Wifi trên máy bay, giá cao nhưng vì sao vẫn tệ?

Tiềm năng phát triển lớn nhưng khả năng cung cấp wifi trên máy bay của các hãng hàng không vẫn gặp rất nhiều thách thức, bị hành khách chỉ trích vì chất lượng phập phù trong khi giá dịch vụ cao ngất ngưởng.

“Lần đầu tôi trải nghiệm internet hàng không là trên chuyến bay của American Airlines. Tôi phải trả tới 17 USD để sử dụng wifi, nhưng hầu hết thời gian nó không hoạt động”.

Đây là chia sẻ của cô Magdalena Petrova, một hành khách đi máy bay tại Mỹ. Theo nhận định của một số người, giá dịch vụ wifi trên máy bay khá cao, nhưng chất lượng không phải lúc nào cũng tốt.

“Tôi từng đi hai chuyến bay của Delta Airlines. Chuyến đầu tiên wifi ễn phí và chất lượng khá tốt. Chuyến thứ 2, tín hiệu wifi rất tệ nhưng tôi mất tới 10 USD”.

“Tôi phải trả 8 USD nhưng về cơ bản internet trên máy bay không hoạt động. Lúc đó tôi đã định liên hệ với United Airlines để đòi lại tiền vì thực sự chất lượng wifi trên chuyến bay đó rất tệ”.

Nhiều người sẵn sàng trả tiền để sử dụng wifi trên máy bay - Ảnh Airadvisor.com

Khảo sát cho thấy, nhiều người sẵn sàng trả tiền để sử dụng wifi trên máy bay, thay vì một nhóm nhỏ hành khách thương gia trước đây.

Các hãng hàng không hiện phải đối mặt với lượng khách có nhu cầu sử dụng wifi cao hơn, cùng mong muốn được truy cập trực tuyến cho nhiều hoạt động hơn như nhắn tin, gửi email, xem phim, giải trí…Ông Selh Miller, chuyên gia hàng không tới từ Công ty nghiên cứu trải nghiệm của hành khách đi máy bay PaxEx.Aero cho biết: “Nhu cầu kết nối wiffi trên máy bay của hành khách đang tăng lên nhanh chóng và mạnh hơn nhiều so với khả năng mà các nhà cung cấp có thể theo kịp”.

Khảo sát của nhà cung cấp wifi ViaSat mới đây cho thấy, kết nối internet hiện không còn là ‘điều mong muốn’ của hành khách mà trở thành ‘điều phải có’ trong suốt chuyến bay. 83% người được hỏi cho biết, họ sẽ đặt lại vé với hãng hàng không nào có chất lượng wifi tốt hơn.

Cũng theo khảo sát, wifi trên máy bay chỉ đứng sau chi phí giá vé trong việc ảnh hưởng đến quyết định đặt vé của người dùng, vượt qua các yếu tố như chỗ để chân hay dịch vụ ăn uống trên máy bay.

Theo phân tích của nền tảng dữ liệu trực tuyến Statista, quy mô của thị trường wifi trên máy bay toàn cầu dự kiến lên tới gần 40 tỷ USD vào năm 2031.

Dù tiềm năng phát triển lớn, tuy nhiên khả năng cung cấp wifi trên máy bay hiện vẫn là thách thức không nhỏ đối với các hãng hàng không.

Ông Joseph Eddy, Giám đốc Dự án triển khai kết nối internet và giải trí trên các chuyến bay của Delta Airlines chia sẻ: “Việc phối hợp giữa vệ tinh, máy bay và trạm tín hiệu dưới mặt đất ở độ cao gần 10.000 m và tốc độ hơn 800 km/h rõ ràng là cực kỳ phức tạp. Chúng tôi muốn cung cấp internet không giới hạn để khách hàng của mình có thể  lướt mạng xã hội, xem phim, giải trí… cũng như làm bất cứ điều gì họ muốn. Nhưng khả năng cung cấp đủ dung lượng internet cho tất cả mọi người thực sự là một thách thức lớn”

Theo các chuyên gia, có hai cách chính để cung cấp internet trên máy bay, đó là sử dụng tín hiệu từ mặt đất hoặc từ vệ tinh.

Tín hiệu từ mặt đất là dựa vào các trạm phát sóng lớn. Máy bay được trang bị ăng ten thu sóng dưới bụng để nhận tín hiệu từ các trạm này. Khi bay qua các khu vực khác nhau nó sẽ tự chuyển vùng kết nối.

Ông Selh Miller, chuyên gia hàng không từ PaxEx.Aero cho biết: “Phương thức không đối đất đã tồn tại trong rất nhiều năm và nó vẫn còn được sử dụng trên một số máy bay phản lực hoạt động trong khu vực nhỏ. Hiện nay người ta đã phát triển thành hệ thống vệ tinh”.

Kết nối internet hiện không còn là ‘điều mong muốn’ của hành khách mà trở thành ‘điều phải có’ trong suốt chuyến bay - Ảnh Airadvisor.com

Bằng cách sử dụng các vệ tinh quay xung quanh trái đất, ăng ten lắp đặt trên lưng máy bay sẽ thu tín hiệu từ những vệ tinh, cho phép kết nối internet ở tốc độ cao. Dù chi phí đắt đỏ nhưng đây được xem là lựa chọn duy nhất để cung cấp internet cho các chuyến bay xuyên lục địa.

Ông Joseph Eddy từ Delta Airlines chia sẻ: “Nhược điểm của trạm thu dưới mặt đất là phạm vi hoạt động, đặc biệt khi bay qua các đại dương chúng hoàn toàn mất tín hiệu. Trong khi đó, vệ tinh có độ bao phủ rộng hơn, ít vật cản hơn và chiếu xuống đỉnh máy bay, do vậy chúng ta không cần lo lắng bất cứ điều gì về tầm nhìn”.

Dù có những bước tiến lớn, nhưng dịch vụ cung cấp wifi của ngành hàng không hiện vẫn còn nhiều hạn chế, do đặc điểm máy bay di chuyển tốc độ cao và qua các khu vực địa lý rộng lớn. Điều này yêu cầu một vùng phủ sóng nhất quán để đảm bảo kết nối chất lượng cao trong suốt hành trình.

Tuy nhiên, với sự gia tăng nhu cầu kết nối internet, các hãng hàng không đang không ngừng tìm kiếm giải pháp để cải thiện chất lượng dịch vụ.

Ông Joseph Eddy cho biết thêm: “Chúng tôi thực sự mong muốn nâng cấp chất lượng dịch vụ wifi để tăng trải nghiệm cho hành khách và đang tiến gần đến mục tiêu đó. Hiện ngày càng nhiều vệ tinh được đưa vào quỹ đạo và điều này có nghĩa chất lượng wifi sẽ ngày càng tốt hơn lên theo thời gian”.

Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên cung cấp dịch vụ Wi-Fi trên máy bay từ năm 2019 với giá cả dao động từ khoảng 3 đến 30 USD

Được biết, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam dự định cung cấp dịch vụ Internet trên không cho các chuyến bay tới Mỹ, châu Âu và một số tuyến bay nội địa từ năm 2025, đồng thời mở rộng cho các máy bay và chặng bay khác vào năm 2026. Việc triển khai dự án này có sự hợp tác của VNPT và Vietnam Airlines trong việc hoàn thiện thủ tục và thiết lập hạ tầng cần thiết để vận hành. Dịch vụ Internet dự kiến sẽ có tốc độ lên đến 60 Mbps nhờ vào công nghệ tiên tiến.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT của Vietnam Airlines, nhận định, dịch vụ Internet trên máy bay sẽ giúp Vietnam Airlines trở thành một trong những hãng hàng không dẫn đầu về công nghệ số ở khu vực.