Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

An toàn cho xe đạp và đi bộ: Cần tầm nhìn tốt từ khâu chính sách

Huy Văn: Thứ năm 29/05/2025, 19:43 (GMT+7)

Đi bộ và đi xe đạp là 2 hình thức đi lại lành mạnh, xanh và bền vững. Tuy nhiên, ngày nay, 2 hình thức đi lại này chưa được quan tâm đúng mực tại nhiều quốc gia, nhất là Châu Á.

Do đó, tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 8 của Liên hợp quốc vừa qua đã kêu gọi thúc đẩy các chính sách, khuyến khích chuyển đổi sang đi bộ và đạp xe, từ đó đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào việc đạt được nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ có 46 quốc gia có chính sách thúc đẩy việc đi bộ và đạp xe. Hiện chỉ có 0,2% trong tổng số chiều dài đường trên toàn thế giới có làn đường dành cho xe đạp, nhiều khu vực thiếu vỉa hè và lối đi dành cho người đi bộ an toàn. Từ năm 2011 đến năm 2021, số người đi bộ tử vong đã tăng 42% ở Khu vực Đông Nam Á. Số người tử vong ở những người đi xe đạp đã tăng 50% ở Khu vực Châu Âu và tăng vọt 88% ở Khu vực Tây Thái Bình Dương.

Chia sẻ tại Hội nghị Thúc đẩy chính sách về xe đạp và đi bộ do WHO tổ chức mới đây, bà Fiona Bull, người đứng đầu đơn vị Hoạt động thể chất của WHO cho biết, xe đạp và đi bộ là 2 hình thức di chuyển vừa đem lại lợi ích cho sức khoẻ cộng đồng, lại vừa giúp giảm tắc nghẽn giao thông, giảm ô nhiễm không khí và chống biến đổi khí hậu. Có tác động to lớn như vậy, nhưng 2 hình thức đi lại này chưa nhận được sự quan tâm đúng mực.

Bà Fiona Bull chia sẻ: “Đi bộ và xe đạp có tác động lớn tới xã hội, nhưng chúng không được ưu tiên. Số liệu thống kê về số ca tử vong do TNGT cho thấy, người đi bộ chiếm 21% số vụ, và xe đạp chiếm 5%. Phần lớn đường xá hiện nay đều không được thiết kế, xây dựng để đạt các tiêu chuẩn cơ bản đảm bảo an toàn cho nhóm phương tiện này, dù chúng đã được đồng thuận, thống nhất trong các chiến lược toàn cầu. Thực sự là hiện không có đủ các chính sách ưu tiên hay các chiến lược hành động quốc gia để thúc đẩy, khuyến khích người dân đạp xe, đi bộ.”

Một điểm khai thác dịch vụ xe đạp công cộng tại Tp.HCM. Ảnh: Trọng Nghĩa

Một điểm khai thác dịch vụ xe đạp công cộng tại Tp.HCM. Ảnh: Trọng Nghĩa

Cũng theo bà Fiona Bull, các chiến lược để cải thiện an toàn cho người đi bộ và đạp xe có thể kể đến như tuân thủ luật GT và xử phạt về việc chạy quá tốc độ, lái xe khi say rượu và lái xe mất tập trung; Đầu tư vào cơ sở hạ tầng tốt hơn như làn đường dành cho xe đạp, lối qua đường an toàn và vỉa hè; và Thúc đẩy đi bộ và đạp xe thông qua các chiến dịch, sự kiện và tích hợp với phương tiện giao thông công cộng.

Để đi đến thành công với các chiến lược này, sự phối hợp giữa nhiều bên liên quan, bao gồm chính phủ, người dân, khu vực tư nhân và các tổ chức là điều cần thiết. Theo ông Jim Walker, chuyên gia, thành viên của Liên minh Đối tác về Vận động tích cực và Sức khoẻ (PATH), việc đưa ra chính sách là bước đầu tiên, rất cần thiết. Nhưng việc áp dụng các chính sách đó vào thực tế như thế nào mới thực sự quan trọng. Các yếu tố như thiếu nguồn nhân lực, tài chính hay thiếu năng lực v.v… là nguyên nhân phổ biến khiến việc đưa chính sách vào thực tế chưa đạt hiệu quả:

“Chúng tôi đã xem xét chính sách của nhiều quốc gia và thành phố. Chỉ có khoảng 20% trong số đó có đủ tài chính để hiện thực hoá tầm nhìn của họ; số lượng thực sự có các khuôn khổ để đánh giá tác động chính sách của họ thì lại càng ít. Nhiều nơi, họ nói rằng muốn làm hệ thống giao thông trở nên an toàn hơn, nhưng thực tế mục tiêu này nghiêng về việc an toàn cho lái xe hơn là đi bộ và đạp xe. Nhiều nơi thì chỉ lại tập trung vào việc làm thế nào để lôi kéo thêm nhiều người đi bộ và đạp xe hơn là tạo nên một mạng lưới an toàn cho nhóm phương tiện đó”.

Còn theo bà Sheila Watson, PGĐ của quỹ FIA, đi bộ và đạp xe có thể là một biện pháp cân bằng, cung cấp các lựa chọn di chuyển giá cả phải chăng, nhưng trong quá trình quy hoạch, thiết kế hay tuyên truyền, yếu tố an toàn và dễ tiếp cận phải chạm tới tất cả mọi người, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi và người khuyết tật, những nhóm người ít có cơ hội được lên tiếng.

Nêu lên ví dụ, bà Sheila Watson cho biết khi làm việc tại Nairobi, Kenya, nhóm của bà phát hiện ra rằng, trong số những người đi xe đạp tại đây, chỉ có 3% là phụ nữ. Nguyên nhân không chỉ tới từ vấn đề an toàn giao thông, mà còn do cơ sở hạ tầng khiến phụ nữ, trẻ em tại đây cảm thấy thiếu an toàn khi đi bộ hoặc đạp xe. Bà Sheila Watson chia sẻ:

“Ngày nay, chúng ta thừa nhận rằng đi bộ và đạp xe là những phương thức di chuyển bị bỏ quên trong một thế giới mà các phương tiện cơ giới thống trị. Dù chúng ta đang cố gắng thúc đẩy và bảo vệ việc đạp xe và đi bộ, nhưng trong quá trình quy hoạch, điều cần thiết là phải lắng nghe ý kiến cả từ những nhóm người ít hoặc không lên tiếng. Có như vậy, chúng ta mới đảm bảo rằng kế hoạch, chiến dịch của chúng ta không làm trầm trọng thêm các khó khăn đang tồn tại”.

Ảnh: Kiều Tuyết

Ảnh: Kiều Tuyết

Để hỗ trợ cho các nhà quy hoạch có thể lên kế hoạch chính xác, cũng như đánh giá tác động về lợi ích của xe đạp và đi bộ, tại tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 8 vừa qua, WHO đã giới thiệu bộ công cụ trên nền tảng web, được thiết kế để phục vụ cho chuyên gia ở cả cấp quốc gia và địa phương, bao gồm các nhà quy hoạch đô thị và giao thông, các chuyên gia y tế công cộng v.v…

Bộ công cụ này hỗ trợ đánh giá tác động về sức khỏe và kinh tế của việc đi bộ và đạp xe thông qua các yếu tố như thay đổi về mức độ hoạt động thể chất, tiếp xúc với ô nhiễm không khí khi đi bộ hoặc đạp xe và nguy cơ tai nạn chết người trong giao thông. Ngoài ra, công cụ này cũng ước tính tác động đến lượng khí thải carbon do sự thay đổi giữa các phương thức di chuyển. Bộ công cụ có thể được sử dụng ở nhiều bối cảnh khác nhau, từ quy mô quốc gia đến quy mô thành phố và hiện đã được điều chỉnh để sử dụng trên quy mô toàn cầu.

Có thể nói, chỉ khi hạ tầng, chính sách thực sự tập trung vào yếu tố an toàn thì đi bộ và xe đạp mới trở thành những lựa chọn đi lại khả thi. Trong khi tại nhiều nơi, vấn đề này vẫn chỉ đang nằm trên giấy tờ thì đã có những quốc gia, thành phố tiên phong và thành công. VOV Giao thông sẽ tiếp tục đề cập tới vấn đề này trong chuyên mục lần sau.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn