Ý thức giao thông có phụ thuộc vào việc bạn đi xe gì?

Vi phạm giao thông diễn ra ở nhiều nơi, nhiều nhóm người, nhiều phương thức đi lại khác nhau, dù đi bộ hay dùng phương tiện giao thông cơ giới.

Vậy nhưng lại có chuyện, người đi ô tô cho rằng họ chấp hành luật tốt hơn, người đi xe 2 bánh mới là nhóm vi phạm nhiều hơn, hoặc ngược lại.

 

Những ngày gần đây, một câu hỏi thăm dò trên mạng xã hội đang gây tranh luận sôi nổi. Đó là: “Giữa người đi xe máy với người đi ô tô, ai ý thức hơn ai?”

Có 4 phe bảo vệ quan điểm của mình. Phe thứ nhất là những người đi xe máy, họ tin rằng, trong giờ cao điểm, ô tô thường xuyên lấn hết làn đường, buộc xe máy phải luồn lách, vi phạm luật.

Phe thứ hai là những người đi ô tô, luôn dè chừng những cú tạt đầu, vượt đèn đỏ, phóng nhanh đánh võng, đi vào điểm mù từ người lái xe máy.

Phe thứ ba có chút khác biệt, là những người vừa đi xe máy, vừa đi ô tô. Họ giãi bày, mình như bị… đa nhân cách. Tức là, khi đi ô tô thì mắng thầm người đi xe máy, còn lúc đi xe máy thì ngược lại, toàn sợ người đi ô tô.

Phe thứ tư có vẻ mang góc nhìn tổng thể hơn cả, là người đi bộ. Khi bước trên vỉa hè, họ bị cản trở bởi hàng dài xe máy tràn lên cũng như những chiếc ô tô đỗ chình ình trên đó. Đứng trên cầu vượt, họ nhìn xuống và chỉ biết lắc đầu ngao ngán cho sự hỗn loạn phía dưới.

Ở một góc nhìn thứ năm, tôi tin rằng, ý thức giao thông nằm ở mỗi cá nhân, nó không phụ thuộc vào loại phương tiện bạn đi là gì.

Ảnh nh họa

Tôi đã từng chứng kiến một người đi xe máy cô độc dừng chờ đèn đỏ giữa ngã tư trong đêm - Một sự tự giác gần như tuyệt đối!

Tôi cũng đã thấy ngày càng nhiều bác tài cho ô tô chạy chậm rồi dừng hẳn lại tại đoạn người đi bộ đang qua đường.

Bạn có thể đưa ra các chứng cứ để lập luận người đi xe máy, ô tô hay đi bộ có tần suất vi phạm cao hơn hay thấp hơn nhóm khác, tùy đánh giá chủ quan. Tuy nhiên, trước pháp luật, mọi người tham gia giao thông đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

Sự khác biệt về ý thức, về văn hóa và trách nhiệm với cộng động thì ở nhóm nào cũng có. Chiếc xe trong trường hợp này, chỉ là phương tiện giao thông.

Người có ý thức, có văn hóa thì đi bằng phương thức, phương tiện nào cũng sẽ chấp hành nghiêm chỉnh các quy tắc giao thông, biết tự điều chỉnh hành vi của mình sao cho không gây nguy hiểm, gây hại cho người khác, dù tình huống đó có thể còn chưa được luật định.

Ngược lại, người ý thức kém sẽ luôn tìm lý do để đổ thừa cho hành vi sai phạm của mình.

Bởi thế, thay vì nhằm vào các phương tiện để “quy chụp” ý thức giao thông, cách tốt hơn là nhìn lại mình sau mỗi hành trình, để ngày càng an toàn, văn nh hơn qua mỗi chuyến đi./.