Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện hôm nay

50 năm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Ký ức không thể quên...

Phạm Quang Vinh: Thứ hai 26/12/2022, 07:00 (GMT+7)

Mỗi năm, vào ngày 26/12, cả phố Khâm Thiên làm giỗ chung cho 278 người đã mất bởi trận rải bom B-52 tàn ác của đế quốc Mỹ. Sau 50 năm, ký ức Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không vẫn không thể nào quên!

 

Ngày 18/12 vừa qua, hãng tin Mỹ CNN đã có một bài viết dài, do một nhà báo về quân sự nổi tiếng viết.

Bài viết đó nói về “Chiến dịch Linebacker II”, hay chúng ta được biết đến một cách gọi rộng rãi hơn, đó là trận ném bom 12 ngày đêm vào dịp lễ Giáng sinh năm 1972 ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh thành phía Bắc.

Đây là cuộc ném bom lớn nhất, dã man nhất mà quân đội Mỹ thực hiện kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cho đến nay, có lẽ đã không có một cuộc ném bom nào ở mức độ như vậy.

Trong 12 ngày đêm, đã có 20.000 tấn bom được ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc của chúng ta.

Những trận ném bom đó đã giết chết 2.368 người là dân thường, trong số họ có 40 bác sĩ, y tá của bệnh viện Bạch Mai, có 45 người dân thường ở Hải Phòng đã thiệt mạng ngay trong đêm đầu tiên.

Có 287 người dân thường ở Khâm Thiên đã thiệt mạng trong đêm ngày 26/12/1972 và còn rất nhiều người khác nữa. 80% các nhà máy điện ở miền Bắc, như Yên Phụ, Uông Bí… đã bị tàn phá.

Ảnh: Báo Lao động

Ảnh: Báo Lao động

Hôm nay, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy được một phần nhỏ những chứng tích của chiến dịch này. Đó là Đài tưởng niệm số 51 phố Khâm Thiên, nơi có tượng đài của hai mẹ con sống trên phố Khâm Thiên đã bị thiệt mạng do sức ép của bom.

Khi tìm thấy, thì trên tay chị (người phụ nữ đó tên là Đệ) vẫn còn bế đứa con của mình vừa mới ra đời, cháu bé cũng đã mất.

Khi đi qua cầu Chương Dương, chúng ta nhìn về phía cầu Long Biên, sẽ thấy rõ hơn, cây cầu vốn được coi là một niềm tự hào của những người Pháp khi đến Đông Dương, là một trong số những cây cầu thép dài nhất thế giới, đã bị đánh sập nhiều nhịp trong chiến dịch này.

Và những gì còn lại hôm nay của nhiều nhịp cầu đã bị sập, là do công binh của chúng ta xây dựng lại.

Bài báo trên CNN đã không nói nhiều về những gì mà tôi vừa nói với các bạn. Cho đến giờ, đó là những thiệt hại không thể đếm xuể của những người dân thường Việt Nam, hàng nghìn ngôi nhà, hàng loạt cơ sở dân sự và hàng nghìn người dân đã bị thiệt mạng, hàng nghìn người khác bị thương hay bị mất người thân, hàng nghìn trẻ em mồ côi.

Bài báo kia lại nói nhiều đến những gì mà phía Mỹ phải chịu đựng, đó là có 33 phi công của Mỹ bị thiệt mạng, đó là nhiều máy bay B52 bị bắn hạ. Mặc dù họ cho rằng, đó là những điều mà có thể ngoài tầm kiểm soát của không quân Mỹ.

Ảnh: TTXVN

Ảnh: TTXVN

Nhưng chính sự tự tin đó cho chúng ta thấy một khía cạnh khác, đó là sự man rợ của chiến tranh, của các nhà chính trị lúc đó. Hoàn toàn họ có thể dùng bom đạn và họ hy vọng sẽ khuất phục được ý chí của những người dân Việt Nam lúc đó.

Tất nhiên, chúng ta đã không thuyết phục. Tất nhiên chúng ta đã đứng vững. Như lời của cụ Hồ Chí Minh nói, Hà Nội đã đứng vững sau khi Mỹ thua trận ở trên bầu trời Hà Nội. Ít lâu sau đó, chúng ta đã ký Hiệp định Paris để lập lại hòa bình ở miền Bắc.

Trước những trận ném bom, Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ lúc đó là ông Henry Kissinger đã tuyên bố với người dân Mỹ là hòa bình ở trong tầm tay. Nhưng hòa bình trong tầm tay đó, có thể đến với những người dân Mỹ, trong ý nghĩ những người dân Mỹ, nhưng đã không đến được với hàng nghìn nạn nhân là những người Việt Nam thiệt mạng trong trận ném bom mà Richard Nixon đã quyết định tiến hành.

Chúng ta không thể quên về những nỗi đau đó.

Tôi nhớ một lần có cơ hội đến Washington D.C (Mỹ), tôi có nói chuyện với một vị Chủ tịch của Hội Cựu chiến binh. Trên bàn của ông ấy có đặt một cái bảng được khắc trang trọng, với nội dung trích lời của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy là: “Forgive your enemies, but never forget their names” (Tha thứ cho kẻ thù của bạn, nhưng đừng bao giờ quên tên họ).

Với những người Mỹ hôm nay, không phải không còn là những kẻ thù, chúng ta hy vọng sẽ không còn phải có những kẻ thù như vậy.

Nhưng kể cả trong sự hợp tác vui vẻ, thì chúng ta không được phép quên là đã có những trang sử như vậy, không được phép quên có những thời khắc đau thương như vậy.

Bởi vì quên nếu những nạn nhân đó, tôi nghĩ là có tội./.

Phạm Quang Vinh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn