Xe đưa đón học sinh phải có màu sơn nhận diện riêng

Xe đưa đón học sinh phải có màu sơn nhận diện riêng. Đó là một trong những yêu cầu với xe chở học sinh, được quy định tại dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, đang được Bộ GTVT lấy ý kiến góp ý.

Ngoài ra, Bộ còn đề xuất xe đưa đón học sinh phải có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe trong thời gian không quá 15 phút, được trang bị thiết bị giới hạn tốc độ không vượt quá 80km/h, cùng nhiều yêu cầu riêng về an toàn kỹ thuật, nhằm bảo đảm an toàn ở mức tốt nhất trong hoạt động vận chuyển học sinh.

Và để có thể hiểu rõ hơn về nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy.

PV: Thưa ông, ông có cái nhìn như thế nào về đề xuất, xe đưa đón học sinh phải có màu sơn nhận diện riêng, để phân biệt với những xe chở hành khách khác, đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến góp ý?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Tôi ủng hộ phương án sơn xe đưa đón các em học sinh là sơn riêng. Nhưng mà cơ quan chức năng phải quy định rõ, nếu có màu sơn riêng thì được ưu tiên cái gì.

Nếu xe đó bị ùn tắc thì người ta có thể tạo điều kiện cho nó đi cho kịp giờ đến trường hay không, hoặc là nó có những vấn đề gì phức tạp, khó khăn thì mọi người có ưu tiên hay không, thì cái này là cơ quan chức năng nên chú ý cái phương án đó.

Dự thảo Luật Đường bộ đưa ra những quy định riêng đối với xe đưa đón học sinh - Ảnh anninhthudo

PV: Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất này thì nhiều doanh nghiệp vận tải lại cho rằng, nếu bắt buộc xe chở học sinh phải có màu sơn riêng sẽ gây ảnh hưởng đến kinh tế của doanh nghiệp. Do phải đi đăng ký lại để đổi màu sơn, đồng thời gặp khó khăn khi sử dụng cho những công việc khác ngoài giờ đưa đón học sinh. Ông nghĩ sao về điều này?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Tôi cho rằng việc chở học sinh nó không ảnh hưởng đến kinh tế. Vì sao? Vì khi anh ký hợp đồng anh cũng tính đầy đủ các khoản chi phí rồi. Các nhà vận tải đó không những là được đảm bảo kinh tế, mà còn được ưu tiên nữa, vì không phải là cơ quan vận tải nào cũng được chọn chở các cháu, mà các cháu nó đi thì đi khá thường xuyên. Còn việc mà gặp khó khăn khi ra ngoài làm ăn.

Vậy thì cơ quan chức năng, một mặt là phải đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp vận tải, một mặt cũng phải cân đối xem là việc mà chở các cháu như vậy, thì có cần phải là xe chuyên dùng hay không. Xe đó không đi ra ngoài vận chuyển nữa, chỉ chở riêng của em thôi hay thế nào. Cái đó là theo tôi phải cân nhắc vì xe các nước cũng vậy thôi, chở các cháu thậm chí không những là có kinh tế mà còn được ưu tiên về vấn đề chi phí nữa.

PV: Vậy để quy định này khi được áp dụng có thể mang lại hiệu quả, liệu có cần cơ chế hay chính sách gì kèm theo hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Cái thứ nhất, những xe chuyên chở học sinh là phải đảm bảo an toàn hơn, cái này là cơ chế thuộc về các nhà vận tải. Tức là xe đó phải đúng niên hạn, xe phải tương đối mới, và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật tốt hơn những xe thường thì mới được cho chở học sinh. Cái thứ hai là người lái xe đó phải đảm bảo là người có kỹ thuật tốt, kể cả về vấn đề chuyên môn, kể cả vấn đề tính cách, đạo đức, tinh thần trách cũng phải đảm bảo.

Thứ ba là đối với những xe mà chở học sinh, theo tôi Nhà nước có thể trợ giá hoặc hỗ trợ phần nào đó, để đảm bảo là cái xe đó nó đến đúng giờ, đảm bảo an toàn, đảm bảo về chức năng, và chất lượng dịch vụ, có thể đi lại êm thuận, v.v…và điểm nữa là những người lái xe đó có thể có mức lương ưu tiên hơn một chút.

Nếu mà làm được như vậy, và cơ quan vận tải đảm bảo được một cái lượng xe nào đấy, thì theo tôi là những cái xe đó sẽ chỉ có chức năng chở học sinh đi học thôi, chứ không cần làm công tác khác nữa.

PV: Xin cảm ông.