Vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Số ca nhập viện lên 469, bệnh nhi thở máy có dấu hiệu khả quan

Thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai, tính đến sáng nay (03/5), các bệnh viện tại thành phố Long Khánh đã tiếp nhận cấp cứu 469 ca nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh Băng (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh).

SỐ CA NHẬP VIỆN VỤ NGỘ ĐỘC BÁNH MÌ Ở ĐỒNG NAI LÊN ĐẾN 469 NGƯỜI

Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đang điều trị cho 321 ca, xuất viện 19 ca, cấp toa thuốc cho bệnh nhân điều trị tại nhà là 96 ca, chuyển viện 11 ca.

Hiện tại, các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện này đều ổn định. Bệnh viện vẫn đang tiếp nhận bệnh nhân vào viện nhưng không ồ ạt.

Bệnh viện Đa khoa cao su Đồng Nai tiếp nhận chữa trị 22 ca, trong đó có 9 trẻ em và không có ca nặng.

Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang tiếp nhận chữa trị cho 12 bé bị ngộ độc liên quan đến vụ việc trên. Trong đó, có 5 ca bệnh nặng nhưng đang được các y, bác sĩ điều trị tích cực nên bệnh nhi có dấu hiệu khả quan hơn, diễn biến tốt hơn. Hai ca nặng thở máy tối qua thêm lọc máu, hiện huyết động tạm ổn.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chia sẻ:

“Nhận tin là chúng tôi huy động lực lượng chuẩn bị để tiếp nhận những trường hợp nặng vì bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức, điều trị, thu dung những trường hợp bệnh dịch như sốt xuất huyết, tay chân ệng... nên trong trường hợp cấp cứu hàng loạt, chúng tôi không bị động. Đây là những trường hợp khá nặng và diễn biến nhanh, chính vì vậy, việc tiếp nhận, nhận biết bệnh, thu dung, điều trị, theo dõi rất quan trọng để góp phần giảm thiểu tác hại”.

Thông tin thêm về trường hợp em bé 6 tuổi nhập viện vào trưa 2/5 trong tình trạng sốt liên tục, co giật, đã ngưng tim, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định, khi vào Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh em bé đã được đã điều trị tốt, cấp cứu kịp thời nên có tim trở lại, sau đó bệnh viện tiến hành điều trị tích cực và nâng huyết áp, ổn định bệnh nhân và đưa về Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai:

“Chúng tôi đã tiếp nhận em bé và phải dùng thở máy, kháng sinh phổ rộng, hai thuốc nâng huyết áp, trợ tim. Chúng tôi phải tiến hành lọc máu ngay cho em bé để cố gắng lấy được độc chất từ máu để giúp em bé trở lại bình thường. Hiện tình trạng mạch hiệu, huyết áp của em bé tương đối ổn định”.

Ngoài tiếp nhận những ca chuyển viện từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh thì một số gia đình tự đưa con đi khám. 

Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã lập thêm 1 đơn vị cấp cứu và điều trị ngộ độc với quy mô 70 giường bệnh để tập trung tiếp nhận và điều trị các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm từ ngày 2-5, do đó, không quá tải.

Bác sĩ Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nhận định, dù số ca nghi ngộ độc đang tăng nhưng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định sau khi nhập viện: “Đa phần người lớn, các trường hợp nhẹ và hiện tương đối ổn định hơn nhưng đối với trẻ em, có em diễn biến nặng, một số em trong nguy cơ phải theo dõi sát”.

Bác sĩ Trung cho hay, về dự phòng an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Đồng Nai cũng đã có biện pháp giám sát, kiểm tra, lấy mẫu, đánh giá tình hình các ca nhiễm và có chỉ đạo khắc phục sự cố. Đối với các bệnh viện, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường tiếp nhận, chủ động điều trị để phân loại điều trị, tránh bỏ sót tổn thương và bỏ sót những ca nặng dẫn đến nguy cơ cao.

“Trong trường hợp xấu hơn nữa, nếu có những ca nặng xảy ra, chúng tôi sẽ có nhiều phương án, chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc cần thiết thì sẽ chuyển bệnh nhân lên TP.HCM và có thể nhờ chuyên gia TP.HCM xuống hỗ trợ”, ông Trung nói.

Các y, bác sĩ của bệnh viện vẫn làm tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho những nạn nhân của vụ việc này.