Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện trò trên phố

Ai giám sát hoạt động của xe đưa đón học sinh?

Chu Đức: Thứ ba 04/06/2024, 18:19 (GMT+7)

Sau những sự cố về việc bỏ quên trẻ em, học sinh trên xe đưa đón vừa qua, dư luận đặt dấu hỏi về hiệu quả của công tác giám sát đối với hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô.

Mời các bạn đến với những cuộc trò chuyện về chủ đề này thông qua góc nhìn các bậc phụ huynh:

Tôi đang có mặt ở một vườn hoa cạnh một trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bên cạnh tôi là chị Nguyễn Thúy Lan, phụ huynh của hai bé 12 và 14 tuổi. Chị Lan trước đây từng làm nhân viên văn phòng tại một trường mầm non và có góc nhìn khá gần với công tác đưa đón học sinh.

Trước những sự cố đau lòng gần đây về việc trẻ em bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh, theo chị, nguyên nhân chính vì sao?

Theo tôi, trước nhất phải là trách nhiệm của cô giáo đi trên xe, là người hàng ngày tiếp xúc với các con trên xe. Sau đó là nhà trường tắc trách.

Cứ vào lớp là đều điểm danh, mà tại sao nhà trường lại không biết mà không thông báo cho phụ huynh.

Hoạt động đưa đón học sinh nóng lên câu hỏi ai giám sát sau các vụ bỏ quên trẻ em trên xe

Hoạt động đưa đón học sinh nóng lên câu hỏi ai giám sát sau các vụ bỏ quên trẻ em trên xe

Theo kinh nghiệm của chị thì các trường có quy trình kiểm soát hoạt động đưa đón này ra sao để tránh xảy ra sai sót cá nhân?

Như một số trường tôi biết, lớp lớn hơn thì có thẻ điểm danh. Giống như chúng ta đi làm ấy, đến trường là quẹt cái thẻ đó, là tự động thông tin báo vào điện thoại. Phụ huynh và nhà trường đều nắm bắt được. Mà cô giáo cũng đỡ đi một phần công việc.

Tôi nghĩ trách nhiệm chính vẫn là nhà trường. Ví dụ như con tôi học trong TP.HCM, kể cả đi học không đưa đón, nhưng các trường vẫn điểm danh bằng cái thẻ đó. Đến và về quẹt thẻ, điện thoại phụ huynh sẽ báo là bé đã đến trường, bé đã rời trường.

Có vẻ hoạt động này tùy vào sự quan tâm, đầu tư của các trường, đặc biệt về vấn đề công nghệ hỗ trợ cảnh báo, liên lạc?

Tôi nghĩ nên áp dụng công nghệ nhiều hơn. Nếu để mọi người điểm danh một cách thủ công thì rất chủ quan. Nhiều khi cô giáo điểm danh lướt qua, bằng mắt thôi nên có thể không chính xác. Nên sử dụng công nghệ là tốt nhất.

Nhà trường thì là vậy, góc độ phụ huynh thì sao?

Phụ huynh thì chọn những trường có xe đưa đón thì hầu hết là trường tư thục. Với trường này thì trách nhiệm phải cao hơn. Phụ huynh thì đương nhiên lúc nào cũng muốn đi theo giám sát con. Nhưng nhiều người bận rộn, không thể nào đi theo hàng ngày để điểm danh cho các con.

Nhiều khi có việc gì xảy ra thì trách nhiệm vẫn thuộc về nhà trường, rồi phòng giáo dục phải có quy định về việc các trường có hợp đồng rõ ràng khi sử dụng xe, có lớp tập huấn cho cô bảo mẫu, người lái xe, khi ký hợp đồng phải có trách nhiệm rõ ràng, kỹ năng đảm bảo an toàn cho bé khi ngồi trên xe.

Còn cá nhân chị?

Nói chung tôi chỉ liên lạc thông qua cô giáo ở lớp của con.

Vâng, cảm ơn ý kiến của chị.

Chị Nguyễn Thúy Lan (ở Ấu Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, nếu ngành giáo dục và vận tải chỉ thuần túy kiểm soát bằng điểm danh thủ công học sinh trên xe thì rất dễ xảy ra sai sót

Chị Nguyễn Thúy Lan (ở Ấu Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, nếu ngành giáo dục và vận tải chỉ thuần túy kiểm soát bằng điểm danh thủ công học sinh trên xe thì rất dễ xảy ra sai sót

PV VOV Giao thông đã hỏi thêm hai vị phụ huynh nữa là anh Nguyễn Việt Hòa và anh Lê Văn Độ, có con nhỏ trong độ tuổi tiểu học. Họ cho rằng, các quy trình mà ngành vận tải, ngành giáo dục đưa ra có vẻ rất chặt chẽ, nhưng sai sót vẫn xảy ra thì cần xem lại vấn đề giám sát việc thực hiện:

"Theo tôi, hiện tại như con tôi học ở trường, vẫn là phải gia đình, nhà trường, bên xe dịch vụ đưa đón. Nếu làm tốt 3 khâu đó, thì sẽ không có những trường hợp đau xót xảy ra. Như trường hợp ở Thái Bình, trách nhiệm cô giáo thấy thiếu mà gọi cho gia đình, sẽ phản hồi nhà trường và bên dịch vụ thì chắc chắn không có vấn đề ấy nữa. Trong luật quy định rất rõ. Ý thức của người thực hiện lại chưa tốt. Chưa ai kiểm soát từ đầu đến cuối chặt thì lại là vấn đề lớn."

"Thật ra, bây giờ để quy trách nhiệm cho một ai đó thì rất khó. Mình nghĩ nên để 1 cái camera 360 độ ở trên xe. Nếu xe to 29 chỗ, 34 chỗ thì 2 camera, xe 45 chỗ thì 3 camera. Cả phụ huynh, nhà trường và lái xe đều kiểm soát được camera đấy. Khi xe đến cổng trường, về rồi thì có thể kiểm soát được con đã xuống hết xe chưa."

Ở đâu đó, thực trạng triển khai quy trình đưa đón học sinh còn lỏng lẻo, chủ quan, đồng thời, việc thiếu công nghệ liên lạc, giám sát chéo hiệu quả theo thời gian thực đã làm vô hiệu những quy định được cho là “đầy đủ, chặt chẽ”.

Công tác đưa đón học sinh đang rất cần giải pháp phòng ngừa sự cố, thay vì hậu kiểm khi sự việc đau lòng đã xảy ra. Đó là công tác giám sát khoa học, chặt chẽ, trách nhiệm từ phía ban giám hiệu nhà trường, từ ngành giáo dục và quản lý vận tải.

Chu Đức/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn