Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Malaysia: Kết nối với đường sắt ASEAN nhưng còn lo vì tiêu chuẩn, thủ tục và tầm nhìn

Huy Văn: Thứ hai 19/05/2025, 19:18 (GMT+7)

Những dự án đường sắt xuyên biên giới có thể giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế, tăng cường năng lực logistics giữa các quốc gia thành viên. Tại Đông Nam Á, mới đây, Malaysia đang kêu gọi đẩy nhanh kết nối đường sắt giữa các quốc gia trong khu vực, tuy nhiên vẫn còn nhiều trở ngại cần vượt qua.

Theo đài CNA, Malaysia đang có kế hoạch khởi động dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường sắt trực tiếp giữa thủ đô Kuala Lumpur và Bangkok ở nước láng giềng Thái Lan trong năm nay để thúc đẩy thương mại song phương và khu vực. Theo hãng thông tấn Bernama, Bộ trưởng Giao thông Anthony Loke cho biết Nội các và Thủ tướng đã chấp thuận đề xuất này và dịch vụ đường sắt dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay.

Ảnh: Maritime Gateway

Ảnh: Maritime Gateway

Kế hoạch đường sắt Kuala Lumpur - Bangkok là một phần trong chiến lược của Malaysia nhằm củng cố vai trò trung tâm giao thông và thương mại trong khu vực ASEAN, đặc biệt khi nước này đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN năm 2025. Tuyến đường sắt này sẽ tận dụng mạng lưới Pan-Asian Railway, kết nối Malaysia qua Thái Lan đến Lào và Trung Quốc, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường Trung Á và châu Âu.

Thời gian gần đây, Malaysia đang nỗ lực cải thiện khả năng kết nối với hệ thống đường sắt của Thái Lan nhằm giúp việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa hai nước trở nên nhanh hơn, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Malaysia đang kêu gọi hợp tác đẩy nhanh kết nối đường sắt trong khu vực ASEAN, nhất là sau khi tuyến đường sắt ASEAN Express mới tạm dừng hoạt động sau khi ra mắt vào tháng 6 năm ngoái. Đây là tuyến đường sắt chở hàng nối liền Malaysia, Thái Lan, Lào và Trung Quốc, kết nối nhiều tuyến thương mại và cảng nội địa quan trọng với các quốc gia thành viên. Nguyên nhân tạm dừng được cho là sự khác biệt giữa khổ đường ray giữa 2 bên Lào và Thái Lan cùng thủ tục giấy tờ phức tạp, tốn kém thời gian.

Bộ trưởng Giao thông Anthony Loke chia sẻ trong chuyến thăm và làm việc tại Bangkok, Thái Lan hồi đầu tháng:

“Chúng ta đang vấp phải một số trở ngại trong việc vận hành tuyến ASEAN Express. Đây là lí do chính mà tôi tới Thái Lan để thảo luận và tìm ra giải pháp. Tôi cho rằng, khối ASEAN chúng ta cần cởi mở hơn và hợp tác, phát triển cùng nhau. Nhất là khi tuyến đường sắt này đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia”.

Trước đó, Malaysia cũng bày tỏ ý định kéo dài dự án đường sắt ven biển phía Đông (ECRL) trị giá 10 tỷ USD đến biên giới Thái Lan. Dự án dài 665 km, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026, sẽ nối bờ đông và tây Malaysia, tạo động lực mới cho thương mại khu vực. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của cả 2 quốc gia này.

Phía Thái Lan cũng có kế hoạch thực hiện dự án cầu đất liền trị giá 29 tỷ USD, cung cấp tuyến thương mại mới có khả năng đi qua eo biển Malacca, một trong những eo biển nhộn nhịp nhất thế giới và là nơi có 3 cảng lớn của Malaysia.

Ảnh: Pr.railway

Ảnh: Pr.railway

Theo các chuyên gia, những khó khăn hiện tại với việc vận hành tuyến đường sắt ASEAN Express là có thể hiểu được, không chỉ vì tiêu chuẩn khác nhau mà còn do sự khác biệt về tầm nhìn phát triển.

Ông Stewart Nixon, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách công Malaysia (IDEAS) chia sẻ:

“Các quốc gia nằm gần nhau, có nhiều điểm tương đồng và cạnh tranh lẫn nhau. Đó là nguyên nhân làm trầm trọng thêm các khó khăn trong vận hành đường sắt ASEAN, hoặc chính nó là nguyên nhân. Quá trình thương lượng, đàm phán gặp trở ngại vì các quốc gia cảm thấy họ đang cạnh tranh trong cùng lĩnh vực.”

Trở lại với Việt Nam, mới đây cũng đã có những tín hiệu tích cực trong việc phát triển đường sắt quốc gia. Sáng 14/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp ông Trần Tư Xương, Tổng Giám đốc Công ty Công trình xây dựng Trung Quốc (CCECC), thuộc Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC).Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình phát triển hệ thống đường sắt hiện đại, tốc độ cao, Việt Nam mong muốn được chia sẻ các bài học, kinh nghiệm, cách làm của Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, ông Trần Tư Xương cho biết CCECC đã triển khai nhiều dự án đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc và một số quốc gia khác; đồng thời bày tỏ mong muốn được tham gia vào các dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam, trong đó có tuyến kết nối giữa hai nước.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị CCECC định hướng đầu tư, kinh doanh lâu dài, cùng nhau chia sẻ lợi ích, đóng góp vào sự phát triển hệ sinh thái công nghiệp và xây dựng đường sắt của Việt Nam - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị CCECC định hướng đầu tư, kinh doanh lâu dài, cùng nhau chia sẻ lợi ích, đóng góp vào sự phát triển hệ sinh thái công nghiệp và xây dựng đường sắt của Việt Nam - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Lãnh đạo CCECC cam kết, nếu được lựa chọn, sẽ bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật cao, chất lượng tốt, tiến độ đúng hạn; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành đường sắt.

Hiện Việt Nam đang nghiên cứu đầu tư và triển khai một số dự án nhằm tăng cường kết nối đường sắt trong khối ASEAN, từ kết nối hạ tầng làm cơ sở để kết nối vận tải, thúc đẩy vận tải đa phương thức. Trong đó, Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương đầu tư mới đây được kỳ vọng sẽ góp phần kết nối các tỉnh miền bắc Việt Nam với khu vực tây nam Trung Quốc, tạo ra tuyến đường tiện lợi, thông thoáng cho Quý Châu và các tỉnh phía tây Trung Quốc trong hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN.

Theo Hiệp định liên chính phủ về mạng lưới đường sắt Xuyên Á mà Việt Nam tham gia từ năm 2006, có hiệu lực từ 12/2009, mạng lưới Đường sắt xuyên Á tại khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều phải thông qua Trung Quốc để kết nối đến các quốc gia châu Á khác, thông qua 2 điểm trung chuyển tại Trung Quốc là Côn Minh và Nam Ninh. Các hướng tuyến chính kết nối từ Côn Minh đi Vientiane (Lào) – Bangkok (Thái Lan), qua Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh – Phnompenh (Campuchia) - Bangkok, qua Mandalay và Yangon (Myanmar) - Bangkok; một tuyến kết nối từ Nam Ninh qua Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, đến điểm cuối là Singapore.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn