Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Bài toán khó cho nhà ở ven sông

Trọng Nhân: Thứ sáu 09/08/2024, 08:24 (GMT+7)

Thói quen cất nhà ven sông của người dân miền tây đang gây ra nhiều bất an trước tình trạng sạt lở, sụt lún diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Không những thế, theo thời gian, nhà ven sông còn là một trong những nguyên nhân chính gây ra vấn đề ô nhiễm sông ngòi tại các đô thị.

Hơn 2 thập kỷ qua, việc di dời nhà ven sông trở thành bài toán khó của hầu hết các địa phương khi nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng hạn hẹp.

Đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long là hệ thống sông ngòi đa dạng gắn liền với giao thương, đi lại. Cũng vì thế mà từ xưa người dân tại vùng đồng bằng thường có thói quen xây dựng nhà ven sông để thuận lợi sinh sống.

Tuy nhiên đến nay, nhà ven sông không còn phù hợp đối với những đô thị hiện đại, trở thành vấn đề nan giải của các địa phương.

Nhà ven sông hiện nay không còn phù hợp đối với một đô thị hiện đại. Một bài toán khó của hầu hết các địa phương...

Nhà ven sông hiện nay không còn phù hợp đối với một đô thị hiện đại. Một bài toán khó của hầu hết các địa phương...

Theo thống kê tại Kiên Giang, từ đầu năm 2024 cho đến nay có hơn 42 căn nhà ven và gần sông bị thiệt hại bởi tình trạng sạt lở, sụt lún. Nhà ven sông không chỉ khiến người dân đối mặt với những mối nguy hiểm chực chờ vì sạt lở mà còn gây ô nhiễm kênh rạch và mất mỹ quan đô thị.

Anh Trần Hoàng Huy - một người dân sống tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cho rằng:“Nhìn thấy rất um tùm, không đẹp. Chưa kể xảy ra sạt lở thì sẽ không biết tình mạng người ta ra sao, rất nguy hiểm. Cũng mong là thời gian tới di dời nhà người ta lên bờ, đừng cho người ta ở dưới sông vậy nữa.”

Nhiều ngôi nhà ven sông đang trong tình trạng xuống cấp nguy hiểm nhưng người dân không dám sửa chữa vì nghe thông tin có dự án di dời.

Nhiều ngôi nhà ven sông đang trong tình trạng xuống cấp nguy hiểm nhưng người dân không dám sửa chữa vì nghe thông tin có dự án di dời.

Theo ghi nhận của phóng viên, thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) hiện nay đang có nhiều dự án chỉnh trang đô thị. Trong đó có kế hoạch di dời nhà ven sông để xây dựng kè chống sạt lở, đồng thời tận dụng để làm đường hành lang bờ sông, công viên đi bộ. Cụ thể như đường Nguyễn Trường Tộ, Lê Lợi, Thoại Ngọc Hầu, Trần Hưng Đạo…đã được thực hiện hoàn thành, thay đổi hoàn toàn diện mạo khu vực so với trước kia. Tuy nhiên, cuộc “cách mạng” giải phóng nhà ven sông không hề dễ dàng, bởi công đoạn giải phóng mặt bằng tốn rất nhiều kinh phí.

Thực tế, hiện nay, có dự án đang phải “đắp chiếu” vì thiếu nguồn vốn giải phóng mặt bằng. Dự án kè chống sạt lở trên kênh Ông Hiển đoạn qua phường Vĩnh Bảo và phường Vĩnh Lợi là một ví dụ. Một người dân sống trên đường Nguyễn Thái Học, Phường Vĩnh Bảo - nơi đang có dự án kè chống sạt lở chậm tiến độ cho biết, dự án được sự đồng thuận tuyệt đối từ phía người dân. Tuy nhiên, vẫn chưa thể “về đích” bởi thiếu kinh phí đền bù di dời một căn nhà duy nhất: 

“Trời ơi phải nói là cảm ơn nhà nước, không có nhà nước thì làm sao có con đường này. Rồi nhà cửa, đất ở đây hồi đó là sông nước thì làm gì có giá trị. Cũng nhờ nhà nước mới được như vậy, chứ người dân thì sào mà làm được. Chúng tôi chấp nhận đập nhà để xây theo con đường để có giá trị. Giờ thì chỉ còn một căn nhà thôi, nhà đó của mẹ tôi, hai bên đã ký giấy thỏa đáng hết rồi nhưng giờ chờ có tiền là dọn nhà đi nơi khác, cho nên công trình mới ì ạch thế đó”.

Nước thải của những ngôi nhà ven sông đa phần là chảy thẳng xuống sông ngòi.

Nước thải của những ngôi nhà ven sông đa phần là chảy thẳng xuống sông ngòi.

Hiện nay, phần lớn người dân đang sống tại nhà ven sông đều rất mong chờ các dự án sớm được triển khai thực hiện. Bởi những dự án này giúp đời sống của người dân được an toàn trước sạt lở và đặc biệt góp phần thay đổi thành phố ngày một xanh - sạch - đẹp hơn. Tuy nhiên, điều mà họ cũng tâm tư nhất lúc này là chính sách đền bù, giải toả phải hợp lý, hợp tình, đảm bảo đời sống, sinh kế, bởi họ đa phần đều khó khăn, nguồn thu nhập không ổn định.

“Nói chung bồi thường thỏa đáng thì người dân sẽ đồng ý hết. Mong các ban ngành đồng ý thỏa đáng thì người dân ở đây người ta sẽ đi thôi.

“Dự án nhà nước thì mình phải đi thôi. Mong muốn nơi ở mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ. Giao thông đường xá thuận lợi để người dân mưu sinh, chứ ở đây người dân lao động là nhiều. Người dân ở đây từ đó giờ nghèo không à, thời điểm khu này xây cầu thì mới ổn định kinh tế hơn một chút, chứ ngày xưa toàn đi xuồng, đi đò.”          

“Nếu mà di dời thì triển khai lẹ lẹ với đền bù thỏa đáng cho người dân là được. Miễn sao cho người dân cái nhà khác là được. Chứ để lâu nhà xuống cấp người ta không dám sửa, mấy cái nhà khúc sau này sập mà người ta đâu dám sửa. Sửa rồi không biết khi nào phải di dời thì tốn kém, tiền thì người ta làm ra khó."

Trong khi chờ các dự án di dời thì có một vài ngôi nhà đã sập theo thời gian

Trong khi chờ các dự án di dời thì có một vài ngôi nhà đã sập theo thời gian

Trong “bức tranh” của một đô thị hiện đại, nhà ven sông sẽ phải dần bị loại bỏ để đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng sống của người dân. Thế nên, cần có sự quan tâm đặc biệt đối với những ngôi nhà ven sông ở thời điểm hiện tại.

Từ đó, có kế hoạch chi tiết, bám sát thực tế nhằm đem lại hiệu quả cao trong công cuộc chỉnh trang đô thị. Như thế, sẽ chẳng ai thiệt thòi và không ai bị bỏ lại phía sau.

Trọng Nhân/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn