Xe chở rác được quyền bẩn?

Không công việc nào là dễ dàng và khi đã chọn công việc phục vụ nhân dân, cần phải có được thái độ trách nhiệm với công việc của mình, biết yêu công việc của mình. Khi đó, chính họ sẽ là tấm gương để người dân nhìn vào mà tự thay đổi thái độ, trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường chung...

Với mật độ dân số tập trung quá đông đúc, đặc biệt ở những quận nội thành, việc một lượng lớn rác thải sinh hoạt thải ra hằng ngày khiến công việc của những công nhân vệ sinh môi trường hết sức vất vả. Có thể nói, đây là một trong những công việc nặng nhọc và tổn hại sức khoẻ nhiều nhất.

Trong khi đó, mặc dù ở đô thị, nhưng ý thức của người dân nói chung trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường công cộng còn rất kém.

Tình trạng xả rác bừa bãi ra đường, ra ngõ xóm, mương nước, sông hồ khiến tất cả những nơi này trở nên ô nhiễm nghiêm trọng.

Có thể lấy ví dụ ngay việc Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, sông Hồng đang ngày càng trở nên giống như những nơi xả thải của người thành phố. Chưa kể đến các dòng sông khác giờ đã chính thức trở thành cống nước thải, như sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, sông Nhuệ…

Người dân cần có trách nhiệm hơn với việc giữ gìn vệ sinh môi trường, để rác đúng nơi quy định và không xả rác bừa bãi

Người dân đã vậy, ngay cả những người làm công tác vệ sinh môi trường cũng không cho rằng, công việc của mình là cần phải đảm bảo cho đường phố phải sạch sẽ.

Nhiều lúc, nhiều nơi, chính việc làm không có trách nhiệm của một bộ phận những người phụ trách công việc vệ sinh đường phố đã khiến làm xấu đi hình ảnh, đáng nhẽ là rất đẹp đẽ của họ.

Nếu phải đi qua những điạ điểm tập kết rác thải mới rõ. Vỉa hè, lòng đường những địa điểm này luôn trong tình trạng bẩn thỉu.

Thậm chí, nhiều nơi chiếm luôn một phần vỉa hè, khiến người đi bộ phải đi tránh xuống dưới lòng đường, và phải tránh khá xa nếu không muốn dẫm chân phải bãi nước thải và mũi ngửi mùi hôi thối.

Những người làm công việc phục vụ cộng đồng cũng cần phải nâng cao trách nhiệm với môi trường, với công việc của mình

Những người làm công tác vệ sinh môi trường, hình như họ quên mất một điều rằng, dịch vụ công cộng cũng là thể hiện bộ mặt của Thủ đô.

Có sạch sẽ thì Thủ đô mới sạch sẽ, mới có ấn tượng tốt với du khách, với người dân. Liệu có phải mức phạt nhẹ đi, khiến việc vi phạm dễ dàng diễn ra hơn?

Hay do những người làm công việc này tự cho rằng, làm công việc dọn rác đã vất vả, bẩn thỉu quanh năm thì không cần phải quan tâm đến việc giữ gìn môi trường, giữ gìn sạch sẽ phương tiện, công cụ lao động của mình?

Không công việc nào là dễ dàng, và với những người đã lựa chọn công việc phục vụ nhân dân, họ cần phải có được thái độ trách nhiệm với công việc của mình, biết yêu công việc của mình.

Khi đó, không cần phải tuyên truyền nhiều, chính họ sẽ là tấm gương để người dân nhìn vào công việc của họ mà tự thay đổi thái độ, trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường chung của thành phố. Từ đó, sẽ giúp công việc của họ nhẹ nhàng hơn.