Một trong những vấn đề nhức nhối đó là tình trạng xả rác nơi công cộng. Phải nói rằng, ý thức giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh môi trường của dân ta quá kém. Từ người lao động phổ thông tới những người được coi là trí thức, giàu có trong xã hội.
Cứ ra những nơi công cộng, khu vui chơi giải trí, công viên hay đứng lại sau những sự kiện nào đó từ trong nhà ra đến ngoài trời sẽ rõ.
Hàng tấn rác thải người ta dùng xong, trong quá trình đứng, ngồi xem một sự kiện văn hóa, nghệ thuật nào đó, được vứt thẳng xuống chân, dưới lòng đường, dưới ghế ngồi… rồi vô tư đứng dậy đi về.
Người Hà Nội thiếu không gian vui chơi giải trí, luôn than phiền sự bức bối trong bốn bức tường ở những khu chung cư toàn bê tông khô cứng, hay ngoài đường xe cộ nườm nượp khói bụi bủa vây. Thế nên khi phát hiện ra một nơi nào đó đủ rộng rãi ngoài thiên nhiên là rủ nhau đổ xô ra đó mỗi dịp cuối tuần để hít thở không khí trong lành, cho cả nhà vui chơi thoải mái.
Thế rồi, chỉ sau một thời gian ngắn, với hàng trăm, hàng ngàn lượt người quần thảo, những công viên xanh, bãi giữa sông Hồng… biến thành bãi rác lúc nào không hay. Người ta chơi xong, ăn uống xong, thản nhiên vứt lại những thứ rác rưởi trong quá trình thư giãn, thưởng thức không gian xanh trong lành ấy.
Người đến sau cũng chẳng ngại mà ngồi cạnh bãi rác của người đến trước, và khi đứng dậy cũng góp thêm mớ rác mình thải ra. Cha mẹ vứt rác, con trẻ cũng vô tư mà làm theo.
Chúng ta luôn kêu gọi mọi người phải có ý thức, nhưng ý thức là gì? Có lẽ với nhiều người, việc êu tả ý thức, cũng giống như người ta tả con ma, chẳng biết hình dạng nó thế nào, mỗi người một kiểu. Và tất nhiên, nó như một thứ vô hình, không thể cầm nắm, sở hữu được. Ấy vậy nên chẳng ai coi trọng rèn luyện ý thức chăng?
Chúng ta đang có những con sông đã trở thành cống chứa nước thải hôi thối; Những công viên cây xanh – đáng lẽ là lá phổi của đô thị, giúp điều hòa không khí, giảm bớt ô nhiễm từ khói bụi của hàng triệu động cơ xe máy, ô tô thải ra mỗi ngày – đã trở thành bãi rác công cộng; Những hồ nước tự nhiên giờ đã trở thành ao tù, nơi vứt rác và xả nước thải sinh hoạt…
Bất kể chỗ nào là khu vực công cộng đều mất vệ sinh, hôi thối và độc hại với sức khỏe con người… Vì sao lại như vậy?
Có lẽ, một trong những điều khiến ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, ý thức trong tham gia giao thông, ý thức giữ gìn của chung… của chúng ta, đó là việc, đôi khi những người hành pháp vẫn còn quá nương tay khi xử lý vi phạm, hoặc đâu đó vẫn là sự dễ dãi, bỏ qua bằng một cách nào đó (?).
Thế nên, đã thành thói quen, phản xạ được rèn luyện qua năm tháng, cứ phạm lỗi và sau đó xin lỗi. Thế là xong!...