí hết sức sôi động của quá trình chuyển đổi xanh. Lần đầu tiên tại Việt Nam có một sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức và cũng lần đầu tiên nước ta nhận về 51,5 triệu USD tương đương khoảng 1200 tỷ đồng từ trồng rừng.

Bên cạnh đó, đề án 1 triệu hecta lúa gạo chất lượng cao giảm phát thải và hàng loạt dự án năng lượng sạch có vốn đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu khởi động, hứa hẹn 1 viễn cảnh hết sức tươi sáng cho nước ta trong thời gian tới. 

Có thể xem năm Quý Mão 2023 là năm bản lề quan trọng chứng kiến sự quá trình chuyển đổi xanh diễn ra nhanh và rộng. Từ các trào lưu tiêu dùng hàng ngày cho đến tư duy sản xuất sạch, giảm thiểu phát thải hay các mô hình thí điểm phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững. Bước qua năm mới Giáp Thìn 2024, các chuyên gia dự báo xu hướng chuyển đổi xanh sẽ là xu hướng chủ đạo với nhiều thành tựu còn ấn tượng hơn.

Hướng tới phát triển bền vững chính là la bàn cho chặng đường tương lai của đất nước. Đầu năm mới, lên kế hoạch cho một năm tràn đầy hy vọng, chúng ta hãy cũng nhau vẽ lên một bản đồ xanh - bản đồ hy vọng cho năm mới Giáp Thìn – 2024.

Xanh hoá trong tiêu dùng, sản xuất và kinh doanh – xu hướng chủ đạo của 2024

Những ngày cuối năm Quý Mão 2023, Trần Tiểu My sinh viên trường đại học Fullbright và nhóm bạn của mình ghé thăm trang trại ca cao Stone Hill (Ấp 2, huyện Tân Phú, Đồng Nai) và có những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với những chuyến du lịch đơn thuần khác.

Nhóm bạn trẻ đô thị đã phải liên tục à ồ vì những điều mới lạ như khu lưu trú không có máy lạnh, không có toilet trong phòng, được tham gia trực tiếp vào quá trình trồng trọt cây ca cao, sản xuất socola theo quy trình hoàn toàn organic cũng như được truyền thêm cảm hứng về những con người thầm lặng nhưng bền bỉ tạo nên những giá trị đặc biệt:

"Đầu tiên em thấy mình được refresh vì thực tế ở Sài Gòn cái chỉ số không khí cực kỳ tệ nên khi đến Stonehill thì không khí rất rất là trong lành. Thứ hai là mình được hoà cùng thiên nhiên, cây mình ăn cũng do mình tự trồng, những thứ mình tạo ra và sử dụng luôn trong bữa ăn nên có cảm giác không có hoá chất độc hại. Ngoài ra bọn em được truyền cảm hứng rất lớn về Stonehill, những câu chuyện về thầy Phước và các anh chị ở đây trồng cây cacao theo 1 cách hoàn toàn khác. Và con đường đó theo em rất sustainable (bền vững)", Trần Tiểu My chia sẻ.

Vườn cafe Arabica Organic của Pine Village

Vườn cafe Arabica Organic của Pine Village

Trên kênh tiktok cá nhân của Trần Tiểu My, những video clip trải nghiệm của My và nhóm bạn tại Stonehill đã trở nên viral và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Điều này cho thấy xu hướng tìm về tự nhiên đã và đang dần hình thành trong một bộ phận các bạn trẻ trước những áp lực từ cuộc sống đô thị.

Từ thực tiễn các hoạt động trải nghiệm, đào tạo về sản xuất tuần hoàn, thực hành lối sống xanh, bà Dương Ngọc Nghi Thư – quản lý dự án khoá học về bền vững, điều hành chính các hoạt động tại Stonehill Farm cho biết thêm về xu hướng tiêu dùng và sử dụng sản phẩm, dịch vụ xanh như sau: "Gần đây khi mức sống cao hơn thì người ta có xu hướng tìm về lối sống xanh cũng như lựa chọn dùng các sản phẩm có tiêu chuẩn cao. Sản phẩm sạch/hữu cơ được chia làm 2 dạng: một là có nhãn mác được bày bán trong các siêu thị/cửa hàng cao cấp, hai là các sản phẩm từ nhà vườn được bán qua các phiên chợ định kỳ hay online.

2 hình thức này đang diễn ra song hành nhưng trong bối cảnh rau chợ đội lốt hàng sạch tràn lan thì người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang phương thức thứ 2. Với kiểu mua sắm này người tiêu dùng cũng dựa trên niềm tin, nhưng được giao tiếp trực tiếp, tương tác, quan sát thậm chí đến tận nơi sản xuất để đảm bảo mua hàng đúng chất lượng.

Kiểu mua sắm này tạo cơ hội cho những mô hình vườn nhỏ lẻ có khách hàng ổn định từ đó thúc đẩy dấn thân vào con đường nông nghiệp bền vững, xây dựng sản phẩm sạch và kênh bán hàng cho riêng mình".

Bén duyên với địa danh nổi tiếng về trà là vùng Cầu Đất, Đà Lạt, song chị Lê Thị Tuyết – CEO của Pine Village và những người đồng hành đã nhận ra tiềm năng lớn từ hạt cà phê Arabica với các dòng sản phẩm lừng danh như Moka, Bourbon, Catimor…đang dần bị mai một bởi xu hướng sử dụng có phần dễ dãi của 1 bộ phận người dùng.

Chia sẻ về dự án cà phê Arabica Organic mà Pine Village đang triển khai, chị Lê Thị Tuyết cho biết thêm: "Mình sẽ tiếp tục duy trì việc trồng trọt xanh sạch, đồng thời cũng định hướng xây dựng 1 khu sản xuất mang tính chất Carbon Neutral để làm sao tiết kiệm và tái sử dụng các nguồn năng lượng, giảm thểu khí thải ảnh hưởng môi trường.

Quan trọng hơn là cố gắng lan toả rộng hơn đến nhiều nông dân tại khu vực này để từ từ chuyển đổi, hướng đến việc sản xuất xanh sạch".

Bên cạnh du lịch xanh hay nông nghiệp xanh thì giao thông xanh là lĩnh vực có sự chuyển biến hết sức tích cực trong năm vừa qua. Anh Lê Thanh Tú ( 45 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) sau 1 thời gian tìm hiểu đã quyết định bán chiếc xe gắn máy để chuyển sang sử dụng một chiếc xe máy điện do một doanh nghiệp trong nước phát triển. Với những chính sách hỗ trợ giá bán lẫn phương thức thanh toán của đơn vị bán hàng, anh Tú gần như không phải tốn thêm chi phí nào để chuyển đổi từ xế xăng sang xế điếc:

"Sau 1 thời gian trải nghiệm sử dụng xe điện tôi thấy có nhiều sự khác biệt so với xe xăng truyền thống. Ưu điểm thứ nhất là tiết kiệm, sử dụng nhiên liệu sạch không ô nhiễm môi trường, bảo trì bảo dưỡng cũng tiết kiệm.

Song cũng có điểm hạn chế là cơ sở hạ tầng sạc ở chung cư tôi ở còn khó, sạc nơi công cộng cũng chưa nhiều. Vì vậy rất mong các ngành chức năng cần hỗ trợ xây dựng thêm tiện ích cho xe điện vì tới đây người dân sẽ chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện rất nhiều", anh Lê Thanh Tú nói.

Anh Nguyễn Khánh Hưng – admin Group Người dùng xe điện Việt Nam cho biết số lượng thành viên mới tham gia nhóm trong năm 2023 tăng mạnh so với các năm trước. Điều này cũng tỷ lệ thuận với tốc độ chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện của người dùng trong nước.

Với những nền tảng có được từ năm 2022, 2023 anh Nguyễn Khánh Hưng dự báo năm Giáp Thìn 2024 sẽ chứng kiến một sự bùng nổ nhanh chóng của xe điện: "Xu hướng chuyển đổi của năm 2023 theo quan sát của em thì rất sôi động so với trước đó, nhất là phân khúc người dùng trẻ. Nếu như trước đó họ phân vân nhiều nhưng khi có chính sách hỗ trợ từ các hãng như Vinfast, Yadea, Sơn Hà…trợ giá tốt hơn giúp họ quyết định chuyển đổi nhanh hơn.

Năm 2024 Chính phủ sẽ có bước hỗ trợ và can thiệp mạnh hơn, chính vì đó người dân sẽ được tiếp cận với xe điện với mức giá còn rẻ hơn nữa, dễ chịu hơn nữa qua đó giúp làn sóng chuyển đổi xanh bùng nổ mạnh mẽ hơn trong năm 2024".

Nhà báo Huy Hoàng trải nghiệm quá trình làm cafe Arabica Organic

Nhà báo Huy Hoàng trải nghiệm quá trình làm cafe Arabica Organic

Không chỉ là tìm về tự nhiên, sản xuất, sử dụng sản phẩm sạch, tiết kiệm nhiên liệu, xu hướng tái sử dụng hàng hoá đã qua sử dụng hoặc các sản phẩm tái chế đã và đang nhận được sự quan tâm tích cực của nhiều người. Theo thống kê của các tổ chức tái chế quốc tế thì tỷ lệ sử dụng hàng hoá đã qua sử dụng trong năm 2023 đạt mức 36% - 40% và dự báo sẽ đạt đến 50-52% vào năm 2025.

Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa – CEO, người sáng lập Reshare đây là chỉ dấu đáng khích lệ và sẽ còn bùng nổ trong năm 2024: "Khi sức ép về kinh tế ngày càng khó khăn thì người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu và lựa chọn phương án tiết kiệm chi phí bằng việc sử dụng đồ đã qua sử dụng.

Về vĩ mô minh nghĩ xu hướng này sẽ chuyển dịch dần dần kể cả tầng lớp trung niên cũng ưu tiên sử dụng, bên cạnh đó thì nhận thức môi trường của các bạn trẻ cũng khiến các bạn lựa chọn mặc để bảo vệ môi trường hơn thời trang".

Ở lĩnh vực tái chế, năm 2023 đã ghi nhận sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của người tiêu dùng nội địa về các sản phẩm tái chế khi tỷ lệ sử dụng các sản phẩm tái chế từ nhựa, bao bì đã tăng lên 40% - 45%.

Theo ông Huỳnh Ngọc Thạch – Giám đốc điều hành công ty nhựa tái chế Duy Tân thì đây chính là động lực tích cực để các doanh nghiệp tái chế mở rộng quy mô hoạt động, hướng đến mục tiêu lâu dài: "Mong muốn năm 2024 thì sản lượng thu gom và tái chế của Duy Tân sẽ nâng lên khoảng 50.000 tấn/năm. Ở giai đoạn tiếp theo, chúng tôi cũng mong muốn được mở rộng phạm vi ra các địa phương từ miền Trung trở ra Bắc để làm sao thu gom và tái chế nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước cũng như góp phần vào cam kết Netzero vào năm 2050 của Thủ Tướng".

Chuyển đổi xanh không chỉ là câu chuyện của người dân, doanh nghiệp hay những nhà hoạt động môi trường mà còn là vấn đề của các đô thị, trong đó có TPHCM. Năm Quý Mão 2023, ghi nhận rất nhiều nỗ lực của chính quyền TP.HCM trong việc xanh hoá trên nhiều lĩnh vực nhằm khơi thông thêm nguồn lực tăng trưởng mới, ông Phan Văn mãi – chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh:

"Đây là những vấn đề nội tại mà chúng tôi thấy, nếu không chuyển đổi xanh, nếu không tiếp cận xu thế thế giới, không có chiến lược bài bản, không có chính sách cụ thể, lâu dài thì chắc chắn kinh tế TP sẽ không tạo ra giá trị mới, năng lực cạnh tranh mới, không có đóng góp tốt cho nền kinh tế cả nước".

Có thể thấy xu hướng chuyển đổi xanh trong sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh đã và đang nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân, cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền cá địa phương.

Mặc dù vậy, với những hạn chế trong cơ chế chính sách lẫn thói quen của người dùng lẫn tư duy sản xuất kinh doanh kiểu cũ thì con đường xanh hoá vẫn đang đối mặt với rất nhiều thử thách.

Một góc thu gom rác thải nhựa của Duy Tân Recycle

Một góc thu gom rác thải nhựa của Duy Tân Recycle

Thách thức và cam kết trên tiến trình xanh hoá

Sau nhiều năm thăm dò và nghiên cứu thị trường, Chị Lê Thị Tuyết – CEO của thương hiệu cà phê Pine Village và các cộng sự của mình quyết định sẽ tạo nên bước đột phá trong năm mới Giáp Thìn 2024.

Chị Tuyết cho biết sẽ tập trung cho nghiên cứu và chuẩn hoá quy trình trồng, thu hoạch, chế biến cà phê arabica theo hướng hoàn toàn organic và tiến tới mở rộng sản xuất, gia tăng sản lượng cũng như giá trị thương phẩm cho hạt cà phê arbica. Dù khá kiên định với hướng đi của mình song chị Tuyết vẫn có phần e dè, bởi vì: 

"Ai cũng thích ngon bổ rẻ nhưng thực tế thì quan điểm đó không phu hợp và trải nghiệm thời gian qua với mình là rất khó khăn, nhiều khi tưởng chừng phải bỏ cuộc. Vai trò điều tiết và các chính sách hỗ trợ của nhà nước là rất quan trọng do đó mình cũng mong muốn nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ sản phẩm trước khi ra thị trường, đồng hành với các nhà sản xuất sạch xanh, đồng thời có sự mở rộng chính sách sao cho phù hợp với từng lĩnh vực, từng địa phương gắn liền với những hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể".

Cũng đặt mục tiêu nâng cao sản lượng lẫn phạm vi thu gom và tái chế trong năm mới Giáp Thìn 2024, Ông Huỳnh Ngọc Thạch - Giám đốc điều hành công ty nhựa tái chế Duy Tân đề xuất: "Cũng rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ như làm sao vận hành hệ thống IBA một cách hiệu quả để giúp cho thị trường trong nước cũng như sản phẩm đầu ra cho nội địa tăng trưởng tốt. Từ đó doanh nghiệp sẽ quay trở lại mở rộng thu gom đầu vào sao cho tốt và nhiều hơn".

Bên cạnh sự đồng hành của chính quyền các địa phương cũng như Chính phủ thì việc thay đổi và nâng cao nhận thức từ chính người tiêu dùng cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong cộng đồng.

Bà Dương Ngọc Nghi Thư – quản lý dự án khoá học về bền vững của Stonehill Farm cho rằng: "Chúng tôi cho rằng giáo dục là kênh quan trọng để lan toả lối sống xanh với nhiều người và khi có nhiều trang trại, mô hình chuyển đổi dần sang hướng thuận tự nhiên bền vững thì người tiêu dùng có nhiều cơ hội để tiếp cận với sản phẩm sạch nhiều hơn".

Từ góc độ những người trẻ có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, titktoker Trần Tiểu My cho rằng xu hướng chuyển đổi xanh sẽ lan toả nhanh hơn trong cộng đồng nói chung, người trẻ nói riêng nếu các bên quan tâm nhiều hơn đến công tác truyền thông:

"Em thấy có 1 lượng cầu rất lớn trong khi bên cung lại không đẩy mạnh ví dụ như em lên clip truyền thông cho Stonehill khi mà viral thì họ không có cách hứng phễu mà em đẩy về. Do vậy cần được truyền thông nhiều hơn vì sản phẩm họ làm ra rất tốt nhưng không nhiều người biết thì rất uổng".

Với Nghị Quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, lãnh đạo địa phương này đang cho thấy quyết tâm mạnh mẽ để chuyển hoá nền kinh tế từ nâu sang xanh. Trên thực tế, rất nhiều công trình, đề án cụ thể đã bắt đầu được triển khai nhằm hiện thực hoá cam kết lẫn trách nhiệm của một địa phương mang tính tiên phong như TP.HCM, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh:

"TP.HCM là địa phương có trách nhiệm, đi đầu trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và sẽ là địa phương nhận nhiệm vụ đầu tiên, nhận nhiệm vụ lớn nhất để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế. Tp không có lựa chọn nào khác và chúng tôi xem đó là sứ mạng, phải đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi xanh cũng như nỗ lực trong phát triển bền vững".

Bên trong nhà máy xử lý tái chế Duy Tân Recycle

Bên trong nhà máy xử lý tái chế Duy Tân Recycle

Là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện cam kết hành động khí hậu thế giới, Việt Nam thời gian qua đã triển khai hàng loạt chủ trương chính sách quan trọng để từng bước hiện thực hoá lộ trình Net to Zero vào năm 2050, góp phần theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Phó Thủ Tướng Chính Phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh:

"Để thực hiện được các cam kết quốc tế cũng như triển khai hiệu quả các chủ trương lớn về phát triển bền vững, chỉ có nỗ lực hay quyết tâm chính trị vẫn chưa đủ, mà cần sự thấu hiểu, ủng hộ và chung tay rộng rãi của người dân, sự sáng tạo và tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và địa phương, tính đồng bộ và hiệu quả của chính sách. Đồng thời, còn cần huy động một nguồn lực to lớn từ xã hội và các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước".

Rõ ràng chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều thách thức, biến động. Việc người dân, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương tham gia sâu rộng hơn vào quá trình chuyển đổi xanh cho thấy những tín hiệu hết sức tích cực, tuy nhiên để cuộc vận động này được duy trì lâu dài thì cần lắm sự chung tay mạnh mẽ, tích cực hơn từ nhiều phía.

Năm Quý Mão 2023 chứng kiện sự tích cực, năng động, sáng tạo của chính quyền TPHCM trong quá trình chuyển đổi xanh. Đặc biệt kể từ khi Nghị quyết 98 của Quốc hội có hiệu lực, TPHCM đã cụ thể hoá nhiều chương trình, đề án chuyển đổi xanh nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, trong đó có đề án thí điểm phát triển “Cần Giờ Xanh”.

Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hồng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ.

PV: Như Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho nói năm 2023 là một năm mà chúng ta chuẩn bị để chất những kiện hàng lên đoàn tàu của Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn tàu Nghị quyết 98, là một đại biểu Hội đồng nhân dân Tp, một người con của huyện đảo Cần Giờ thì Ông nhìn nhận năm 2023 bằng một tâm thế như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hồng: Như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố, thì năm 2023 là một năm để chúng tôi chuẩn bị các điều kiện, thủ tục để chuẩn bị cất cánh của trong năm 2024.

Cụ thể là năm 2023 và đầu cuối năm 2022 thì Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 12,  đây là một cái cơ hội cũng là một cái chìa khóa để Cần Giờ chuẩn bị các bước hết sức là quan trọng để phát triển và khai phá các cái tiềm năng mà Cần Giờ trước đây chưa có điều kiện để chúng ta khai thác và phát triển.

Cái thứ hai nữa là cái nghị quyết chuyên đề về phát triển xã đảo Thạnh An và Thứ ba là thành phố cũng đã cho phép Cần Giờ xây dựng cái quy hoạch huyện song song với quy hoạch chung của thành phố. Đây là một cái cơ hội để Cần Giờ chuẩn bị phát triển và chúng tôi cũng đã và đang tập trung hết sức với quyết tâm cao, nỗ lực lớn cùng với hành động quyết liệt để chuẩn bị cất cánh cho năm 2024.

PV: Nghị quyết 98 của Quốc hội đã mở ra rất là nhiều cơ hội để TPHCM phát triển theo hướng xanh và bền vững hơn, trong đó lãnh đạo TPHCM cũng đã xác định Cần Giờ là một trong những địa phương trọng tâm để phát triển Cần Giờ cũng như Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng xanh. Ông nhận thấy cơ hội này ra sao đối với người dân và chính quyền của huyện Cần Giờ?

Ông Nguyễn Văn Hồng: Được sự quan tâm của lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố thì Nghị quyết 98 của Quốc hội là một cơ hội rất quan trọng để tạo đột phá cho Cần Giờ trong tương lai. Cụ thể là trong Nghị quyết 98 chúng tôi hết sức kỳ vọng về cây cầu Cần Giờ theo hình thức đầu tư BT và BOT.

Đây là một cơ hội mà cũng là các điều kiện hết sức là thuận lợi để chúng tôi cùng với sở, ngành thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố để đầu tư xây dựng cây cầu Cần Giờ.  Dự kiến chúng tôi sẽ triển khai cầu Cần Giờ vào đầu năm 2025. Đây cũng là một cái mong mỏi của chính quyền, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cần Giờ trong nhiều năm qua.

Cái hướng thứ hai nữa thì Nghị quyết 98 cũng tạo cái cơ hội rất là lớn cho huyện Cần Giờ để xây dựng và phát triển một huyện Cần Giờ xanh. Một là chúng tôi sẽ tập trung triển khai hình thức là giao thông xanh. Cái thứ hai là kết hợp du lịch với sản phẩm OCOP xanh. Thứ ba là tập trung phát triển năng lượng tái tạo và chúng tôi sẽ tập trung phối hợp để kêu gọi đầu tư cái năng lượng điện gió, năng lượng điện mặt trời kết hợp với du lịch sinh thái cũng như là các cái sản phẩm kinh tế biển.

Khi triển khai các dự án lớn thì chúng tôi sẽ kết hợp với chồng rừng và tín chỉ carbon. Chúng tôi sẽ kết hợp cùng với sở, ngành thành phố để tham mưu cho UBND Tp để tập trung mọi nguồn lực để phát triển Cần Giờ xanh trong tương lai.

PV: Nhiều người cũng đã bắt đầu chú ý đến huyện đảo Cần Giờ sau rất là nhiều các hoạt động cũng như là thông tin từ phía lãnh đạo chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể hơn, từ góc độ một người dân Cần Giờ, ông muốn giới thiệu những sản phẩm gì, những đặc sản gì của Cần Giờ đối với người dân không phải chỉ ở TPHCM mà ở khắp mọi nơi trên cả nước trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 này?

Ông Nguyễn Văn Hồng: Vừa rồi chúng tôi cũng đã kết hợp thực hiện nghị quyết của Thành ủy, chúng tôi đã phối hợp với các Sở ngành thành phố mà đặc biệt là Sở Du lịch. Chúng tôi đã và đang làm thí điểm cái mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thành An, đây là một trong những cái địa danh, một xã đảo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận để tạo các điều kiện việc làm cũng như là nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân ở trên xã đảo Thạnh An cũng như là huyện Cần Giờ nói chung.

Tiếp theo, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Lăng và Cảng Sài Gòn xây dựng phòng tưởng niệm Bác Hồ ở xã đảo Thạnh An. Đây là một trong những việc làm có ý nghĩa hết sức là quan trọng để để quảng bá cho khách du lịch thập phương đến đây để vừa du lịch, vừa kết hợp với lại cái tâm linh cũng như là thành kính tưởng nhớ ông cha mình và đặc biệt là Bác Hồ trong việc lãnh đạo đất nước.

Ngoài ra, Cần Giờ đã và đang kết hợp phát triển những cái hiện hữu cũng như là các di tích lịch sử như là núi Giồng Chùa cũng như là khu di tích Rừng Sác ở trung ở Trung đoàn 10 rồi khu Vàm Sát vv.. Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp để mà sớm triển khai khai quật di chỉ Giồng Cá Vồ - đây cũng là một cái di tích lịch sử mà Sở Văn hóa thành phố đề nghị công nhận cấp quốc gia đặc biệt.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ vào rằm tháng 8 hàng năm. Như vậy thì những cái địa danh, sản phẩm đó vừa xanh vừa có yếu tố lịch sử và phát huy cái thế mạnh của huyện Cần Giờ ở trong tương lai.

PV: Câu hỏi cuối cùng là trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024, ông có chia sẻ gì với người dân huyện Cần Giờ, với bà con ở TPHCM cũng như là với thính giả của VOV Giao thông trên cả nước?

Ông Nguyễn Văn Hồng: Trước thềm năm mới thì ngoài các kế hoạch, chúng tôi cũng đã chuẩn bị các hoạt động để chăm lo Tết cho nhân dân trên tinh thần là mọi người dân đều có Tết. 

Chúng tôi đã chuẩn bị các hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày sáp nhập huyện Duyên hải Cần Giờ trước đây vào TPHCM với nhiều hoạt động phóng phú, đặc biệt là tổ chức thêm một đêm nghệ thuật nhằm quyên góp, kêu gọi, vận động cho quỹ cho người nghèo để làm sao cố gắng xóa nghèo trước nhiệm kỳ và đặc biệt là trong năm 2024.

PV: Cám ơn ông và chúc ông có một năm mới an khang, thịnh vượng!

Cộng đồng người dùng xe điện Việt Nam ngày một đông đảo

Cộng đồng người dùng xe điện Việt Nam ngày một đông đảo

Cùng với chuyển đổi số thì chuyển đổi xanh được xem là xu thế không thể đảo ngược của nhân loại nói chung, Việt Nam nói riêng. Thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi xanh không chỉ giúp nền kinh tế trở nên thịnh vượng, môi trường được giữ gìn bền vững mà còn giúp xã hội được công bằng, văn minh hơn.

Đây cũng cũng nội dung bài bình luận: “Chuyển đổi xanh – mệnh lệnh bắt buộc để tồn tại và phát triển bền vững”.

Nếu như xem cam kết của Thủ Tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (hay gọi tắt là COP26) là bước khởi đầu then chốt của quá trình xanh hoá nền kinh tế thì năm Quý Mão 2023 vừa qua có thể được xem là năm bản lề đặc biệt quan trọng trong công cuộc hướng tới phát triển bền vững của nước ta.

Nói vậy là bởi trong năm qua ghi nhận hàng loạt chương trình quan trọng về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững bắt đầu được triển khai như Đề án 1 triệu hecta lúa gạo chất lượng cao giảm phát thải; đề án bán tín chỉ carbon từ trồng rừng; hay lần đầu tiên Việt Nam có sàn giao dịch tín chỉ carbon…đó là chưa kể đến hàng trăm, hàng ngàn sự kiện, hội thảo về chuyển đổi xanh, tín dụng xanh, tài chính xanh, nông nghiệp xanh, sản xuất xanh… được diễn ra ở khắp mọi miền đất nước. Tất cả cho thấy một không khí hết sức khẩn trương nhưng cũng vô cùng nghiêm túc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp lẫnc người dân cả nước  trước xu hướng quan trọng này.

Đáng mừng thay là cuộc vận động sôi nổi ấy đã và đang nhận được sự đánh giá rất cao của các tổ chức quốc tế cũng như các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đang có ý định đầu tư vào Việt Nam. Rất nhiều dự án đầu tư trị giá hàng chục tỷ USD đã được các tổ chức uy tín xác lập với lộ trình cụ thể nhằm giúp nước ta khai thác tốt hơn tiềm năng về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Không chỉ vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng từng bước đặt nền móng đầu tư dài hạn tại Việt Nam dựa trên những hành động tích cực, trách nhiệm từ phía Chính Phủ ta.

Dù bắt đầu xuất hiện nhiều tín hiệu khởi sắc, song cũng phải thừa nhận rằng quá trình chuyển đổi xanh của nước ta vẫn đang đối mặt với không ít thách thức, cả chủ quan lẫn khách quan. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao nhưng sức chống chịu hạn chế, do đó chúng ta vẫn rất cần hợp tác, hỗ trợ tích cực về nguồn vốn, công nghệ, nhân lực…đến từ các tổ chức, đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi xanh.

Từ góc nhìn nội tại, quá trình chuyển đổi xanh dù có nhiều chuyển biến đáng khích lệ, song trong quá trình ấy vẫn còn rất nhiều tồn tại cần được nhìn nhận nghiêm túc. Đầu tiên là tư duy còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng bao cấp, xin – cho hay nói cách khác là “muốn làm xanh nhưng tư duy vẫn còn nâu”. Chủ trương, chính sách dù đã được quán triệt, ban hành song lại thiếu hướng dẫn phù hợp cho từng khu vực, vùng miền, ngành nghề, lĩnh vực cụ thể dẫn đến tình trạng chủ trương chỉ nằm trên giấy mà khó đi vào thực tế đời sống.

Thực tế quan sát ở một khu vực nổi tiếng về trà và cafe tại một tỉnh Tây Nguyên, một số doanh nghiệp dù rất chủ động tham gia làm du lịch canh nông (du lịch xanh) hay muốn phát triển nông nghiệp xanh, sạch theo hướng organic nhưng chính quyền địa phương vì nhiều lý do khác nhau đã không kịp thời hỗ trợ thậm chí là thờ ơ khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh “sống mòn” với chính khát vọng chuyển đổi xanh của mình.

Các chuyên gia hàng đầu đều xếp Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và là 1 trong 5 nước chịu tác động mạnh mẽ nhất của quá trình nước biển dâng. Không chỉ vậy, các động lực tăng trưởng chính của nước ta như tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu hầu hết vẫn duy trì theo cách cũ, kém bền vững. Nếu không triệt để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh, đầu tư thì không dễ để Việt Nam hoàn thành được các mục tiêu xanh hoá nền kinh tế.

Nhận thức được những thực trạng trên, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng và Nhà nước ta đã xác định xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường là một trong những định hướng đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó tại các diễn đàn quốc tế, Chính phủ ta cũng đã nhiều lần khẳng định rằng Việt Nam sẽ tập trung phát triển nhanh nhưng phải bền vững; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Những ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, nước ta nhận được thông tin không thể vui hơn khi tính đến hết tháng 11/2023 Việt Nam đã thu về 51,5 triệu USD tương đương khoảng 1200 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon từ trồng rừng. Nếu tiếp tục đà này thì đến hết năm 2025, nước ta có thể mang về hàng tỷ USD từ trồng rừng, đó là chưa kể nguồn thu khủng từ đề án 1 triệu hecta lúa gạo chất lượng cao giảm phát thải hay các dự án năng lượng tái tạo.

Rõ ràng, lợi ích từ quá trình chuyển đổi xanh là điều không cần bàn cãi. Thúc đẩy nhanh chuyển đổi xanh không chỉ là cơ hội để người dân nâng cao thu nhập, doanh nghiệp tạo ra giá trị mà còn là chìa khoá quan trọng mang đến sự thịnh vượng cho nền kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng cho xã hội. Hơn hết, đây là thời cơ không thể thuận lợi hơn để Việt Nam hoàn cam kết lịch sử trước cộng đông quốc tế là đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp với mong muốn và hành động thiết thực của mình đang từng ngày, từng giờ đặt những viên gạch bền vững cho một nền kinh tế xanh của Việt Nam. Bản đồ xanh của chúng ta đang được vẽ lên bằng từng phác thảo rõ ràng, sắc nét.

Hy vọng rằng, năm Giáp Thìn 2024 này sẽ là một năm tạo nên dấu ấn mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi xanh của đất nước. Và ước vọng đó đang chờ mỗi chúng ta chung tay góp sức.

Đó cũng là thông điệp mà VOV Giao thông muốn gửi tới quý vị và các bạn nhân ngày đầu xuân năm mới Giáp Thìn. Chúng ta hãy cùng chung tay tô màu xanh mát cho muôn dặm non sông, để Việt Nam mạnh mẽ, bền vững tiến bước cùng bạn bè thế giới trên con đường hướng tới tương lai.

Huy Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.